Ukraine tiến sâu 35km ở vùng Kursk
Ngày 20-8, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Oleksandr Syrsky cho hay quân đội nước này đã tiến sâu 28-35km vào vùng Kursk của Nga. Trong khi đó, Matxcơva đang điều động một số quân từ các hướng khác để tăng cường các vị trí ở Kursk.
Phát biểu trong một cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình, tướng Syrsky thông báo Matxcơva cũng đang gửi thêm quân đến khu vực Pokrovsk ở phía Đông Ukraine, nơi đang diễn ra cuộc giao tranh dữ dội nhất kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022.
Cũng trong ngày 20-8, Nga đã thành lập ba nhóm quân sự mới để tăng cường an ninh tại các khu vực giáp biên giới với Ukraine và các nhóm này được đặt tên theo các khu vực Kursk, Belgorod và Bryansk.
Chỉ huy lực lượng đặc biệt Akhmat của Liên bang Nga, ông Apti Alaudinov, tuyên bố nỗ lực tiến quân của lực lượng Ukraine đã bị chặn lại trên toàn bộ vùng Kursk, với các nguồn lực chính của họ bị phá hủy và quân đội Nga đang nỗ lực đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi các khu định cư.
Hé lộ các nước NATO chuẩn bị cho Ukraine tấn công vùng Kursk
Ngày 20-8, báo Izvestia dẫn lời cơ quan tình báo nước ngoài của Nga cho biết cuộc tấn công của Ukraine vào vùng Kursk đã được chuẩn bị với sự tham gia của cơ quan tình báo từ Mỹ, Anh và Ba Lan.
Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào vùng Kursk của Nga vào ngày 6-8, nhằm tạo ra một vùng đệm và làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của Nga.
"Chiến dịch của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở vùng Kursk đã được chuẩn bị với sự tham gia của các cơ quan tình báo Mỹ, Anh và Ba Lan", báo Izvestia dẫn lời Cơ quan Tình báo nước ngoài. "Các đơn vị tham gia đã trải qua huấn luyện phối hợp chiến đấu tại các trung tâm huấn luyện ở Anh và Đức".
Cơ quan Tình báo nước ngoài nói với Izvestia rằng họ có "thông tin đáng tin cậy" về những khẳng định của mình, nhưng không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.
Nhà Trắng trước đó đã nói rằng Mỹ không có thông tin về việc Kiev dự định tiến hành một cuộc tấn công vào vùng Kursk.
Trong khi Nga tiếp tục tiến công ở miền Đông Ukraine, Kiev tuyên bố đã chiếm được 1.263km² lãnh thổ Kursk, bao gồm 93 khu định cư.
Ông Biden phê duyệt kế hoạch chiến lược hạt nhân tuyệt mật
Theo báo New York Times, vào tháng 3 Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt kế hoạch chiến lược hạt nhân tuyệt mật, lần đầu tiên tái định hướng chiến lược răn đe của Washington đối với việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Nhà Trắng chưa từng công bố rằng ông Biden đã phê duyệt chiến lược sửa đổi, mang tên "Hướng dẫn Sử dụng vũ khí hạt nhân". Việc thông báo cho Quốc hội về việc sửa đổi này dự kiến sẽ được gửi trước khi ông Biden rời nhiệm sở.
Trong các bài phát biểu gần đây, hai quan chức cao cấp của chính quyền đã được phép ám chỉ đến việc sửa đổi chiến lược này, vốn được cập nhật khoảng bốn năm một lần.
Bà Kamala Harris gây quỹ được nửa tỉ USD
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã gây quỹ được khoảng 500 triệu USD kể từ khi bà trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Con số này phản ánh sự nhiệt tình của các nhà tài trợ trước thềm cuộc bầu cử ngày 5-11 tới.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay số tiền này đã được quyên góp cho bà Harris trong bốn tuần kể từ khi bà chính thức tham gia cuộc đua vào ngày 21-7.
Nguồn tài chính chiến dịch là yếu tố then chốt cho các hoạt động quảng cáo và vận động cử tri đi bầu, giúp thuyết phục những cử tri còn do dự ủng hộ ứng viên.
Bà Harris bước vào cuộc đua sau khi Tổng thống Joe Biden quyết định không tiếp tục tranh cử, tạo ra làn sóng tài trợ mạnh mẽ sau khi nguồn tiền giảm dần sau cuộc tranh luận được cho là thất bại của ông Biden với ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Trong tuần đầu tiên của chiến dịch, bà Harris đã gây quỹ được 200 triệu USD, nhanh chóng củng cố sự ủng hộ để trở thành ứng viên của Đảng Dân chủ.
Đội ngũ của bà Harris đã huy động được 310 triệu đô la trong tháng 7, nâng tổng số tiền mà bà và ông Biden đã gây quỹ trước khi ông Biden rút lui lên hơn 1 tỉ USD.
Chiến dịch của ông Trump cho biết đã gây quỹ được 138,7 triệu USD trong tháng 7 và hiện có 327 triệu USD tiền mặt.
WHO kêu gọi chung tay ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 20-8, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge đã kêu gọi các nước châu Âu và các nước khác cùng phối hợp các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát và "xóa sổ" bệnh đậu mùa khỉ (mpox) trên phạm vi toàn cầu.
Ông Kluge cho rằng cho dù là chủng mới hay cũ, bệnh đậu mùa khỉ sẽ không lặp lại kịch bản tương tự như những gì thế giới trải qua khi ứng phó với đại dịch COVID-19, bởi cơ quan y tế các nước đã biết cách khống chế sự lây lan của dịch.
Vì vậy, ông Kluge cho rằng việc các nước lựa chọn cách thức chung tay khống chế bệnh đậu mùa khỉ hiện nay và trong những năm tới sẽ là một phép thử quan trọng đối với cả châu Âu nói riêng và thế giới nói chung về năng lực ứng phó với đại dịch.
WHO ngày 14-8 ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở các nước châu Phi. Hiện bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở CHDC Congo và các nước láng giềng với chủng bệnh đặc hữu, được gọi là "clade I" và một biến thể mới được gọi là "clade Ib" gây quan ngại toàn cầu do biến thể mới này dường như dễ lây lan hơn qua tiếp xúc gần.
Cơ quan y tế Thụy Điển ngày 15-8 xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới "clade Ib" gây bệnh mpox tại quốc gia châu Âu này. Đây là trường hợp đầu tiên ở bên ngoài châu Phi nhiễm biến thể mới của bệnh đậu mùa khỉ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận