26/07/2009 20:00 GMT+7

Thắp hàng triệu ngọn nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ

ĐỨC THẢO
ĐỨC THẢO

TTO - Tối 26-7, bất chấp thời tiết chuyển mưa tại một số tỉnh thành, tuổi trẻ cả nước đã cùng thắp lên những ngọn nến lung linh, ấm áp, tổ chức các hoạt động tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sĩ, thể hiện lòng tri ân sâu sắc với những liệt sĩ anh hùng đã vì nước quên mình

Tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM, Lễ thắp nến tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, Chủ tịch UBND. TP Lê Hoàng Quân cùng đông đảo Đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố tham dự.

Trong không khí trang nghiêm và xúc động tại buổi lễ, Bí thư Thành đoàn TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu: “Tưởng nhớ và tri ân các anh hùng, liệt sĩ, tuổi trẻ TP.HCM nguyện tiếp bước các thế hệ cha anh, phát động mạnh mẽ các phong trào hành động cách mạng của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần thực hiện sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, đẩy mạnh thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn…”.

Sau lễ tưởng niệm và dâng hương trước tượng đài nghĩa trang liệt sĩ thành phố, lãnh đạo thành phố cùng 6.000 ĐVTN tham gia thắp nến 27.500 mộ liệt sĩ tại 9 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP.HCM.

D3ryGTL6.jpgPhóng to
Chiến sĩ sư đoàn Không quân 370 và ĐVTN.TP.HCM tham gia thắp nến mộ liệt sĩ, tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
WhhbPlCx.jpgPhóng to
Lãnh đạo TP.HCM dâng hương trước tượng đài nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM tối 26-7 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

* Tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hội An, Thành Đoàn TP Hội An đã tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và thắp nên tri ân tại đây.

1.000 đoàn viên thanh niên các cơ quan ban ngành trường học, xã phường và các đơn vị bộ đội: C16 Hải quân, Trung đoàn 885, Đồn Biên phòng 276 đã trân trọng thắp những ngọn nến tri ân lên 2.600 ngôi mộ liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Dịp này, Thành Đoàn Hội An tổ chức nhiều hoạt động như tọa đàm “Đoàn Đội với phong trào đền ơn đáp nghĩa”, thăm viếng, tặng quà các gia đình thương binh liệt sĩ, tặng7 sổ tiết kiệm tình nghĩa, tổ chức cho đoàn viên thanh niên xem phim “Đừng đốt” về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…

sio1eYr3.jpgPhóng to
Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hội An lung linh trong đêm thắp nến - Ảnh: Hoàng Duy

* Tại Quảng Ngãi, cũng trong tối 26-7, hàng ngàn đoàn viên, thanh niên đồng loạt thắp nến tri ân 27.260 anh hùng liệt sĩ tại 115 nghĩa trang liệt sĩ tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tối cùng ngày, Sở Lao động thương binh và xã hội phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức đêm văn nghệ giao lưu với đề tài “Ký ức màu hoa đỏ” gặp gỡ các mẹ VNAH, các thương bệnh binh và lễ thắp nến tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Núi Bút, TP.Quảng Ngãi. Hơn 500 đoàn viên, thanh niên đã đến dự đêm giao lưu và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang này.

Trong ba ngày qua, hơn 500 du khách trong và ngoài nước đã đến dâng hương tưởng nhớ nữ anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Các y, bác sĩ Bệnh xá Đặng Thùy Trâm cũng đã phối hợp với Trạm y tế 14 xã, thị trấn ở huyện Đức Phổ khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 56 mẹ VNAH tại huyện này.

IOPvGasQ.jpgPhóng to
Thắp hương và nến bên phần mộ liệt sĩ (chưa xác định được danh tính) tại Nghĩa trang liệt sĩ Núi Bút, TP Quảng Ngãi - Ảnh: Minh Thu
gfNzIOxI.jpgPhóng to
Toàn cảnh lễ thắp nến tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Việt - Lào, huyện Anh Sơn, Nghệ An, tối 26-7 - Ảnh: Thuận Thắng
lxgqOiLE.jpgPhóng to
Gia đình bác Nguyễn Thị Dũng, 80 tuổi thắp nến, hương cho người con trai đầu Nguyễn Tân Thanh hi sinh năm 1972 khi anh vừa tròn 20 tuổi - Ảnh: Thuận Thắng

* Mặc cho trời phố núi vẫn mưa nặng hạt, hàng ngàn cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, công an, học sinh và sinh viên cùng người dân địa phương Lâm Đồng vẫn đến nghĩa trang Đà Lạt tham dự “Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Tỉnh đoàn Lâm Đồng tổ chức.

Ngay sau nghi thức dâng hương tưởng niệm và châm đuốc truyền thống, những người dự lễ đã thắp hương, đặt hoa và đốt sáng những ngọn nến tri ân cho 2.500 mộ phần của các liệt sĩ tại nghĩa trang này.

Dịp này, UNND tỉnh Lâm Đồng còn biểu dương, trao tặng giấy khen cho 10 gia đình chính sách tiêu biểu đại diện cho hàng ngàn hộ chính sách trên địa bàn. Trước đó, Tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức nhiều đoàn thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng.

QjXNbLIW.jpgPhóng to
CtjLNiLY.jpg
Những ngọn nến tri ân các anh hùng liệt sĩ đã được thắp lên tại nghĩa trang Đà Lạt. Ảnh Võ Trang

* Tại Đà Nẵng, lúc 19g, hơn 1.200 đoàn viên thanh niên đã tham dự đêm thắp nến tri ân tại 22 nghĩa trang liệt sĩ trong toàn TP. Dịp này Thành đoàn Đà Nẵng đã ra quân sửa sang, quét dọn tất cả các nghĩa trang liệt sĩ và các di tích lịch sử trong toàn thành phố.

Sáng cùng ngày, tại đình làng Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, lần đầu tiên chính quyền và người dân huyện Hòa Vang đã làm lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2009).

* Hàng chục ngàn ngọn nến đã được các bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thắp sáng trên khắp các nghĩa trang, đài tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ trên địa bàn 27 huyện, thị xã, TP của tỉnh Thanh Hóa.

Tại nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), khoảng 5.000 ĐVTN và nhân dân TP Thanh Hóa đã tham lễ dâng hương, hoa, thắp nến tri ân trên các phần mộ liệt sĩ, do Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức.

Bên cạnh đó, ban thường vụ Tỉnh đoàn còn tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang quốc gia Bá Thước (huyện miền núi Bá Thước) - nơi an nghỉ của các liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào, với hàng ngàn ĐVTN tham gia.

yKFqf4X3.jpgPhóng to
Các bạn ĐVTN của TP Thanh Hóa đang dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) vào tối 26-7 - Ảnh: Hà Đồng

* Hàng ngàn ĐVTN tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại 18 nghĩa trang liệt sĩ ở 18 huyện, thành phố trong tỉnh.

Những ngọn nến ở nghĩa trang Him Lam

Đêm 26-7, 7.000 ngôi mộ anh hùng liệt sỹ ở tỉnh Điện Biên cũng đã bùng sáng những ngọn lửa tri ân do đoàn viên, thanh niên, học sinh thực hiện.

Ui1zwiV8.jpgPhóng to
Đoàn viên, thanh niên, học sinh và quần chúng nhân dân thắp nến và dâng hương hoa tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Him Lam - thành phố Điện Biên Phủ. Tại nghĩa trang này có trên 800 mộ anh hùng liệt sỹ...
Kỷ niệm 62 năm ngày thương binh liệt sĩ năm nay, tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức lễ động thổ khởi cộng công trình tượng đài mẹ VNAH lấy nguyên mẫu mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ. Người mẹ quê huyện Điện Bàn này có 9 con ruột, 1 rể, 1 cháu ngoại là liệt sĩ (mẫu phác thảo của hoạ sĩ Đinh Gia Thắng). Tượng được làm bằng đá sa thạch, hình cánh cung dài 81m, trong đó phần cao nhất chân dung mẹ: 18m, phần thấp nhất của cánh cung 5,83 m.

Ngoài ra, còn có 8 trụ huyền thoại, mỗi trụ cao 9m, đường kính bình quân trên 1,2m được xây dựng trên diện tích 150.000 m2. Tổng kinh phí 120 tỷ đồng, trong đó Chính phủ hỗ trợ 50 tỷ, còn lại là các nguồn vận động khác. Công trình được xây dựng tại núi Cấm, TP Tam Kỳ, kế hoạch sẽ hoàn thành sau 3 năm.

Được biết, tỉnh Quảng Nam hiện có trên 64.000 liệt sĩ, 7.289 mẹ Việt Nam anh hùng (chiếm hơn 1/7 tổng số mẹ VNAH của cả nước). Trong đó tiêu biểu là mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ năm nay thượng thọ 105 tuổi.

Được biết cuộc vận động xây dựng tượng đài mẹ VNAH do UBND tỉnh Quảng Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động vào cuối năm 2004 đến nay cơ bản đảm bảo các điều kiện để khởi công.

* Huyện Đoàn và Hội đồng Đội huyện Tuy Phước, Bình Định, đã tổ chức thắp nến, cắm hoa, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ huyện Tuy Phước lần thứ 6 năm 2009, tại nghĩa trang liệt sĩ của địa phương.

Nhân dịp này, Phòng LĐTB&XH, Huyện Đoàn, Hội Khuyến học và Phòng giáo dục huyện Tuy Phước cũng đã tổ chức trao 119 suất quà và 60 suất học bổng, với tổng trị giá gần 20 triệu đồng cho các đại biểu là cháu ngoan Bác Hồ đã có nhiều thành tích xuất sắc trong năm học 2008 - 2009 vừa qua, ở trên địa bàn huyện.

Khánh thành các công trình tưởng niệm ở Thành cổ Quảng Trị

Tối 26-7, tại Thành Cổ Quảng Trị đã diễn ra lễ khánh thành Quảng trường Giải phóng, Nhà hành lễ và Bến thả hoa tại bờ sông Thạch Hãn và chương trình giao lưu nghệ thuật: “Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình” được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Tham dự buổi lễ có các ông Hồ Đức Việt, UVBCT, Trưởng ban tổ chức trung ương Đảng, Phạm Quang Nghị, UVBCT, bí thư Thành ủy Hà Nội, phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện các ban ngành trung ương, địa phương, hàng ngàn cựu chiến binh và đông đảo nhân dân thị xã Quảng Trị. Đặc biệt là sự có mặt của 35 đoàn khách ngoại giao của đại sứ quán, lãnh sự quán các nước và 106 đại biểu thanh niên Việt kiều từ 26 quốc gia về dự trại hè Việt Nam 2009.

Công trình Quảng trường Giải phóng, Nhà hành lễ và Bến thả hoa do Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietin Bank) và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đồng tài trợ với tổng kinh phí xây dựng 18 tỷ đồng. Đây là một công trình đẹp về kiến trúc, mang nặng lòng biết ơn với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại mảnh đất này 37 năm trước.

Ngoài hai nghĩa trang quốc gia là Trường Sơn và Đường 9, sông Thạch Hãn ở quảng này cũng là một nghĩa trang với rất nhiều người lính đã vĩnh viễn nằm lại đáy sống trong mùa hè khốc liệt năm 1972 ở chiến trường Thành Cổ.

Tại buổi lễ, hàng vạn hoa đăng và hàng trăm vòng hoa tưởng niệm được đại biểu và nhân dân địa phương thả xuống dòng sông làm rực sáng đôi bờ Thạch Hãn.

Sau lễ khánh thành, chương trình giao lưu nghệ thuật: “Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình” được diễn ra ngay trên quảng trường Giải phóng vừa được hoàn thành.

ahomz4eO.jpgPhóng to
Từ buổi chiều, những chiếc thuyền của nhân dân đã ngập đầy vòng hoa để thả xuống dòng sông trong lễ tưởng niệm - Ảnh: L.Đ.Dục
7uWhaTg7.jpgPhóng to
Nhà dâng hương và bến thả hoa tại Thị xã Quảng Trị do VietinBank và Vinashin đồng tài trợ xây dựng được khánh thành đêm 26-7 - Ảnh: L.Đ.Dục

Kiên Giang: an táng 293 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại nhà lao Phú Quốc

Sáng ngày 26-7, tại nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang đã làm lễ truy điệu và an táng 293 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại nhà lao Cây Dừa - Phú Quốc. Đến dự lễ có ông Trương Tấn Sang - thường trực Ban bí thư, bà Nguyễn Thị Doan, phó Chủ tịch Nước, ông Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy TP.HCM, nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, hơn 600 cựu tù binh Phú Quốc cùng thân nhân các liệt sĩ và đông đảo nhân dân địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thanh Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - nói: “293 hài cốt liệt sĩ được an táng hôm nay trong tổng số 2.405 hài cốt liệt sĩ đã đựơc tìm thấy kể từ năm 1985. Việc tìm kiếm các hài cốt chiến sĩ cách mạng từng bị địch giam cầm, sát hại tại nhà tù Phú Quốc không chỉ thể hiện trách nhiệm, đạo lý mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sát từ trung ương đến địa phương, thể hiện tấm lòng của đồng bào cả nước nói chung và chiến sĩ, nhân dân tỉnh Kiên Giang nói riêng”.

293 hài cốt liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc do Đội K92 và Ban chỉ đạo quy tập mộ liệt sĩ tỉnh Kiên Giang tìm kiếm, cất bốc và quy tập về.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến đặt vòng hoa và viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kiên Giang.

jVNjY0H9.jpgPhóng to
Lễ truy điệu và an táng 293 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại nhà lao Cây Dừa - Phú Quốc - Ảnh: Tấn Thái
O4waOxdM.jpgPhóng to
Trong khi đó tại nghĩa trang liệt sĩ TP Cà Mau, 969 ngôi mộ liệt sĩ đã được thấp lên ngọn nến tri ân vào 19g tối 26-7. Hai em Võ Phương Quỳnh, lớp 3 và Nguyễn Trọng Phúc, lớp 7 là những người tri ân cuối cùng bằng cách thấp sáng lại những ngọn nến bị gió làm tắt - Ảnh: Như Ý

*Sáng 26-7, tại Nghệ An, Hội LHTNVN phối hợp Ban thanh niên quân đội đã tổ chức chương trình gặp mặt, tuyên dương những người đi tìm mộ liệt sĩ với chủ đề “Nghĩa tình thầm lặng” - hòa chung không khí lễ hội tri ân các anh hùng, liệt sĩ của tuổi trẻ cả nước.

Những liệt sĩ quốc tế ở Việt NamĐại lễ cầu siêu anh linh các liệt sĩ tại nghĩa trang đường 9

Ông Võ Văn Thưởng - ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội LHTNVN cùng thượng tướng Bùi Văn Huấn, ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, thiếu tướng Nguyễn Văn Học - phó tư lệnh Quân khu 4 và đại diện các bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) đã đến dự lễ.

CPHusFZK.jpgPhóng to
Đại tá Lê Anh Tuấn trao quà cho mẹ VNAH và thân nhân của các liệt sĩ tỉnh Nghệ An - Ảnh: Thuận Thắng

Sau buổi trao quà của các tổ chức Đoàn thanh niên, quân đội dành cho các mẹ VNAH là cuộc giao lưu cảm động giữa những người lính từng lặn lội khắp vùng rừng núi hiểm trở của nước bạn Lào và Campuchia để quy tập hàng chục ngàn hài cốt liệt sĩ về nước.

Trong 44 cán bộ chiến sĩ tiêu biểu cho hàng ngàn người lính quy tập được tuyên dương dịp này, có binh nhất Y Phin Byă thuộc đội K5, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắc Lắc là chiến sĩ trẻ nhất; ông Võ Hồng Kỳ - nhân viên K92 Kiên Giang năm nay gần 60 tuổi nhưng đã có công tìm kiếm, quy tập được 1.355 hài cốt liệt sĩ...

Câu chuyện nào cũng cảm động, nhất là khi thượng tá Hồ Trọng Bình - đoàn trưởng đoàn quy tập mộ liệt sĩ thuộc Bộ chỉ huy Quân sự Nghệ An - nêu một chặng đường dài dằng dặc 25 năm mà anh cùng đồng đội đi tìm kiếm mộ liệt sĩ tại những cánh rừng Lào đầy gian khổ và nguy hiểm. Đến nay đoàn của anh đã quy tập được hơn 11.000 hài cốt liệt sĩ về mai táng tại nghĩa trang quốc tế Việt - Lào ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). Riêng anh đã xác định được tên, quê cho 700 liệt sĩ vô danh.

Trước đó, tại nghĩa trang quốc tế Việt - Lào, hơn 1.000 đoàn viên thanh niên huyện Anh Sơn đã mở chiến dịch tình nguyện “Làm đẹp nghĩa trang quốc tế Việt - Lào” - nơi có hơn 12.000 ngôi mộ liệt sĩ. Tại đây, lúc 19g-21g đêm 26-7 sẽ chính thức diễn ra Lễ hội tuổi trẻ tri ân các anh hùng, liệt sĩ.

EcLqZLn7.jpgPhóng to

Thượng tá Hồ Trọng Bình (giữa) - người đã 25 năm đi tìm mộ liệt sĩ - Ảnh: V.Toàn

4tYKHr23.jpgPhóng to
Thượng tướng Bùi Văn Huấn trao bằng khen cho thượng tá Hồ Trọng Bình - Ảnh: Thuận Thắng

Lần đầu tiên xem lại những thước phim tài liệu về chiến tranh trên truyền hình vào chiều nay con đã khóc, đã lặng người đi và nước mắt âm thầm rơi lăn trước hình ảnh người mẹ Quảng Bình gồng mình chèo đò trên sông Nhật Lệ dưới trời mưa bom giội xuống của kẻ thù…

V21XZ5qg.jpgPhóng to

Buổi tối, khi Đài THVN tường thuật trực tiếp chương trình “Bài ca không quên” tại Quảng Trị, trong đó có một vở kịch ngắn mang tên Hồn trinh nữ - kể về những người con gái tuổi mười tám đôi mươi khao khát được yêu được sống, mong mỏi đến ngày hòa bình để trở về nhưng đã anh dũng hi sinh tại hang Tám Cô (tên gọi của hang lánh đạn trên một cung đường đã chôn vùi tám nữ thanh niên xung phong trong một trận địch rải bom ở Quảng Bình, tháng 11-1972) - thêm một lần nữa nước mắt con lại tuôn rơi… Và tiếng hát của ca sĩ Cẩm Vân cứ dội vào trong con, ám ảnh ,da diết đến tê lòng:

“ Bài ca tôi không quên tôi không quên những ngày đã ngãBài ca tôi không quên tôi không quên gửi trọn đời cho tất cả là đồng đội tôi còn ôm súng giữ biên cương.Bài ca tôi không quên tôi không quên đất rừng xứ lạ Bài ca tôi không quên tôi không quên bước dồn đường khuya đói lả gạo hẩm cầm hơi một điếu thuốc cũng chia đôi”…

(Bài ca không quên - Phạm Minh Tuấn)

Con khóc vì những năm trước con chỉ nghe, chỉ xem những thước phim ấy như một tư liệu về hiện thực chiến tranh, nhưng lần này con đã cảm, đã thấu được nỗi đau, những mất mát trong mỗi thước phim, mỗi lời ca ấy - nói chính xác hơn là chuyến đi tìm mộ của chú trong tháng 5 vừa qua ở chiến trường miền Đông Nam bộ đã cho con cảm được nỗi đau chung của đất nước một thời lửa đạn trước những ngôi mộ chí lặng câm mà con đã đi qua…

Tháng tư năm 25 tuổi, con đi công tác và lần đầu tiên đến với Sài Gòn, lần đầu tiên trong đời mình con có một chuyến đi xa như thế… Rồi nghe người quen đi tìm mộ liệt sĩ nói có gặp đâu đó ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Long hay Phước Long gì đó mộ phần có tên tuổi, quê quán như thế trùng với họ tên và quê quán của chú, con đã dành một ngày chủ nhật từ Sài Gòn phóng xe về Bình Phước, bắt đầu hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của mình…

Cũng lại là lần đầu tiên con đi xa như thế bằng phương tiện xe máy, vượt hàng trăm cây số dưới cái nắng tháng 5 phương Nam đổ lửa và dừng lại ở nghĩa trang huyện Bình Long sau hơn bốn giờ đồng hồ. Con đã dò tìm tên chú trên từng bia mộ, và lặng người đi giữa những ngôi mộ câm nín hàng nối hàng nằm san sát bên nhau…

Hàng trăm người con trai, con gái đến từ khắp nơi trên đất nước này đều nằm lại nơi đây, từ các tỉnh miền Đông Nam bộ như Sông Bé, Hậu Giang, Cần Thơ... trải dài ra đồng bằng Bắc bộ như Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Binh, Thái Bình... cho đến tận miền núi trung du phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… Lác đác có những ngôi mộ ghi biển “Phần mộ đã được di chuyển hài cốt”…

Con thấy mừng vì những liệt sĩ ấy có lẽ đã được đưa về chăm sóc tại quê hương bản xứ… Song nỗi mừng ấy chỉ thoáng qua trong khoảnh khắc vì vẫn còn đó hàng trăm ngôi mộ nằm lại, cơ hội được trở về quê hương, được đồng đội hay người thân tìm thấy là rất mong manh, mà khả năng vĩnh viễn nằm lại nơi đây là phần nhiều… Nhưng rồi con lại tự an ủi lòng có lẽ các anh các chị nằm dưới đất sâu kia sẽ có cách nghĩ khác con, khi xương máu đã đổ xuống và nằm lại ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước mình thì nơi đó cũng đều là quê hương xứ sở, lòng đã lặng mà an giấc ngàn thu…

Nhưng dẫu sao những ngôi mộ có tên tuổi, quê quán ấy vẫn còn may mắn hơn những ngôi mộ vô danh bạt ngàn nằm câm nín bên nhau…

Con - một thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời bình, chỉ biết đến chiến tranh qua những thước phim, những trang văn người khác kể lại, lần đầu tiên thực sự thấy đau, thấy được sự hủy diệt tàn khốc của chiến tranh khi nghĩ về những ngôi mộ vô danh, về những người con trai con gái tuổi xuân phơi phới ra đi trong niềm kiêu hãnh, tự hào và hi sinh trong thầm lặng, trăm người như một khi không một dòng tên tuổi hay quê quán khắc ghi trên bia cho đời sau nhắc nhớ… Rồi còn hàng trăm hàng nghìn những liệt sĩ khác đã ngã xuống trên chiến trường này, trên đất nước này - xương cốt vẫn còn lưu lạc, vất vưởng giữa đất mẹ mênh mông mà chưa có may mắn được tìm thấy, được quy tập về đây để được những người còn sống chăm nom hương khói, ru giấc ngủ bình yên…

Những suy nghĩ, cảm xúc ấy cứ ám ảnh trong con, cùng con xuyên qua bao con đường đất đỏ ngoằn ngoèo giữa bạt ngàn những cánh rừng cao su (mà những gốc cao su lại gợi lên trong con ý niệm được kẻ thù bón bằng một xác người trong chiến tranh) để tìm về nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Bình Phước. Rồi con đã rùng mình khi đọc thấy họ tên, quê quán của chú trên một tấm bia mộ - cái rùng mình vì thấy mình may mắn, hành trình tìm kiếm của con đã đến đích, vì cảm giác hạnh phúc được gặp, được ở gần với một người thân trong gia đình - dẫu con chưa hề biết mặt… Và con còn rùng mình vì những dòng chữ nằm bên dưới họ tên của chú trên bia mộ: “Sinh năm 1955 - Nhập ngũ tháng 8-1973 - Cấp bậc binh nhất - Đơn vị E271 - Hy sinh 13-12-1974”.

Chú của con hi sinh năm 19 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ, bắt đầu cho một đời người với những ước mơ, và hy sinh khi chỉ còn cách thời điểm đất nước hòa bình bốn tháng… Những câu thơ của nhà thơ Phùng Quán bỗng lại vẳng lên trong con với niềm xa xót:

“Em ơi rất có thểAnh chết giữa chiến trườngĐôi môi tươi đạn xéChưa một lần được hôn…”

Con thắp hương cho chú, cho những ngôi mộ xung quanh nhưng cũng chỉ được phần nào, cảm thấy mình có lỗi khi không thể thắp được cho tất cả hơn 600 ngôi mộ còn lại nằm trong nghĩa trang này một nén hương… Con lặng người đi, cứ đứng như thế giữa một trưa nắng trước tấm bia tưởng niệm nơi ngôi mộ tập thể của hơn 2.000 liệt sĩ, thấy tim mình đập nhanh hơn nơi lồng ngực, lòng cứ rưng rưng… Con bé nhỏ quá, bé nhỏ vô cùng trước sự hi sinh lớn lao nhường kia…

Con biết mình là một người may mắn, hay nói cách khác có lẽ con đã được hàng trăm hàng nghìn vong hồn liệt sĩ từ hai nghĩa trang trong hành trình tìm kiếm ấy phù hộ để khi kết thúc chuyến công tác của con ở Sài Gòn, con trở về Hà Nội với chiếc balô mang hài cốt của chú trên tay. Con biết chú sẽ rất vui khi được trở về nằm giữa quê nhà, đoàn tụ với ông bà tổ tiên và hẳn hàng trăm, hàng nghìn những vong hồn liệt sĩ cả có tên tuổi và vô danh kia cũng vui cùng chú, lấy niềm vui của chú làm niềm vui cho mình…

Con cám ơn chú, cảm ơn những người con trai con gái đã hi sinh tuổi xuân, hi sinh xương máu cho đất nước này, cảm ơn cuộc hành trình tìm kiếm kia đã cho con được trải nghiệm để lần đầu tiên trong đời con thật sự hiểu và cảm nhận được về nỗi đau và mất mát của chiến tranh cũng như sự oanh liệt, hào hùng của cả một thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc mình, để ngày hôm nay khi xem những thước phim tài liệu về chiến tranh, khi nghe ca sĩ Cẩm Vân hát Bài ca không quên, con đã biết bật khóc…

tkOQiN3t.jpgPhóng to
Người dân thắp nến và cầu siêu cho vong linh các anh hùng liệt sĩ tối 25-7 tại nghĩa trang đường 9 (Quảng Trị) - Ảnh: TTXVN

Theo PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh - bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên VN, năm nay Trung ương Đoàn quyết định tổ chức đồng loạt chương trình trên phạm vi cả nước với hai mục đích: thứ nhất để thể hiện tình cảm, sự tri ân của thế hệ trẻ với các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ đi trước đã hi sinh xương máu cho cuộc sống thanh bình của thế hệ hôm nay; thứ hai, đây là cơ hội để giáo dục tinh thần yêu nước, bất khuất, về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Quan điểm của Trung ương Đoàn là ở đâu có nghĩa trang liệt sĩ thì ở đó có hoạt động thắp nến tri ân. Hoạt động này sẽ được duy trì thường xuyên hằng năm và cao điểm, tập trung sẽ là dịp 27-7.

Từ 20g hôm nay (26-7) tại Thành cổ Quảng Trị sẽ diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật “Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình”, được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Ngoài việc gặp gỡ giao lưu với các nhân chứng lịch sử đã sống, chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, chương trình đặc biệt nhấn mạnh đến việc triển khai cuộc vận động sưu tầm “Những kỷ vật kháng chiến” trong gần một năm qua với nhiều câu chuyện xúc động gắn liền với số phận các kỷ vật.

Thắp nến tri ân là một hoạt động trong chuỗi các hoạt động của chương trình tuổi trẻ tri ân các anh hùng liệt sĩ và trong chương trình của tuần lễ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Cùng với hoạt động thắp nến tri ân, trong tuần lễ từ 20 đến 27-7 (hằng năm) Trung ương Đoàn sẽ chỉ đạo các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các bà mẹ VN anh hùng, các gia đình chính sách; sửa chữa, xây mới nhà cửa cho những đối tượng này; tu sửa, làm đẹp các nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương...

* Tối 26-7, Thành đoàn TP.HCM sẽ tổ chức lễ thắp nến tri ân tại chín nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn các quận, huyện, tổng số gần 28.000 ngôi mộ với điểm chính là nghĩa trang liệt sĩ TP (Q.Thủ Đức) với hơn 1.000 bạn trẻ tình nguyện tham gia. Trước đó, tại đây nhiều đơn vị như Đoàn khối dân chính Đảng, Đại học An ninh nhân dân, Quận đoàn 1... đã chỉnh trang các phần mộ, cắm hoa, thắp hương.

Trong suốt tuần lễ “Đền ơn đáp nghĩa” từ 20 đến 27-7, hàng ngàn bạn trẻ tình nguyện ở 24 quận, huyện còn tham gia các hoạt động chăm lo các gia đình chính sách, thăm hỏi các bà mẹ VN anh hùng; trao học bổng cho con em thương binh liệt sĩ, tặng 10 căn nhà tình nghĩa, khám chữa bệnh cho các gia đình chính sách... với kinh phí khoảng 4,2 tỉ đồng.

* Cũng trong tối 26-7, trên 3.000 đoàn viên thanh niên thuộc 20 đơn vị trực thuộc Thành đoàn TP Cần Thơ, trung đoàn cảnh sát cơ động miền Tây đồng loạt viếng và thắp nến tri ân tại bốn nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP với hơn 7.000 phần mộ các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ.

ĐỨC THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên