UNRWA tố Israel chặn hàng cứu trợ tại cảng
Theo Hãng tin Reuters, người đứng đầu Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) ở Dải Gaza là Philippe Lazzarini cho biết cơ quan này đang phải đối mặt với những rào cản hành chính ngày càng tăng từ Israel, khi một chuyến hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, gồm 1.049 container bao gồm bột mì, đậu xanh, đường, dầu ăn, đủ đáp ứng nhu cầu của 1,1 triệu người trong một tháng đã bị chặn lại tại cảng.
Theo ông Lazzarini, một bên cung cấp dịch vụ xử lý hàng hóa tại cảng Ashdod (Israel) thông báo với UNRWA rằng theo chỉ dẫn của chính quyền Israel, đơn vị này không thể tiếp tục làm việc với UNRWA nữa.
Israel cáo buộc 12 nhân viên của UNRWA tham gia cuộc tấn công vào lãnh thổ nước này hôm 7-10. Nhiều quốc gia cũng đã đình chỉ việc tài trợ cho cơ quan cứu trợ này.
UNRWA đã sa thải nhân viên bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công và mở một cuộc điều tra.
Hiện UNRWA đã thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ về chuyến hàng bị chặn. Phía Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa đưa ra bình luận.
132 con tin còn sống là "đủ" để Israel tiếp tục chiến dịch quân sự tại Dải Gaza
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của Đài ABC phát ngày 11-2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định 132 con tin Israel còn lại đang bị giam giữ ở Dải Gaza "đủ" để là lý do chính đáng cho cuộc chiến của Israel trong khu vực.
Theo đó, khi được hỏi có bao nhiêu con tin còn sống, ông Netanyahu nói "đủ để đảm bảo những nỗ lực mà chúng tôi đang thực hiện".
"Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để đưa tất cả những người còn sống trở về, và thẳng thắn là cả thi thể của những người đã chết", ông Netanyahu nói thêm.
Thủ tướng Israel cho biết cứ mỗi tay súng Hamas ở Dải Gaza bị tiêu diệt thì có một thường dân Palestine thiệt mạng.
Cơ quan y tế tại Dải Gaza thuộc Hamas cho biết ước tính khoảng 28.000 người Palestine, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ vào tháng 10-2023.
Tổng thống Mỹ thúc giục Thủ tướng Israel bảo vệ cho người dân Palestine tại Rafah
Theo Nhà Trắng, trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 11-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Israel không nên triển khai chiến dịch quân sự ở Rafah mà không có kế hoạch đáng tin cậy để đảm bảo an toàn cho khoảng 1 triệu người đang trú ẩn tại đây.
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi trong vòng 45 phút, vài ngày sau khi ông Biden nói phản ứng quân sự của Israel ở Dải Gaza là "quá mức" và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về số dân thường thiệt mạng ngày càng gia tăng ở Dải Gaza.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, việc kêu gọi đang tập trung chủ yếu vào nỗ lực đảm bảo thả 132 con tin còn lại do Hamas bắt giữ ở Gaza, đồng thời lưu ý về "bước tiến thực sự" đã đạt được trong những tuần gần đây.
Theo lời quan chức này, ông Biden khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với an ninh lâu dài của Israel, nhưng cũng kêu gọi "các bước khẩn cấp và cụ thể" để tăng cường viện trợ nhân đạo cho thường dân Palestine ở Gaza, bao gồm chuyến hàng bột mì lớn của Mỹ đủ cho nhu cầu của 1,4 triệu người tại Gaza trong sáu tháng.
Ông Biden và đồng minh chỉ trích phát ngôn của ông Trump
Ngày 11-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức phương Tây hàng đầu đã chỉ trích cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, sau phát biểu của ông này cho rằng Mỹ có thể sẽ không bảo vệ các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - các quốc gia đang không chi đủ cho chi phí quốc phòng trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga.
Trước đó, phát biểu trong một cuộc mít tinh chính trị tại bang South Carolina, ông Trump kể lại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo NATO, dẫn lời tổng thống của "một nước lớn" mà ông không nêu tên hỏi ông rằng: "Nếu chúng tôi không trả tiền, và chúng tôi bị Nga tấn công, ông sẽ bảo vệ chúng tôi chứ?".
Trả lời, cựu tổng thống Mỹ nói: "Không, tôi sẽ không bảo vệ bạn. Thực tế là tôi sẽ khuyến khích họ (Nga) làm bất cứ điều gì họ muốn. Bạn phải trả".
Chỉ trích phát ngôn của ông Trump, Tổng thống Mỹ Biden khẳng định trong một thông cáo: "Sự lãnh đạo của Mỹ trên trường thế giới và sự hỗ trợ dành cho các đồng minh của chúng ta là rất quan trọng giúp người dân Mỹ được an toàn ở quê nhà".
"Nếu đối thủ của tôi, Donald Trump, có thể giành lại quyền lực, ông ấy đang nói rõ rằng ông ấy sẽ từ bỏ các đồng minh NATO của chúng ta nếu Nga tấn công, và cho phép Nga 'làm bất cứ điều gì họ muốn' với các nước này", thông cáo dẫn lời ông Biden.
31 thành viên NATO nhất trí về mục tiêu chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng, nhưng ước tính của NATO cho thấy chỉ có 11 thành viên chi đúng mức này.
Phát biểu của ông Trump cũng chịu nhiều chỉ trích từ các thành viên NATO và đồng minh của Mỹ.
"Bất kỳ gợi ý nào gợi lên việc các đồng minh không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu toàn diện an ninh của chúng ta, bao gồm cả an ninh của Mỹ, đồng thời khiến binh lính Mỹ và châu Âu đối diện với nguy cơ cao hơn", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong một thông cáo.
"Phương châm 'một vì tất cả, tất cả vì một' của NATO là một cam kết cụ thể. Làm suy yếu uy tín của các nước đồng minh có nghĩa là làm suy yếu toàn bộ NATO", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz viết trên X.
"Không có chiến dịch bầu cử nào là cái cớ để đùa giỡn với an ninh của liên minh", ông này nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhập viện vì gặp vấn đề ở bàng quang
Theo phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã được đưa đến bệnh viện ngày 11-2 (giờ địa phương) để điều trị các triệu chứng cho thấy vấn đề về bàng quang.
Theo đó, ông Austin (70 tuổi) vẫn sẽ tiếp tục thực hiện trọng trách của mình trong thời gian nằm viện.
Vào tháng 1, ông Austin nhận chỉ trích vì đã không tiết lộ chẩn đoán ung thư và những lần nhập viện vào tháng 12-2023 và tháng 1. Ông đã xin lỗi trong một cuộc họp báo trên truyền hình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ ra điều trần trước Quốc hội Mỹ cho vấn đề này vào ngày 29-2.
Ukraine tố lực lượng Nga sử dụng thiết bị Starlink
Cơ quan tình báo quân sự Ukraine ngày 11-2 nói các lực lượng Nga trong vùng bị chiếm đóng của Ukraine đang sử dụng các thiết bị đầu cuối Starlink do Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk sản xuất cho Internet vệ tinh.
Từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2022, các thiết bị đầu cuối này đã được gấp rút đưa vào hỗ trợ Ukraine, đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động liên lạc trên chiến trường của Kiev.
Trong khi đó, Starlink cho biết họ không kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào với chính phủ hoặc quân đội Nga.
Trong một thông cáo, cơ quan tình báo quân sự Ukraine cho biết các thiết bị đầu cuối này đang được các đơn vị như Lữ đoàn tấn công đường không số 83 của Nga sử dụng. Các đơn vị này hoạt động gần các thị trấn Klishchiivka và Andriivka đang bị bao vây ở khu vực phía đông và vùng Donetsk.
Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên của Ukraine cho cáo buộc sử dụng Starlink của Nga.
"Theo hiểu biết của chúng tôi, chưa có thiết bị Starlink nào được bán trực tiếp hoặc gián tiếp cho Nga", tỉ phú Musk viết trên X ngày 11-2.
"Một số thông tin sai sự thật nói rằng SpaceX đang bán thiết bị đầu cuối Starlink cho Nga. Điều này là sai", ông Musk nói thêm.
Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Mỹ đàm phán rút quân khỏi Iraq
Theo Hãng tin Reuters, phát ngôn viên quân đội Iraq ngày 11-2 cho biết Iraq và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán để ấn định thời gian biểu cho việc rút dần lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu khỏi Iraq.
Hãng tin AFP đưa tin vòng đàm phán đầu tiên bắt đầu vào ngày 27-1, nhưng bị tạm ngưng vì cuộc tấn công khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan.
Tướng Yehia Rasool, phát ngôn viên quân sự của thủ tướng Iraq, cho biết các cuộc đàm phán nhằm thiết lập một "mốc thời gian" cho việc "rút dần" các lực lượng liên minh khỏi Iraq và kết thúc sứ mệnh của lực lượng này.
Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tại Iraq được thành lập vào năm 2014 để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Vào năm này, IS đã chiếm gần 1/3 lãnh thổ Iraq và nhiều vùng của nước láng giềng Syria.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận