Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện số 24/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Công điện nêu rõ, đến hết tháng 2-2024, cả nước đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đạt 94,9% kế hoạch; giải ngân ước đạt 9,13% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,97%).
Tuy nhiên, số vốn chưa phân bổ chi tiết còn khá lớn (khoảng 33.000 tỉ đồng) của 21 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương; có 40 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỉ lệ giải ngân 2 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 29 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch năm 2024 (tỉ lệ giải ngân 0%).
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ; việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí...
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công...
Bến xe Miền Đông mới chỉ đạt 5% công suất
Theo đại diện bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), hiện lượng khách thông qua bến này chỉ khoảng 4.000 lượt khách/ngày, mới đạt 5% công suất kỳ vọng của các đơn vị.
Thời gian qua, hoạt động trong bến gặp nhiều khó khăn do "xe dù, bến cóc" hoạt động rầm rộ quanh bến. Không ít nhà xe bỏ bến "chạy dù" hoặc đăng ký trong bến rồi đưa xe ra ngoài chạy khiến môi trường vận tải mất cân bằng.
Dù lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý ráo riết nhưng các nhà xe vẫn hoạt động sai khi vắng vóng thanh tra, cảnh sát giao thông…
Một khó khăn khác là hạ tầng kết nối giao thông quanh bến xe mới vẫn còn dang dở, chưa hoàn thiện. Hệ thống xe trung chuyển, xe buýt từ trung tâm TP vẫn chưa đủ hút khách ra bến xe Miền Đông mới.
Do đó, bến xe Miền Đông mới liên tục kiến nghị các lực lượng chức năng tiếp tục có biện pháp triệt để hơn với "xe dù, bến cóc". Đồng thời ứng dụng tối đa camera phạt nguội, dữ liệu giám sát hành trình… làm căn cứ xử lý nhà xe vi phạm, chấn chỉnh lâu dài.
Về lâu dài, đơn vị mong TP.HCM sớm tăng kết nối xe công cộng, nhất là tuyến metro số 1 vào để tăng tiện ích khách đi lại. Cùng với đó, hạ tầng giao thông xung quanh hoàn thiện cũng giúp người dân đi lại ra vào bến thuận tiện hơn.
Đồng Nai hướng đến chấm dứt chôn rác thải trực tiếp vào năm 2030
Theo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt được UBND tỉnh Đồng Nai duyệt, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 có 80% tổ chức, cá nhân thu gom rác sinh hoạt và 100% đơn vị vận chuyển đồng bộ phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại rác; 100% trạm trung chuyển chất thải được đầu tư xây dựng, cải tạo phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về xây dựng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, giảm tỉ lệ hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động xử lý chất thải còn 70%.
Đến năm 2030, tất cả khu xử lý chất thải sinh hoạt chuyển sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng hoặc phát điện, chấm dứt chôn lấp chất thải rắn trực tiếp. Tỉ lệ hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động xử lý chất thải giảm còn 30%.
Ông Võ Văn Phi - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết thời gian qua tỉnh có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Đến nay, hầu hết các khu công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp có hợp đồng thu gom, xử lý chất thải các loại theo quy định. Ở vùng nông thôn, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thú y được thu gom, xử lý đúng cách, môi trường chăn nuôi ngày một tốt hơn.
Ngoài ra, đối với rác sinh hoạt, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý cải thiện, tỉ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt của tỉnh đạt dưới 15%...
TP.HCM xử lý nghiêm quảng cáo liên quan đến sức khỏe trái phép trên mạng
Tin tức từ Sở Y tế TP.HCM, trong quý 1 năm 2024, ngành đã kiểm tra 108 cơ sở hành nghề y - dược - mỹ phẩm. Trong đó đã ban hành 103 quyết định xử lý vi phạm hành chính, bao gồm 21 quyết định về công tác dược - mỹ phẩm - trang thiết bị y tế, 82 quyết định về lĩnh vực y.
Sở sẽ tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, mua bán và quản lý, sử dụng thiết bị y tế trên địa bàn TP.HCM.
Đồng thời phối hợp các sở, ngành, cơ quan chức năng nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế, đặc biệt là xử lý nghiêm các quảng cáo trái phép liên quan đến sức khỏe người dân trên các trang mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận