20/01/2016 08:30 GMT+7

Tính chuyện cách mạng công nghiệp lần 4

TRẦN PHƯƠNG, TRANPHUONG@TUOITRE.COM.VN
TRẦN PHƯƠNG, TRANPHUONG@TUOITRE.COM.VN

TT - Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm nay diễn ra từ ngày 20-1 tại khu nghỉ dưỡng Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Binh lính Thụy Sĩ tuần tra tại Davos ngày 18-1 - Ảnh: Reuters
Binh lính Thụy Sĩ tuần tra tại Davos ngày 18-1 - Ảnh: Reuters

“Chúng ta phải có một nhận thức toàn diện và được chia sẻ trên toàn cầu về việc công nghệ đang thay đổi cuộc sống của chúng ta và các thế hệ tương lai như thế nào

Klaus Schwab (nhà sáng lập và chủ tịch WEF)

Cuộc gặp mặt làm việc thường niên của hơn 2.500 thành viên từ 100 nước, bao gồm 40 lãnh đạo quốc gia, đại diện của các tổ chức toàn cầu, tập đoàn, viện nghiên cứu, truyền thông, dĩ nhiên luôn thu hút sự chú ý của thế giới bởi nó bàn những vấn đề lớn mang tầm toàn cầu.

Ông Klaus Schwab, nhà sáng lập và chủ tịch WEF, cho biết diễn đàn sẽ đi theo ba hướng chính là tình hình địa - chính trị thế giới, các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như các ảnh hưởng của nó.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ không tham dự và thay thế ông là Phó tổng thống Joe Biden (đã có mặt tại Thụy Sĩ từ hôm 18-1) và Ngoại trưởng John Kerry. Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng vắng mặt.

An ninh siết chặt

Cuộc gặp năm nay mang đậm dấu ấn an ninh với nhiều cảnh báo về nguy cơ tấn công khủng bố liều chết. An ninh đã được tăng cường từ sớm. Chính quyền Thụy Sĩ cho triển khai 5.000 quân nhân để hỗ trợ và đảm bảo an ninh tại khu vực Davos từ ngày 15 đến 25-1.

“Tình hình toàn cầu đã ảnh hưởng đến đánh giá và điều chỉnh của chúng tôi” - tờ Deutsche Welle dẫn lời chỉ huy Walter Schlegel của Sở Cảnh sát Graubunden.

“Các vụ đánh bom ở Paris tháng 11 năm ngoái cho thấy một kiểu đe dọa mới cho WEF và đòi hỏi các biện pháp mới. Lần đầu tiên ở châu Âu, những kẻ khủng bố sử dụng đai thuốc nổ để đánh bom liều chết” - ông Schlegel thừa nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại WEF lần này khó khăn hơn năm ngoái, nhưng cho biết đến nay không có lo ngại an ninh nghiêm trọng nào.

Hai tuyến đường bộ chính dẫn vào thị trấn Davos đã bị siết chặt kiểm soát. Ngoài binh sĩ còn có sự hiện diện của hàng ngàn cảnh sát và nhân viên an ninh tư nhân. Lực lượng an ninh cộng với số người tham dự WEF thậm chí còn nhiều hơn dân số địa phương.

“Davos như một pháo đài trong thời gian diễn ra Diễn đàn kinh tế thế giới” - Nuot Lietha, một nhân viên văn phòng du lịch địa phương, bình luận. Chi phí an ninh vào khoảng 7,3 triệu euro.

Trang Swissinfo cho biết cảnh sát Thụy Sĩ cũng đã tăng cường các hoạt động tuần tra, bao gồm sử dụng chó nghiệp vụ để kiểm tra thuốc nổ trên các xe hơi đi vào Davos.

Các cơ quan an ninh quốc gia như cảnh sát liên bang, cơ quan tình báo Thụy Sĩ, cảnh sát biên giới, địa phương và các cơ quan tình báo nước ngoài đều phối hợp để theo dõi an ninh trước và trong suốt thời gian diễn ra WEF.

Cách mạng công nghệ

Chủ đề thảo luận chính năm nay cũng chính là tựa đề cuốn sách của ông Klaus Schwab xuất bản ngay trước khi các thành viên lên đường đến diễn đàn. Cuốn sách đề cập hàng loạt công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, robot, Internet, phương tiện bán tự động, in 3D, công nghệ sinh học...

Theo ông Schwab, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.

Dù một số người cho rằng đây chỉ là sự mở rộng của cuộc cách mạng lần thứ ba, cuộc cách mạng máy tính những năm 1960, nhưng ông Schwab cho rằng tốc độ, quy mô và tác động của những công nghệ mới xứng đáng được gọi là cuộc cách mạng thứ tư, theo báo Financial Times.

Ông Schwab nhận định cuộc cách mạng đang tác động lên mọi ngành công nghiệp tại mọi quốc gia và cần được lèo lái một cách đúng đắn. Sự phổ biến của những “nhà máy thông minh” đang khiến hàng triệu người mất việc. Công nghệ dần trở thành một phần không thể thiếu của con người từ giới cổ cồn, các giáo sư, bác sĩ cho đến những tay buôn ma túy.

Vấn đề đặt ra là liệu chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng này hay chưa. “Chúng ta cảm thấy mình chưa đủ sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng nó sẽ ập đến như sóng thần và thay đổi toàn bộ các hệ thống” - ông Schwab nói.

Tuy nhiên, giáo sư Don Tapscott thuộc Đại học Toronto đặt ra nhiều câu hỏi cần được trả lời như làm sao để sử dụng công nghệ giúp phát triển thay vì làm gia tăng bất công, thất nghiệp? Liệu công nghệ có thể giúp giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu, y tế?

Công nghệ sẽ làm thay đổi bức tranh an ninh như thế nào? Liệu các chính phủ có khả năng đưa ra các quyết định khi những vấn đề họ đối mặt trở nên phức tạp, biến động và liên kết với nhau hơn bao giờ hết?

Ngoài ra, những thách thức chính như an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu và “sự bình thường mới” của tăng trưởng toàn cầu, giá cả hàng hóa cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của diễn đàn.

TRẦN PHƯƠNG, TRANPHUONG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên