14/05/2012 07:25 GMT+7

Tìm nhau trên đảo Sinh Tồn

Trung tá ĐINH TRỌNG THẮM (đảo trưởng đảo Sinh Tồn)
Trung tá ĐINH TRỌNG THẮM (đảo trưởng đảo Sinh Tồn)

TT - Một ngày giữa tháng 5, giấc mơ ấy của tác giả bài thơ đoạt giải nhất cuộc thi Cảm xúc Trường Sa do báo Tuổi Trẻ tổ chức đã không còn là mơ nữa.

Anh yêu ơi biết đến khi nàoEm được nhìn thấy những điều anh kểNhưng em tin có một ngày như thếĐược thăm anh trên đảo Sinh Tồn”...

ReGPP75i.jpgPhóng to

Giây phút trùng phùng của đôi vợ chồng trẻ Huy - Mỹ trên đảo SinhTồn - Ảnh: Trần Tiến Dũng

Buổi sáng hôm ấy, sau hành trình dài bốn ngày đêm trên biển, đảo Sinh Tồn đẹp như một thành phố nhỏ hiển hiện trước mặt tàu HQ-936 trong mưa gió. Nguyễn Thị Mỹ đã được nhìn thấy gương mặt của người chồng yêu thương: trung úy Phạm Quốc Huy - trợ lý hậu cần đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) ngay giữa trùng khơi của Tổ quốc.

Cuộc trùng phùng đầy kịch tính

"Đơn vị đã sắp xếp một căn phòng ở khu nhà đèn rất thoáng mát và đẹp cho vợ chồng đồng chí Huy. Anh em rất vui khi thấy đồng đội của mình hạnh phúc như vậy"

Ngay trước giờ vào đảo, mọi người bất ngờ khi biết Mỹ bảo cô sẽ không ở lại đảo nữa. Hay tin, phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng hải quân - đại tá Đặng Minh Hải - gọi Mỹ lên hỏi lý do. “Chồng cháu vừa gọi điện thoại bảo công việc của đơn vị rất nhiều. Cháu không muốn anh phân tâm mà phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình nên quyết định chỉ lên đảo thăm anh ấy rồi về cùng với tàu mình” - Mỹ nói, nước mắt rơm rớm... Ngay khoảnh khắc đó, phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng hải quân đã rất dứt khoát: “Cháu chuẩn bị xong hết hành lý chưa? Mang tất cả ra đây! Chú sẽ làm việc với đảo trưởng và chồng cháu, giao nhiệm vụ phải giữ cháu lại đảo”.

Mỹ được ưu ái sắp xếp đi cùng chuyến xuồng HQ thứ hai vào đảo cùng với lãnh đạo đoàn. Mưa vẫn chưa ngớt nên tất cả đều phải trùm áo mưa kín mít. Chiếc xuồng băng băng giữa muôn trùng nhấp nhô sóng. Tự lúc nào Mỹ đã quên mất cảm giác say sóng. Đảo Sinh Tồn đây, ngay trước mặt cô, gần, rất gần... Trên cầu cảng có rất nhiều chiến sĩ, sĩ quan đang làm nhiệm vụ dàn hàng đứng chào. Khi xuồng tiến dần vào cầu cảng, Mỹ hồi hộp và nao nức lướt thật nhanh qua những gương mặt đang đứng trong mưa gió ấy để tìm chồng. Không thấy anh đâu. Đôi mắt người vợ bỗng ngập nước.

Mỹ không biết trước đó chỉ chưa đầy một phút, chiếc xuồng từ đảo chạy lướt qua trước tầm mắt cô đã chở Huy ra tàu. Quá nôn nóng và hồi hộp, anh đã xin được đi cùng xuồng HQ ra tận tàu đón vợ. “Mỹ vào đảo rồi, đi chuyến vừa rồi đấy” - nghe nhiều người trên tàu nói, Huy tưởng mọi người đùa. Anh cố lướt rất nhanh qua những gương mặt đang sùm sụp áo mưa đứng kín trên boong tàu để tìm gương mặt người phụ nữ yêu thương của mình. Không thấy Mỹ đâu... Anh nhìn về đảo... “Cả tuần nay tôi không ngủ được, chỉ chờ đợi đến ngày hôm nay. Sáng nay 3g tôi đã dậy vì nôn nao quá” - anh Huy xúc động nói.

Vừa khi người sĩ quan đặt chân lên đảo thì thấy vợ đang bước ra, tay líu ríu hành lý. Mỹ sững lại khi thấy chồng đang tất tả bước thật nhanh tới. Anh đang ở trước mặt cô, vẫn cái dáng gầy gầy cao cao quen thuộc ấy. Nước mắt lại chảy trên gương mặt xinh, đằm thắm của Mỹ. Họ đứng đó, nhìn nhau, cứ mỉm cười trong nghẹn ngào giữa mưa biển, gió biển mang vị mặn Trường Sa.

Nhiều người không kìm được nước mắt khi chứng kiến giây phút trùng phùng đầy cảm xúc ấy. Họ đã gửi cho hai vợ chồng trẻ những cái ôm thật chặt, những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay chia sẻ...

Tối hôm trước, cả tàu còn rôm rả bàn bạc: phải bảo đảo trưởng “nhốt” chú rể lại, phải làm gì mới được “đàng gái” giao cô dâu chứ không được giao dễ dàng... Mọi người còn tính tới chuyện làm một chiếc váy thật đặc biệt cho cô dâu và lấy bó hoa nhựa mà một chiến sĩ trên đảo Nam Yết tặng làm hoa cưới. Nhiều chị còn bảo: “Cái Mỹ nó đi thăm chồng mà tụi mình nôn nao y như đi thăm chồng vậy”. Tối hôm đó, khi ăn cơm chia tay, Mỹ đã khóc khi nghe các thành viên hát tặng cô bài hát về tình yêu, về sự thủy chung và chờ đợi của người con gái yêu bộ đội, của người vợ lính hải quân. Đó là bữa cơm đặc biệt với Mỹ.

“... được nhìn thấy những điều anh kể”

Làm thơ từ khi yêu lính đảo

Từ khi yêu Huy, cô kế toán Nguyễn Thị Mỹ mới có cảm xúc làm thơ. Mỹ đã viết khá nhiều lá thư cho anh bằng thơ. Và một trong những bài thơ ấy đã mang đến điều kỳ diệu cho cả hai. Bài Mơ thăm anh trên đảo Sinh Tồn Mỹ lấy cảm hứng trong chuyến ra đảo đầu tiên của chồng. Anh Huy cũng là người đầu tiên được vợ gọi điện thoại đọc bài thơ này.

“Lúc ở tàu nhìn vào đảo thấy một khoảng cách vời vợi mênh mông sóng nước. Nhưng khi đặt chân lên đảo, tôi không nghĩ đó là đảo nữa mà thấy thân thiện, gần gũi như trong đất liền. Bây giờ mình rất hạnh phúc, hạnh phúc lớn đến nỗi không thể tả thành lời” - Mỹ nói, gương mặt bừng sáng bởi nụ cười rất rạng rỡ dù đôi mắt vẫn còn sưng vì khóc quá nhiều. Cô hân hoan lôi ra từng gói quà được gói rất cẩn thận khoe với chồng: cái này là quà của vợ, cái này là mẹ gửi, cái này của bà ngoại...

Nụ cười hạnh phúc luôn bừng sáng trên gương mặt đôi vợ chồng trẻ. Cả hai đều bất ngờ khi phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng hải quân - đại tá Đặng Minh Hải xuống tận phòng chúc mừng. Vị đại tá có gương mặt rất đôn hậu “nghiêm mặt” hỏi trung úy Huy: “Sao cháu lại bảo với vợ là công việc bận lắm để Mỹ không dám ở lại? Chú đã nói với đảo trưởng rồi, cứ yên tâm. Chúc hai cháu tuyển được “hải quân con” ngay trên đảo Sinh Tồn”.

Buổi sáng hôm ấy Mỹ đã được nhìn thấy những gì chồng kể. Anh dẫn cô đi xem những vườn rau xanh mướt mắt, những cây đu đủ lủng lẳng trái, được tận mắt nhìn thấy bầy chó con lít nhít mũm mĩm kêu những tiếng non nớt rất thương, được đi thăm những người dân chân chất và nghe những đứa trẻ của đảo hát bài Khúc quân ca Trường Sa...

Đến khi lên đảo, Mỹ vẫn chưa biết câu chuyện hậu trường rất thú vị và đầy cảm xúc để cô có được “chiếc vé đặc biệt” ở lại đảo 10 ngày. Trong cuộc họp với lãnh đạo Quân chủng hải quân, đại diện báo Tuổi Trẻ đã kể về câu chuyện của chị Mỹ. “Ngay lúc đó anh Huyền (trung tướng Trần Thanh Huyền - phó đô đốc Quân chủng hải quân VN) đang họp trong TP.HCM biết chuyện đã bảo chúng tôi: đây là trường hợp đặc biệt cần được quan tâm, thủ trưởng đoàn công tác phải tính toán thiết kế để chị Mỹ có nhiều thời gian trên đảo hơn với chồng - đại tá Đặng Minh Hải kể - Lúc đầu sau khi tính toán lịch trình thì Mỹ chỉ được ở lại một đêm. Tuy nhiên khi biết có một chuyến tàu khác sẽ đi qua đảo Sinh Tồn 10 ngày sau đó, chúng tôi quyết định tặng cho hai vợ chồng họ món quà rất đặc biệt này”. Vì muốn tạo sự bất ngờ lớn nên bí mật ấy được giữ kín cho tới cuối ngày đầu tiên trên tàu.

“Câu chuyện của Mỹ làm tôi nghĩ đến một ngày nào đó, gần thôi, những người con gái yêu lính đảo sẽ đi theo tiếng gọi của trái tim, ra đây cùng xây dựng tổ ấm ở quê hương mới” - đại tá Đặng Minh Hải chia sẻ. Người đại tá mỉm cười đọc hai câu thơ trong bài Về quê hương mới nhé em - bài thơ ông làm tặng vợ chồng chị Mỹ:

“Mời em ra đảo cùng anhTrồng rau, bắt cá chúng mình chăn nuôiTình em là đóa hoa tươiSân trường ríu rít tiếng cười trẻ thơ”...

Trung tá ĐINH TRỌNG THẮM (đảo trưởng đảo Sinh Tồn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên