Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF DavosTheo đặc phái viên TTXVN, tối 20-1 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Zurich, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos 55) và các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 20 đến 23-1-2025 theo lời mời của nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Hội nghị WEF Davos lần thứ 55 mang chủ đề "Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh" có sự tham dự của khoảng 3.000 lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đây là dịp để trao đổi về các định hướng, ưu tiên phát triển và những cơ hội mà Việt Nam có thể mang lại cho các đối tác.
Dự kiến trong 2 ngày tại Davos, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có lịch trình hoạt động dày đặc. Trong đó, Thủ tướng sẽ chủ trì và dự nhiều phiên đối thoại, thảo luận về nhiều lĩnh vực, vấn đề khác nhau như phiên thảo luận toàn thể về "ASEAN: Gắn kết để vươn xa"; đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF; đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng sẽ chủ trì các buổi tọa đàm về "Thương mại và Phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên thông minh;" "Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh;" "Việt Nam trong kỷ nguyên số, tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ;" "Hạ tầng số - Năng lượng xanh: Vươn mình trong kỷ nguyên thông minh"…
Thị trường chứng khoán ngập sắc xanh chào ông Trump
Theo Hãng tin Reuters, thị trường chứng khoán Mỹ ngập sắc xanh trong ngày nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kết thúc phiên ngày 20-1, chỉ số S&P 500 tăng 1 điểm phần trăm, trong khi chỉ số Nasdaq cũng tăng tận 1,51 điểm phần trăm.
Mức tăng này đến từ sự đánh giá lạc quan của các nhà đầu tư đối với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, đặc biệt là niềm tin đối với chương trình nghị sĩ có lợi cho doanh nghiệp mà ông sẽ theo đuổi.
Tâm lý này càng được củng cố khi ông Trump không hề nhắc đến bất kỳ chính sách thuế quan cụ thể nào trong bài phát biểu nhậm chức của mình. Ngay sau đó, một quan chức trong chính quyền mới của ông Trump cũng xác nhận ông sẽ không thông qua chính sách thuế quan nào trong ngày đầu nhậm chức.
Trước mắt, những hành động ban đầu của ông Trump dự kiến chủ yếu xoay quanh việc củng cố nền công nghiệp năng lượng, đánh giá các mối quan hệ thương mại và nới lỏng quy định quản lý tiền điện tử.
Những điều này đã thắp lên hy vọng ông Trump sẽ có cách tiếp cận toan tính hơn đối với việc thay đổi chính sách tài chính.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã giúp thị trường tài chính tăng trưởng đáng kể. Chỉ trong năm đầu tiên ông Trump làm tổng thống (2017), chỉ số S&P 500 đã tăng tận 19,4 điểm phần trăm.
Ông Trump chính thức công bố thành lập Ban Hiệu suất chính phủ
Chiều 20-1 (giờ Washington D.C), ông Trump công bố chính thức thành lập nhóm cố vấn cắt giảm ngân sách chính phủ Mỹ mang tên Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE).
Ông Trump tuyên bố thành lập DOGE trong bài phát biểu nhậm chức: "Để phục hồi năng lực và sự hiệu quả của chính phủ liên bang, chính quyền của tôi sẽ thành lập cơ quan hoàn toàn mới tên Ban Hiệu suất chính phủ".
Như đã được thông tin từ nhiều tháng trước, tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk sẽ lãnh đạo đơn vị này. Tuy nhiên, ông Musk sẽ không có sự đồng hành của tỉ phú kiêm cựu ứng viên tổng thống năm 2024 Vivek Ramaswamy.
Theo kế hoạch ban đầu, ông Ramaswamy sẽ đồng lãnh đạo DOGE cùng ông Musk và cả hai đã hợp tác đưa ra kế hoạch cắt giảm ngân sách trong hai tháng qua. Tuy nhiên, vài ngày qua, tỉ phú gốc Ấn Độ được đồn sẽ rời DOGE để tập trung tranh cử thống đốc bang Ohio.
Người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly xác nhận tin đồn trên: "Ông Vivek Ramaswamy đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng tôi thành lập DOGE. Chúng tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những đóng góp của ông ấy trong hai tháng qua và kỳ vọng ông sẽ đóng vai trò then chốt trong việc khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Dù có chữ "Department" (bộ) trong tên, DOGE không phải một cơ quan trực thuộc chính phủ liên bang và thực chất gần như không có thẩm quyền liên quan đến việc sắp xếp bộ máy nhà nước Mỹ.
Tuy nhiên, ông Musk vẫn công bố bản kế hoạch cải tổ sâu rộng Washington, trong đó tinh giản đến 3/4 vị trí việc làm trong khu vực công.
Do đó, ngay sau khi DOGE được tuyên bố thành lập, một loạt công đoàn nhân viên chính phủ, tổ chức giám sát... đã nộp đơn kiện việc thành lập đơn vị này.
Một trong những đơn kiện khẳng định DOGE vi phạm một luật có hiệu lực từ năm 1972 nhằm quản lý các ủy ban cố vấn liên bang. Một tổ chức khác thì kiện DOGE với lý do vị thế pháp lý của đơn vị này không rõ ràng.
Ông Musk chào ông Trump như kiểu chào Hitler?
Theo báo Politico, trong lúc cao hứng giao lưu với người ủng hộ ông Trump tại buổi diễu hành mừng lễ nhậm chức ở nhà thi đấu Capital One Arena, ông Musk đã thực hiện động tác chào tổng thống Mỹ bằng cách duỗi thẳng một tay với góc chéo lên trời.
Động tác này của ông Musk lập tức bị cộng đồng mạng đặt nghi vấn giống động tác chào độc tài Adolf Hitler của Đức Quốc xã.
Nhà tư vấn chiến lược thuộc Đảng Dân chủ Sawyer Hackett nhanh chóng đăng hình ảnh này lên mạng xã hội với dòng châm chọc: "Tân đồng tổng thống của chúng ta, ông Elon Musk, đã chào kiểu Đức Quốc xã ngay trong ngày đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump".
Hiện chưa rõ ông Musk có thật sự chào kiểu chào Hitler với ông Trump hay hành động trên chỉ là vô tình hoặc một phút cao hứng. Tỉ phú giàu nhất thế giới và tân tổng thống Mỹ đều chưa đưa ra phản hồi.
Cùng lúc, báo New York Times khẳng định ông Musk đã được cấp một phù hiệu ra vào khu phức hợp Nhà Trắng thoải mái. Ngoài ra, đồng minh quan trọng bậc nhất của ông Trump nhiều khả năng sẽ được cấp một phòng làm việc ngay trong Cánh Tây Nhà Trắng - nơi làm việc chính thức của tổng thống, phó tổng thống và các cố vấn thân tín nhất.
Một số thành viên nội các Trump vượt cửa ải phê duyệt đầu tiên
Báo New York Times khẳng định một số thành viên cao cấp nhất trong nội các được ông Trump đề cử đã được các ủy ban Thượng viện thông qua.
Thượng viện Mỹ là cơ quan phê duyệt các đề cử thành viên nội các của tổng thống. Trước khi được toàn thể Thượng viện biểu quyết, ứng viên phải được điều trần trước một ủy ban của cơ quan này và được ủy ban đó thông qua.
Chiều 20-1, ứng viên Ngoại trưởng Marco Rubio đã được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua với tỉ lệ ủng hộ 100%.
Tỉ lệ này trái ngược với ứng viên bộ trưởng quốc phòng Pete Hegseth, người vừa được Ủy ban Quân vụ Thượng viện thông qua với tỉ lệ sít sao: 14 phiếu thuận và 13 phiếu chống.
Ông Hegseth là một trong những đề cử nội các gây tranh cãi nhất của ông Trump khi bị cho là thiếu cả chuyên môn lẫn tư cách đạo đức.
Ứng viên giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) John Ratcliffe, một ứng viên gây tranh cãi khác, cũng vừa được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua với số phiếu an toàn 14 phiếu thuận và chỉ 3 phiếu chống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận