05/03/2019 09:10 GMT+7

Ngăn hình ảnh độc trên mạng: Nhận diện mối nguy với trẻ

HÂN MINH
HÂN MINH

TTO - Một báo cáo công bố vào tháng 1-2019 của Tổ chức We Are Social cho thấy 99% người dùng Internet có xem video trên mạng, trong đó có đến 95% người xem qua thiết bị di động.

Nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng hơn cho sự an toàn của con mình khi xem các đoạn video trên mạng. Nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu hết mối nguy hiểm từ nhiều thể loại phim ảnh trên mạng…

Ngăn hình ảnh độc trên mạng: Nhận diện mối nguy với trẻ - Ảnh 1.

Em bé này đang tìm kiếm video trên ứng dụng YouTube Kids. Người lớn nên đồng hành cùng con trên mạng để biết con mình xem gì - Ảnh: Đ.THIỆN

Một báo cáo công bố vào tháng 1-2019 của Tổ chức We Are Social cho thấy 99% người dùng Internet có xem video trên mạng, trong đó có đến 95% người xem qua thiết bị di động.

Thói quen tai hại

Người lớn đã vậy, trẻ con cũng không khác mấy, có chăng chỉ khác ở nội dung video. Không khó bắt gặp cảnh trẻ nằng nặc đòi ba mẹ cho coi YouTube, hoặc tập trung xem video trên điện thoại. Sai lầm ngay đầu tiên của cha mẹ là dùng smartphone hay máy tính bảng của mình cho trẻ xem video bởi khi đó những video có nội dung không dành cho trẻ em, thậm chí chỉ dành cho người trưởng thành, dễ dàng xuất hiện trên màn hình.

Vì tài khoản người sử dụng thiết bị là người lớn, cha mẹ có thói quen xem video với nội dung như thế nào thì con cái sử dụng điện thoại của cha mẹ cũng có thể dễ dàng được xem những video tương tự. 

Ví dụ, cha mẹ hay xem phim kiếm hiệp, võ thuật…, trẻ em cũng dễ dàng được "chiêm ngưỡng" những đoạn đấu kiếm, đánh võ qua các video được đề xuất dưới dạng "video có nội dung liên quan"... 

Trong khi đó, thói quen của trẻ em là xem hết video này thì bấm vào video được đề xuất để xem tiếp. Trẻ sẽ trôi theo các video đề xuất tự động trên ứng dụng, cha mẹ khó mà biết được con mình đã xem, đã học được những gì tốt, xấu.

Các nhà cung cấp những ứng dụng YouTube (Google) hay Facebook muốn có được doanh thu quảng cáo ngày càng lớn thì phải khiến người dùng sử dụng dịch vụ, ứng dụng của mình ngày càng nhiều và càng lâu càng tốt. Một cách đơn giản thường thấy khi xem các video mạng: những video được đề xuất thường liên quan đến những từ khóa chúng ta đã tìm kiếm hoặc những video đã xem. 

Ngay khi sắp xem xong một video, những video liên quan với lời giới thiệu rất hấp dẫn đã được đề xuất sẵn, khiến người xem khó mà không chọn bấm vào xem tiếp…

Sai lầm thứ hai của người lớn là để trẻ tự do tìm kiếm video theo từ khóa trẻ quan tâm. Trẻ em rất "giỏi" về từ khóa, trẻ luôn thuộc lòng những loại video, nhân vật trẻ và bạn bè yêu thích hoặc đã xem. 

Chẳng hạn Peppa Pig vốn là những video hoạt hình khá nổi tiếng trên YouTube dành cho trẻ em, Peppa Pig cũng khá phổ biến ở Việt Nam và được nhiều cha mẹ chọn cho con mình xem. 

Thế nhưng câu chuyện về những cảnh tự hành hạ bản thân như dùng dao cắt da, tự nhổ răng… xuất hiện trong các phim hoạt hình Peppa Pig thời gian gần đây đã khiến không ít phụ huynh giật mình.

Bạn sẽ nghĩ gì khi con mình muốn xem phim Peppa Pig, hoặc tự chúng tìm kiếm từ khóa này? Và những câu chuyện tương tự hoàn toàn có thể xảy ra? Đó là chưa kể trong một số video Peppa Pig, những cảnh hành hạ bản thân nêu trên chỉ xuất hiện ở giữa hoặc cuối video - rất dễ qua mặt các bậc phụ huynh nếu không theo dõi kỹ.

Cạm bẫy livestream

Một hình thức xem video mới cũng rất phổ biến thời gian gần đây là livestream (xem video trực tiếp thời điểm đang diễn ra). Với người lớn, chúng ta thường thấy livestream bán hàng trên Facebook, livestream sự kiện… 

Với trẻ em cũng sẽ có livestream chơi trò chơi, khui hộp sản phẩm đồ chơi mới… 

Thậm chí có cả những livestream có tương tác giữa người thực hiện và người xem. Chuyện này ở Việt Nam chưa phổ biến, nhưng trên thế giới việc này không mới (và có thể phổ biến ở Việt Nam tương lai không xa).

Mới đây, Hiệp hội quốc gia Phòng chống hành vi tàn ác đối với trẻ em tại Anh đã lên tiếng cảnh báo về hiểm họa của loại hình này với trẻ. Theo khảo sát từ 40.000 học sinh của hiệp hội này, khoảng 25% em từng thực hiện livestream với người lạ. Trong đó cứ 20 em đang livestream hay trong các bình luận ở một bài nào đó thì có một em được yêu cầu cởi bỏ quần áo…

Người phát ngôn của hiệp hội này cho biết: "Hiện có một số lượng lớn trẻ em đang được làm quen và tiếp xúc thông qua các ứng dụng livestream. Những kẻ lạm dụng trẻ em đã lợi dụng để biến thành mảnh đất màu mỡ cho chúng săn mồi". 

Theo trang tin công nghệ Cnet, mặc dù ứng dụng (chẳng hạn như TikTok) yêu cầu người sử dụng phải ở độ tuổi ít nhất 13, nhưng thực tế không có cách nào để bảo đảm hay chứng thực độ tuổi người dùng.

Để giúp con mình tránh được các hiểm họa từ thế giới mạng, cụ thể là từ các đoạn video trên mạng, cách tốt nhất vẫn là cha mẹ đồng hành cùng con mình. 

Cha mẹ phải cùng xem video với con mình thì mới hiểu được nội dung video cũng như những nguy hiểm tiềm tàng nếu có. "Ném" smartphone hay máy tính bảng thiếu kiểm soát cho con chắc chắn là sai lầm lớn nhất.

Tự thân miễn nhiễm: dễ hay khó?

Sự tìm kiếm thông tin và thể hiện bản thân trên mạng phản ánh con người với những mảng tốt - xấu rõ ràng. Những gì thuộc về bản năng thường thu hút được nhiều người nhất (ví dụ như vấn đề giới tính, những thông tin về các giới nhà giàu, nghệ sĩ, tin giật gân...) luôn được đọc nhiều.

Khi chúng ta ghé qua trang nhà của những nhóm người có xu hướng nào, sau đó chúng ta sẽ nhận được những thông tin tương tự. Nếu đó là những trang "có độc", chúng ta sẽ cuốn tiếp vào những thông tin, hình ảnh độc hại khác. "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" chính là ở chỗ này.

Dân trí, sự hiểu biết cũng quyết định việc chọn lựa, phân tích, nhận định nguồn tin trên mạng. Người đủ hiểu biết có thể nhận diện được những thông tin sai, nhưng khó có thể sàng lọc tất cả thông tin sai, xấu. Tỉnh thức trước thông tin hay tìm kiếm thông tin đòi hỏi mỗi người phải biết chắt lọc và bản lĩnh trong mỗi cái click chuột.

Ở Việt Nam từng rộ lên trào lưu "nói là làm" gây xôn xao dư luận mạng. Nhiều chuyện manh động, hời hợt, thậm chí có hại nhưng đã nói thì sẽ "phải làm". Thiết nghĩ nếu "nói là làm" hướng tới những điều tốt đẹp, lành mạnh, để cùng nhau sống tử tế hơn hoặc người lớn "nói và làm" điều hay lẽ phải để nuôi lớn tâm hồn trẻ... sẽ tốt biết bao!

Tin độc trên mạng: Phụ huynh phải biết lọc giúp con Tin độc trên mạng: Phụ huynh phải biết lọc giúp con

TTO - Giải pháp gốc rễ nào để bảo vệ trẻ em giữa sự hỗn mang của nhiều video 'rác'? Tuổi Trẻ giới thiệu một góc nhìn.

HÂN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên