Phóng to |
Già làng Lâm Bế kể lại ký ức về những ngày di cư từ sóc Năm về Tây Ninh - Ảnh: VIỄN SỰ |
Câu hỏi ấy đã thúc giục chúng tôi tìm về nơi có người Tà Mun sinh sống, tộc người có thể sẽ là những “người em út” trong đại gia đình dân tộc VN. Theo hướng núi Bà Đen, chúng tôi về vùng Suối Đá ở H.Dương Minh Châu, Tây Ninh để đến một trong những xóm Tà Mun đông đúc nhất thuộc ấp Tân Định II. Ven con đường mịt mờ đất đỏ, xóm của người Tà Mun dù chỉ non trăm nóc nhà nhưng từ lúc được dời ra ở đại ngàn thượng nguồn con sông Bé nay đã gần một thế kỷ vẫn chưa bao giờ bị lẫn với phum, sóc hay xóm làng nào khác. Xóm luôn được phủ xanh bởi những bụi tầm vông sum sê đặc trưng quanh những nóc nhà người Tà Mun.
Di cư từ rừng già
"Bây giờ người Tà Mun vẫn còn giữ được tiếng nói, giữ được ngày tết của mình... Nhưng so với hồi trước thì đã mai một đi nhiều, hồi xưa ăn tết bảy ngày, giờ chỉ còn ba ngày vì nhiều tục lệ đã bị quên dần. Nếu cái tên Tà Mun mà còn bị lẫn lộn thì con cháu Tà Mun sau này rồi sẽ không biết mình là người Tà Mun, không còn nhớ về quê cũ sóc Năm..." |
Và ăn tết không phải là chuyện “kỳ” duy nhất theo cách nói của già Lâm Bế. Già kể tuy được coi là người S’Tiêng, nhưng người Tà Mun nói gì thì người S’Tiêng không nghe được, người Khmer cũng không ai hiểu được. Thứ ngôn ngữ ấy của người Tà Mun, theo già Bế, chỉ có những người “được gọi là S’Tiêng” ở sóc Năm, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản (Bình Phước) là nghe được. Vì đó chính là những họ hàng ruột thịt, là nơi đời ông bà của những người Tà Mun ở Tây Ninh từng sinh sống hồi đầu thế kỷ 20.
Sợi dây máu mủ với vùng sóc Năm xa xôi ấy của người Tà Mun ở Tây Ninh bây giờ không còn nhiều người Tà Mun nhớ một cách đầy đủ. Nhưng bà Lâm Thị Bê, một cụ bà Tà Mun đã gần thất thập ở xóm Tà Mun Ninh Đức (Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh), thì vẫn nhớ như in. Bà nhớ là bởi cha mình, ông nội mình chính là những người Tà Mun đầu tiên rời cái sóc bé nhỏ nơi thượng nguồn sông Bé này để dắt díu nhau về tạo lập thành cộng đồng Tà Mun ở Tây Ninh bây giờ.
Đó là những năm 1920, cha và ông nội bà Lâm Thị Bê cùng một vài trưởng lão người Tà Mun trên đường đi đóng thuế cho Pháp ở cầu Quan (Tây Ninh) gặp lúc đói khát thì được đức hộ pháp Phạm Công Tắc - giáo chủ đạo Cao Đài - cho cơm ăn và tá túc qua đêm tại một lán trại trong cánh rừng Ninh Thạnh mà ngày nay chính là tòa thánh Cao Đài. Được giáo chủ đối đãi tử tế, nhóm người Tà Mun ấy đã về sóc Năm dắt díu gia đình Tà Mun rời quê hương về Ninh Thạnh giúp đạo Cao Đài xây dựng cơ ngơi. Đàn ông thì hạ cây, phụ nữ thì cắt tranh, chặt mây..., những công việc đã từng quen tay nơi rừng già ấy đã giúp nhóm người Tà Mun góp công sức vào việc xây dựng tòa thánh. Để ghi công, họ được giáo chủ Phạm Công Tắc cải đạo, lại đặt cho họ Lâm (với dụng ý là người làm nghề rừng rất giỏi) khi người Tà Mun trước đó chưa có họ.
Bà Lâm Thị Bê kể từ một nhóm nhỏ ban đầu ấy, người Tà Mun đã rủ nhau rời sóc Năm về Ninh Thạnh, về Suối Đá, Tân Châu và nhiều nơi khác của Tây Ninh dựng nhà, trồng tầm vông, hình thành những xóm Tà Mun chen giữa phum, sóc S’Tiêng, Khmer và xóm làng người Kinh. “Tà Mun mình từ đó có hai cộng đồng từ sóc Năm tới Tây Ninh, cách nhau tới mấy cánh rừng” - bà Bê hồi tưởng.
Phóng to |
Một đám cưới của người Tà Mun, với mâm lễ bắt buộc là hai cái đầu heo, nay đã bị mai một hoặc lai tạp nhiều nghi thức - Ảnh tư liệu |
“Tục danh Tà Mun có từ rất lâu”
Tìm cội nguồn, đó không chỉ là đau đáu của cộng đồng Tà Mun mà của cả những người làm công tác dân tộc và nghiên cứu văn hóa. Không chỉ có những hội thảo đã diễn ra ở Tây Ninh và Bình Phước mà UBND tỉnh Tây Ninh cũng vừa duyệt đề tài khoa học với kinh phí gần 400 triệu đồng để xác định cội nguồn của người Tà Mun.
Những chứng tích về nguồn cội của người Tà Mun mà già Lâm Bế và bà Lâm Thị Bê kể, ông Lê Hồng Tăng - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Tây Ninh - xác nhận đều trùng khớp với tài liệu mà các cơ quan nghiên cứu đang lưu giữ. Nhưng đáng tiếc đó cũng là chứng tích gần như duy nhất mà giới nghiên cứu đang có. “Người Tà Mun chỉ nhớ cha ông mình từ sóc Năm rồi theo đạo Cao Đài di cư một phần về Tây Ninh từ năm 1926, sinh sống cho đến giờ. Còn trước đó đã từng sinh sống ở đâu thì không nhớ vì tộc người Tà Mun không có chữ viết để lưu lại. Vì thế xác định Tà Mun có phải là một dân tộc riêng biệt hay không thì phải có thêm nhiều bằng chứng nữa” - ông Tăng nói.
Ông Huỳnh Văn Diệu - trưởng phòng tôn giáo dân tộc, Ban dân vận tỉnh Tây Ninh - cho biết dù khi thống kê dân số vẫn xếp gần 1.700 người Tà Mun ở Tây Ninh vào dân tộc S’Tiêng, nhưng trên thực tế cái tên Tà Mun đã được công nhận trên giấy tờ chứ không còn là “bất thành văn”. Đó là gần như tất cả giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu của người Tà Mun ở Tây Ninh và Bình Phước đều ghi chữ “Tà Mun” trong phần dân tộc, bởi không người Tà Mun nào muốn nhận mình là người S’Tiêng khi đi làm giấy tờ.
Không chỉ các giấy tờ hiện tại, già làng Lâm Bế ở Suối Đá còn cho chúng tôi xem thẻ căn cước do chính quyền Sài Gòn cấp trước năm 1975 cũng ghi dân tộc Tà Mun. Ông Huỳnh Văn Diệu cũng xác nhận ở xóm Tà Mun Ninh Đức từ năm 1963 đã có trường tiểu học cộng đồng mang tên Tà Mun (nay là Trường tiểu học Ngô Quyền) do chính quyền Sài Gòn xây dựng. “Như vậy có thể thấy tục danh Tà Mun đã có từ rất lâu và được xác nhận bằng những văn bản chính thống” - ông Diệu nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lù Văn Que - chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân tộc của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN - cho rằng phải nhanh chóng có những công trình khoa học để xác định nguồn cội của người Tà Mun. Bởi những thông tin trên cho thấy người Tà Mun có ngôn ngữ và một nền văn hóa khá khác biệt với người S’Tiêng. Sau khi xác định rõ tục danh, sẽ lấy ý kiến cộng đồng người Tà Mun trước khi có thể công nhận họ là một dân tộc riêng. Ông Lù Văn Que cho rằng vấn đề nhận thức khác nhau về tên gọi của người Tà Mun không phải là cá biệt trong cộng đồng dân tộc VN. Và Hội đồng tư vấn dân tộc đã có đề xuất đến Chính phủ để xem xét lại việc này.
Nhiều công trình nghiên cứu Lật lại tư liệu, câu hỏi “có hay không tộc người Tà Mun?” từ lâu đã được nhiều nhà nghiên cứu cất công tìm câu trả lời. Trước năm 1975, Viện Viễn Đông bác cổ (EFEO) của Pháp đã từng liên hệ với chính quyền Sài Gòn để nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc Tà Mun. Tuy nhiên, tác giả của công trình khoa học này đã qua đời khi đang nghiên cứu dang dở và không còn được lưu trữ trong văn khố của chính quyền cũ. Ông Võ Hòa Minh - chánh văn phòng Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Tây Ninh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu thành phần dân tộc Tà Mun - cho biết hiện đang tìm kiếm lại công trình nghiên cứu dang dở này nhưng chưa tìm thấy. Sau đó vào đầu thập niên 1980, nhà ngôn ngữ học người Mỹ D.Thomas và năm 1990 GS.TS M.V.Kriukov (người Nga) cùng GS Trần Tất Chủng cũng đã có hai công trình nghiên cứu về nguồn gốc tộc người Tà Mun. Cả hai công trình này đều khẳng định người Tà Mun không có mối quan hệ với người S’Tiêng. D.Thomas cho rằng người Tà Mun là một nhánh, có họ hàng với người Châu Ro được người Pháp đưa từ lưu vực sông Đồng Nai qua thượng nguồn sông Bé sinh sống từ đầu thế kỷ 20. Còn GS.TS M.V.Kriukov và GS Trần Tất Chủng trong công trình đăng trên tạp chí Dân Tộc Học số 2 năm 1990 cho rằng: Người Tà Mun đã bị mất mối liên hệ cộng đồng với tộc gốc của mình và trong quá trình di cư đã chịu ảnh hưởng của người Khmer. Các công trình nghiên cứu sau đó về lễ hội, địa chí, âm nhạc dân gian của ngành văn hóa hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước cũng khẳng định phong tục tập quán, âm nhạc và đặc biệt là ngôn ngữ của người Tà Mun có nhiều khác biệt với người S’Tiêng. Một số điểm tương đồng với người Khmer xuất hiện sau này là do quá trình cộng cư tạo nên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận