Ghi nhận hơn 7.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, 37 trang web bị tấn công
Thông tin từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong tuần từ ngày 23 đến 29-12-2024, hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin đã ghi nhận 7.083 phản ánh lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet Việt Nam gửi về, tăng 6.227 phản ánh so với tuần trước đó.
Trong số này, có 174 trường hợp phản ánh được tiếp nhận thông qua hệ thống trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn) và 6.909 trường hợp phản ánh qua cuộc gọi, tin nhắn đến tổng đài 156/5656.
Cục An toàn thông tin cũng lưu ý người dùng mạng về các trang web giả mạo tổ chức, doanh nghiệp, người dân cần cẩn trọng khi truy cập để tránh bị lừa đảo gồm: 2 website giả mạo sàn thương mại điện tử Amazon; 2 trang web giả mạo Điện Máy Xanh; 3 trang web giả mạo sàn thương mại điện tử Taobao; 2 trang web giả mạo Kho bạc Nhà nước.
Còn lại là các trang web giả mạo Cục An ninh mạng, Bộ Công an; Văn phòng Chính phủ; sàn thương mại điện tử Shopee; Aeon Việt Nam; Netflix; Giao Hàng Nhanh; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); TikTok; Traveloka; Vingroup.
Đồng thời, tuần qua đã có có 34.860 thiết bị có khả năng bị huy động và trở thành nguồn tấn công DRDoS. Có 37 trường hợp trang web, cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tấn công lừa đảo.
TP.HCM tăng cường kiểm tra nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Công an TP và các sở ban ngành, yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra việc cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh đảm bảo các điều kiện theo quy định.
UBND TP.HCM giao các đơn vị khẩn trương thực hiện các chỉ đạo trước đó về tăng cường quản lý trật tự xây dựng và an toàn cháy nổ cho nhà ở và công trình, các giải pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ, tập trung đông người...
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm về đất đai, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, các quy định về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các vi phạm về xây dựng sai phép, không phép, các trường hợp tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang các loại hình sản xuất, kinh doanh khác mà không bảo đảm các điều kiện đưa vào sử dụng.
Sở Xây dựng định kỳ hằng quý, 6 tháng sơ kết, tổng kết việc thực hiện chỉ đạo nêu trên, trình UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng, phòng cháy chữa cháy.
Năm 2025, Hà Nội chú trọng thanh tra việc cấp "sổ đỏ" và quỹ nhà tái định cư bỏ trống
Theo danh mục các cuộc thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội, trong quý 2-2025, Thanh tra TP sẽ thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với trường hợp đủ điều kiện tính đến ngày 1-7-2014 nhưng chưa được cấp "sổ đỏ" tại huyện Thanh Trì đối với chủ tịch UBND huyện.
Tại quận Cầu Giấy, Thanh tra thành phố sẽ thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND quận trong việc tiếp nhận, quản lý và cấp "sổ đỏ" do các cơ quan, đơn vị trước đây cấp cho cán bộ, công chức, người lao động. Đối tượng thanh tra là chủ tịch UBND quận Cầu Giấy.
Cũng trong quý 2-2025, Thanh tra thành phố thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư hiện có nhưng chưa bố trí tái định cư. Đối tượng thanh tra là giám đốc Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội có 40 dự án phát triển nhà ở phục vụ tái định cư. Trong đó đã hoàn thành 19 dự án với 4.684 căn hộ; 21 dự án đang triển khai, khi hoàn thành có 13.870 căn hộ. So với kế hoạch được duyệt dự kiến hoàn thành vượt mục tiêu 2.163 căn hộ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, có thực tế là vẫn có nhiều tòa nhà tái định cư bị bỏ hoang hoặc ít người về ở. Quận Hoàng Mai có nhiều tòa nhà tái định cư nhưng hiện một số rất ít người hoặc không có người ở; một số đang trong tình trạng hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm.
Tình trạng tương tự xảy ra ở nhiều quận huyện như Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Cầu Giấy. Thậm chí, nhiều dự án nằm ở vị trí "đất vàng" đã được hoàn thiện từ nhiều năm qua nhưng đều không có người ở.
Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho 16 tỉnh thành phía Bắc
Trong các ngày từ 3 đến 5-1, đoàn chuyên gia các lĩnh vực hồi sức, phòng chống đột quỵ, phẫu thuật/can thiệp tim mạch, y học hạt nhân và điều trị ung bướu, điều trị bệnh chuyển hóa, hô hấp, dịch bệnh... của Bệnh viện Bạch Mai đã đến 4 tỉnh miền núi và trung du gồm Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ và Vĩnh Phúc để khảo sát, ký kết các biên bản ghi nhớ về hỗ trợ chuyên môn.
Theo ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho đến nay bệnh viện đã ký kết với 16 tỉnh thành khu vực phía Bắc để hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho y bác sĩ các tỉnh thành này. Riêng 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng bởi bão Yagi là Tuyên Quang, Yên Bái và Lào Cai được hỗ trợ miễn chi phí đào tạo trong 3 năm (khoảng 6 tỉ đồng/địa phương).
Ông Lê Hồng Trung, giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, 1 trong 4 tỉnh được hỗ trợ đợt này, cho biết Vĩnh Phúc cần hỗ trợ thêm chuyên môn các chuyên ngành tỉnh đang đầu tư thành mũi nhọn như chống độc, hồi sức cấp cứu, tim mạch và tim mạch can thiệp, huyết học...
Vĩnh Phúc đã đầu tư đồng bộ cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1.600 tỉ đồng, Bệnh viện Sản nhi 1.300 tỉ, tiến tới nâng hạng Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên bệnh viện hạng đặc biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận