Sáng 20-12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật đã được kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV thông qua.
Trong đó có Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Luật gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực từ 1-7-2025.
Không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh
Tại họp báo, phóng viên báo chí nêu về vụ phóng hỏa gây cháy quán cà phê làm 11 người tử vong vừa qua ở Hà Nội và cho rằng loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ về mất an toàn cháy, nổ.
Từ đó phóng viên đề nghị đại diện Bộ Công an cho biết trong luật mới được Quốc hội thông qua, vấn đề này được đề cập ra sao?
Trả lời liên quan quy định về điều kiện phòng cháy chữa cháy với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, thiếu tướng Phạm Công Nguyên, cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an, nêu rõ đây là loại hình nguy cơ cháy nổ rất cao, vừa rồi có nhiều vụ hậu quả để lại thương tâm.
Theo ông Nguyên, để khắc phục tình trạng này, trong Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã rà soát đánh giá rất kỹ lưỡng các điều kiện, quy định, đảm bảo tính khả thi.
Với loại hình này, ngoài yêu cầu về đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy giống như nhà ở thì đòi hỏi phải có yêu cầu khác nữa, ngặt nghèo hơn, chặt chẽ hơn để tránh cháy nổ xảy ra.
Cụ thể quy định trong luật và sau này các văn bản hướng dẫn thì khu vực sản xuất kinh doanh phải có vách ngăn với khu vực nhà ở. Đối với loại hình kinh doanh có mức độ nguy hiểm cao hơn về cháy nổ thì phải có vách ngăn lối thoát nạn giữa nhà ở với khối kinh doanh.
Cùng với đó, không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất kinh doanh. Kèm theo đó là có biển báo, chỉ dẫn, có phương tiện báo cháy, thông gió, cảnh báo an toàn cháy nổ.
Một điểm mới nữa trong luật này là loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh phải lắp các thiết bị để báo tin đến trung tâm xử lý sự cố cháy nổ tiếp nhận của trung tâm dự báo, khi xảy ra cháy có thể chưa phát hiện được nhưng thiết bị đã truyền tin đến trung tâm rồi để kịp thời.
Nhiều quy định mới quan trọng
Trước đó, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, thứ trưởng Bộ Công an, đã giới thiệu về luật mới.
Theo đó, trong thời gian qua tình hình cháy nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện.
Thực tế này đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành.
Từ đó để kịp thời tạo cơ sở pháp lý nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong thực tiễn.
Mặt khác, qua giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập mà đến nay chưa khắc phục triệt để.
Như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.
Cùng với đó là việc đảm bảo an toàn trong sử dụng điện; việc xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, phòng cháy, chữa cháy cơ sở và dân phòng, việc tổ chức phòng cháy, chữa cháy tình nguyện…
Do vậy, việc xây dựng, ban hành luật là cần thiết.
Luật mới cũng quy định phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất, trong đó quy định chỉ được sử dụng thiết bị sạc điện cho xe động cơ điện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy; khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà còn phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận