30/06/2017 16:21 GMT+7

Tiếng súng lệnh trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Thất vọng vì những gì Trung Quốc đã thể hiện trong vấn đề Triều Tiên, Washington bắt đầu hành động bằng các bước đi nhắm vào những lợi ích sát sườn của Trung Quốc.

"Tuần trăng mật" giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đã hết - Ảnh: Reuters

Hôm nay (30-6), Ngân hàng Đan Đông, một ngân hàng nhỏ ở biên giới Trung - Triều, đã bị Bộ Tài chính Mỹ liệt vào danh sách đen với cáo buộc rửa tiền giúp chính quyền Bình Nhưỡng, "hỗ trợ chuyển hàng triệu USD cho cho các công ty dính líu tới chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên”.

Ngoài Đan Đông, công ty tàu biển Đại Liên và hai cá nhân Trung Quốc khác cũng nằm trong danh sách bị Mỹ trừng phạt.

Việc Mỹ ra lệnh trừng phạt một ngân hàng nhỏ của Trung Quốc, dù bị đánh giá là hành động chậm chạp và mang tính "hù dọa", nhưng cũng được xem là chỉ dấu báo hiệu cho những thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Triều Tiên và quan hệ Trung - Mỹ trong thời gian tới.

Sau vỡ mộng là hành động

Đúng như kịch bản đã được giới quan sát dự đoán trước đó, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vỡ mộng về vai trò của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, Washington bắt đầu hành động.

Lệnh trừng phạt ngày 30-6 của Mỹ được đánh giá là bước đi mạnh mẽ chưa từng có nhắm vào các công ty Trung Quốc. Dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, chỉ duy nhất một công ty Trung Quốc bị trừng phạt với cáo buộc dính líu tới Triều Tiên.

Trao đổi với hãng tin Reuters, ông Anthony Ruggiero - một cựu quan chức tài chính Mỹ, nhận định lệnh trừng phạt nhắm vào ngân hàng Đan Đông được ví như tiếng súng lệnh cho các hành động tiếp theo của Mỹ.

Việc ngân hàng nhỏ này bị cấm thực hiện giao dịch ở Mỹ là một chuyện, vấn đề tiếp theo, theo lô-gic, là các định chế tài chính và ngân hàng lớn khác ở Trung Quốc sẽ bị đưa vào tầm ngắm.

Các ngân hàng lớn và có uy tín khác của phương Tây sẽ bắt đầu đặt câu hỏi có hay không mối quan hệ giữa các ngân hàng đối tác của họ ở Trung Quốc với phía Triều Tiên, ông Ruggiero nhận định.

Đồng quan điểm này còn có ông Bruce Klingner - cựu quan chức Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), hiện đang là nghiên cứu viên cấp cao về khu vực Đông Bắc Á tại Viện nghiên cứu châu Á (Mỹ). 

"Cho dù có vì bất kỳ lý do gì đi chăng nữa, cho tới bây giờ Mỹ vẫn chưa tiến hành các biện pháp chống lại Trung Quốc giống như cách mà chúng ta đã chống lại những quốc gia khác, bao gồm cả Iran", đài CNBC dẫn lời ông Klingner.

Cựu quan chức Mỹ nhấn mạnh đã tới lúc chính quyền Trump nên cân nhắc áp đặt các biện pháp chống lại cả 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc nếu bị phát hiện dính líu vào các mối quan hệ làm ăn bất hợp pháp với Triều Tiên.

Theo ông Klingner, trong quá khứ, Mỹ từng phạt các ngân hàng lớn của châu Âu hàng tỉ USD vì cáo buộc rửa tiền và vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào Iran.

Kêu gọi là vậy, song theo vị này, trước hết Mỹ chỉ nên nhắm vào các ngân hàng cỡ nhỏ và trung của Trung Quốc bởi các ngân hàng lớn của Trung Quốc là quá lớn, "sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ và thế giới"!

Vài giờ trước khi lệnh trừng phạt các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc được Bộ Tài chính trình ra, 7 hợp đồng đề xuất bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan trị giá hơn 1,42 tỉ USD đã được trình lên Quốc hội Mỹ chờ thông qua. 

Hoạt động bốc dỡ than từ tàu Triều Tiên tại cảng Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh tháng 7-2010 - Ảnh: Reuters
Hoạt động bốc dỡ than từ tàu Triều Tiên tại cảng Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh tháng 7-2010 - Ảnh: Reuters

Chờ xem phản ứng của Bắc Kinh

Hai động thái liên tiếp đụng chạm tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc, nhất là vấn đề Đài Loan, chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nổi đóa và phản ứng mạnh.

Trước đây, vì muốn lấy lòng Trung Quốc để đổi lấy sự hợp tác trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, tổng thống Trump đã trì hoãn việc này.

Giờ đây, khi nhà lãnh đạo Mỹ đã thể hiện sự thất vọng trước màn trình diễn của Trung Quốc, nhiều quan chức trong chính phủ, sau thời gian im lặng vì thái độ hòa hoãn của ông Trump, đang cho thấy họ sẵn sàng hỗ trợ và đẩy nhanh việc này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt không nhắm chính quyền Bắc Kinh. Và tất nhiên, Bắc Kinh chẳng dễ được xoa dịu bởi tuyên bố này.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã phản ứng trước quyết định của Mỹ, đại ý nói Washington không có quyền phán xét các công ty hay cá nhân Trung Quốc dựa trên luật quốc gia của Mỹ.

"Nếu một công ty hay cá nhân Trung Quốc có làm gì đó vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tự Trung Quốc sẽ điều tra và xử lý theo luật Trung Quốc", ông Thôi nói thẳng.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cũng ra thông cáo, nhấn mạnh các đề xuất bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ là một sự xúc phạm đối với Bắc Kinh, đi ngược lại sự đồng thuận đã đạt được giữa lãnh đạo hai nước trong cuộc gặp hồi tháng 4 rồi tại Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 30-6 cũng đã phản đối mạnh mẽ động thái của Washington. Đại diện ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ phải "sửa sai ngay lập tức nếu không muốn làm ảnh hưởng tới các quan hệ hợp tác song phương trong những vấn đề liên quan".

Giới quan sát dự đoán sau các động thái của Mỹ, Trung Quốc có thể xem xét lại các chính sách hạn chế đang áp dụng đối với Triều Tiên, thậm chí nối lại các hoạt động nhập khẩu than từ quốc gia này.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên