Phạt 4.800 tỉ đồng vi phạm an toàn giao thông 9 tháng năm 2023
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia dẫn từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết 9 tháng năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý trên 2,5 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Qua đó, phạt tiền trên 4.800 tỉ đồng, tước hơn 484.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 780.000 phương tiện các loại.
So với cùng kỳ năm 2022, xử lý vi phạm tăng hơn 428.000 trường hợp (+20,35%), tiền phạt tăng hơn 1.900 tỉ đồng (+69,92%).
Cũng từ ngày 15-12-2022 đến hết ngày 12-9-2023, các cục quản lý chuyên ngành và thanh tra các sở giao thông vận tải đã thực hiện gần 60.000 cuộc thanh tra, kiểm tra.
Xử phạt vi phạm hành chính hơn 36.000 vụ với số tiền xử phạt trên 215 tỉ đồng; tạm giữ 179 ô tô; đình chỉ hoạt động 34 bến và 104 phương tiện thủy nội địa; giám sát gần 600 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 540 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Thêm 8 dự án cao tốc vào danh mục quan trọng quốc gia
Ngày 10-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Theo đó, bổ sung các dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành này. Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà là phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo.
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ làm ủy viên Ban Chỉ đạo, thay thế Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh.
Đồng thời, bổ sung các ủy viên Ban Chỉ đạo gồm chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hà Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp.
Mặt bằng "vàng" nằm trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) bị để trống nhiều tháng, hiện được sửa sang - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ngành F&B, thời trang, làm đẹp vực dậy mặt bằng bán lẻ
Theo tin tức về thị trường bất động sản quý 3-2023 do Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy nguồn cung mặt bằng bán lẻ cho thuê ở TP.HCM đã giảm nhẹ, với tổng diện tích khoảng 1,5 triệu m² sàn.
Việc giảm nguồn cung này là kết quả của việc một số dự án bán lẻ đã chuyển đổi thành văn phòng hoặc đã được rao bán trong thời gian qua. Hiện công suất thuê với mặt bằng bán lẻ vẫn ổn định ở mức cao, khoảng 91%.
Tuy nhiên, giá thuê có sự biến động với giá thuê tại khu vực ngoài trung tâm TP.HCM đã tăng 1% theo quý, đạt mức 1 triệu đồng/m²/tháng. Khu vực trung tâm vẫn duy trì giá thuê ở mức cao, lên đến 3,3 triệu đồng/m²/tháng, gấp ba lần so với khu vực ngoài trung tâm.
Đáng chú ý, báo cáo của Savills ghi nhận trong quý 3, các giao dịch thuê chủ yếu đến từ ngành F&B (dịch vụ ẩm thực), thời trang, sức khỏe, làm đẹp và giải trí. Trong đó, khách thuê của ngành F&B chiếm 37% tổng diện tích thuê, thời trang chiếm 24%, ngành sức khỏe, làm đẹp và giải trí chiếm 13% thị phần mỗi nhóm ngành.
Bà Giang Huỳnh - đại diện Savills TP.HCM - cho biết từ đầu năm đến nay, đa số các giao dịch thuê mới tại thị trường bán lẻ ở TP.HCM đều đến từ ngành F&B, thời trang.
Động lực tăng trưởng của thị trường mặt bằng bán lẻ đến từ việc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu cao về các hoạt động ăn uống, mua sắm và giải trí, điều này đã thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng như nhu cầu thuê mặt bằng.
Cước vận tải biển giảm
Nhiều doanh nghiệp logistics cho biết giá cước vận tải đường biển tuyến quốc tế trong tháng 10-2023 vẫn chưa dừng giảm giá.
Chẳng hạn, tuyến vận tải từ TP.HCM - Singapore từ 1-1,5 triệu đồng/container 20 feet và từ 2-2,6 triệu đồng/container 40 feet, giảm hơn 20-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, chặng TP.HCM đi New York khoảng 32-35 triệu đồng/container 20 feet và 38-42 triệu đồng/container 40 feet. Trong khi đó thời điểm cao điểm hồi tháng 4-2022, mức chi phí của tuyến này lên tới hơn 315 triệu đồng/container 40 feet...
Theo Sàn giao dịch logistics quốc tế Phaata, giá cước giảm là nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm, người dân các nước thắt chặt chi tiêu vì lạm phát khiến nguồn hàng xuất khẩu ít đi, từ đó kéo theo tình trạng dư thừa container, hãng tàu đua nhau hạ giá để hút khách hàng.
Tuy nhiên, tình trạng giảm giá sẽ sắp kết thúc vào cuối năm khi nhu cầu chuyển hàng dịp Tết sẽ nhộn nhịp. Từ đó, giá sẽ có xu hướng tăng trở lại trong ngắn hạn, sau đó dự đoán tiếp tục giảm.
Năm 2024 kinh tế thế giới sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng tốt hơn 2023, nhưng do nguồn cung công suất vận tải container tăng mạnh nên giá cước khả năng tiếp tục giảm. "Thị trường vận tải container có thể phục hồi và khởi sắc hơn vào năm 2025 khi giá cước ổn định trở lại và cung cầu trên thị trường cân bằng hơn" - sàn Phaata nhận định.
Đơn hàng tăng, ngành điều tự tin đạt chỉ tiêu xuất khẩu 3,2 tỉ USD
Theo ông Phạm Văn Công - chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), dựa vào kết quả xuất khẩu hiện tại cùng đơn hàng cho các tháng cuối năm có xu hướng tăng mạnh, ngành điều khả năng đạt được chỉ tiêu xuất khẩu 3,2 tỉ USD trong năm nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm để giữ uy tín.
Vinacas cho biết 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều ước đạt 456.000 tấn, trị giá 2,6 tỉ USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam trong tháng 9 đạt 5.474 USD/tấn, giảm 0,7% so với tháng 8-2023 và giảm 10,5% so với tháng 9-2022.
Nhiều doanh nghiệp cho biết nếu mùa vụ diễn ra bình thường, lượng hạt điều thô tồn kho trên toàn cầu đủ cho chế biến trong 9 tháng tới. Hiện các doanh nghiệp cũng đã nhập khẩu số lượng lớn hạt điều thô để phục vụ sản xuất cho mùa cao điểm Tết.
Đáng chú ý, tỉ giá tăng thời gian gần đây ít nhiều cũng giúp cho ngành điều Việt Nam hưởng lợi khi nhập khẩu nguyên liệu thời điểm tỉ giá còn thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận