04/09/2022 06:52 GMT+7

Tin thế giới 4-9: Thổ và Hy Lạp căng thẳng; Ông Johnson làm gì sau khi rời ghế thủ tướng?

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Thổ Nhĩ Kỳ dọa Hy Lạp phải 'trả giá đắt'; Ông Boris Johnson được cho là sẽ viết sách và làm cố vấn sau này; Cảnh báo nguồn cá ngừ ở Biển Đông đang bị đe dọa; Sét đánh chết nhiều người ở Ấn Độ... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 4-9.

Tin thế giới 4-9: Thổ và Hy Lạp căng thẳng; Ông Johnson làm gì sau khi rời ghế thủ tướng? - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine - Ảnh: REUTERS

* Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine mất kết nối với lưới điện qua đường dây chính. Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhà máy Zaporizhzhia đang cung cấp điện thông qua một đường dây dự phòng.

Cũng theo IAEA, chỉ có một trong sáu lò phản ứng của nhà máy còn hoạt động. Các chuyên gia của cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc hiện đang ở tại nhà máy cho biết đường dây điện 750 kilovolt đã bị hỏng sau khi ba đường dây khác bị mất trước đó.

Đường dây truyền tải đến nhà máy đã bị cắt vào tuần trước và nhà máy đã không cung ứng lên lưới điện quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử, dẫn đến việc mất điện ở nhiều vùng khác nhau của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đổ lỗi cho các cuộc pháo kích của Nga là nguyên nhân dẫn đến việc mất kết nối với lưới điện.

* Nga "đổi ý" cấp lại khí đốt cho châu Âu. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết lượng cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu qua ngõ Ukraine ở trạm chung chuyển Sudzha là 42,7 triệu m3 trong ngày 3-9, tăng nhẹ so với mức 41,6 triệu m3 ngày trước đó.

Gazprom đưa ra thông báo trên vài giờ sau khi tập đoàn này cho biết đường ống "Dòng chảy phương Bắc 1" (Nord Stream 1) dẫn khí đốt tới Đức, vốn dự kiến vận hành trở lại vào cuối tuần này, sẽ tiếp tục bị khóa cho tới khi một tuabin được sửa chữa, qua đó đình chỉ vô thời hạn hoạt động của tuyến đường cung cấp khí đốt then chốt tới châu Âu.

Mặc dù lượng khí đốt qua trạm Sudzha tăng nhẹ, song không đủ để bù đắp lượng khí bị thiếu, vốn được dự kiến bơm qua Nord Stream 1 trong ngày 3-9.

Tin thế giới 4-9: Thổ và Hy Lạp căng thẳng; Ông Johnson làm gì sau khi rời ghế thủ tướng? - Ảnh 2.

Ông Dmitry Muratov - người đồng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2021 - mang di ảnh ông Mikhail Gorbachev tại tang lễ tổ chức ngày 3-9 ở thủ đô Matxcơva - Ảnh: REUTERS

* Hàng ngàn người đã đến tiễn đưa vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô. Theo Hãng tin AFP, thi hài ông Gorbachev được canh gác bởi lính tiêu binh quân đội Nga, xung quanh là ảnh chân dung đen trắng và nhiều vòng hoa. Hàng ngàn người, trong đó có những nghệ sĩ và chính trị gia nổi tiếng, đã đến viếng và đặt hoa hồng tưởng nhớ nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô.

Tang lễ kéo dài trong 4 giờ, trước khi ông Gorbachev được chôn cất tại nghĩa trang Novodevichy ở thủ đô Matxcơva. Nguồn tin thân cận với gia đình cựu lãnh đạo Liên Xô nói rằng ông sẽ được chôn cạnh người vợ Raisa, qua đời năm 1999.

* Cựu thủ tướng Anh sẽ viết sách. Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ rời Dinh Thủ tướng vào ngày 5-9. Theo Hãng tin AFP, một cây bút kỳ cựu của tờ Daily Telegraph sẽ đứng ra chấp bút cho cuốn hồi ký của ông Johnson. Số tiền ứng trước được nghe nói lên đến 5 triệu bảng Anh. Chưa kể ông Johnson còn một cuốn tiểu sử được dự báo cũng sẽ rất ăn khách.

Sau khi nghỉ ngơi để hoàn thành các cuốn sách về thời gian hoạt động chính trị sôi nổi, ông Johnson được cho là sẽ tiếp bước các vị tiền nhiệm như Tony Blair, John Major và David Cameron vào làm cố vấn cho chính quyền hoặc doanh nghiệp.

Tin thế giới 4-9: Thổ và Hy Lạp căng thẳng; Ông Johnson làm gì sau khi rời ghế thủ tướng? - Ảnh 3.

Đàn bồ câu bay ngang ảnh chân dung của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan - Ảnh: REUTERS

* Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dọa Hy Lạp. Ngày 3-9, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Hy Lạp sẽ phải "trả giá đắt" nếu tiếp tục đe dọa máy bay Thổ Nhĩ Kỳ. Tại một cuộc mít tinh ở vùng biển Đen, ông Erdogan tuyên bố: 'Này Hy Lạp. Hãy xem lại lịch sử. Nếu quý vị tiếp tục như thế thì sẽ phải trả giá đắt".

Ông cảnh báo bởi theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, vào chủ nhật tuần trước, các máy bay của nước này ở vùng biển Aegea (Égée - nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị hệ thống phòng không S-300 của Hy Lạp nhắm vào.

* 23 người thiệt mạng do sét đánh tại miền Đông Ấn Độ. Vào ngày 1-9, bang Bihar có 11 người thiệt mạng do sét đánh, trong khi 13 người thiệt mạng tương tự vào 2 ngày trước đó. Hầu hết các nạn nhân bị sét đánh là người lao động hoặc nông dân đang làm việc ngoài đồng ruộng.

Cơ quan khí tượng bang Bihar dự báo mưa lớn kèm sấm sét sẽ tiếp tục diễn ra tại nhiều khu vực của bang Bihar vào ngày 5-9.

Sét đánh là hiện tượng phổ biến tại Ấn Độ trong mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10. Trong năm 2019, nước này ghi nhận gần 2.900 người thiệt mạng do sét đánh.

Tin thế giới 4-9: Thổ và Hy Lạp căng thẳng; Ông Johnson làm gì sau khi rời ghế thủ tướng? - Ảnh 4.

Hậu quả của vụ cháy rừng ở California, ngày 3-9 - Ảnh: REUTERS

* Cháy rừng ở California khiến hàng ngàn người sơ tán. Một đám cháy được gọi là Mill Fire ở phía Bắc bang California (Mỹ) đã thiêu rụi khoảng 1.620ha rừng và buộc hàng ngàn người phải sơ tán.

Tính đến sáng 3-9 (giờ địa phương), lực lượng chữa cháy mới chỉ kiểm soát được 20% đám cháy. Khoảng 100 ngôi nhà đã bị ngọn lửa phá hủy. Ngọn lửa cũng gây ra tình trạng mất điện.

Hơn hai thập kỷ hạn hán và nhiệt độ tăng cao đã khiến California dễ bị cháy rừng hơn bao giờ hết. Hai năm tàn phá nặng nề nhất được ghi nhận là 2020 và 2021, dựa trên số diện tích đất bị đốt cháy.

* Cảnh báo nguồn cá ngừ ở Biển Đông đang bị de dọa. Các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học từ năm quốc gia châu Á gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã kêu gọi hợp tác nghề cá ở các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Lời kêu gọi được đưa ra tại hội nghị do Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc - Đông Nam Á về Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh và Trung tâm Đối thoại nhân đạo ở Manila đồng tổ chức vào ngày 2-9.

Tại hội nghị, các nhà khoa học công bố báo cáo cho biết trữ lượng cá ngừ đang bị đe dọa do đánh bắt quá mức cá ngừ chưa trưởng thành.

Tìm đường vượt biên vào Mỹ

di cư

Người di cư leo lên một ngọn đồi tìm đường vào Mỹ. Trước đó họ được đưa lậu qua sông Rio Grande vào khu vực gần thành phố Roma, bang Texas - Ảnh: REUTERS

* Cảnh sát Anh xin lỗi vì kết án sai người bị tử hình 70 năm trước. Gia đình của một người đàn ông bị kết tội giết người đã được cảnh sát đưa ra lời xin lỗi 70 năm sau khi anh ấy bị hành quyết trong nhà tù ở Anh.

Mahmood Mattan, một người cha có ba con, bị treo cổ ở tuổi 28 vào tháng 9-1952 sau khi anh bị kết tội giết Lily Volpert trong cửa hàng quần áo ở Cardiff. Mattan khi đó đã phản đối bản án đến cùng.

Mattan là một cựu thủy thủ da màu. Anh ấy đã bị buộc tội và kết tội bởi một bồi thẩm đoàn toàn người da trắng trong một phiên tòa kéo dài ba ngày ở Swansea. Phiên tòa vẫn kết tội Mattan dù không có bằng chứng pháp y và Mattan được các nhân chứng chứng minh có bằng chứng ngoại phạm.

Tanya Mattan, cháu gái của Mattan, nói với Đài BBC rằng lời xin lỗi là "quá muộn đối với những người bị ảnh hưởng trực tiếp vì họ không còn ở bên chúng tôi nữa".

Tin thế giới 3-9: Nga cắt hết khí đốt sang châu Âu; Ông Biden xin thêm tiền phòng COVID-19 Tin thế giới 3-9: Nga cắt hết khí đốt sang châu Âu; Ông Biden xin thêm tiền phòng COVID-19

TTO - Ukraine thông báo tấn công khu vực gần nơi đội ngũ IAEA thanh sát; Gazprom ngừng cấp khí đốt cho châu Âu; Thẩm phán Mỹ công bố bản kê khai từ cuộc khám xét dinh thự Mar-a-Lago... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 3-9.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên