Câu chuyện vượt khó của hai tân sinh viên mồ côi vùng đất lúa
Những ân tình gửi trao
Phát biểu mở đầu lễ trao học bổng, nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết suốt 20 năm qua, với chương trình Tiếp sức đến trường, báo Tuổi Trẻ không chỉ giữ vai trò là tạo nhịp cầu, mà còn để phát triển thành một cây cầu nối dài, rộng lớn vững chắc, chính là nhờ sự quan tâm chia sẻ sâu rộng của toàn xã hội.
Sự chia sẻ đó đến từ những cơ quan, đơn vị có tinh thần trách nhiệm cao vì thế hệ trẻ, từ những doanh nghiệp tự nguyện san sẻ lợi ích với cộng đồng và từ nhiều cá nhân đầy lòng nhân ái, sẵn sàng chìa tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Nhà báo Lê Thế Chữ khẳng định 20 năm qua có nhiều biến động và đổi thay, nhưng vẫn có những điều không thay đổi. Đó là thông điệp: "Tân sinh viên gặp khó, có báo Tuổi Trẻ", "không để tân sinh viên phải gác lại ước mơ học hành vì hoàn cảnh nghèo khó".
"Chúng tôi vẫn luôn xem đó là thông điệp trước sau như một, một nhiệm vụ mà bạn đọc, cộng đồng, xã hội đã phó thác cho báo Tuổi Trẻ. Đó cũng là chiếc cầu thân thiết nối kết những tấm lòng yêu thương, nắm chặt tay những tân sinh viên đang khó khăn, thắp lên hy vọng và nối dài ước mơ", ông Chữ chia sẻ.
"Học bổng trao cho các em như một sự ghi nhận những nỗ lực lớn lao của các em. Trao học bổng hôm nay cũng là dịp để chúng tôi trao gởi đến các em niềm tin rằng xã hội vẫn luôn có những vòng tay nhân ái nâng đỡ và luôn kỳ vọng vào các em. Các em hãy xứng đáng với tình cảm và kỳ vọng đó".
Đồng thời nhà báo Lê Thế Chữ nhắn nhủ: "Dù khó khăn đến thế nào cũng đừng bao giờ đầu hàng số phận, đừng bao giờ bỏ cuộc.
Hành trình phía trước của các em còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tin vào ý chí, nỗ lực, khát vọng của các em. Chính các em sẽ mở cánh cửa tương lai đời mình bằng ý chí, nỗ lực, khát vọng lớn lao của chính mình".
Ông Nguyễn Văn Hồng - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết với hành trình 20 năm Tiếp sức đến trường mang đến cho bao thế hệ tân sinh viên, TP Cần Thơ rất trân trọng góp phần vào chương trình ý nghĩa này, đặc biệt trong bối cảnh kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương (1-1-2004 đến 1-1-2024), có 11 tân sinh viên TP Cần Thơ được trao học bổng.
"Học bổng hôm nay không đơn thuần là khoản tiền, mà còn có giá trị lớn hơn, đó là sự tin yêu, chung tay của các cấp, các ngành, các nhà tài trợ, với niềm tin là động lực to lớn giúp các em học tốt", ông Hồng động viên các tân sinh viên.
Đại diện nhà tài trợ chương trình học bổng Tiếp sức đến trường, ông Phan Văn Tâm - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - chia sẻ qua 20 năm có biết bao tấm chân tình của các nhà hảo tâm đồng hành với chương trình và đã có ngần ấy các em tân sinh viên vùng sâu, vùng xa, có điều kiện khó khăn được tiếp sức đến trường.
Ông Tâm cũng cho rằng báo Tuổi Trẻ là cây cầu rất vững chắc kết nối các thành viên, các đơn vị, các đoàn thể, các tấm lòng vàng trên cả nước để truyền đi nhiều thông điệp yêu thương.
"Và tôi mong rằng cây cầu kết nối của báo Tuổi Trẻ càng dài, càng vươn xa tiếp tục kết chặt nhiều hơn nữa các vòng tay yêu thương để chương trình Tiếp sức đến trường được lan tỏa, mãi vang xa và có nhiều tân sinh viên được tiếp sức đến trường, trở thành công dân tốt, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển đất nước".
Công ty cổ phần phân bón Bình Điền và hành trình 20 năm Tiếp sức đến trường
Đường vào đại học của những bạn trẻ mồ côi
Nhiều bạn tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường có chung một nghịch cảnh là phải sớm thiếu cha hay vắng mẹ, có khi bi kịch hơn nữa là thiếu vắng hơi ấm của cả cha mẹ.
Và đó cũng là câu chuyện của hai tân sinh viên giao lưu trong lễ trao học bổng đêm nay.
12 tuổi mồ côi cha, 15 tuổi mồ côi mẹ, cậu học trò Võ Nguyễn Xuân Trường, tân sinh viên Trường đại học Công Thương TP.HCM, ngoài giờ học đi phụ hồ công trình ở TP Thủ Đức để kiếm thêm tiền trang trải việc học.
Từ ngày cha mẹ qua đời, ngôi nhà ở xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) chỉ còn hai anh em Xuân Trường.
Năm 2017, mẹ qua đời vì bệnh ung thư. Khi đó anh Hai vừa vào đại học, một mình cha gắng lo cho hai anh em. Những tưởng cuộc sống đã qua sóng gió, vậy mà năm 2020 người cha cũng mất vì đột quỵ.
Anh Hai sau khi tốt nghiệp đại học đã đi làm ở TP.HCM, Xuân Trường ở nhà nhờ ông bà nội chăm sóc. Ông bà năm nay ngoài 70, đã có tuổi, không làm được việc nặng, nên mua máy về làm nhang, gắng lo cho cháu đi học.
"Cháu đậu đại học tôi rất mừng, tôi hỏi dò hoài coi nó đậu trường nào. Tôi động viên, nói con đừng bỏ học, lỡ ông nội bà nội mà chết con còn có tương lai sau này. Tôi ăn mắm, ăn cá kho qua ngày, giá nào cũng ráng lo thêm đồ ăn cho cháu ăn có sức đi học", bà Nguyễn Thị Sa - bà nội Xuân Trường - nói.
Còn cô tân sinh viên Nguyễn Xuân Mai cũng sớm mồ côi cha, mẹ rời nhà đi làm ăn xa khi em vừa lên 3 tuổi, Mai được cậu mợ cưu mang, xem như con gái ruột trong nhà.
Nhà ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai cách trung tâm TP Cần Thơ hơn 30 phút đi xe máy, ấy vậy mà đó là quãng đường cô gái nhỏ dự tính sẽ vượt qua mỗi ngày để đi học suốt 4 năm nữa, với mong mỏi tiết kiệm thêm chút tiền, đỡ chi phí ở trọ.
Để có tiền đóng học phí học kỳ đầu tiên cho cháu, bà Trần Thị Thao (mợ Ba của Xuân Mai) đi vay mượn đầu này đầu kia mỗi nơi một ít mới đủ số tiền hơn 9 triệu đồng. Bà Thao tự nhủ, khó khăn nào gia đình cũng đã trải qua, cố gắng thêm bốn năm nữa để Mai học xong đại học, có việc làm ổn định, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn.
Mặc dù vậy, gương mặt người phụ nữ ngoài 60 tuổi vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng về quãng thời gian phía trước còn nhiều khó khăn.
Mỗi ngày bà đẩy xe đi bán 40 ổ bánh mì, kiếm được hơn 100.000 đồng. "Tôi không nghĩ gì hết, nuôi cháu, miễn nó học giỏi thì thôi. Đầu năm học tôi đi vay mượn hai ba chỗ mới đủ tiền, rồi đi làm mấy tháng mới trả dứt. Tôi buôn bán có tiền tôi giúp cho cháu đi học chừng nào xong thì thôi", bà Thao nói.
Giao lưu trong chương trình, cả Xuân Trường và Xuân Mai đều có chung mơ ước rằng gia đình, người thân sẽ luôn mạnh khỏe, các bạn sẽ cố gắng học thật tốt để đền đáp công ơn của những người đã cưu mang mình giữa cảnh mồ côi.
"Động lực giúp em luôn phấn đấu không ngừng là hình ảnh mợ Ba thức khuya dậy sớm bán từng ổ bánh mì nuôi em khôn lớn. Em ước mợ sẽ luôn khỏe, khỏi bệnh xương khớp. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để xin học bổng từ nhà trường, vay hỗ trợ sinh viên và đi làm thêm kiếm tiền trang trải", Xuân Mai nói.
Chia sẻ tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM - chia sẻ tình cảm xúc động dành cho các tân sinh viên đầy nghị lực trước khó khăn và cũng cho biết nhà trường sẽ trao học bổng cho Xuân Trường để tiếp thêm cho em điểm tựa trong hành trình sắp tới.
Và sau đêm nay, những phần học bổng, những cảm xúc lắng đọng như phù sa ở đồng bằng này hẳn sẽ làm đầy thêm cho hành trang nghị lực của các bạn trẻ trên con đường vun đắp sự học, gầy dựng một tương lai.
Một số hình ảnh của lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 111 tân sinh viên khu vực.
Trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 111 sinh viên 11 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long
111 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ đã được nhận học bổng Tiếp sức đến trường 2023.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,6 tỉ đồng do Quỹ Đồng hành nhà nông - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền và giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (10 học bổng, 150 triệu đồng cho tân sinh viên tỉnh Vĩnh Long) tài trợ.
Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng ba lô cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ 6 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập. Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 8 suất học bổng tiếng Anh cho khóa luyện thi IELTS miễn phí cho tân sinh viên đang học tại TP Cần Thơ.
Đây là điểm trao thứ sáu trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 572 của báo Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận