Ông Nguyễn Hoàng Minh (phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM) - Ảnh: Thanh Đạm |
NH huy động vốn tiền gửi bằng tiền, các khoản tiền gửi này không có ràng buộc bảo đảm bằng vàng hay thóc nên việc chi trả vẫn phải tính trên cơ sở lãi suất theo từng thời kỳ |
Vậy việc xử lý tất toán và tiến hành chi trả cho chủ nhân những cuốn sổ tiết kiệm này như thế nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết: Chủ trương của NHNN luôn đảm bảo tiền gửi của người dân qua hệ thống NH, người gửi tiền nhận được cả vốn lẫn lãi cho bất kỳ khoản tiền gửi nào, bất kỳ thời điểm nào.
Đây là những khoản tiền gửi trước năm 1988, khi mà NH còn một cấp, nghĩa là chỉ có NHNN từ trung ương đến địa phương.
Khi NH chuyển đổi từ hệ thống NH một cấp sang hai cấp, NH thương mại được thành lập, các hồ sơ của khách hàng ở những quỹ tiết kiệm được bàn giao sang NH Công thương VN nếu khoản tiền gửi ở chi nhánh quận và NH Nông nghiệp - phát triển nông thôn nếu tiền gửi ở cấp huyện.
Hai NH này được NHNN chỉ định tiếp tục theo dõi hồ sơ và thực hiện nhiệm vụ chi trả tiền gửi lẫn lãi khi người dân gửi tiền có yêu cầu.
Người dân gửi tiền ở đâu thì liên hệ trực tiếp NH đó để tra cứu lại, tất toán sổ tiền gửi một cách thuận lợi.
Nếu NH không tra cứu hoặc tra cứu không có hồ sơ do nhiều nguyên nhân thì người dân có thể làm đơn gửi về NHNN chi nhánh TP.HCM để đơn vị nhờ tra cứu trong kho dữ liệu của mình, hỗ trợ nhận được tiền gửi của mình.
* Trong suốt một thời gian dài như thế, giữa NH và người gửi tiền không hề có sự liên lạc, vậy việc quản lý này diễn ra như thế nào? NH sẽ chi trả cho người gửi trên cơ sở nào?
- Dù có thay đổi trong quản lý nhưng chủ trương của các NH là vẫn theo dõi và hoàn trả đầy đủ cho người gửi tiền. Nếu khách hàng không tới nhận thì NH sẽ tính lãi gộp vào và tái tục theo kỳ hạn tiếp theo.
Ví dụ, người dân gửi kỳ hạn một năm, nếu họ không đến lãnh thì NH sẽ tự động tái tục tiếp kỳ hạn một năm nữa, nếu 3 tháng thì sẽ gia hạn 3 tháng... NH phải tính lãi cho người dân theo đúng quy định, theo lãi suất của từng thời kỳ.
Trường hợp như báo Tuổi Trẻ phản ánh là bà Lê Thị Bích Thủy (Q.Bình Thạnh), gửi tiền từ năm 1983, nghĩa là thời gian gửi trên 30 năm, quá trình tiền gửi lâu năm, trải qua nhiều giai đoạn.
Do đó, để xác minh cũng như xác định được lãi suất qua từng thời kỳ, tiền vốn, tiền lãi phải trả như thế nào... thì phải nhờ vào sự giúp đỡ của Vụ Tài chính - kế toán của NHNN.
Tất cả các thông tin đều nằm trong kho dữ liệu của vụ này. NHNN chi nhánh TP.HCM muốn xác định được số tiền phải trả của bà Thủy phải dựa trên cơ sở thông tin có trong kho dữ liệu và đang chờ ý kiến.
Thực tế, kho dữ liệu của các NH thương mại hiện nay chỉ quản lý hồ sơ từ năm 1988 trở về sau này, những hồ sơ trước đó các NH này chuyển dữ liệu về Vụ Tài chính - kế toán của NHNN theo dõi.
* Người gửi tiền cũng thất vọng vì số tiền tiết kiệm không còn giữ được giá trị như ban đầu?
- Những khoản tiền gửi này quá lâu, thậm chí trải qua các kỳ đổi tiền nên đảm bảo được giá trị đồng tiền huy động của người dân qua thời gian còn tùy thuộc nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế của thế giới, kinh tế vĩ mô của VN, cũng như chế độ lãi suất qua từng thời kỳ có sự khác biệt.
NH huy động vốn tiền gửi bằng tiền, các khoản tiền gửi này không có ràng buộc bảo đảm bằng vàng hay thóc nên việc chi trả vẫn phải tính trên cơ sở lãi suất theo từng thời kỳ.
Trong những năm gần đây, người gửi tiền không ai than lỗ, điều kiện kinh tế vĩ mô cũng ổn định hơn, lãi suất của NH đảm bảo người dân có lãi.
Mất hồ sơ người gửi tiền, giải quyết thế nào? Ông Trần Đình Thống, ngụ Q.10, TP.HCM, cho biết tháng 10-2013, sau khi người anh của ông mất, ông tìm được cuốn sổ tiết kiệm của mình đã gửi từ năm 1978. “Đến nay sau 12 công văn đi lại giữa tôi với NHNN chi nhánh TP.HCM, NHNN Việt Nam và các NH liên quan, cuốn sổ tiết kiệm của tôi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm vì... NH được chỉ định là NH Công thương VN và NH Nông nghiệp - phát triển nông thôn không tìm được thông tin hai sổ tiết kiệm trong cơ sở dữ liệu của mình” - ông Thống nói. Theo ông Thống, khoản tiền nhận được chắc chắn giá trị sẽ không còn bao nhiêu cho dù tiền gửi ban đầu là 3 đồng, tương đương tháng lương lúc ông gửi. “Nhưng tôi muốn NH giải quyết để biết cuốn sổ của mình kết quả thế nào, mọi thứ cần rõ ràng” - ông Thống nói. Về trường hợp của ông Thống, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết đã nhờ NHNN Việt Nam tra cứu lại, bước đầu xác định được VietinBank sẽ chịu trách nhiệm chi trả. Trong thời gian ngắn nữa, khi rà soát được chi nhánh chịu trách nhiệm, VietinBank sẽ tiến hành chi trả cho ông Thống. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận