
Tổng thống Ukraine Zelensky (trái) tại cuộc gặp đặc phái viên Mỹ Kellogg ngày 20-2 - Ảnh: REUTERS
Cuộc "khẩu chiến" giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục là đề tài khiến truyền thông thế giới hao tổn giấy mực. Một loạt động thái ngoại giao đã được các nước châu Âu thực hiện để tránh sự việc ngày càng đi xa.
Tổng thống Ukraine: Sẵn sàng cho thỏa thuận đầu tư, an ninh với Mỹ
Ngày 20-2, một ngày sau những lời lẽ gay gắt qua lại, Tổng thống Ukraine Zelensky đã xuống nước khi bắn tín hiệu sẵn sàng cho các thỏa thuận với Mỹ. Động thái diễn ra sau khi ông có "cuộc thảo luận tốt đẹp" ngày 20-2 với ông Keith Kellogg, đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga.
"Ukraine đã sẵn sàng cho một thỏa thuận đầu tư và an ninh mạnh mẽ, hiệu quả với Tổng thống Mỹ. Chúng tôi đã đề xuất cách nhanh nhất và mang tính xây dựng nhất để đạt được kết quả. Nhóm của chúng tôi sẵn sàng làm việc 24/7", ông Zelensky viết trên mạng xã hội X.
Nhà lãnh đạo Ukraine kế đó cho biết cuộc thảo luận của ông với ông Kellogg tập trung vào tình hình chiến trường, các đảm bảo an ninh mà Ukraine đang tìm kiếm và việc trao trả tù binh chiến tranh.
"Điều quan trọng đối với chúng tôi cũng như đối với toàn bộ thế giới tự do là sức mạnh của nước Mỹ phải được cảm nhận", ông viết tiếp.
Quan chức Mỹ: Ông Trump đang rất bực ông Zelensky
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 20-2, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz tiết lộ Tổng thống Trump đang "rất bực" nhà lãnh đạo Ukraine sau khi bị nói đang "sống trong bong bóng tin giả của Nga".
Theo ông Waltz, phát ngôn này là "không thể chấp nhận được", đồng thời ông cũng khuyến cáo Ukraine nên xuống giọng với Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ kế đó kêu gọi Tổng thống Zelensky quay trở lại đàm phán thỏa thuận lấy khoáng sản Ukraine bù lại tiền viện trợ của Washington.
Hôm 19-2, ông Zelensky đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ về 500 tỉ USD khoáng sản từ Ukraine để bù lại khoản viện trợ với lý do Mỹ chưa hỗ trợ đến ngần ấy tiền.
"Chúng tôi đã đưa cho người Ukraine một cơ hội thực sự đáng kinh ngạc và mang tính lịch sử", ông Waltz nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngày 20-2, đồng thời nói thêm rằng thỏa thuận này sẽ mang tính "bền vững" và là "bảo đảm an ninh tốt nhất" mà Ukraine có thể hy vọng.
Tổng thống Pháp nhắc ông Trump về Ukraine và Nga
Trong phiên hỏi đáp hơn 1 tiếng trên mạng xã hội ngày 20-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo ông Trump không nên thể hiện sự yếu đuối trước Tổng thống Nga Vladimir Putin, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc ông xử lý mối quan hệ với Trung Quốc và Iran.
"Tôi sẽ nói với ông ấy là 'Ông không thể yếu đuối với Tổng thống Putin. Đó không phải là con người ông, đó không phải là thương hiệu của ông, điều đó không nằm trong lợi ích của ông'", ông Macron hé lộ những gì sẽ nói khi đến Mỹ vào đầu tuần sau.
"Tôi cũng sẽ nói với ông ấy 'Nếu ông để Ukraine bị chiếm, Nga sẽ không dừng lại'", nhà lãnh đạo Pháp nói tiếp và cho rằng nếu điều này xảy ra, Matxcơva sẽ mạnh hơn nhờ kho vũ khí mà Mỹ và các nước phương Tây khác viện trợ cho Kiev.
"Đó sẽ là sai lầm chiến lược", ông Macron cảnh báo.

Biểu cảm của Tổng thống Pháp Macron khi chủ trì hội nghị khẩn về an ninh châu Âu và Ukraine hôm 19-2 tại Paris - Ảnh: REUTERS
Mỹ từ chối đồng bảo trợ nghị quyết lên án Nga tại Liên hợp quốc
Ít nhất ba nguồn tin ngoại giao của Reuters tiết lộ Mỹ đã từ chối đồng bảo trợ một dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhân 3 năm xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Theo Hãng tin Reuters, dự thảo này ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Kiev và một lần nữa yêu cầu Nga rút quân.
"Trong những năm trước, Mỹ đã liên tục đồng bảo trợ cho các nghị quyết như vậy để ủng hộ một nền hòa bình công bằng ở Ukraine", một nguồn tin của Reuters cho hay. Hiện dự thảo lần này đã được hơn 50 nước đồng bảo trợ.
Các quốc gia có thể quyết định đồng bảo trợ cho một nghị quyết cho đến khi bỏ phiếu. Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên dự kiến sẽ bỏ phiếu vào ngày 24-2 tới. Các nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm các nước về cuộc chiến.
Thượng viện Mỹ thông qua đề cử giám đốc FBI
Với 51 phiếu thuận và 49 phiếu chống, ngày 20-2, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua đề cử ông Kash Patel làm giám đốc mới của Cục Điều tra liên bang (FBI).
Với tư cách là người đứng đầu một trong những cơ quan thực thi pháp luật quyền lực nhất của Mỹ, ông Patel sẽ phải thực hiện các trách nhiệm bảo vệ nước Mỹ khỏi khủng bố, tội phạm nguy hiểm và tham nhũng chính trị cùng với các mối đe dọa từ các đối thủ toàn cầu.
Ông Patel là giám đốc thứ 9 của FBI, theo Hãng tin Reuters. Dưới quyền ông là hơn 38.000 nhân viên cùng khoản ngân sách được đề xuất cho năm 2025 là hơn 11 tỉ USD.
Mexico cảnh báo Mỹ về ý định xâm phạm chủ quyền
Trong cuộc họp báo ngày 20-2, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố đất nước của bà sẽ không dung thứ cho các hành động mang tính xâm lược của Mỹ bất kể lý do chống băng đảng ma túy.
Tám nhóm buôn bán ma túy ở Mỹ Latin đã bị Mỹ chỉ định là tổ chức khủng bố bao gồm các băng đảng Mexico như Jalisco New Generation và Sinaloa. Điều này làm dấy lên lo ngại Mỹ có thể sử dụng máy bay không người lái vũ trang trên lãnh thổ nước láng giềng, dưới danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố.
"Đây không thể là cơ hội để Mỹ xâm phạm chủ quyền của chúng tôi", bà Sheinbaum nhấn mạnh. "Họ có thể gọi chúng (các băng đảng) bất cứ tên gì họ muốn, nhưng với Mexico, đó là sự hợp tác và phối hợp, không bao giờ là sự phục tùng hay can thiệp, xâm lược", Tổng thống Mexico nhấn mạnh.
Cũng theo bà Sheinbaum, Mexico sẽ mở rộng các hành động pháp lý chống lại các nhà sản xuất súng của Mỹ, cáo buộc họ đã cẩu thả trong việc bán vũ khí khiến chúng rơi vào tay các băng đảng Mexico.
Sức khỏe Giáo hoàng Francis cải thiện đôi chút
Giáo hoàng Francis "đang cải thiện đôi chút" và xét nghiệm máu cho thấy tình hình đã ổn định, theo thông báo của Tòa thánh Vatican ngày 20-2. Đây là dấu hiệu tiến triển mới nhất khi vị giáo hoàng 88 tuổi này đang chiến đấu với căn bệnh viêm phổi kép.
"Tình trạng lâm sàng của Giáo hoàng đang cải thiện đôi chút. Ông không còn sốt và các chỉ số huyết động vẫn ổn định", thông báo cho biết thêm. Các chỉ số huyết động đề cập đến khả năng điều hòa lưu lượng máu qua các cơ quan và mô của cơ thể.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã đến thăm Giáo hoàng Francis hôm 19-2 và cho biết người đứng đầu Tòa thánh Vatican "tỉnh táo, phản ứng nhanh".
"Ngài vẫn chưa mất đi khiếu hài hước của mình", bà Meloni nói về việc Giáo hoàng đã đùa rằng một vài người đã cá cược ông còn sống hay chết.
Thưởng ngoạn mùa đông

Ảnh của AFP
Một du khách đang băng qua các hang động băng và tuyết tại điểm du lịch Ice Castles ở thị trấn North Woodstock, bang New Hampshire, Mỹ hôm 8-2 vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận