Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ trên 12 tuổi tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cho biết đến chiều 3-4 ghi nhận thêm 6.304 ca COVID-19 mới trong 24 giờ, giảm hơn 1.100 ca so với ngày trước đó. Đáng chú ý, số ca mắc mới này chỉ bằng 19,3% con số ghi nhận lúc cao điểm ngày 8-3 (32.650 ca).
Tại TP.HCM, số mắc mới ngày 3-4 chỉ còn 347 ca, bằng 1/2 so với ngày trước đó và bằng khoảng 1/11 so với ngày 10-3, ngày có số mắc cao nhất trong 1 tháng gần đây tại TP.HCM.
Về tình hình tiêm vắc xin phòng COVID-19, đến nay tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên ở Việt Nam đã đạt 100%, mũi 2 là 99,7% và mũi 3 đạt khoảng 50%. Với người từ 12 - 17 tuổi, tỉ lệ đã tiêm mũi 1 đạt 99,8%, mũi 2 là 95%.
Bộ Y tế cho biết tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc xin.
Đồng thời nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc tiêm mũi tăng cường 4 và tiêm vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Số ca COVID-19 nặng giảm nhanh, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8-2021
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca COVID-19 chuyển nặng đang điều trị ngày 3-4 là 1.973 ca, giảm nhanh trong 1 tuần vừa qua và giảm về mức thấp nhất tính từ tháng 8-2021.
Trong những ngày gần đây như ngày 25-3 số ca nặng đang điều trị là 3.889 ca, ngày 29-3 là 3.639 ca, giai đoạn trước đó cũng liên tục ở mức trên dưới 4.000 ca nặng đang điều trị.
So với trung bình 7 ngày trước, số ca chuyển nặng đang điều trị ngày 3-4 giảm 40,2%, so sánh tuần này với tuần trước số ca mắc mới giảm 33,8%, số tử vong giảm 30,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 25,8%. So sánh tháng này với tháng trước, số mắc mới tăng 146,6% nhưng số tử vong giảm 25%.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Hiếm gặp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Về việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, PGS.TS Dương Thị Hồng - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết, ngay trong đầu tháng 4-2022, sau khi vắc xin COVID-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Có 2 loại vắc xin COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, gồm vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna. Không giống như người từ 18 tuổi trở lên, với trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi vắc xin cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vắc xin mRNA nào.
Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ tiêm vắc xin Pfizer, tiêm bắp với liều tiêm 0,2ml. Hai mũi tiêm cách nhau 4 tuần.
Vắc xin Spikevax (Moderna COVID-19 vắc xin) sẽ tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi, liều tiêm bằng một nửa liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần.
Bà Dương Thị Hồng cũng cho biết, theo kinh nghiệm học hỏi từ thế giới và các đồng nghiệp, những phản ứng trầm trọng, bất thường sau tiêm ở trẻ 5 đến 11 tuổi ít hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên. Các phản ứng nặng càng ít gặp hơn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đề nghị các địa phương không được chủ quan. Ba ngày đầu sau khi tiêm, trẻ nhỏ cần có người hỗ trợ suốt 24/24 giờ, tránh vận động mạnh.
Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Người trên 14 tuổi đi khám bệnh chỉ cần căn cước công dân
Bệnh viện Nhi trung ương cho biết hiện bệnh viện đã triển khai dùng thẻ căn cước công dân gắn chip trong khám chữa bệnh tại bệnh viện, theo quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ; công văn số 931 của Bộ Y tế.
Theo đó, người bệnh khi đi khám bệnh (đối với trẻ đã được cấp căn cước công dân - trên 14 tuổi) hoặc làm các thủ tục hành chính tại bệnh viện thì chỉ cần dùng căn cước công dân. Thông tin bảo hiểm y tế của người bệnh được tra trên cổng dữ liệu của Bảo hiểm y tế Việt Nam.
Cũng theo bệnh viện này, việc dùng thẻ căn cước công dân cho việc khám chữa bệnh tại bệnh viện giúp người bệnh không phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế hoặc quên thẻ, giúp tra cứu dữ liệu bảo hiểm y tế và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Nhân viên trạm y tế lưu động phường 11, quận Tân Bình thăm hỏi và phát thuốc cho các F0 điều trị tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM: Hơn 3.000 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin COVID-19
Sau 1 tháng triển khai chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ, TP.HCM phát hiện 4.299 người thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa tiêm vắc xin COVID-19. Ban chỉ đạo các phường, xã vận động, thuyết phục và đã tiêm cho 1.261 người.
Tính từ khi triển khai chiến dịch đến nay (từ ngày 8-12-2021 đến 31-3-2022), TP.HCM phát hiện 440.497 người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi kèm bệnh nền) và đã lập danh sách và chăm sóc, quản lý. Qua xét nghiệm tầm soát phát hiện 5.953 ca COVID-19.
Có 48% người thuộc nhóm nguy cơ cao đã được cấp phát thuốc từ Chương trình điều trị có kiểm soát (dùng thuốc Molnupiravir) tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ. Các ca còn lại đã được bác sĩ kê đơn và mua thuốc kháng virus tại các nhà thuốc.
Hiện nay, 5.287 người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 khỏi bệnh, 570 người đang cách ly điều trị và 96 ca đang điều trị tại các bệnh viện.
Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội cuối giờ chiều 3-4 thông báo vừa ghi nhận thêm 6.304 ca COVID-19 mới trong 24 giờ qua, giảm hơn 1.100 ca so với ngày 2-4. Số ca mắc mới này chỉ bằng 19,3% con số ghi nhận lúc cao điểm ngày 8-3 (32.650 ca). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (521); Gia Lâm (492); Ba Đình (481); Sóc Sơn (441); Hoàng Mai (324).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 1.496.781 ca. Đến ngày 2-4, Hà Nội có gần 183.400 ca COVID-19 theo dõi, điều trị tại nhà (giảm gần 5.000 ca so với ngày trước đó); 156 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 1.100 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,59% tổng ca đang theo dõi, điều trị). Tổng số người tử vong do COVID-19 là 1.326 người.
- Tính đến 12 giờ ngày 3-4, toàn tỉnh Hà Nam còn 3 xã, phường có cấp độ dịch COVID-19 ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) gồm: xã Liêm Túc, xã Thanh Phong (huyện Thanh Liêm) và phường Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên); 19 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình); 87 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp 1 (màu xanh, bình thường mới).
Số ca COVID-19 trên địa bàn đã giảm mạnh từ hơn 2.000 ca/ngày xuống khoảng 1.000 ca/ngày. Tính từ ngày 1-1 đến trưa 3-4, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận hơn 74.200 ca COVID-19; trong đó gần 66.400 người đã khỏi bệnh; hiện còn hơn 7.700 F0 đang điều trị tại bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và điều trị tại nhà. Tỉnh cũng đã ghi nhận 66 bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận