Kỳ 1: Xoay xở mưu sinh Kỳ 2: Người nghèo “khát” đất
Phóng to |
Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thuận Võ Văn Nàng (phải) đi kiểm tra mô hình thoát nghèo bền vững của gia đình ông Huỳnh Văn Tiền, người dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau - Ảnh: Hồ Văn |
Xóa đói, chưa giảm nghèo
27 triệu đồng với gia đình nghèo như ông Chiến quả là một số nợ khổng lồ. Thu nhập của hai vợ chồng ông chủ yếu dựa vào việc đánh bắt cá, ốc ven biển và ven các vạt rừng phòng hộ. Ngày nào con nước kiệt chỉ kiếm vài chục ngàn đồng, đủ sống qua từng ngày.
Theo ông Chiến, việc vay vốn ưu đãi cũng chẳng phải thuận buồm xuôi gió, trước đây ngân hàng chỉ giải ngân từng đợt vay lúc thì 1 triệu đồng sau tăng dần lên 2-3 triệu đồng... Với những lần vay ít ỏi như thế, gia đình ông chẳng biết dùng vào việc gì ngoài mua gạo tích trữ, sắm thêm một vài ngư cụ thô sơ để săn bắt, hái lượm trong rừng ngoài biển.
“Gần đây ngân hàng đã cho vay một lúc gần chục triệu đồng. Nhưng vay về đâu làm gì được, bởi mình đâu có đất để trồng trọt, chăn nuôi. Thành ra tiền vay cũng chỉ để ăn khi đói và gói lại khi no mà thôi” - ông Chiến tâm sự.
Cả xóm nghèo này nhà vay, nhà không nhưng cũng cùng mục đích như gia đình ông Chiến là có thêm nguồn tiền phòng khi trời động, mưa gió không ra biển vào rừng kiếm ăn được.
“Đến kỳ trả nợ vay, chúng tôi lại vay nóng bên ngoài để trả cho ngân hàng, sau đó xin đáo hạn, lấy tiền trả lại khoản vay nóng. Mỗi lần xoay tua như vậy, chưa làm gì đã mất khoảng vài triệu bạc”, ông Chiến nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Mười Coi, trưởng ấp 18, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau), chương trình hỗ trợ hộ nghèo rất nhiều và triển khai về tận từng hộ.
Tuy nhiên, các chương trình tạo kế sinh nhai như: hỗ trợ cây, con giống, vốn sản xuất... thì những hộ nghèo không có đất sẽ không nằm trong diện được thụ hưởng.
“Rõ ràng đất là cần câu cơm chính để người nghèo thoát nghèo hoặc cùng lắm có được kế sinh nhai. Không đất, người nghèo chỉ biết làm thuê để sống, bởi nhiều chương trình hỗ trợ sẽ không đến với họ” - ông Mười Coi giãi bày và cho biết thêm với những hộ không đất, họ xem sổ hộ nghèo như là cần câu xóa đói chứ giảm nghèo nhanh, bền vững là rất xa vời.
Trong hơn 40 hộ nghèo ở ấp 18, ông Mười Coi cho biết khoảng 10 hộ nghèo vĩnh viễn và vô phương trả nợ ngân hàng, với số dư lên tới cả chục triệu đồng/hộ. Những hộ còn lại khó có khả năng thoát nghèo, mà thoát nghèo cũng dễ tái nghèo vì thu nhập không ổn định, việc làm quá bấp bênh.
Ông Nguyễn Công Thêm, cán bộ chính sách lao động của huyện Hòn Đất (Kiên Giang), cũng thừa nhận trong hơn 2.000 hộ nghèo của huyện thì khoảng 50% hộ là khó thoát nghèo dù cũng nhận được một số chương trình hỗ trợ. “Không đất, không tư liệu sản xuất thì chỉ nhận được những chương trình mang tính hỗ trợ, các chương trình tạo kế sinh nhai không thể đến với họ. Vì vậy hỗ trợ với họ chỉ như là xóa đói”.
Vẫn còn lối thoát
Theo nghị quyết 80/NQ - CP ngày 19-5-2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011-2020 và các chủ trương chính sách khác, thì người nghèo đã và đang được hưởng các chế độ hỗ trợ sau: hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ về giáo dục - đào tạo; hỗ trợ về y tế và dinh dưỡng; hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách vay ưu đãi tín dụng, hỗ trợ tiền điện... Mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2013-2015, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất bố trí nguồn vốn thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là 5.031,207 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 4.442,4 tỉ đồng, kinh phí sự nghiệp là 588,870 tỉ đồng. Với mục tiêu là đến năm 2015, giảm tỉ lệ nghèo cả nước từ 9,6% (năm 2012) xuống còn dưới 5%. |
Trên đường vào ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau, bí thư Đảng ủy xã Võ Văn Nàng kể về dự án “Tổ hợp tác thoát nghèo bền vững” mà xã đang kỳ vọng. Đây là dự án từ việc thử nghiệm trên 21 hộ nghèo trong ấp với mô hình kết hợp giữ rừng với vườn ao chuồng.
Điển hình cho việc thoát nghèo bền vững và có khả năng làm giàu là gia đình ông Huỳnh Văn Tiền. Khi chưa trở thành thành viên của dự án nói trên, gia đình ông Tiền là hộ nghèo với nghề làm rẫy và nuôi tôm quảng canh.
Tháng 1-2012, ông được Hội phụ nữ xã đầu tư 4 triệu đồng cộng với 7 triệu đồng vay ngân hàng chính sách để đào mương làm mô hình vườn ao chuồng.
Tận dụng bờ kênh trữ nước cứu rừng, ông thả các loại cá lóc, rô phi. Trên bờ, ông làm giàn trồng các loại cây ngắn ngày như mướp, khổ qua, bầu, đu đủ... “Các loại cây, cá tui trồng và nuôi xen kẽ thời gian nên cho thu hoạch đều trong năm. Mỗi năm cả vườn và ao đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 100 triệu đồng” - ông Tiền hồ hởi khoe. Ngoài mô hình sản xuất, gia đình ông cũng được giao khoán giữ 6,5ha rừng tràm. Đến nay rừng tràm đã đến độ tuổi khai thác, có người ra giá cả trăm triệu đồng nhưng ông chưa đồng ý bán.
Theo ông Nàng, việc sản xuất mô hình vườn ao chuồng là dùng cái ngắn để nuôi dài (giữ rừng). Vì rừng tràm sau 10 năm mới cho thu hoạch, nếu không làm gì trong 10 năm đó thì hộ nghèo khó sống với rừng được giao. Với mô hình này, bí thư Nàng cho biết đã có 12/21 hộ thoát nghèo và có khả năng làm giàu nếu được đầu tư thêm vốn và khoa học kỹ thuật, những hộ còn lại cũng đang có bước đi vững chắc.
“Nhưng có được sự thành công này, ngoài việc người nghèo chăm làm còn nhờ vào việc năng nổ nhiệt tình và gần dân của cán bộ Hội phụ nữ xã. Suốt quá trình triển khai dự án, chị Trần Thị Ngân, chủ tịch hội, và nhiều chị em khác thường xuyên sâu sát, chỉ bảo tận tình kinh nghiệm sản xuất... nên dự án mới thành công bước đầu” - ông Nàng giãi bày. Ông cho biết sắp tới sẽ thành lập tổ hợp tác thoát nghèo bền vững dựa trên 21 hộ cơ bản này và vận động thêm các hộ nghèo trong ấp tham gia.
Một mô hình thoát nghèo khác ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau cũng đang đi đúng hướng giúp bà con thoát nghèo. Đó là mô hình mỗi cán bộ đảng viên kèm cặp ba hộ nghèo trong xã. Với mô hình này mà ông Mười Coi cũng giúp đỡ được ba hộ nghèo vừa mới thoát nghèo. “Thực tế thì không giúp gì nhiều mà chỉ cần theo sát họ, vận động và hướng dẫn họ chăm chỉ làm ăn, không rượu chè bê tha... Từ từ cũng có kết quả khởi đầu là nâng cao ý thức cho hộ nghèo” - ông Mười Coi tâm tình. Nhưng ông cũng thừa nhận cách thoát nghèo này chưa bền vững vì thu nhập cũng theo mùa vụ, đất hẹp, vốn ít và trên hết là người kèm cặp cũng ít kinh nghiệm, chủ yếu nâng ý thức cho hộ nghèo là chính.
__________________
Kỳ cuối: Để xóa nghèo bền vững
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận