Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua đã trải qua biến động mạnh với áp lực bán gia tăng. Kết tuần, chỉ số VN-Index giảm 2,3% (gần 29 điểm), đóng cửa ở mức 1.255,1 điểm.
Trong hai phiên đầu tuần, chỉ số chung biến động nhẹ nhưng lực bán mạnh mẽ hơn về các phiên cuối tuần. Riêng phiên thứ 6, lực bắt đáy mạnh lên nhưng kỳ vọng lội ngược dòng bị dập tắt bởi áp lực bán mạnh trong ATC.
Tỉ giá "căng", chứng khoán cũng "cực"
Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược Chứng khoán VNDirect, cho rằng lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường.
Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng gần 16.000 tỉ đồng khi trải qua tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp từ đầu năm.
Bên cạnh đó, tỉ giá USD/VND vượt đỉnh lịch sử và hướng tới mốc 25.000 đồng dù đã có nỗ lực hút ròng của NHNN thông qua kênh OMO cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
"Thị trường chứng khoán trải qua một tuần điều chỉnh đáng kể trước lo ngại về rủi ro tỉ giá đang gia tăng. Tính từ đầu năm, tỉ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng trên 2% chỉ trong vòng 3 tháng", ông Hinh cho biết.
Điều này còn gây quan ngại hơn khi Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng hơn 170.000 tỉ đồng kể từ ngày 11-3 song vẫn chưa kìm hãm được đà tăng của tỉ giá.
Diễn biến này đã tác động không nhỏ tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và kích hoạt đà bán ra trong tuần vừa qua, ông Hinh chỉ ra.
Bà Nguyễn Phương Nga, chuyên gia phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lưu ý tuần vừa qua thanh khoản toàn thị trường có phần sụt giảm trong nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn của thị trường.
Dữ liệu cho thấy tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 127.000 tỉ đồng cả tuần, bình quân khoảng 25.400 tỉ đồng/phiên, mức này đã thấp hơn so với vài tuần trước khi duy trì khoảng 30.000 tỉ đồng.
Cùng với chỉ số đi xuống, thanh khoản bắt đầu có sự điều chỉnh nhẹ, phần nào thể hiện xu hướng tăng ngắn hạn tạm thời kết thúc khi tâm lý nhà đầu tư kém lạc quan và áp lực chốt lời ngắn hạn liên tục gia tăng.
Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán diễn biến kém tích cực
Thống kê cho thấy nhóm ngành bất động sản là điểm sáng hiếm hoi của thị trường trong tuần qua, dù vẫn có sự phân hóa.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng và chứng khoán là những nhóm ngành có diễn biến kém tích cực nhất và điều chỉnh mạnh.
Cụ thể theo chứng khoán SHS, các cổ phiếu ngân hàng ngoại trừ SGB (2,82%), hầu hết đều chịu áp lực điều chỉnh mạnh, thanh khoản gia tăng vượt mức trung bình như MBB (-8,07%), VIB (-7,72%), CTG (-6,61%), STB (-6,33%), TCB (-4,94%)...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng chịu áp lực bán mạnh, đặc biệt trong phiên cuối tuần sau giai đoạn tăng giá tốt như TVB (-10,38%), ORS (-8,31%), AGR (-8,07%), VDS (-7,73%), VCI (-7,62%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su sau giai đoạn tăng giá khá mạnh cũng chịu áp lực bán mạnh trong những phiên cuối tuần, thanh khoản gia tăng mạnh với SIP (-9,89%), DPR (-7,16%), SZC (-6,48%), SNZ (-6,38%), KBC (-5,58%)...
Trong khi đó các cổ phiếu bất động sản có diễn biến phân hóa tích cực hơn nổi bật như HAR (11,59%), NTL (8,78%), PXL (6,77%), TCH (5,10%)... Bên cạnh đó, vẫn có nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh mạnh như HPX (-8,78%), VPH (-6,47%), IJC (-5,70%), ITC (-5,67%)...
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến tăng giá nổi bật trước những thông tin về dự án Lô B Ô Môn và giá dầu tăng giá mạnh, rất nhiều mã tăng giá mạnh như POS (20,31%), PVC (11,49%), PGS (11,11%), PTV (10,87%), PVS (7,65%), PVB (7,41%)...
Dưới áp lực bán ròng của khối ngoại, nhóm cổ phiếu VN30 có diễn biến kém tích cực với mức giảm 3,02% so với tuần trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận