19/06/2024 08:00 GMT+7

Tiếp tục mức đóng 2% kinh phí công đoàn là cần thiết

Hôm qua (18-6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi. Dự Luật quy định kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Hoàng Ngọc Định phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Hoàng Ngọc Định phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng việc kế thừa giữ nguyên mức đóng 2% kinh phí công đoàn là hoàn toàn hợp lý, nhằm bảo đảm phúc lợi và ổn định cho người lao động; góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.

Ông cho biết kinh phí công đoàn 2% do doanh nghiệp đóng được pháp luật cho phép hạch toán vào giá thành của sản phẩm.

Do vậy mặc dù làm tăng chi phí doanh nghiệp, nhưng về tổng thể mức đóng 2% vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức và doanh nghiệp.

Trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì các đối tác không phản đối về vấn đề này.

Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% được quy định từ năm 1957 và được duy trì từ khi có Luật Công đoàn cho đến nay.

Theo báo cáo, việc luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn thể hiện sự ưu việt của chế độ thông qua việc xây dựng và thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động công đoàn, đồng thời cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại nghị quyết số 02.

Báo cáo chỉ rõ kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở là chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay của người lao động khoảng 5,7 triệu đồng/tháng thì trong 1 năm doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng.

Khi đó, 75% số kinh phí công đoàn đã đóng này (khoảng 1 triệu đồng) sẽ được phân phối cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, người lao động dùng để thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết, hoạt động văn hóa - thể thao...

Cũng tại báo cáo, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy đến ngày 31-12-2023 khoảng 43.211 tỉ đồng (tính theo niên độ tài chính).

Trong đó, số dư tài chính công đoàn tích lũy của công đoàn cơ sở là 12.373 tỉ đồng, chiếm 28,6% tổng số dư tài chính công đoàn tích lũy của hệ thống công đoàn. Số dư tài chính công đoàn tích lũy của ba cấp còn lại là 30.837 tỉ đồng (chiếm 71,4%).

Trong đó, dư tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là 8.693 tỉ đồng, dư tại liên đoàn lao động tỉnh thành và tương đương là 15.355 tỉ đồng, dư tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là 6.789 tỉ đồng.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng số dư tài chính công đoàn tích lũy tại bốn cấp tính đến hết niên độ tài chính (31-12 hằng năm) còn dư nhưng thực tế sau Tết âm lịch thì số kinh phí kết dư tại công đoàn cơ sở thường được sử dụng hết để chăm lo cho đoàn viên, người lao động tham gia trực tiếp.

Trong khi đó, dư tại cấp công đoàn cấp trên cơ sở, thực hiện điều tiết cho công đoàn cơ sở không có tích lũy đủ chi và chi hoạt động cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Từ những lý do nêu trên, việc tiếp tục duy trì mức đóng 2% kinh phí công đoàn như hiện nay là cần thiết để tổ chức công đoàn đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động, thực hiện tốt trách nhiệm chăm lo cho đoàn viên, người lao động...

Chủ tịch Tổng liên đoàn: Tài chính công đoàn được kiểm toán 2 năm/lần, báo cáo Quốc hộiChủ tịch Tổng liên đoàn: Tài chính công đoàn được kiểm toán 2 năm/lần, báo cáo Quốc hội

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho hay tài chính công đoàn được Kiểm toán Nhà nước định kỳ kiểm toán 2 năm/lần và báo cáo Quốc hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên