27/07/2020 12:33 GMT+7

Tìm máu xương đồng đội ở chiến địa Vị Xuyên - Kỳ cuối: Nỗi đau hậu chiến chưa nguôi

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG
L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG

TTO - Từ khu tưởng niệm anh linh liệt sĩ Vị Xuyên trên điểm cao 468, nhìn về biên giới Việt - Trung sẽ thấy thung lũng Nậm Ngặt bình yên dưới màu xanh cây lá. Nhưng dưới màu bình yên ấy, đã có rất nhiều cuộc đời không bình yên nơi bản nhỏ này.

Tìm máu xương đồng đội ở chiến địa Vị Xuyên - Kỳ cuối: Nỗi đau hậu chiến chưa nguôi - Ảnh 1.

Ba người chỉ có… hai chân vì đạp trúng mìn - Ảnh: VIỆT DŨNG

Câu chuyện của nhiều người dân bị chết chóc hoặc mang nặng thương tích đã nói lên sự khốc liệt của cuộc sống được tái sinh trên miền đất dày đặc bom mìn hậu chiến.

“Năm ngoái, em cũng suýt chết. Đi nương thấy dây điện thông tin vướng ngang đường, em cầm lên kéo vứt đi thì như một phản xạ em nằm ụp xuống đất, bên kia tảng đá quả lựu đạn nổ uỳnh. Cứ tưởng hai mẹ con chết rồi, may nhờ tảng đá chặn lại.

Bồn Thị Bầy

Ba người cộng lại chỉ có...hai chân

Thiếu tá Nguyễn Văn Tường của đội tìm kiếm quy tập liệt sĩ dẫn chúng tôi vào Nậm Ngặt (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên). Anh Tường bảo: "Nếu may mắn ông này không lên nương, các anh sẽ được gặp một nạn nhân bom mìn rất đặc biệt ở thôn Nậm Ngặt. Ông Bồn Văn Hòn là người hai lần giẫm phải mìn khi đi nương, mỗi lần như thế ông bị mất một chân".

"Ủa, mất hai chân sao còn đi nương được?" - chúng tôi hỏi lại. "Không, dân nơi đây có mất nhiều hơn thế cũng lên nương đi làm các anh ạ". Đi loanh quanh qua nhiều đồi cao với vực sâu, bản Nậm Ngặt hiện ra trước mắt chúng tôi với những nếp nhà dẫu có vài ngôi tường xây, mái tôn nhưng vẫn toát ra vẻ khó nghèo chưa dứt.

Đúng như thiếu tá Tường dự đoán, ông Hòn đã đi nương. "Chúng ta qua nhà con rể ông Hòn. Anh ấy cũng là nạn nhân bom mìn, bị mất một chân".

Đấy là Triệu Văn Nguyên. Anh kể hồi năm 1984, ký ức thơ bé vẫn in đậm những trận pháo từ bên kia biên giới rót sang Nậm Ngặt vào một sáng đầu tháng 4. Nhiều nhà dân đào hầm tránh pháo. Nhưng hầm của dân không trụ nổi với những viên đạn pháo trên 100 li cứ bắn cấp tập. Nhiều gia đình trúng pháo, người chết.Cả bản được lệnh sơ tán về tận Bắc Mê cách Nậm Ngặt gần 100 cây số. Không có xe, không ngựa thồ, dân bản dắt díu nhau gồng gánh đi bộ sơ tán ở Bắc Mê cho đến cuối năm 1989, tiếng pháo tạm yên mới về lại quê.

Cái thung lũng nhỏ bình yên dưới chân các điểm cao 1509- 685 bấy giờ tan hoang bởi đạn pháo cày xới. Nhưng nguy hiểm hơn là mìn. Rất nhiều mìn đang ẩn nấp trong từng hốc cây bụi cỏ. Anh Nguyên không nhớ rõ ai là người đầu tiên ở bản Nậm Ngặt bị trúng mìn. Bồn Thị Bầy, người vợ của Nguyên, chen vào câu chuyện của chúng tôi: "Nhà em có một điều mà không ai có: đó là ba người cộng lại chỉ có... hai cái chân. Bố em, ông Bồn Văn Hòn không còn chân nào. Chồng em, anh Nguyên còn một chân và cậu ruột của em, Bồn Văn Đặng cũng chỉ còn một cái. Chưa kể hai người cậu ruột khác là Bồn Văn Kiển và Bồn Văn Kiệt, khi đi rừng đốn tre đã giẫm phải mìn nổ chết".

Tôi không biết sẽ hình dung thế nào nếu chụp tấm ảnh với ba nạn nhân trong một gia đình chỉ có hai cái chân như thế nên nói với vợ Nguyên: "Em có thể đón bố về cho bọn anh gặp được không?". Vừa nghe, Nguyên bảo: "Ồ, để em đi tìm bố Hòn về". Chúng tôi ngạc nhiên: "Chân Nguyên vậy đi xe sao được?". Nguyên bảo: "Ngày nào em chả đi, em biết đi xe máy trước khi bị mìn phạt cụt chân mà".

Rồi với chiếc chân giả, Nguyên xoay chân chống chiếc xe máy 180 độ, nhảy tót lên, vặn ga trên con đường chênh vênh hun hút giữa núi đồi Nậm Ngặt. Chờ non một giờ thì Nguyên về. Ông Bồn Văn Hòn ngồi sau xe. Xe dừng, ông khéo léo bật người xuống, rồi chống nạng bước vào nhà. Cụt hai chân nhưng ông chỉ dùng một chân giả, chân kia thay bằng nạng.

Tìm máu xương đồng đội ở chiến địa Vị Xuyên - Kỳ cuối: Nỗi đau hậu chiến chưa nguôi - Ảnh 3.

Một góc bản Nậm Ngặt, dưới màu xanh bình yên này tử thần vẫn rình rập từ những quả mìn dày đặc đồi nương - Ảnh: NGỌC QUANG

Vẫn mỉm cười với cuộc đời

Chúng tôi băn khoăn: "Chân bác đã thế, nhỡ trên nương còn mìn thì sao?". Ông Hòn cười: "Mình còn chân nào nữa đâu mà sợ giẫm phải mìn". Lần ông giẫm phải mìn cụt chân đầu tiên năm 2000 khi đi phát nương.

Bà con bản khiêng cáng ông ra bệnh viện Hà Giang điều trị mấy tháng. Mất một chân, ông Hòn không cày cuốc được thì chăn nuôi bò. Vậy mà năm 2004 lần thứ hai ông giẫm phải mìn khi đang dắt bò từ nương về. Người ta thường biến đau thương thành một điều gì đó để trêu đùa. Ông Hòn bảo: "Lần đầu giẫm mìn, thôi thì cho là xui xẻo, nhưng lần thứ hai thì khó thế mà vẫn dính mìn chứng tỏ đó là số phận rồi".

Rồi ông kể: "Hôm đó, tôi dắt con bò, nó có 4 cái chân, tôi có 1 cái chân giả và 1 cái chân thật. Thế mà thế nào 4 chân bò và cái chân giả không giẫm trúng mìn, mà cái chân thật duy nhất còn lại dính đòn". Ông cười. Tiếng cười như có mảnh đạn xé. Nhói buốt người nghe.

Đang mải chuyện với ông Hòn, chợt có tiếng đằng hắng ngoài sân. Vợ Nguyên nói là Đặng, cậu ruột của mình. Đặng tự nhiên tựa cái nạng chống vào vách tường rồi sà xuống chiếu: "Các anh hỏi chuyện giẫm mìn ở xã Thanh Thủy thì không chép hết đâu, nhiều lắm!".

Đặng sinh năm 1987, khi ấy cả bản đang sơ tán dưới Bắc Mê, gần 3 tuổi thì theo bố mẹ về lại Nậm Ngặt. Khi đó mọi người ai cũng bảo "hết chiến tranh rồi" nhưng không ai biết vẫn còn một cuộc chiến khác đang rình rập người Nậm Ngặt từ bấy cho đến nay! Đặng đẹp trai, gương mặt sáng và cởi mở. "Khi em bị như thế này đúng năm em 20 tuổi, đấy là năm 2007- Đặng kể - Bọn em về lại Nậm Ngặt khi em mới 3 tuổi, cả tuổi thơ ấu cho đến lúc thanh niên em đâu có lạ gì với chuyện bom mìn ở nương rẫy bản mình. Hai người anh của em cũng chết vì mìn mà. Thế mà trong một lần đi nương, em cũng bị mìn cướp mất chân phải".

Có lẽ, câu chuyện của ba người thân thiết trong một gia đình như ông Bồn Văn Hòn, Triệu Văn Nguyên và Bồn Văn Đặng đã quá đủ cho một hình dung nỗi đau hậu chiến. Thanh Thủy có đến rất nhiều trường hợp thương tật như thế. Và nhất là Nậm Ngặt, thung lũng quá tang thương, quá hi sinh nhưng giờ đây bản không có điện, không có sóng điện thoại, không xem được tivi, con đường ra trung tâm quá gian nan. Và đời dân cứ mãi mơ ước...

Hãy san sẻ gian nan cho Nậm Ngặt

Khi viết về những người đã ngã xuống, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng cảm khái: "Người lính chết đi không hề mong ước được phong anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ! Không, không, không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm". Và giờ đây cũng thế, hàng ngàn người lính khắp mọi miền đất nước nằm lại trên đá núi Vị Xuyên sẽ chưa thể vui khi cuộc sống của người dân trên chính mảnh đất Nậm Ngặt, Thanh Thủy này còn quá nhiều cơ cực.

Hôm vào Nậm Ngặt, hỏi sao không kéo đường điện vào đây cho dân, anh em bảo: Mỗi nhà dân ở mỗi quả đồi như thế làm sao đủ kinh phí mà kéo điện? Ô hay đâu cần điện lưới, ước gì mỗi nhà có được một vài tấm pin mặt trời đủ lấy điện cho con cái học bài, xem được cái tivi thôi. Nhưng điều bình thường ấy, với Nậm Ngặt có vẻ như là một giấc mơ không biết bao giờ có được.

Tìm máu xương đồng đội ở chiến địa Vị Xuyên - Kỳ 4 : Vị Xuyên - hành hương về miền ải Bắc Tìm máu xương đồng đội ở chiến địa Vị Xuyên - Kỳ 4 : Vị Xuyên - hành hương về miền ải Bắc

TTO - "Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) đang được gấp rút tôn tạo để hoàn thànhv ào tháng 4-2021 và sẽ mở rộng lên 10,6ha. Đây sẽ là nơi yên nghỉ của 5.400 liệt sĩ..." - ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết.

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - V.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên