10. Siêu bão Haiyan
Phóng toNỗi thống khổ của những người sống sót sau siêu bão Haiyan ở thành phố biển miền trung Tacloban - Ảnh: Reuters
Là cơn bão có sức tàn phá mạnh nhất quét qua Philippines kể từ bão Tehlma năm 1991, siêu bão Haiyan quét qua nước này với vận tốc trên 270km/giờ và tạo ra các cơn sóng cao hơn 6m. Dù chính quyền nước này đã có sự chuẩn bị trước bao gồm di tản gần 800.000 người, nhưng Haiyan đã khiến hơn 5.000 người thiệt mạng và gần 2 triệu người mất nhà cửa sau khi càn quét miền trung và san bằng thành phố biển Tacloban.
9. Tệ nạn “hiếp dâm” ở Ấn Độ
Trẻ em và thiếu nữ ở Ấn Độ dễ trở thành nạn nhân của nạn cưỡng hiếp - Ảnh: AP |
Phản ứng giận dữ của người dân Ấn Độ trước vụ hiếp dâm tập thể một nữ sinh viên trên xe buýt ở Delhi cuối năm 2012 gây rúng động thế giới lặp lại vào năm 2013.
Những cuộc biểu tình quy mô lớn liên tiếp nổ ra yêu cầu sự bảo vệ nhiều hơn dành cho phụ nữ và thực thi công lý. Những vụ hiếp dâm xảy ra vào năm 2013, trong đó có vụ cưỡng hiếp một cô gái 23 tuổi ở Mumbai, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân trong nước và quốc tế.
Những cuộc biểu tình lan rộng này đã làm nổi bật xã hội gia trưởng khét tiếng của Ấn Độ cũng như là hồi chuông cảnh báo về quyền phụ nữ ở những quốc gia đang phát triển nơi hơn 2 triệu bé gái sinh con trước tuổi 14.
8. Căng thẳng tranh chấp biển của Trung Quốc
Máy bay tuần tra Nhật bay qua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: AFP |
Một trong những thách thức nan giải mà Trung Quốc phải đối mặt trên con đường trở thành một siêu cường quốc có liên quan đến khả năng sống hòa thuận của nước này với những nước láng giềng.
Một trong những bài kiểm tra rõ ràng nhất cho tham vọng của Bắc Kinh nằm ở các vùng biển xung quanh Trung Hoa đại lục. Những cuộc tranh chấp lãnh hải ở biển Đông và biển Hoa Đông đe dọa trở thành một cuộc khủng hoảng khu vực trong năm 2013.
Vào tháng 1, Philippines cho biết sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án Liên Hiệp Quốc vì Bắc Kinh xem phần lớn biển Đông là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của họ. Hành động của Trung Quốc bị nhiều quốc gia ASEAN phản ứng dữ dội, đặc biệt là hai nước láng giềng Việt Nam và Philippines.
Vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc thậm chí còn căng thẳng hơn. Sự tranh chấp này trở nên nhức nhối vào tháng 11-2013 khi Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông mà ngoại trưởng Nhật nói có thể “gây ra những sự kiện không thể dự đoán được”.
Chỉ vài ngày sau đó, hai máy bay B-52 của Mỹ bay qua vùng nhận dạng này. Bắc Kinh không phản ứng nhưng vùng ADIZ trên biển Hoa Đông vẫn nằm yên đó.
7. Thảm họa xưởng may ở Bangladesh
Hiện trường vụ sập tòa nhà Rana Plaza - Ảnh: Reuters |
Vụ sập tòa nhà Rana Plaza ở ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh khiến trên 1.100 người chết ngày 24-4 là một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất tại quốc gia này.
Đó là lời nhắc nhở đầy đau đớn về điều kiện làm việc và an toàn lao động tồi tệ trong các xưởng may ở Bangladesh, vốn cung cấp sản phẩm cho các nhà bán lẻ khắp châu Âu và Mỹ. Thảm họa này làm nổ ra các cuộc tranh luận cả trong nước lẫn quốc tế về việc cải cách các xưởng may.
Tháng 11, các nhóm đại diện các nhãn hiệu may mặc Walmart, Gap và H&M và những thương hiệu khác đạt thỏa thuận về việc phải áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn cho những người chủ sử dụng lao động.
Nhưng hiệu quả của thỏa thuận này còn hạn chế khi vẫn còn nhiều vụ hỏa hoạn xưởng may xảy ra ở nước này, khiến ít nhất 18 người chết trong khi các công nhân ở Bangladesh vẫn đang đấu tranh đòi tăng lương. Họ là một trong những nhân công kiếm được mức thu nhập thấp nhất thế giới.
6. Vành đai khủng bố ở châu Phi
Ảnh: AFP |
Năm 2013 cũng là năm chứng kiến nhiều vụ khủng bố đẫm máu do những người Hồi giáo cực đoan ở khắp châu Phi gây ra bao gồm cuộc khủng hoảng con tin ở một khu vực khai thác dầu tại Algeri khiến 39 người nước ngoài chết, những cuộc tấn công dã man liên tục của nhóm khủng bố Boko Haram ở Nigeria và vụ tấn công khủng bố trung tâm thương mại Westgate tại thủ đô Nairobi ở Kenya khiến ít nhất 68 người thiệt mạng.
Tình trạng bạo lực ở châu Phi còn thu hút sự chú ý từ những thế lực khác ở phương Tây. Mỹ đã thành lập một căn cứ quân sự máy bay không người lái ở Niger vào tháng 2 và đã thực hiện những cuộc bố ráp đặc biệt vào Libya và Somali, trong đó có nỗ lực chống lại một thủ lĩnh cấp cao của nhóm al-Shabab, tổ chức được cho là chủ mưu vụ tấn công trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi.
Tháng 11, Pháp thông báo sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở một nước cựu thuộc địa khác là Cộng hòa Trung Phi. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết những phiến quân nổi loạn ở đây đã khiến quốc gia này “bên bờ vực bị tuyệt chủng”.
5. Francis - Đức Giáo hoàng cấp tiến
Phóng to |
Đức giáo hoàng Francis - Ảnh: Corbis |
Tháng 2, đức giáo hoàng Benedict XVI từ chức do tuổi già sức yếu. Ông là đức giáo hoàng đầu tiên trong 600 năm qua từ nguyện rời khỏi cương vị.
Người kế vị ông là hồng y người Argentina Jorge Bergoglio, chọn tên thánh là Francis. Tân đức giáo hoàng Francis được cho là người có tư tưởng cải cách giáo hội và ủng hộ người nghèo.
Ông đi đầu trong việc cải tổ tài chính ở Vatican đến việc thách thức những quan điểm truyền thống của giáo hội về đồng tính và phụ nữ, lên án bản chất tham lam của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
4. Snowden làm rung chuyển thế giới
Edward Snowden - Ảnh: AFP |
Việc cựu điệp viên Edward Snowden tung những tài liệu về chương trình nghe lén của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã vạch trần các hoạt động do thám của Mỹ đối với nhiều quốc gia trên thế giới và đe dọa hủy hoại mối quan hệ của Nhà Trắng với một số đồng minh quốc tế. Những đồng minh này cho biết họ rất giận dữ khi bị “nghe lén”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu Nhà Trắng giải thích về những thông tin cho rằng NSA theo dõi điện thoại của bà trong khi Tổng thống Brazil Dilma Rousseff thậm chí còn hủy chuyến thăm Mỹ, sau đó phàn nàn trước người dân toàn cầu ở Liên HIệp Quốc rằng sự do thám của Mỹ là “sự sỉ nhục” đối với chủ quyền của đất nước bà.
Ảnh hưởng của việc này thậm chí còn vượt ra xa giới tình báo khi các công ty web của Mỹ có thể mất hàng tỉ USD khi những người dùng quốc tế chuyển sang sử dụng những sản phẩm mà họ cho là ít khả năng bị theo dõi hơn. Nó cũng làm mối quan hệ giữa Washington và Matxcơva trở nên xấu đi khi Nga cho phép kẻ chạy trốn nổi tiếng nhất nước Mỹ tị nạn.
3. Kết thúc cuộc cách mạng ở Ai Cập?
Phóng toẢnh: Reuters
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 3-7, người đứng đầu quân đội Ai Cập Abdul Fatah el-Sisi nói với hàng triệu người dân Ai Cập rằng quân đội nước này đã loại bỏ tổng thống Mohamed Morsi, người được bầu chọn trong một cuộc bầu cử dân chủ. Quyết định phế truất ông Moris của quân đội đã nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người dân.
Những người này đã đổ ra đường phản đối sự lãnh đạo của ông tổng thống theo Hồi giáo này. Những người chỉ trích cho rằng ông Morsi đã lạm dụng quyền lực để củng cố quyền lực của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.
Việc phế truất ông Morsi còn gây ra các cuộc đụng độ đẫm máu giữa phe ủng hộ và không ủng hộ ông. Chính quyền lâm thời được sự hậu thuẫn của quân đội đã trấn áp những lãnh đạo của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và những người ủng hộ tổ chức này vào ngày 14-8 khiến hàng trăm người chết.
Khi ổn định bạo loạn, tư lệnh quân đội Ai Cập Sisi và chế độ kỹ trị mới đã củng cố quyền lực của họ. Trong khi bề ngoài tỏ ra chuẩn bị cho sự trở lại của nền dân chủ, họ đã trấn áp những người bất đồng chính kiến nặng nề đến nỗi nhiều người nói cuộc cách mạng Ai Cập đã quay lại thời kỳ trước đây kể từ lúc cựu tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ vào năm 2011. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11, Sisi đã công khai muốn tranh cử tổng thống vào năm 2014.
2. Một chương mới với Iran
Tổng thống Iran Hassan Rouhani - Ảnh: Time |
Rõ ràng ông Hassan Rouhani, được bầu làm tổng thống Iran vào tháng 6, đang cố gắng áp dụng sách lược mới khi ông chúc người dân Do Thái một năm mới tốt lành (lễ Rosh Hashanah) trên mạng Twitter.
Chỉ trong vài tháng, ông Rouhani và nội các của ông đã thay đổi hoàn toàn bầu không khí vây quanh Iran, một quốc gia không được lòng nhiều người dưới triều đại của cựu tổng thống hiếu chiến Mahmoud Ahmadinejad. Vào tháng 9, ông Rouhani có cuộc điện đàm lịch sử với Tổng thống Mỹ Barack Obama - cuộc đối thoại đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước trong vòng ba thập kỷ.
Tháng 11, Iran đạt thỏa thuận với Mỹ và những quốc gia lớn khác về việc cắt giảm chương trình hạt nhân của mình để đổi lại nước này không bị cấm vận và trừng phạt kinh tế trị giá hàng tỉ USD. Thỏa thuận này cũng dấy lên những hoài nghi của những quốc gia khác, nhất là Israel, nhưng có thể khởi động kỷ nguyên nối lại tình hữu nghị mới giữa nhiều quốc gia trên thế giới với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
1. Nội chiến và vũ khí hóa học ở Syria
Kho vũ khí hóa học của Syria sẽ bị tiêu hủy - Ảnh: AP |
Sáng 21-8, nhiều nguồn tin cho rằng có vụ tấn công khí độc sarin vào người dân ở ngoại ô thủ đô Damascus khi cuộc nội chiến kéo dài hai năm ở Syria đã làm ít nhất 100.000 người chết, tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất trong một thế hệ.
Hình ảnh trẻ em và phụ nữ sùi bọt mép, nằm co ro và bất động trên một thước phim đã khiến cộng động quốc tế vô cùng giận dữ. 10 ngày sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ xin phép quốc hội tấn công những cơ sở vũ khí hóa học ở Syria sau khi công khai một tin tình báo xác định Tổng thống Syria Bashar Assad đã chỉ đạo vụ tấn công hóa học trên khiến ít nhất 1.429 người chết.
Tuy nhiên cuộc chiến tranh đã không bao giờ xảy ra. Người dân Mỹ không muốn một sự can thiệp nào vào Trung Đông nữa. Trong khi đó Nga, một trong những đồng minh thân cận nhất với ông Assad, cố gắng thuyết phục Damascus giao kho vũ khí hóa học của nước này cho cộng đồng quốc tế kiểm soát. Cuối cùng, với việc chấp nhận cho cộng đồng thế giới tiêu hủy kho vũ khí hóa học, Tổng thống Syria Bashar Assad đã tránh được một cuộc tấn công từ Mỹ và đồng minh.
------------------
Mời bạn đọc xem loạt bài tổng kết năm 2013 trên Tuổi Trẻ Online: 10 câu nói ấn tượng nhất năm 2013 Ảnh báo chí thế giới đặc sắc nhất năm 2013 |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận