Gặp các cô, chúng tôi lặng nghe bao nỗi chua xót, tủi khổ cùng cực của kiếp người và cảm nhận được cả những ước mơ, hi vọng giành lại cuộc đời...
Phóng to |
Nhà chức trách Việt Nam và Trung Quốc làm thủ tục đưa một cô gái trở về Việt Nam - Ảnh: CTV |
Tình đồng hương
Bị giữ như tù nhân, nhưng các cô gái Việt ở phố “đèn đỏ” Trung Quốc rất quan tâm nhau. Vũ Thùy Ly, 18 tuổi, quê Bỉm Sơn, Thanh Hóa bị lừa bán vào nhà thổ ở Lình Coóng, tỉnh Quảng Đông, nghẹn giọng kể chúng tôi nghe cảnh đời bạn mình. Cô gái tên Ba ở Bắc Giang này lớn tuổi nhất trong nhà chứa dù chỉ sinh năm 1988. Trở thành “hàng dạt” trong mắt chủ chứa, lẽ ra cô đã được tự do sau khi bị bóc lột thân xác nhiều năm. Nhưng qua mấy lần bỏ trốn bất thành, Ba bị chủ chứa trả thù, bắt làm thêm để tiếp tục “trả nợ”.
Các bạn rất xót Ba nhưng không dám ra mặt vì đã bị đánh đập tàn nhẫn khi tỏ ý bênh vực. Họ chỉ âm thầm an ủi để Ba đừng quẫn trí liều mình. Gần đây, chủ chứa công khai muốn bán Ba lấy chồng nông dân Trung Quốc. Ả hỏi thẳng cô muốn bán cho mấy nhà chứa bèo nhèo tiếp bọn dặt dẹo, chơi thuốc hay muốn lấy chồng nông dân? Ba khóc, biết số phận mình đã bị định đoạt. Các bạn cô cũng khóc. Hôm chia tay bạn đi lấy chồng nông dân Trung Quốc, Ba nghẹn giọng nói với các cô gái ở lại: “Đời chị hết rồi. Các em phải gắng sống để chờ ngày về nhà nhé!”.
“Bốn năm trước, lần đầu tôi qua Trung Quốc giúp đưa một em về nước từ khẩn cầu của người cha ở Hà Nội. Nhận tin con, nhưng ông không đi được vì quá nghèo, lại mắc bệnh lao phổi nặng và mù chữ. Khi tận mắt nhìn cảnh cay nghiệt ở nhà chứa Pò Chài bên kia biên giới Lạng Sơn, tôi cố giúp luôn cả ba cô gái về nước. Nhưng buồn là chính em được cha nhờ tôi giúp đã nhiễm HIV năm mới 15 tuổi. Nhìn hai cha con khóc, tôi cũng không cầm được nước mắt, và từ đó số phận cứ đưa đẩy tôi có “duyên” với nhiều cô gái bất hạnh. Nhiều lần được cảnh sát giúp, nhưng có lần tôi đi một mình, giả khách đưa các em ra khách sạn rồi đi đường bộ về nước mà lần xa nhất là ở Nam Kinh cách biên giới khoảng 5.000km. Đến giờ tôi đã giúp được 20 em rồi, nhưng vẫn còn rất nhiều em đang chịu khổ sở ở xứ người...”. |
Tháng 11-2011, Hồng Xuân, cô gái quê từ tận Thủ Đức, TP.HCM may mắn gọi nhờ được điện thoại về nhà. Người cha tuyệt vọng như hồi sinh khi nghe giọng con. Ông tất tả ra Hà Nội, gõ cửa các nơi nhờ giúp đỡ và may mắn được giới thiệu anh Tạ Ngọc Vân, nhân viên Trung tâm nhân đạo Rồng Xanh, từng giúp đỡ một số cô gái Việt về nước. Ở bên kia, Hồng Xuân cũng bí mật tâm sự với các bạn Mơ,Yến, Hướng. Cô hi vọng nếu được giải cứu sẽ cố gắng dẫn cả bạn về.
Giữa tháng 11-2011, cha Hồng Xuân cùng anh Tạ Ngọc Vân với sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát phòng chống buôn người đã đến Lình Coóng. Xác định nhà chứa giữ Hồng Xuân, anh Vân liên hệ với sĩ quan cảnh sát Trung Quốc từng giúp đưa các cô gái ra. Buổi sáng, trong lúc các cô co ro đợi khách thì cha Hồng Xuân bất ngờ xuất hiện. Chủ chứa định chống cự, nhưng rồi đành chịu cho các cô gái ra khi có cảnh sát...
Giành lại cuộc đời
Về biên giới Móng Cái, các cô bật khóc nức nở khi thấy người thân ngóng đợi. Nước mắt mừng vui có cả giọt đắng cay, tủi khổ ở xứ người! Thân Thị Mơ, cô gái quê Bắc Giang, nghẹn ngào ôm chặt mẹ. Sáu tháng mất con, mẹ cô tiều tụy hẳn. Cạnh Mơ, bạn Hồng Xuân cũng nức nở trong tay cha. Con mất tích, ông đã treo bảng bán nhà, rong ruổi tìm con khắp nơi. Chưa bao giờ đặt chân đến Trung Quốc, nhưng ông vẫn liều đi giành lại máu thịt mình...
Tâm sự với anh Tạ Ngọc Vân đã giúp cha mình, Hồng Xuân xúc động: “Nhìn cha bỏ hết tất cả để đi tìm con, em thương cha lắm và nghĩ phải cố gắng để cha đừng buồn khổ vì mình nữa!”. Theo cha về TP.HCM, Hồng Xuân xin việc làm và hiện nay đã được xét tuyển vào hệ cao đẳng ở một trường đại học dân lập.
Số phận Mơ ngậm ngùi hơn khi xét nghiệm có HIV. Suốt nhiều ngày, cô không nuốt trôi được gì và cũng không thể ngủ được khi cứ chợp mắt là hình ảnh kinh hoàng ở “địa ngục” xứ người ập về. Đau đớn vượt qua cú sốc, cô tâm sự với chúng tôi những câu chuyện đẫm tình thương và nước mắt khi đặt chân về nhà nhìn thấy cha, mẹ, nội, ngoại già yếu cũng bật khóc vì mình. Thương nhất là em gái bé nhỏ còn ngơ ngác cũng òa lên khóc dù chưa hiểu nổi chuyện đời chị. “Những lúc khốn cùng, em chỉ mong được gặp lại cha mẹ dù một ngày rồi cắn lưỡi chết cũng được. Giờ trong vòng tay gia đình rồi, dù thế nào em cũng sẽ vượt qua để giành lại đời mình!”.
Nhà Mơ rất nghèo! Cha mẹ quay quắt ruộng vườn vẫn bữa hụt bữa vơi. Mơ trở lại giấc mộng cô giáo xưa, nhưng ngày ngày vẫn ra đồng phụ mẹ cha. Nhiều đêm, cô thức đến sáng ôn lại kiến thức đã hổng nhiều trong những ngày tăm tối xứ người. Ngoài áp lực thi cử, thử thách lớn nhất với cô chính là ám ảnh bệnh tật, quá khứ đau buồn. Mơ kể có lúc tưởng buông xuôi, nhưng cứ nhắm mắt lại thấy gương mặt đẫm nước mắt của cha mẹ. Rồi mỗi khi nghĩ đến em gái đang đợi chị ở cửa là tim Mơ thắt lại. Đường đời sáng, tối đang trải ra trước em, và cô phải đứng lên để dìu em không lạc bước vào đường đau khổ như chị.
Mơ mong sẽ được làm việc ở các tổ chức giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh như mình. “Chỉ những người từng bị vùi dập mới hiểu được nỗi đau khổ của các cô gái đó. Em muốn mình được thắp lên một que diêm, dù nhỏ bé nhưng góp phần xua bớt đêm dài tối tăm mà các bạn phải chịu đựng” - Mơ sẻ chia.
Theo số liệu của lực lượng biên phòng và cảnh sát phòng chống tội phạm buôn người, sáu tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 226 vụ mua bán người với 333 đối tượng và 439 nạn nhân, tăng 44 vụ (24, 2%) so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, riêng mua bán phụ nữ đã xảy ra 200 vụ với 403 nạn nhân. Địa phương xảy ra mua bán người nhiều nhất là Lào Cai 21 vụ, Hà Giang 17 vụ, Hải Dương 12 vụ, Hà Nội 8 vụ... Các thủ đoạn mua bán người vẫn đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện những đường dây liên kết chặt chẽ giữa đối tượng trong nước và nước ngoài. |
-----------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Mua bán thân xác Kỳ 2: Những đường dây buôn gái Kỳ 3: Tận cùng tàn độc Kỳ 4: Nước mắt đêm dài Kỳ 5: Chân dung tú bà Kỳ 6: Những cuộc chiến tàn khốc Kỳ 7: Chạy trốn
---------------------------------------------------
Đón đọc Số tới: Ra khơi cùng ngư dân
Sau gần một tháng lênh đênh trên biển cùng ngư dân đánh bắt cá, các phóng viên Tuổi Trẻ đã gửi về những câu chuyện tường trình từ các con tàu đánh cá của những ngư dân đang ngày đêm đạp sóng ra khơi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận