Lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng cao
Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tổng số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã tăng thêm 163.839 trong tháng 3-2024.
Trong đó, mức tăng chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước với 163.524 tài khoản mở mới. Đây cũng là mức tăng thêm nhiều nhất kể từ tháng 9-2023 đến nay. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ tăng thêm 97 tài khoản.
Ở nhóm nhà đầu tư nước ngoài, tài khoản cá nhân mở mới trong tháng 3 là 212, còn tổ chức tăng thêm 6 tài khoản. Như vậy, lũy kế tổng số tài khoản toàn thị trường tính đến cuối tháng 3 là hơn 7,69 triệu.
Số lượng tài khoản mở mới tăng cao trong bối cảnh thị trường chứng khoán phục hồi và đi lên mạnh mẽ trong quý 1-2024. Thanh khoản trong các tháng đầu năm cũng tăng mạnh với nhiều phiên đạt và vượt mức 30.000 tỉ đồng.
Đại gia bất động sản vẫn đang vay gần 400.000 tỉ đồng trái phiếu
Trong báo cáo vừa công bố, Fiingroup cho biết tính đến hết quý 1-2024, thị trường có 18 lô trái phiếu phát hành mới bởi 15 doanh nghiệp, giá trị đạt 18.750 tỉ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị phát hành chủ yếu là nhà phát triển bất động sản chiếm hơn 55% tổng giá trị, theo sau là các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu (24%) và dịch vụ tài chính (8%). Trong khi đó cùng kỳ năm trước cơ cấu tập trung ở các ngành bất động sản và thực phẩm, đồ uống.
Fiingroup cũng chỉ ra rủi ro áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024. Tính đến 28-3, trong tổng số 1,24 triệu tỉ đồng trái phiếu đang lưu hành, có khoảng 1,1 triệu tỉ đồng là trái phiếu riêng lẻ.
Chuyên gia Fiingroup cho biết, rủi ro có thể đến từ trái phiếu bất động sản với số dư ở mức 395.600 tỉ đồng và ngành xây dựng và vật liệu ở mức 79.200 tỉ đồng.
"Ngành bất động sản theo chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn do lượng hàng tồn kho còn nhiều và giá cả cao, đặc biệt ở nhóm bất động sản dân cư, khiến dòng tiền chưa được khơi thông mặc dù đã có những động thái khuyến khích từ chính sách", Fiingroup lo ngại.
Vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Khánh Hòa: Còn 24 học sinh đang điều trị ở bệnh viện
Chiều 6-4, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa do ông Đinh Văn Thiệu, phó chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì tổ chức họp khẩn, đánh giá tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh sau nhiều vụ ngộ độc và nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thành phố Nha Trang và triển khai các đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm năm 2024.
Ông Thiệu đánh giá tại Khánh Hòa thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, trong đó có người lớn, trẻ em. Từ đây, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm lý tiêu cực cho người dân.
Khánh Hòa phát động và thực hiện cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm từ 8-4 đến hết ngày 15-5, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, kiểm tra tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các hộ kinh doanh đường phố; các bếp ăn cung cấp suất ăn doanh nghiệp; các kho chứa hàng nguyên liệu thực phẩm…
Việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm phải kết hợp với xử lý trật tự đô thị. Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định thì cần phải xử lý nghiêm.
Theo ông Thiệu, quán cơm gà T.A (đường Bà Triệu, Nha Trang) - nơi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt với trên 380 người mắc vào giữa tháng 3 - là cơ sở dịch vụ ăn uống lớn, mỗi ngày bán hàng trăm suất, tuy nhiên không thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu theo quy định, gây khó khăn trong quá trình xác định tác nhân gây ngộ độc.
Ông đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần xử phạt nghiêm quán cơm gà T.A.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phòng chống ngộ độc thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các nhà trường có bếp ăn bán trú.
Người đứng đầu các cơ sở giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong quá trình tổ chức ăn bán trú do nhà trường quản lý.
Cũng tại cuộc họp này, ông Lê Văn Khoa, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, thông tin vụ rối loạn tiêu hóa sau khi ăn sáng trước cổng trường ở phường Vĩnh Trường, Nha Trang có 39 học sinh đau bụng, nôn, tiêu chảy... Hiện tại còn 24 em đang được chăm sóc tại các bệnh viện; 1 ca tử vong vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ.
Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp tại quận, huyện
Dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định thí điểm giao một số phòng tư pháp thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố của Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Theo đó, phòng tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại địa bàn cấp huyện nơi thực hiện thí điểm, công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, trước khi xuất cảnh có thời gian thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại địa bàn cấp huyện nơi thực hiện thí điểm.
Các sở tư pháp sẽ cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại các địa bàn cấp huyện không thực hiện thí điểm và cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp.
Cả nước còn 1.050 thôn "lõm" sóng di động, Internet
Theo báo cáo chuyển đổi số quốc gia quý 1-2024 được Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Chính phủ, đến tháng 3-2024, toàn quốc còn 1.050 thôn "lõm" sóng.
Số này bao gồm số mới phát sinh thêm là 430 thôn "lõm" sóng so với kỳ báo cáo trước tháng 2-2024. Trong đó có 177 thôn chưa có điện; 815 thôn đặc biệt khó khăn.
Về triển khai hạ tầng cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng rộng cố định, bộ này cho biết hiện còn 3.551 thôn chưa có cáp quang đến thôn. Trong đó có 369 thôn chưa có điện; 2.804 thôn đặc biệt khó khăn.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tới đây sẽ tập trung giải quyết vấn đề phủ sóng đối với các thôn "lõm" sóng, phát triển hạ tầng số với các giải pháp. Trong đó, với các thôn đặc biệt khó khăn đã có điện sẽ thúc đẩy triển khai theo chương trình viễn thông công ích.
Các thôn không thuộc khu vực khó khăn đã có điện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai, ưu tiên các khu vực có đông hộ dân sinh sống. Các thôn chưa có điện sẽ đề xuất triển khai điện lưới để phủ sóng di động, triển khai hạ tầng viễn thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận