03/03/2019 08:00 GMT+7

Tin độc trên mạng: Trào lưu tự sát và còn gì nữa?

ĐỨC THIỆN - THIÊN ĐIỂU
ĐỨC THIỆN - THIÊN ĐIỂU

TTO - Không chỉ trào lưu có tên Thử thách Momo (Momo challenge) bị nhiều bậc phụ huynh xem là một "dịch bệnh" nguy hiểm, thời gian qua người dùng Việt tham gia các mạng xã hội thường xuyên phải gặp 'rác', tin 'độc'.

Tin độc trên mạng: Trào lưu tự sát và còn gì nữa? - Ảnh 1.

Chị Phạm Thị Cúc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hướng dẫn con, cháu xem phim hoạt hình trên ứng dụng YouTube Kids, chiều 2-3 - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Đó là những thông tin, quảng cáo sai sự thật, nói xấu cá nhân, tổ chức khác, làm hoang mang dư luận, lừa đảo người dùng...

"Trào lưu" tự sát và còn gì nữa?

Trào lưu các video dạy trẻ em tự sát hoặc dọa nạt giết trẻ em được cho là xuất hiện đầu tiên ở Anh vào tháng 8-2018. Trong đó, tiêu biểu là các clip Thử thách Momo (Momo challenge) với hình ảnh phản cảm, hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân, hoặc dọa nạt giết trẻ em trong đêm... 

Ngay khi clip này xuất hiện đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dùng, yêu cầu phải loại bỏ ngay.

Đến nay, nhiều clip chứa "rác" độc kiểu Thử thách Momo đã bị các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ sau khi có các báo cáo, phản hồi từ người dùng. Tại Việt Nam, ngày 1-3, đại diện Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube - cũng đã báo cáo với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin - truyền thông rằng các clip chứa nội dung nguy hại cho trẻ em được người dùng báo cáo đều đã bị gỡ bỏ.

Tuy nhiên, với chiêu thức tinh vi là nhúng các clip rất ngắn vào giữa các clip phim hoạt hình nổi tiếng, việc loại bỏ mạnh mẽ các clip này trên mạng xã hội là hầu như bất khả thi trong điều kiện hiện nay. 

Để bảo vệ học sinh của mình, theo kênh Fox5 đưa tin, các trường ở quận Walton của bang Florida, Hoa Kỳ đã ra lệnh cấm học sinh truy cập YouTube trên các thiết bị của trường "cho đến khi có thông báo mới".

Ngoài Thử thách Momo, trên mạng xã hội Facebook Việt Nam thời gian gần đây cũng "nóng" với câu chuyện về một cô gái (TP.HCM) được cho là tự tử vì bị búp bê Kuma Thong ám. 

Trước đó, trên Facebook ngập tràn các bài viết, video và hội nhóm bàn về trào lưu nuôi búp bê có tên Kuma Thong - một loại bùa chú tâm linh xuất phát từ Thái Lan.

Theo giới thiệu từ nhiều trang trên Facebook, đây là loại búp bê được vẽ bùa phép và được yểm linh hồn với mục đích để những phù trợ cha mẹ - người nuôi - đạt được tất cả mong muốn trong cuộc sống. Kuma Thong thậm chí còn lọt vào tốp 10 từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong tuần từ 15-2 đến 22-2 vừa qua.

Công an tỉnh Bến Tre vừa bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Công Em để điều tra về hành vi "làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước".

Đối tượng này khai nhận đã sử dụng 4 tài khoản Facebook khác nhau để đăng tải, chia sẻ các bài viết và phát trực tiếp (livestream) những video có nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền, kêu gọi, kích động biểu tình trong thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội ngày 27 và 28-2.

Tin độc trên mạng: Trào lưu tự sát và còn gì nữa? - Ảnh 3.

Thông tin cảnh báo tác hại của Momo Challenge trên báo chí nước ngoài

Cổ vũ chống... tiêm văcxin

Cuối tháng 2 vừa qua, YouTube cũng cho biết đã gỡ bỏ tất cả quảng cáo trên các thông tin cổ xúy chống tiêm văcxin. Trước đó, trong một báo cáo riêng về chống tiêm văcxin, trang tin BuzzFeed News cho biết YouTube đang tiếp tay quảng cáo cho các video này bằng việc cho hiển thị ở cột nội dung đề xuất, thậm chí xuất hiện ngay trên các video thông tin về tiêm chủng. 

Thông tin này nổi lên trong bối cảnh dịch sởi đang bùng phát ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương...

Với Thử thách Momo bị cộng đồng mạng phản ứng mạnh, đại diện Google cho rằng video hay hình ảnh nhân vật Momo trong một số video trên YouTube thuộc nhóm "video không dành cho trẻ em, có sự kiểm soát, giới hạn về độ tuổi. Người được phép xem những video này phải trên 18 tuổi". 

Đồng thời, trước khi truy cập vào các nội dung video này, người dùng đều nhận được cảnh báo "video này có thể không thích hợp với một số đối tượng người dùng".

Ngoài việc khẳng định "những nội dung vi phạm chính sách của chúng tôi và sẽ bị xóa khỏi YouTube ngay lập tức", Google cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên sử dụng tài khoản của mình (trên 18 tuổi) để đăng nhập YouTube rồi đưa cho trẻ em xem, vì khi đó YouTube có thể hiểu người đang xem là người trưởng thành - có thể đề xuất những nội dung cho người lớn (!?).

YouTube đã ra mắt một ứng dụng riêng dành cho trẻ em (có ngôn ngữ tiếng Việt) với tên gọi là YouTube Kids, các bậc cha mẹ có thể tải ứng dụng này về và cho trẻ em xem các video - được thiết kế chỉ dành riêng cho trẻ em. 

Hơn nữa, ứng dụng này còn cho phép các bậc cha mẹ có thể kiểm soát nội dung video muốn cho con mình xem, hẹn giờ dừng xem video, giới hạn các nội dung cha mẹ không muốn...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Facebook cho biết có tiêu chuẩn cộng đồng để chỉ ra những nội dung người dùng có thể và không thể chia sẻ trên nền tảng của Facebook. 

Với các nội dung quảng cáo trên Facebook, người phát ngôn của mạng xã hội này cho biết nội dung của quảng cáo sẽ được xem xét kỹ lưỡng. "Nếu quảng cáo đó vi phạm các chính sách của Facebook, quảng cáo đó sẽ bị chúng tôi từ chối".

"Chúng tôi cũng khuyến khích cộng đồng báo cáo những quảng cáo mà họ cho rằng có thể vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi", vị này cho biết, đồng thời khuyến cáo người dùng tích cực phản ảnh những nội dung không phù hợp xuất hiện trên mạng xã hội để mạng xã hội này kịp thời xử lý.

TS QUÁCH THU QUẾ (Bộ LĐ-TB&XH):

Cha mẹ là "khiên" chắn

Tôi đã đọc những thông tin về trào lưu các video hướng dẫn trẻ tự sát, tự làm tổn thương mình tràn lan trên mạng xã hội và cảm thấy vô cùng bất an. Bởi lẽ trẻ em từ nông thôn đến thành thị, từ những đứa trẻ 2-3 tuổi đều đã được cha mẹ cho xem các video trên YouTube.

Trong bối cảnh mà các công cụ công nghệ chưa thể giúp ngăn chặn hiệu quả những video độc hại tràn lan, các bậc cha mẹ chỉ có cách cố gắng kiểm soát con mình tốt hơn khi các con sử dụng mạng xã hội, như cài đặt các chương trình xem an toàn cho trẻ em, chủ động mở cho các con xem những video an toàn và hạn chế thời gian, không thả cho các con xem tự do trên mạng...

Ông NGÔ QUỐC BẢO (giám đốc trung tâm thương mại điện tử và dịch vụ kỹ thuật hệ thống FPT Shop):

Doanh nghiệp cũng là nạn nhân

Với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ, hoạt động kinh doanh gần như gắn liền với mạng xã hội. Vì vậy chuyện đối mặt với những chiêu trò bôi xấu, vu khống gần như là chuyện cơm bữa. Trong đó, chuyện trang mạng bất kỳ đăng nội dung nói xấu, vu khống hoạt động kinh doanh của FPT Shop diễn ra thường xuyên từ vài năm nay.

Đối với các trang có nội dung vu khống, các bài viết Facebook hay trên diễn đàn nói xấu FPT Shop không có bằng chứng, chúng tôi đều cố gắng liên hệ trực tiếp để điều chỉnh nội dung sai trái, nếu không phối hợp chúng tôi sẽ nhờ đến cơ quan chức năng.

Để bảo vệ doanh nghiệp và cả người tiêu dùng, theo tôi, cơ quan chức năng cần xử phạt nặng các hành động vi phạm thương hiệu hoặc đăng tải những thông tin bôi nhọ uy tín của cá nhân và tổ chức nếu như không đưa ra được bằng chứng.

Gỡ bỏ video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube Gỡ bỏ video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube

TTO - Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết trong sáng 1-3, Google đã thông báo rằng các link video hướng dẫn trẻ em tự sát trên YouTube mà phương tiện truyền thông Việt Nam phản ánh đều đã được gỡ bỏ.

ĐỨC THIỆN - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên