29/07/2022 05:58 GMT+7

Tin thế giới 29-7: Ông Tập nói ông Biden 'chớ đùa với lửa'; Cựu tổng thống Sri Lanka bị tòa gọi

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trao đổi thẳng thắn về vấn đề Đài Loan; Ukraine tăng cường xuất khẩu điện tới châu Âu; Kim ngạch thương mại Nga - Trung có thể đạt 170 tỉ USD trong năm 2022... là một số tin thế giới đáng chú ý sáng nay 29-7.

Tin thế giới 29-7: Ông Tập nói ông Biden chớ đùa với lửa; Cựu tổng thống Sri Lanka bị tòa gọi - Ảnh 1.

Hình ảnh đối thoại trực tuyến giữa Tổng thống Biden và ông Tập Cận Bình hồi tháng 11-2021 - Ảnh: REUTERS

* Lãnh đạo Mỹ - Trung đối thoại thẳng thắn về Đài Loan. Ngày 28-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Washington nên tuân thủ nguyên tắc "một Trung Quốc" đối với Đài Loan và đảm bảo hành động phù hợp với lời nói.

Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết ông Tập đã nói thẳng với ông Biden rằng "kẻ nào chơi với lửa thì sẽ bị bỏng tay. Tôi hy vọng phía Mỹ hiểu rõ điều đó".

Theo Reuters, ông Tập cũng khẳng định Trung Quốc kiên quyết phản đối Đài Loan độc lập và sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.

Đáp lại, Tổng thống Biden cho biết chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi. Theo ông, Washington phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.

* Cựu tổng thống Sri Lanka bị yêu cầu hầu tòa ngày 1-8. Tòa án Tối cao Sri Lanka đã phát lệnh yêu cầu cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa hầu tòa vì bị kiện liên quan tới cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này.

Hãng tin CNA dẫn lời một quan chức Tòa án Tối cao cho biết lệnh trên được đưa ra hôm 27-7 liên quan tới ít nhất một trong số những đơn tố cáo các chính trị gia và các quan chức chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Sri Lanka.

Ông Rajapaksa đã rời đất nước đến Singapore, sau đó gửi đơn từ chức tới chủ tịch Quốc hội Sri Lanka trong bối cảnh người dân biểu tình phản đối ông. Ông Rajapaksa hiện được gia hạn lưu trú 14 ngày và có thể ở Singapore đến ngày 11-8.

Tin thế giới 29-7: Ông Tập nói ông Biden chớ đùa với lửa; Cựu tổng thống Sri Lanka bị tòa gọi - Ảnh 2.

Giáo hoàng Francis đến nhà thờ Đức Bà ở Quebec, Canada, vào ngày 28-7 - Ảnh: AFP

* Giáo hoàng Francis nói về "gánh nặng thất bại" ở Canada. Ngày 28-7, Giáo hoàng Francis cho biết Giáo hội Công giáo cảm thấy "gánh nặng của sự thất bại" vì vai trò của mình trong việc điều hành các trường nội trú đã cố gắng xóa sổ các nền văn hóa bản địa ở Canada. Giáo hoàng cho rằng những ngôi trường này đã trở thành những môi trường bạo hành.

Theo Hãng tin Reuters, gần kết thúc chuyến công du Canada kéo dài một tuần, Giáo hoàng Francis đã chủ trì một thánh lễ tại Vương cung thánh đường Sainte-Anne-de-Beaupre bên ngoài thành phố Quebec.

* Ukraine tăng cường xuất khẩu điện tới châu Âu. Giám đốc điều hành lưới điện quốc gia Ukrenergo của Ukraine, ông Oleksandr Kudrytskyi, cho biết nước này sẽ tăng xuất khẩu điện sang châu Âu từ 100 MW lên 250 MW, sau khi được lưới điện ENTSO-E của châu Âu cấp phép.

Theo Reuters, ông Kudrytskyi thông báo quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 30-7. "Chúng tôi đang tiếp tục kiếm (tiền) cho đất nước và tăng cường an ninh năng lượng của EU", ông nói.

Tin thế giới 29-7: Ông Tập nói ông Biden chớ đùa với lửa; Cựu tổng thống Sri Lanka bị tòa gọi - Ảnh 3.

Các nhân viên cảnh sát biên phòng trong trang phục bảo hộ tuần tra bên cạnh một tàu container tại cảng Nam Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

* ​​Kim ngạch thương mại Nga - Trung có thể đạt 170 tỉ USD trong 2022. Ngày 28-7, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maxim Reshetnikov cho biết kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc có thể đạt kỷ lục mới là 170 tỉ USD trong năm 2022.

Ông Reshetnikov lưu ý rằng kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc trước đây đã lập kỷ lục lịch sử vào năm 2021, vượt mốc 140 tỉ USD và tăng 16% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.

* Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt khả năng bán vũ khí cho Đức. Ngày 28-7, Lầu Năm Góc thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận cho quân đội nước ngoài bán chiến đấu cơ F-35, vũ khí và các thiết bị liên quan cho Đức với chi phí ước tính là 8,4 tỉ USD.

Thỏa thuận tiềm năng trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết nâng cấp quân đội nước mình, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine.

* Người tiêu dùng Đức có thể phải trả thêm hàng trăm euro thuế sử dụng khí đốt mỗi năm. Theo Reuters, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết chính phủ dự kiến áp mức thuế từ 1,5 cent đến 5 cent/kilowatt giờ cho các hộ gia đình sử dụng khí đốt để sưởi ấm từ tháng 10-2022, để giúp các công ty thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga đang giảm dần.

“Như vậy, chi phí tăng thêm hằng năm dự kiến sẽ vào khoảng 500 euro (507 USD) cho một hộ gia đình 4 người. Tuy nhiên, nếu tính tỉ lệ 5 cent/kilowatt giờ, có nghĩa là hóa đơn khí đốt cho một hộ gia đình 4 người, sử dụng trung bình 20.000 kilowatt giờ/năm, sẽ tăng 1.000 euro”, ông Habeck nói.

Tin thế giới 29-7: Ông Tập nói ông Biden chớ đùa với lửa; Cựu tổng thống Sri Lanka bị tòa gọi - Ảnh 4.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Habeck đến thăm các công ty bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng năng lượng - Ảnh: REUTERS

* Mỹ treo thưởng lên tới 10 triệu USD cho thông tin về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Trong thông báo ngày 28-7, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định đang tìm kiếm thông tin về Cơ quan Nghiên cứu Internet (IRA), nhà tài phiệt Yevgeniy Viktorovich Prigozhin, cũng như các cá nhân và tổ chức Nga liên quan đến việc can thiệp vào bầu cử Mỹ. 

Cá nhân hoặc nhóm tổ chức cung cấp được thông tin xác thực về việc này sẽ được nhận thưởng tiền.

* Indonesia muốn Nhật xóa bỏ 4 loại thuế nhập khẩu cá ngừ đóng hộp. Theo Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto, việc Nhật Bản từ chối yêu cầu xóa bỏ thuế của Indonesia đã cản trở hoạt động xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang quốc gia Đông Á này.

Ông Airlangga cho rằng, ngoài việc cá ngừ đóng hộp là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn, đây là vấn đề quan trọng bởi Indonesia đã nới lỏng một số quy định đầu tư theo yêu cầu của Nhật Bản và đã điều chỉnh các quy định này trong Luật Omnibus về tạo việc làm.

* Argentina thành lập "siêu bộ" kinh tế. Chính phủ Argentina thông báo người đứng đầu Hạ viện nước này, ông Sergio Massa, sẽ phụ trách một "siêu bộ" kinh tế mới. Cụ thể, ông Massa sẽ điều hành một cơ quan mới có chức năng giám sát các khu vực kinh tế, sản xuất và nông nghiệp của đất nước.

"Các Bộ Kinh tế, Phát triển sản xuất và nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản sẽ được hợp nhất, bao gồm cả quan hệ với các tổ chức tín dụng quốc tế, song phương và đa phương. Bộ mới sẽ do Sergio Massa đứng đầu", Chính phủ Argentina tuyên bố.

Ngày 28-7, chứng khoán Mỹ tăng điểm đáng kể trong bối cảnh các nhà đầu tư dồn sự tập trung vào dữ liệu cho thấy nền kinh tế nước này suy giảm trong quý thứ hai liên tiếp.

Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 332,04 điểm, tương đương 1,03%, lên 32.529,63. S&P 500 tăng 48,82 điểm, tương đương 1,21%, lên 4.072,43. Nasdaq Composite tăng 130,17 điểm, tương đương 1,08%, lên 12.162,59.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI tăng 1,24%.

Mặc dù châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt và suy thoái dự kiến, chỉ số STOXX 600 của toàn châu Âu đã tăng 1,09%.

Trong khi đó, giá dầu biến động trái chiều do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.

Dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) đạt 96,42 USD/thùng, giảm 0,86%, trong khi dầu Brent tăng 0,49% đạt 107,14 USD/thùng.

Giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.756,59 USD/ounce.

Trung Quốc chỉ nói Trung Quốc chỉ nói 'nỗ lực tối đa' chứ không đưa dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022

TTO - Theo Tân Hoa xã ngày 28-7, cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì họp đánh giá nền kinh tế kết luận Trung Quốc sẽ nỗ lực tối đa để đạt "kết quả tốt nhất có thể" cho nền kinh tế trong năm nay.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên