Nhân viên y tế chăm sóc cho các trường hợp F0 đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Liều bổ sung dành cho đối tượng là người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, nhiễm HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...
Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của Hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V thì tiêm liều bổ sung bằng vắc xin cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA. Khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.
Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tiêm liều nhắc lại vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
Về loại vắc xin, nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của Hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véctơ virus (vắc xin AstraZeneca).
Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. So với hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành đầu tháng 12, thời gian tiêm mũi bổ sung đã rút ngắn xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây.
Bộ Y tế nêu rõ vắc xin sử dụng để tiêm bổ sung và liều nhắc lại là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt. Liều lượng vắc xin để tiêm bổ sung và nhắc lại tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.
Đối với những người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định.
Tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM sáng 23-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việt Nam đã nhận 172 triệu liều vắc xin, đã tiêm gần 137 triệu mũi
Bộ Y tế cho biết vừa tiếp nhận thêm lô vắc xin mới, nâng tổng số vắc xin đã tiếp nhận cho đến nay là 172 triệu liều. Đến ngày 18-12 đã tiêm chủng gần 137 triệu mũi.
Tính đến ngày 14-12, tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin là 97%, tiêm đủ 2 mũi đạt xấp xỉ 81%, tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin/dân số đạt trên 60%, xếp thứ 4 tại khu vực ASEAN (sau Singapore, Campuchia và Brunei).
Lực lượng chức năng P.Phố Huế phong tỏa y tế nhiều khu vực thuộc tập thể Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) khi phát hiện hàng loạt ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Số ca COVID-19 nặng và tử vong vẫn tăng
Số liệu của Tiểu ban điều trị, Bộ Y tế cho biết số mắc mới trong ngày 17-12 là 15.206 ca, nâng tổng số ca mắc ghi nhận tại Việt Nam từ đầu vụ dịch lên xấp xỉ 1,5 triệu ca. Trong số này có gần 1,1 triệu ca đã khỏi bệnh (73,6%), số tử vong là 29.125 ca (2%).
Hiện còn 283.522 bệnh nhân theo dõi, điều trị, trong đó có 243.472 ca theo dõi, điều trị tại nhà; 9.732 ca theo dõi, điều trị tại khu cách ly và 110.257 ca điều trị tại 916 bệnh viện. Trong số đang điều trị tại bệnh viện có 7.841 ca nặng, bao gồm 1.109 ca phải thở máy.
So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới giảm 10,4%, số ca tử vong tăng 2,9%, số ca nặng tăng 6,1%.
So với tuần trước, số mắc mới tăng 5,1%, số tử vong tăng 9%, số ca nặng, nguy kịch tăng 2,2%, trong đó số thở máy xâm lấn tăng 23,1%. So sánh với tháng trước, số ca nặng, nguy kịch tăng 91,5%, số ca tử vong tăng 167%.
Hiện các địa phương đang có số bệnh nhân điều trị cao gồm TP.HCM (70.361), Bình Dương 60.942, Tây Ninh 16.953, Cần Thơ 16.088, Bà Rịa - Vũng Tàu 11.873, Cà Mau 11.335, Khánh Hòa 9.731, Trà Vinh 9.396. Hiện TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh, Vĩnh Long là có nhiều ca diễn biến nặng nhất.
Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận thăm khám và phát thuốc cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
- Ngày 17-12, Hà Nội cho biết trong 24 giờ qua ghi nhận 1.440 ca COVID-19 mới, trong đó có 557 ca cộng đồng, chiếm gần 40%, 634 ca trong khu cách ly và 249 ca trong khu phong tỏa. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Hà Nội phát hiện trên 1.300 ca COVID-19/ngày.
Cộng dồn số ca tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 24.237 ca, trong đó số ca cộng đồng 9.354 ca, số ca đã được cách ly 14.883 ca. Quận Đống Đa - quận vùng cam nguy cơ cao duy nhất ở Hà Nội - đã đưa vào vận hành cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ với quy mô 600 giường tại khu ký túc xá Trường đại học Thủy lợi. Số bệnh nhân đang được tiếp nhận điều trị là 98 người.
- Chiều tối 17-12, Hà Nam công bố thêm 25 ca dương tính. Hà Nam yêu cầu chủ các nhà máy, xí nghiệp, công ty chủ động xét nghiệm tầm soát đối với những trường hợp có nguy cơ cao. Sau gần 3 tháng bùng phát đợt dịch mới, toàn tỉnh ghi nhận 1.567 ca COVID-19.
- Quảng Bình từ 6h ngày 16-12 đến 6h ngày 17-12 ghi nhận thêm 50 ca COVID-19 mới, trong đó có 44 ca cộng đồng. Có 31 ca liên quan đến chùm ca bệnh chợ Tréo-Kiến Giang (Lệ Thủy).
- Vĩnh Long, số ca COVID-19 mới chưa có dấu hiệu giảm, trong đó phát hiện qua khám sàng lọc cộng đồng và tại cơ sở y tế chiếm hơn 70% số ca mắc mới. Trong 14 ngày gần đây, tỉnh ghi nhận 7.898 ca COVID-19, trung bình 566 ca/ngày. So với 14 ngày trước đó, tăng 1.553 ca, trong đó có trên 5.500 ca mắc phát hiện qua khám sàng lọc cộng đồng.
- Bến Tre từ 6h đến 11h ngày 17-12 có 726 ca COVID-19, tính đến 11h có 1.128 ca, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 19.738 ca. Trong đó, có 8.699 ca được điều trị khỏi, 101 ca tử vong.
- Cà Mau cho biết trong 24 giờ qua, tỉnh này ghi nhận 1.339 ca COVID-19 mới, trong đó có 1.029 ca cộng đồng, cao nhất từ trước đến nay, nâng số ca mắc của tỉnh lên 20.640 ca. Cà Mau đã quyết định điều chỉnh cấp độ dịch: có 74 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 3 (vùng cam) về dịch COVID-19, tăng 12 đơn vị cấp xã.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận