26/08/2017 11:08 GMT+7

Tìm tên liệt sĩ ở hang Tám Cô

LAM GIANG
LAM GIANG

TTO - Ngày 14-11-1972, máy bay Mỹ ném bom xuống km16 đường 20 (nay là khu vực hang động Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình). Tám thanh niên xung phong gồm bốn nam, bốn nữ tránh bom bị một tảng đá nặng cả chục tấn vùi kín miệng hang.

Các cựu TNXP về lại chiến trường xưa, thắp nhang viếng liệt sĩ tại hang Tám Cô - Ảnh: L.G.H.
Các cựu TNXP về lại chiến trường xưa, thắp nhang viếng liệt sĩ tại hang Tám Cô - Ảnh: L.G.H.

“Dù có muộn nhưng đây là điều đất nước cần làm cho các liệt sĩ và người thân

Ông ĐÀO NGỌC LỢI (cục trưởng Cục Người có công)

Những ngày sau đó, bộ đội và TNXP đã dùng cả xe tăng để kéo tảng đá ra nhưng không thể. Một ngày, hai ngày... bên trong hang văng vẳng vọng ra tiếng kêu cứu. Đến ngày thứ chín thì chỉ còn nghe được giọng nữ cuối cùng kêu lên “Mẹ ơi” rồi im bặt...

Năm 1996, hài cốt của tám TNXP ở hang Tám Cô - tên người dân đặt cho nơi tám TNXP hi sinh - được quy tập và an táng tại nghĩa trang liệt sĩ TNXP Thọ Lộc (xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch).

Trong tám người, chỉ xác định danh tính một liệt sĩ. Mới đây, thân nhân của các liệt sĩ muốn xác định lại danh tính bằng xét nghiệm ADN để an lòng người sống, an lòng người khuất núi.

Do đó, Cục Người có công và Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình đang phối hợp thực hiện ước nguyện này.

Nỗi niềm đau đáu của người mẹ

Tám TNXP hi sinh ở hang Tám Cô, trên đường 20 Quyết Thắng (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đều quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tại xã Hoằng Thịnh, mẹ Lê Thị Ngoạn, 86 tuổi, mẹ của liệt sĩ Lê Thị Lương (sinh năm 1953), cũng là người mẹ của các liệt sĩ ở hang Tám Cô duy nhất còn sống, vẫn đau đáu nỗi niềm với con gái mình và các liệt sĩ.

Mẹ muốn điều cuối cùng trong đời là thấy con mình được xác định lại tên và viết đúng tên trên nấm mộ liệt sĩ, sau 21 năm đợi chờ trong thương nhớ, sau 45 năm kể từ ngày người con gái của mẹ nằm xuống.

Đã bao đêm dài, người mẹ lọm khọm thắp nhang lên bát nhang trước tấm bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ, không có tấm ảnh nào của liệt sĩ Lương.

Chị vào tuyến lửa đường 20 Quyết Thắng khi còn rất trẻ, chỉ mới hơn 16 tuổi. Không có tấm ảnh nào để lại.

Ông Hoàng Văn Hiến, chủ tịch UBND xã Hoằng Thịnh, cũng đồng cảm với nỗi niềm của mẹ Ngoạn: “Nếu làm được điều đó thì quả là thỏa nguyện cho các liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Lâu nay chúng tôi rất mong có ngày xác định được tên của các chị, các anh”.

Trong số tám liệt sĩ, ray rứt nhất là với liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ (sinh năm 1952). Liệt sĩ Huệ nay không còn thân nhân nào nữa để lấy mẫu sinh phẩm cho xét nghiệm ADN.

Chỉ còn một khả năng: nếu xác định được hết những người kia thì còn lại là anh, theo phương pháp loại trừ.

Tảng đá được đưa từ hang Tám Cô về đặt tại Nhà truyền thống TNXP ở trung tâm Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình có khắc tên tám liệt sĩ - Ảnh: L.G.H.
Tảng đá được đưa từ hang Tám Cô về đặt tại Nhà truyền thống TNXP ở trung tâm Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình có khắc tên tám liệt sĩ - Ảnh: L.G.H.

Chờ gọi tên các chị, các anh

Để trả lại tên và trả đúng tên cho các liệt sĩ, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình cùng Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng) đã thực hiện hai đợt lấy mẫu sinh phẩm của hài cốt các liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.

Ngày 15-8, tại nghĩa trang TNXP Thọ Lộc, Cục Người có công, Sở LĐ-TB&XH hai tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa và Viện Pháp y quân đội đã lấy mẫu sinh phẩm tại sáu phần mộ liệt sĩ.

Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi bày tỏ vì nhiều lý do nên bây giờ mới thực hiện được điều này (lấy mẫu xét nghiệm ADN).

Ông nói: “Dù có muộn nhưng đây là điều đất nước cần làm cho các liệt sĩ và người thân”.

Những mẫu sinh phẩm của các liệt sĩ mà Viện Pháp y quân đội đã lấy gồm xương và răng, được quy tập về từ năm 1996, nay còn lưu giữ trong các tiểu sành.

Sau khi lấy mẫu sinh phẩm, ngay ngày hôm sau 16-8, Cục Người có công, Viện Pháp y quân đội, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa và UBND huyện Hoằng Hóa tiếp tục lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân các liệt sĩ.

Tại xã Hoằng Thịnh, mẹ Lê Thị Ngoạn cũng lả người cho mẫu máu (sinh phẩm lấy từ thân nhân các liệt sĩ là mẫu máu) để giám định ADN.

Các cơ quan thực hiện giám định ADN cho biết ít nhất phải hai tháng kể từ ngày lấy mẫu mới có kết quả để biết rõ hài cốt nào là của liệt sĩ nào.

Tám người mẹ mong ngóng con nay chỉ còn mẹ Ngoạn. Đất nước chờ mong ngày mẹ gọi tên con mình, khắc tên con trên bia đá...

Mẹ Lê Thị Ngoạn (86 tuổi, mẹ của liệt sĩ Lê Thị Lương) được lấy mẫu xét nghiệm ADN - Ảnh: L.G.H.
Mẹ Lê Thị Ngoạn (86 tuổi, mẹ của liệt sĩ Lê Thị Lương) được lấy mẫu xét nghiệm ADN - Ảnh: L.G.H.

Tên các chị, các anh còn nằm trong đất

Năm 1996, tỉnh Quảng Bình cất bốc hài cốt tám liệt sĩ cùng quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa của đại đội 217, Ban xây dựng 67, Đoàn 559 ra khỏi hang Tám Cô.

Đó là các liệt sĩ Trần Thị Tơ (sinh năm 1954), Lê Thị Mai (1952), Đỗ Thị Loan (1952), Lê Thị Lương (1953), Nguyễn Mậu Kỷ (1947), Hoàng Văn Vụ (1953), Nguyễn Văn Huệ (1952) và Nguyễn Văn Phương (1954).

Lần cất bốc đó phát hiện được hai bộ hài cốt. Một bộ đã bị mủn gần hết, nên sau đó được phân ra bảy phần và đưa về quê nhà Thanh Hóa an táng.

Riêng liệt sĩ Hoàng Văn Vụ do phát hiện được chiếc vòng đeo cổ (theo đạo Thiên Chúa) nên đã có họ tên.

Cũng năm 1996, vào tháng 8, khi đơn vị thi công đào đất trong hang Tám Cô để làm nhà bia tưởng niệm đã phát hiện sáu bộ hài cốt còn nguyên vẹn.

Sáu bộ hài cốt này sau đó được đưa về an táng tại nghĩa trang TNXP Thọ Lộc cho đến nay, dưới danh nghĩa liệt sĩ chưa có tên.

Từ đó phát sinh tâm nguyện của các gia đình liệt sĩ là được giám định ADN để tìm đúng hài cốt của con, em, anh, chị mình.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên