Theo báo cáo kinh tế - xã hội quý 1-2024 mà Tổng cục Thống kê mới công bố, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trở lại sau 2 tháng liên tục giảm dù mức tăng còn khiêm tốn: 0,26%. Nhằm thúc đẩy việc khơi thông vốn tín dụng, các ngân hàng cũng đang tung ra hàng loạt gói vay ưu đãi lãi suất.
Bức tranh tín dụng lạc quan hơn
Tính đến ngày 25-3 vừa qua, theo Tổng cục Thống kê, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỉ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023. Riêng tháng 3, tín dụng tăng 0,98%. Ghi nhận của Tuổi Trẻ cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng cũng khả quan hơn. Chẳng hạn, đến cuối tháng 2-2024, tổng dư nợ tín dụng của HDBank đạt 346.506 tỉ đồng, tăng trưởng 2,71% so với năm 2023.
"Kinh tế Việt Nam đã có hướng phục hồi mạnh hơn trong quý 1-2024 với GDP tăng 5,66%, mức tăng trưởng cao nhất các quý 1 từ năm 2020 đến nay. Đây là một cơ sở quan trọng để hướng tới tăng trưởng tín dụng khả quan hơn thời gian tới", đại diện HDBank nói và khẳng định HDBank là một trong những ngân hàng có lợi thế lớn nhất về không gian tăng trưởng khi giữ các tỉ lệ an toàn hoạt động vượt trội so với quy định hiện hành.
Ông Phùng Quang Hưng, phó tổng giám đốc Techcombank, cũng khẳng định ngân hàng này sẽ dùng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đã cấp.
"Mức tăng trưởng tín dụng của Techcombank sau 2 tháng đầu năm khoảng 3-4%, riêng mảng khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ gần 7% nhờ sự khởi sắc của xuất khẩu", ông Hưng nói và cho rằng dù vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn nhưng bức tranh ngành ngân hàng năm 2024 có nhiều yếu tố thuận lợi hơn.
Đó là mặt bằng lãi suất thấp, nền kinh tế đang trên đà phục hồi, GDP năm 2024 được kỳ vọng sẽ duy trì tích cực trên 6%. Ngoài ra, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và áp lực lên VND giảm, một số chính sách hỗ trợ như thông tư 02 về cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ có thể được kéo dài, thông tư 16 về việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng sẽ được sửa đổi...
"Động lực tăng trưởng nửa đầu năm có thể đến từ đầu tư công, xuất nhập khẩu hay khối khách hàng FDI. Dù có phần chậm hơn nhưng cầu khách hàng cá nhân cho tiêu dùng và đầu tư sẽ hồi phục mạnh trong nửa cuối năm... Điều này cho thấy còn khá nhiều dư địa để cung cấp các sản phẩm tài chính, tổng nhu cầu tài chính năm 2024 kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng", ông Hưng kỳ vọng.
Ngân hàng tung hàng loạt gói vay ưu đãi
Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn, các ngân hàng cũng đang triển khai hàng loạt gói cho vay ưu đãi. Chẳng hạn, Techcombank đang triển khai hàng loạt gói vay ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng. Trong đó, với khách hàng doanh nghiệp lớn, Techcombank triển khai gói ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay mới với mức lãi suất chỉ từ 5,5%/năm.
Với khách hàng hiện hữu, ngân hàng vẫn đang duy trì biểu lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt cũng như chọn Techcombank là ngân hàng giao dịch chính, sử dụng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp do ngân hàng cung cấp với mức lãi suất dao động từ 4,5 - 6,5%/năm.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phê duyệt trước với hạn mức tín dụng tới 20 tỉ đồng, tín chấp tới 10 tỉ đồng. Nếu sử dụng phần mềm MISA, khách hàng được cấp hạn mức lên tới 20 tỉ đồng, tín chấp tới 10 tỉ đồng... Khách hàng cá nhân được hỗ trợ vay chuyển nhượng bất động sản đang thế chấp với lãi suất từ 5,5%/năm, miễn trả nợ gốc lên đến 24 tháng...
Nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi được HDBank triển khai hiệu quả trong năm 2023 cũng được chuyển tiếp sang năm 2024. Cụ thể như gói cho vay lãi suất 0% áp dụng cho tháng đầu tiên với khách hàng mới hoặc khoản vay mới; đẩy mạnh giải ngân gói 5.000 tỉ đồng, tập trung cho các nhu cầu thu mua, sản xuất và xuất khẩu gạo khi các tỉnh ĐBSCL vào cao điểm thu hoạch rộ vụ đông xuân 2023-2024.
Ngân hàng này cũng triển khai chương trình hỗ trợ các cửa hàng xăng dầu đầu tư hệ thống xuất hóa đơn tự động. Với thế mạnh về phát triển tín dụng bán lẻ, cho vay theo chuỗi liên kết, HD SAISON - đơn vị thuộc HDBank - tiếp tục đẩy mạnh chương trình 10.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi công nhân, người lao động tại các KCN, KCX trên cả nước.
Agribank cũng dành 50.000 tỉ đồng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, với lãi suất thấp nhất chỉ từ 3%/năm. VietinBank cũng vừa công bố gói tín dụng trung dài hạn có quy mô 130.000 tỉ đồng cho vay doanh nghiệp, với lãi suất năm đầu tiên chỉ từ 5,6%/năm, 18 tháng tiếp theo là 5,9%/năm.
Sacombank đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỉ đồng lãi suất chỉ 3%/năm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. VIB triển khai cho vay khách hàng cá nhân mua căn hộ chung cư từ 5,9%/năm.
LPBank cho doanh nghiệp siêu nhỏ vay với lãi suất từ 6,7%/năm, cho khoản vay lên đến 7 tỉ đồng... Thời gian vay vốn lên đến 12 tháng đối với các khoản vay bổ sung vốn lưu động và lên đến 84 tháng đối với các khoản vay đầu tư tài sản cố định, vay mua ô tô...
Lãi suất cho vay giảm 0,4 - 0,6%/năm so với cuối năm 2023
Ngân hàng Nhà nước cho biết trong quý 1-2024, ngành ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.
Lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phục hồi.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 02. Nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung, gia hạn thông tư 02 đang được rà soát và sẽ được ban hành trong quý này.
Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, chương trình cho vay lâm sản và thủy sản sẽ tăng lên 30.000 tỉ đồng thay vì 15.000 tỉ đồng như kế hoạch ban đầu...
Cần thêm nhiều chính sách miễn giảm thuế để tăng kích cầu
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng ngân hàng đang thừa tiền mà không cho vay ra được một phần do nhu cầu vốn của doanh nghiệp thấp. Hơn nữa, lãi suất cho vay ở thị trường VN vẫn cao hơn nhiều so với các nước. Với chi phí vốn cao nên lâu nay doanh nghiệp VN thường yếu hơn, sức cạnh tranh kém hơn so với doanh nghiệp nước ngoài.
Đánh giá khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân, đại diện HDBank cho rằng nhiều phân tích cũng đã chỉ ra khả năng hấp thụ vốn, hấp thụ tín dụng trong nền kinh tế VN hiện còn hạn chế, sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng COVID-19 rồi đến nhiều biến động bất lợi và phức tạp trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, môi trường lãi suất thấp mở rộng, kinh tế VN đã cho thấy hướng tăng trưởng khả quan trong quý 1 năm nay, đặc biệt đà tăng trưởng khá mạnh về xuất nhập khẩu và du lịch, sự phục hồi đang dần gợi mở trên thị trường bất động sản...
"Chúng ta cũng thấy Chính phủ đã vào cuộc nhanh chóng để tháo gỡ những vướng mắc trên các thị trường, trên các lĩnh vực, chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công", vị này nói.
Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Quốc hội cũng đã lần lượt thông qua các bộ luật quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)..., qua đó kiện toàn khung khổ pháp lý cho mục tiêu phát triển các thị trường, cho hoạt động của các doanh nghiệp phát huy hiệu quả cao hơn.
Theo các chuyên gia, nếu có thêm các chính sách kích cầu như về tài khóa, miễn giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp thì sức cầu của nền kinh tế và khả năng hấp thụ vốn nói trên sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận