06/03/2019 10:39 GMT+7

Tin độc trên mạng: Phụ huynh phải tạo được niềm tin tuyệt đối cho trẻ!

KHÔI NGUYÊN
KHÔI NGUYÊN

TTO - Đọc bài viết "Tin độc trên mạng: Phụ huynh phải biết lọc giúp con" của tác giả Nam Thụ tôi thấy bổ ích cho các bậc phụ huynh.

Tin độc trên mạng: Phụ huynh phải tạo được niềm tin tuyệt đối cho trẻ! - Ảnh 1.

Cha mẹ hay chọn cách tiện lợi là đưa cho con công nghệ để "dỗ" chúng - Ảnh: GIA TIẾN

Đồng thời ý kiến của TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cũng rất đáng suy nghĩ: nên kéo con thành "đồng minh" trong cuộc chiến với thông tin có hại: "Các bạn trẻ sẽ hợp tác nếu cha mẹ đặt lòng tin vào chúng trong cuộc chiến với những thông tin có hại và phim, clip nội dung xấu".

Tuy nhiên, tôi nghĩ thêm để ngăn chặn tin độc, clip độc tấn công trẻ, ngược lại chính người lớn, cha mẹ phải tạo niềm tin cho trẻ là quan trọng không kém khi tình huống đã xảy ra. Bởi đủ niềm tin, trẻ sẽ vượt qua nỗi sợ, sẵn sàng chia sẻ mọi suy nghĩ, rắc rối gặp phải. 

Thường thấy trong những sự kiện bên ngoài xã hội (như bị bạn bè bắt nạt) trẻ sẽ mách mẹ, mách thầy cô hay người lớn tin tưởng ngay. Ngược lại trẻ thường chọn cách im lặng trên môi trường mạng (bị bắt nạt, đe dọa, bị ảnh hưởng tâm lý, ám ảnh về hình ảnh kinh dị…) chứ không tâm sự hay nhờ can thiệp. 

Trong khi không phải phụ huynh nào cũng có thời gian nhiều bên con. Với trẻ nhỏ, cha mẹ lại hay chọn cách tiện lợi là đưa cho con công nghệ để "dỗ" chúng. Đến khi một sự việc được khơi lại, mọi người mới quan tâm nhiều hơn đến mặt trái. Nhưng nếu thấy ảnh hưởng không rõ ràng thì sau đó mọi chuyện đâu lại vào đấy. Nhiều người vẫn dùng smartphone làm "bảo mẫu" tin cậy mà xem nhẹ nguy cơ.

Thực sự hình ảnh, việc làm nào đó phản cảm,  ghê rợn... trên mạng có thể gây ảnh hưởng đến nhận thức,  tâm lý trẻ.  Phụ huynh cần cẩn thận khi cho trẻ tiếp xúc với các clip, vì các đường link "chạy" theo chủ đề nhưng nội dung có thể không phù hợp. Ví dụ trẻ đang xem Elsa dành cho trẻ em clip chạy kế tiếp là Elsa dung tục, phản cảm....Vậy nên, tốt nhất là dùng trình duyệt an toàn khi cho trẻ xem.

Còn những trò hù dọa trên mạng nếu đúng như miêu tả (trên mạng) thì tưởng mới nhưng đã cũ. Có người sẽ nhớ ngày xưa bản thân hoặc bạn bè từng là nạn nhân của trò tương tự. Trong hộc bàn mình hoặc của bạn bè tại lớp có mẫu giấy cùng hình ảnh đáng sợ với dòng chữ đại khái như: "Nếu không bí mật làm theo ngay, viết vào giấy tập vài ngàn lần câu….  sẽ bị xui xẻo, thậm chí cha mẹ, người nhà bị vạ lây...". 

Vậy là một số người mù quáng làm theo điều mơ hồ đó vì sợ và còn gieo rắc nỗi sợ cho bạn bè xung quanh. Giáo viên phát hiện, nhà trường cảnh báo về trò đùa này nhưng thỉnh thoảng trò này lại xảy ra, nhất là với trẻ nhút nhát, gặp vấn đề về tâm lý.  

Đặc biệt, cái "ác" của các trò đùa này là đánh vào tâm lý của trẻ nhỏ, buộc phải sợ mà im lặng, làm theo không dám hé nửa lời với người lớn dù trong lòng rất muốn, muốn dừng lại cũng không dám… Đặt trường hợp nguy cơ xảy ra khi tin xấu độc ảnh hưởng trực tiếp, nguy hiểm đến trẻ khi xem phải, trẻ sẽ không dại dột làm theo mà báo cho cha mẹ nhờ can thiệp. 

Dặn dò con là nên tin tưởng tuyệt đối vào cha mẹ bởi cha mẹ luôn làm điều tốt nhất cho các con. Dù chuyện gì xảy ra cũng phải nói với cha mẹ biết...  Điều này không chỉ thể hiện tình thương mà còn tạo được niềm tin giúp trẻ tránh các nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý và rơi vào nguy hiểm khi trẻ cứ im lặng, chịu đựng, làm theo… hành  vi xấu của người thật hay người ảo trên mạng.

 Trò nguy hiểm, clip độc, xấu trên mạng xuất hiện nói là khó phát hiện, nhưng khó không có nghĩa là không thể phát hiện và ngăn chặn. Tin độc, xấu, trò vô bổ nguy hiểm với con em chúng ta bị ngăn chặn khi cộng đồng mạng thể hiện  trách nhiệm, những bậc cha mẹ cùng mong muốn chung tay kiểm soát "phần tối" này, bằng cách mỗi người tự giác cảnh báo ngay cho mọi người khác nguy cơ ( hoặc cùng nhau cắm cờ trên kênh để gỡ bỏ các clip không phù hợp ). Cha mẹ nên dành thời thường xuyên bên con chứ không tin tưởng 100 %  giao con cho "ai đó". 

Hơn hết, sự chọn lọc, hướng dẫn của người lớn khi xem video cùng sẽ nâng cao nhận thức,  giúp cha mẹ hiểu suy nghĩ của con hơn và là "lá chắn thép" ngăn chặn hiệu quả nguy cơ xảy ra trên môi trường mạng với trẻ.  

Đừng trách trẻ nhỏ khi người lớn không thể sống thiếu smartphone Đừng trách trẻ nhỏ khi người lớn không thể sống thiếu smartphone

TTO - Một báo cáo mới đây về nghiên cứu thị trường quảng cáo số đã cho thấy: trong nửa đầu năm 2018, tỷ lệ người Việt truy cập Internet bằng các thiết bị di động chủ yếu chỉ để xem video và mạng xã hội.

KHÔI NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên