07/06/2018 12:16 GMT+7

Tiêu cực ngành giáo dục, Bộ trưởng chỉ nhận trách nhiệm thôi chưa đủ

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Đó là ý kiến của đại biểu quốc hội đối với Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn ngày 6-6.

Tiêu cực ngành giáo dục, Bộ trưởng chỉ nhận trách nhiệm thôi chưa đủ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời đại biểu Quốc hội ngày 6-6 - Ảnh: QUANG VINH

Con số các vụ việc liên quan đến nhà giáo mà báo chí đưa lên thì chưa là gì, thực tế chắc chắn còn rất nhiều. Đây là một cảnh tỉnh

Bộ trưởng PHÙNG XUÂN NHẠ

Sốt ruột trước tình trạng liên tục cải cách, liên tục cải tiến nhưng giáo dục vẫn tụt hậu và thua kém nhiều nước, đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi thẳng với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: "Con đường cải cách sẽ "dài tới bao giờ".

"Cần xây dựng lòng tin về quá trình đổi mới" (!?)

Câu chuyện loay hoay với các đề án đổi mới ngành giáo dục không chỉ một mình đại biểu Hồ Thị Vân xoáy mà nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề yêu cầu bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải trả lời rõ ràng để người dân đỡ sốt ruột.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định lĩnh vực giáo dục đụng chạm đến toàn xã hội, liên quan đến mọi gia đình nên quá trình đổi mới cũng cần có lộ trình lâu dài, tính toán rất cẩn thận. 

"Ngay thi cử cũng vậy, từ việc tổ chức hai kỳ thi trong năm chúng ta tổ chức lại một kỳ thi, rồi chỉnh sửa dần cho phù hợp. Chúng tôi cũng nghiên cứu cùng với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa... chứ không thể đổi mới ngay được" - ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng trả lời rằng đổi mới giáo dục là đòi hỏi để nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng kịp bối cảnh mới, ngoài sự cố gắng của ngành giáo dục thì bộ cũng rất cần sự chia sẻ của toàn xã hội. Muốn vậy thì "cần xây dựng lòng tin về quá trình đổi mới". 

Ông Nhạ nói: "Trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi tin rằng việc đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phải đạt kết quả. Về ĐH thì đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tôi mong các đại biểu cũng như cử tri có niềm tin về đổi mới, việc này phải dần dần, hiện đã có những kết quả ban đầu".

Tiêu cực ngành giáo dục, Bộ trưởng chỉ nhận trách nhiệm thôi chưa đủ - Ảnh 3.

Đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hoá) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn ngày 6-6 - Ảnh: QUANG VINH

Nhiều đại biểu rất lo lắng trước việc hiện nay tỉ lệ sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp quá nhiều, trong khi đó chất lượng đầu vào ngành sư phạm đang có vấn đề. 

Theo đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), chất lượng đầu vào ngành sư phạm quyết định đến chất lượng giáo viên, việc để những trường hợp thi chỉ được 3 điểm/môn vẫn đậu vào sư phạm như năm 2017 là không thể chấp nhận. 

"Bộ trưởng hứa sẽ siết chặt, rồi sẽ quản lý đầu vào, xin hỏi bộ trưởng sẽ làm thế nào và giải pháp cụ thể ra sao?" - đại biểu Cúc đặt vấn đề. 

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nêu con số 200.000 sinh viên ra trường bị thất nghiệp và nêu câu hỏi: "Nước ta đang thiếu nhân lực chất lượng cao, trong khi đó có 200.000 sinh viên ra trường lại đang thất nghiệp. Nếu chất lượng đào tạo tốt tại sao thất nghiệp lại nhiều như thế?".

Tiêu cực ngành giáo dục, Bộ trưởng chỉ nhận trách nhiệm thôi chưa đủ - Ảnh 4.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) tranh luận với Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn ngày 6-6 - Ảnh chụp màn hình TV

Về chất lượng của đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Nhạ nói thực tế thời gian qua bộ cũng đã nhận thấy tình trạng yếu kém về chuyên môn, một trong những lý do là đầu vào các trường sư phạm đang là vấn đề báo động.

Tiêu cực làm suy giảm nỗ lực của nhà giáo

Không đợi tới lúc các đại biểu truy vấn, ngay khi mở đầu chương trình chất vấn sáng 6-6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ động thừa nhận yếu kém: "Bản thân ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót, còn nhiều việc tồn tại gây bức xúc cho nhân dân trong thời gian qua. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, chúng tôi xin chịu trách nhiệm".

Nhiều đại biểu cho rằng nhận trách nhiệm thôi thì chưa đủ. Quan trọng là người dân đang chờ đợi Bộ GD-ĐT sẽ làm gì để chặn đứng những vụ việc tiêu cực, xót xa liên quan đến nhà giáo như thời gian vừa qua. 

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề thực tế hiện nay học sinh chỉ tập trung học để phục vụ thi cử, việc học lệch gia tăng. Cho tới khi làm hồ sơ tốt nghiệp thì một số môn không đủ điều kiện. Lúc đó học sinh lại nghĩ ra cách là đi "nộp" tiền cho thầy cô. 

Việc "nộp" tiền này, theo đại biểu Cương, là không chỉ xấu về chuyện học hành mà còn phản ánh một thực tế rất buồn về đạo đức nhà giáo.

Về câu hỏi liên quan đến đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng bên cạnh những nỗ lực của tập thể thì vẫn còn những trường hợp giáo viên kém năng lực, kém đạo đức đã làm ảnh hưởng tới đội ngũ, làm xấu truyền thống tôn sư trọng đạo. 

Một phần nguyên nhân là do hiệu trưởng, hội đồng sư phạm nhà trường thiếu sâu sát, áp lực mà giáo viên đang phải chịu cũng là rất lớn. 

Trong thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng hơn nữa để có các giải pháp giáo dục đạo đức, đưa chương trình giảng dạy đạo đức vào các bộ môn như giáo dục công dân, ngoại khóa... vào dạy trong trường phổ thông. 

Bên cạnh đó bộ sẽ tập trung đào tạo đạo đức cho đội ngũ đầu vào sư phạm, kết hợp tăng cường chế độ chính sách để nâng cao đời sống cho giáo viên. "Bộ xin nhận trách nhiệm về những vấn đề này và chắc chắn sẽ có chấn chỉnh" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Siết lại ngành sư phạm

Để giải quyết những vấn đề liên quan đến đạo đức nhà giáo, Bộ GĐ-ĐT sẽ cùng các trường đào tạo sư phạm làm việc với các địa phương để xem xét nhu cầu nhân lực giáo viên. Trên cơ sở này sẽ xây dựng một bộ dữ liệu cho 4-5 năm tới, gắn việc đào tạo với nhu cầu việc làm.

Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ siết chặt khâu thi đầu vào, lựa chọn được sinh viên giỏi vào học sư phạm. "Chúng tôi đang rà soát để làm sao khi thông báo tuyển sinh thì người vào trường sư phạm đã thấy được cơ hội việc làm rõ, làm sao giống được như ngành công an, ngành quân đội. Như vậy thì tôi tin rằng lượng học sinh giỏi vào ngành sư phạm sẽ rất cao" - bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Xung quanh việc "ĐH "thoát ly" cơ quan chủ quản" (Tuổi Trẻ ngày 6-6) có thêm nhiều ý kiến.

* TS LÊ VIẾT KHUYẾN (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT):

lê-viết-khuyến

Ảnh: N.KHÁNH

Phụ thuộc vào hiệu quả hội đồng trường

Trong xu hướng bỏ bộ chủ quản, muốn trao quyền cho cơ sở giáo dục ĐH thì bắt buộc phải trao quyền cho hội đồng trường.

Dù bỏ bộ chủ quản là xu hướng thì cũng không thể thực hiện một cách nôn nóng, vội vàng. 3 trường ĐH được chọn lập đề án thí điểm không còn cơ quan chủ quản liệu đã thực sự có hội đồng trường sắc nét, như ý?

Nếu hội đồng trường chưa hoạt động hiệu quả, chưa thực chất thì việc giao quyền tự chủ cho hội đồng trường sẽ chỉ biến ông hiệu trưởng thành nhà độc tài.

Vì vậy, trước khi được phép xóa cơ quan chủ quản, phải rà soát xem hội đồng trường đã thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất hay chưa, các thành viên đã thực sự là những thành phần ưu tú hay chưa..., nếu không chỉ dẫn đến rối loạn.

* PGS.TS LÊ HỮU LẬP (nguyên phó giám đốc Học viện Công nghệ - bưu chính viễn thông):

lê-hữu-lập

Ảnh: NVCC

Chỉ phù hợp với trường đã tự chủ thành công

Đây là thời điểm chín muồi bỏ bộ chủ quản đối với các trường ĐH đã thực hiện tự chủ thành công nhưng nếu đồng loạt bỏ với tất cả các trường ĐH, tôi nghĩ chắc là chưa được.

Chừng nào trường ĐH còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước thì chắc chắn Nhà nước (ở đây còn là bộ chủ quản) phải quản lý.

Tóm lại, các trường ĐH chưa tự chủ được về mặt tài chính (chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản) thì bỏ bộ chủ quản càng khó khăn hơn.

Ngoài ra, phải có một nghị định của Chính phủ về tự chủ ĐH vì còn vướng các luật hiện hành như: Luật công chức, Luật giáo dục ĐH, Luật khoa học công nghệ, Luật đầu tư công...

* GS.TS TRẦN HỒNG QUÂN (chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ VN):

trần-hồng-quân

Ảnh: TRẦN HUỲNH

Điều kiện cho nhà trường trưởng thành nhanh

Tôi ủng hộ chủ trưởng bỏ cơ quan chủ quản trường ĐH nếu việc này có sự chuẩn bị tốt, có thể triển khai rộng rãi hơn để làm rồi từ đó rút kinh nghiệm.

Theo tôi, phải quan niệm tự chủ ĐH là thuộc tính của trường ĐH khi cho phép trường ĐH hoạt động thì mặc nhiên nó đủ điều kiện để tự chủ.

Trong quá trình hoạt động có những điều kiện không còn bảo đảm được tự chủ thì hạn chế lại phạm vi, thời gian nhất định, có giám sát và biện pháp chế tài. Phải có hành lang pháp luật đủ rộng để các trường có thể tự chủ.

Khi không còn cơ quan chủ quản các trường ĐH sẽ nhiều thuận lợi hơn, đồng thời các trường sẽ không còn ỷ lại vào việc chờ đợi chủ trương lớn từ cơ quan chủ quản, tạo điều kiện cho nhà trường trưởng thành nhanh.

N.HÀ - TR.HUỲNH ghi

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên