Dự kiến giảm 2% thuế VAT từ 1-7
Theo dự thảo nghị định về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1-7 tới, sẽ giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất;
- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;
- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.
Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Mức giảm thuế tính theo phương pháp khấu trừ, áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục áp dụng.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỉ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT quy định.
Các "ông lớn" nhà nước đang làm ăn thế nào?
5 tháng đầu năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt doanh thu 531.289 tỉ đồng, bằng 50% kế hoạch; tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ước đạt 32.215 tỉ đồng, bằng 55% kế hoạch, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nộp ngân sách nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước khoảng 71.729 tỉ đồng.
Số liệu được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra trong báo cáo về các giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc ủy ban.
Về hiệu quả kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty trong 5 tháng đầu năm nay, có 10 tập đoàn, tổng công ty có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 6 tập đoàn, tổng công ty: Petrolimex, VNPT, ACV, Vinafood 1, Vinafood 2, Vinafor, TKV có lợi nhuận trước thuế tăng; 7 tập đoàn, tổng công ty: Vinachem, Vinataba, VEC, Vinafood 1, Vinafood 2, Vinacafe, TKV nộp ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch trong năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ đầu tư 260.000 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực năng lượng khoảng 166.676 tỉ đồng, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đầu tư 48.571 tỉ đồng, công nghiệp hóa chất, thuốc lá 1.804 tỉ đồng, nông nghiệp đầu tư 4.851 tỉ đồng, viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư 17.300 tỉ đồng, đầu tư kinh doanh vốn 4.700 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5 năm nay, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước mới giải ngân được 37.811 tỉ đồng, bằng 14,54% kế hoạch đề ra.
TP.HCM: Ca bệnh tay chân miệng tăng 2,5 lần so với 4 tuần trước
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) chiều 18-6, trong tuần 23 (từ ngày 5 đến 11-6), toàn thành phố ghi nhận 423 ca bệnh, tăng 142,4% (tương đương tăng gần gấp 2,5 lần) so với trung bình 4 tuần trước (175 ca).
Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú (66 ca) và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Trong tuần, ghi nhận hầu hết các quận huyện đều có số ca mắc tăng so với số ca mắc trung bình 4 tuần trước (19/22 quận huyện).
So với cùng kỳ 2022, số ca mắc bệnh tay chân miệng tích lũy đến tuần 23 là 2.407 ca, giảm 53,5%.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã công bố kiểu gene B5 của vi rút Enterovirus 71 (EV 71) - tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng, lây lan nhanh vào năm 2015 và 2018 - được phát hiện trở lại ở các trẻ mắc bệnh tay chân miệng phân độ nặng tại các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn thành phố vừa qua.
HCDC khuyến cáo để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, người chăm sóc trẻ phải thường xuyên rửa tay cho bản thân và trẻ; lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hằng ngày. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng.
Thị trường mỹ phẩm Việt Nam quy mô 2,6 tỉ USD vào năm 2026
Báo cáo của Cục Quản lý dược cho hay EuroMonitor International đã khảo sát, đánh giá thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng có sức hút, tốc độ tăng trưởng trung bình 6%/năm, quy mô thị trường từ 2 tỉ USD năm 2016 đã lên 2,1 tỉ năm 2021 và dự báo đạt 2,6 tỉ USD năm 2026.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cơ quan quản lý nhà nước đang tập trung đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về mỹ phẩm, tăng cường hậu kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận