20/03/2022 06:19 GMT+7

Tin sáng 20-3: 23% y bác sĩ trầm cảm vì dịch; số ca COVID-19 tăng gấp 6 nhưng tử vong giảm hơn 30%

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN

TTO - Đây là tỉ lệ nhân viên y tế của Bệnh viện Hùng Vương bị trầm cảm trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vẫn còn rất căng thẳng tại TP.HCM. Con số này vừa được Sở Y tế TP.HCM công bố.

Tin sáng 20-3: 23% y bác sĩ trầm cảm vì dịch; số ca COVID-19 tăng gấp 6 nhưng tử vong giảm hơn 30% - Ảnh 1.

Y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu hậu COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tại thời điểm tháng 10-2021, Bệnh viện Hùng Vương sử dụng bộ công cụ đánh giá DASS-21 tiến hành khảo sát trên 466 nhân viên y tế, kết quả cho thấy tỉ lệ nhân viên y tế có biểu hiện trầm cảm là 23,6%, lo âu là 42,9%, và stress là 17,6%.

Phân tích nguyên nhân cho thấy 57,5% nhân viên bệnh viện đã trải qua nhiều biến cố vì phải chứng kiến người thân, bạn bè mất vì COVID-19; 53,6% nhân viên cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế; 70,2% nhân viên cho biết người thân mất việc làm…

Dịch bệnh COVID-19 như một đợt sóng thần dữ dội và khốc liệt nhất, gây ra bao nỗi đau thương khi TP.HCM trở thành tâm dịch. 

Nhân viên y tế nói chung và Bệnh viện Hùng Vương nói riêng đã gánh chịu không ít những mệt mỏi, căng thẳng, nhiều người bị phơi nhiễm, những người còn lại thì phải làm việc với công suất tăng gấp nhiều lần, trong tình trạng cách ly, trong không khí ngột ngạt, căng thẳng, hằng ngày đối diện với người bệnh lâm vào tình trạng bệnh nặng, nhất là hoàn cảnh mất lẫn mẹ và con.

COVID-19 đã làm cho rất nhiều nhân viên y tế bị hội chứng "burned-out", nhân viên của Bệnh viện Hùng Vương cũng không nằm trong ngoại lệ. Thuật ngữ "burnout" được hiểu là sự suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng (stress).

Từ kết quả khảo sát này, lần đầu tiên Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai thành công Chương trình nâng đỡ sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế. Chương trình này hướng đến việc chủ động sàng lọc, phát hiện sớm rối loạn tinh thần và triển khai các giải pháp can thiệp, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế bệnh viện.

Báo cáo này cho biết hiện tất cả nhân viên y tế của Bệnh viện Hùng Vương đã chiến thắng và vượt qua hội chứng "burned-out" do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tin sáng 20-3: 23% y bác sĩ trầm cảm vì dịch; số ca COVID-19 tăng gấp 6 nhưng tử vong giảm hơn 30% - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Số ca mắc COVID-19 của Hà Nội vượt 1,15 triệu ca

Số ca mắc COVID-19 ngày 19-3 của Hà Nội là trên 21.000 ca, đã giảm hơn 10.000 ca so với ngày có số mắc cao nhất trong đợt dịch này (đầu tháng 3). 

Tuy nhiên tính đến 19-3, Hà Nội đã ghi nhận trên 1,15 triệu ca mắc, mức cao nhất cả nước và cao gấp đôi so với địa phương có số mắc đứng thứ 2 là TP.HCM.

May mắn, thời điểm Hà Nội gia tăng nhanh số mắc mới hằng ngày thì độ phủ vắc xin đã rất cao, vì vậy tỉ lệ tử vong tại Hà Nội thấp hơn nhiều địa phương và ở mức dưới 0,2%/tổng số mắc.

Số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết so với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới ngày 19-3 đã giảm hơn 10%, số ca khỏi bệnh giảm 27,7%, số tử vong giảm 31,8%, số ca nặng giảm 27,3%.

So sánh tháng này với tháng trước, số mắc mới tăng 6 lần nhưng số tử vong ít hơn 21,1%, số ca khỏi bệnh cũng tăng 6 lần, số đang điều trị tại bệnh viện tăng 28,9% nhưng số thở máy xâm lấn lại thấp hơn 0,5%.

Tin sáng 20-3: 23% y bác sĩ trầm cảm vì dịch; số ca COVID-19 tăng gấp 6 nhưng tử vong giảm hơn 30% - Ảnh 3.

Tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho học sinh khối lớp 10, 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở Quỹ vắc xin phòng COVID-19

Chương trình phòng chống COVID-19 do Chính phủ vừa ban hành đã dành phần công bố chính sách tài chính chống dịch tới đây.

Cụ thể về tài chính, hậu cần, bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị chống dịch sẽ thực hiện theo phương châm "bốn tại chỗ". 

Đối với một số loại thuốc và vật tư thiết yếu phải có cơ số dự phòng đủ cho tình huống xấu nhất và bổ sung vào danh mục dự trữ quốc gia, chủ động có kế hoạch sử dụng trang thiết bị sau khi kết thúc dịch.

Nhà nước bảo đảm nguồn tài chính chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở huy động tổng thể nguồn lực nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác), các địa phương phải bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng theo nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 ngày 3-6-2008 của Quốc hội.

Tiếp tục huy động, vận động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, sự tự nguyện chi trả của người mắc COVID-19 khi khám, điều trị theo yêu cầu.

Thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở Quỹ vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch.

Rút gọn, đơn giản hóa hồ sơ chứng từ thanh toán; bãi bỏ các rào cản, chồng chéo, vướng mắc, bất cập hiện hành về chính sách thanh toán chi phí y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính bảo đảm an sinh xã hội theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ban hành kèm theo nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ.

Tin sáng 20-3: 23% y bác sĩ trầm cảm vì dịch; số ca COVID-19 tăng gấp 6 nhưng tử vong giảm hơn 30% - Ảnh 4.

Bệnh viện điều trị COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 lớn nhất TP.HCM ngưng nhận bệnh nhân

Sở Y tế TP.HCM cho biết, Bệnh viện Hồi sức COVID-19, đóng tại Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) đã ngưng nhận bệnh nhân từ ngày 18-3. 

Đây là bệnh viện hồi sức đầu tiên và có số giường bệnh lớn nhất tại TP.HCM với quy mô 1.000 giường. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đi vào hoạt động từ tháng 7-2021 ở thời điểm dịch bùng phát trên diện rộng tại thành phố. 

Bệnh viện chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch có quy mô lớn nhất cả nước. Giai đoạn cao điểm, bệnh viện đã điều trị cho hơn 700 bệnh nhân.

Sau khi ngừng nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, ngành y tế TP.HCM vẫn tiếp tục duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến số 13, 14, và 16. Các bệnh viện dã chiến số 14, 16, Bệnh viện đa tầng Tân Bình, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục duy trì giường hồi sức để điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng. 

Sở Y tế đề nghị tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa phải thành lập khoa hoặc đơn vị điều trị COVID-19 để tiếp nhận các trường hợp có bệnh lý cấp tính kèm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Tin sáng 20-3: 23% y bác sĩ trầm cảm vì dịch; số ca COVID-19 tăng gấp 6 nhưng tử vong giảm hơn 30% - Ảnh 5.

Tình nguyện viên sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển tới những con ngõ nhỏ, ngách bé... giao thuốc cho F0 điều trị tại nhà - Ảnh: HÀ QUÂN

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội từ 18h ngày 18-3 đến 18h ngày 19-3 ghi nhận 21.071 ca F0, trong đó có 6.905 ca cộng đồng; 14.166 ca đã cách ly. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Bắc Từ Liêm có 1.080 ca; Ba Vì 1.048 ca; Đông Anh 1.024 ca; Nam Từ Liêm 743 ca; Đống Đa 732 ca... Cộng dồn số ca COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 1.152.279 ca.

Số ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Hà Nội mỗi ngày lên tới hàng chục nghìn ca, trong đó có đến 99% số ca F0 điều trị tại nhà, điều này khiến việc thu gom rác thải sinh hoạt cho đối tượng F0 gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi không thể thu gom xuể mà phải gộp chung rác y tế với rác thải sinh hoạt. Hà Nội hướng dẫn việc thu gom rác y tế từ các hộ dân do địa phương chịu trách nhiệm vận chuyển đến các khu y tế, khu thu dung tập trung... Từ đây, công ty môi trường sẽ có trách nhiệm thu gom rồi vận chuyển xử lý theo đúng quy định.

- Bắc Ninh cho phép học sinh đến trường từ ngày 21-3. Riêng đối với bậc mầm non, các cơ sở giáo dục chỉ tổ chức bán trú cho trẻ nếu đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống dịch COVID-19 và có sự đồng ý, thống nhất của cha mẹ trẻ.

Từ 6h ngày 18-3 đến 6h ngày 19-3, tỉnh ghi nhận thêm 3.612 ca COVID-19, giảm 2.876 ca so với ngày trước đó; trong đó, 3.073 ca tại cộng đồng và 539 ca đã cách ly. Như vậy, từ ngày 4-10-2021 đến nay, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 263.266 ca COVID-19.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; không có xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2; 109 xã, phường, thị trấn cấp độ 3. Các xã Đại Đồng, Lạc Vệ, Hoàn Sơn, Nội Duệ (huyện Tiên Du); Yên Trung (huyện Yên Phong); Phù Lương (huyện Quế Võ); thị trấn Hồ, xã Gia Đông (huyện Thuận Thành) và thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình) ở cấp độ 4.

- Phú Thọ mở cổng thông tin F0 - f0.phutho.vn - giúp người dân khai báo y tế trên môi trường mạng. Sau hơn 1 tuần vận hành, đến ngày 19-3 cổng thông tin F0 đã tiếp nhận 20.130 ca báo F0 tự khai (đạt 33,9%) trên tổng số 59.375 ca F0 toàn tỉnh được quản lý, theo dõi điều trị qua hệ thống. Trong 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận 6.681 ca COVID-19 mới.

- Trong 3 ngày liên tiếp gần đây, số ca COVID-19 mới trên địa bàn Khánh Hòa liên tục giảm. Cụ thể, từ chiều 16-3 đến hết ngày 17-3 ghi nhận 1.382 ca; từ chiều 17-3 đến hết ngày 18-3 ghi nhận 1.192 ca; từ chiều 18-3 đến hết ngày 19-3 giảm xuống còn 987 ca.

Trong số 987 ca mắc COVID-19 mới công bố cuối ngày 19-3 của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Khánh Hòa thì có 413 ca ghi nhận trong cộng đồng, 537 ca cách ly tại nhà, 7 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung, 30 ca ghi nhận trong khu cách ly y tế tại dân cư. Tổng số bệnh nhân COVID-19 ở Khánh Hòa đã ra viện là 97.996 ca. Số bệnh nhân tử vong là 336 ca.

Tin sáng 19-3: TP.HCM trẻ mắc COVID-19 tiếp tục tăng, 27 trẻ chuyển nặng cần hỗ trợ hô hấp Tin sáng 19-3: TP.HCM trẻ mắc COVID-19 tiếp tục tăng, 27 trẻ chuyển nặng cần hỗ trợ hô hấp

TTO - Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM ngày 18-3 về COVID-19 và công tác phòng chống dịch tại trường học, số ca nghi nhiễm trong tuần gần nhất (từ ngày 8 đến 14-3) là gần 44.120 ca (cả học sinh và giáo viên), so với tuần trước đã tăng gần 6.670 ca.

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên