Tiếng cười nói như tiếp thêm sức mạnh để những bệnh nhân tại đây có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật.
"Từ ngày vào viện, hôm nay mới cười nhiều thế"
Lớp học yoga đặc biệt này nằm ở tầng 2 bệnh viện với tên gọi "Không gian văn hóa" - nơi dành cho người bệnh đọc sách, thư giãn và tập yoga.
Không gian nhỏ, ấm cúng đã trở thành "sân tập" quen thuộc của nhiều bệnh nhân. 15h30 lớp học yoga bắt đầu, thế nhưng từ sớm, nhiều cụ ông cụ bà đang điều trị tại bệnh viện đã có mặt để chuẩn bị cho buổi tập.
Ngồi trên xe lăn, bà Trần Thị Mai (88 tuổi, Hà Nội) chú ý nhìn theo từng động tác rồi tập theo. Không thể ngồi trên thảm tập luyện như những bệnh nhân khác, bà Mai đưa tay theo từng nhịp, thở theo hướng dẫn của huấn luyện viên, thi thoảng lại nở nụ cười vui vẻ.
Bà Mai kể bà đã nằm viện được gần một năm và ngày nào cũng xuống lớp học yoga này. Dù không tập luyện được nhiều nhưng lớp học giúp bà được giao lưu, nói chuyện và cảm thấy vui vẻ hơn.
Chăm sóc bà Mai suốt thời gian bà điều trị, chị Hạnh cũng trở thành học trò "cứng" của lớp học này.
"Trên phòng bệnh, hai bà cháu chỉ ngồi nhìn nhau thôi, đâu biết làm gì. Vậy nên đến giờ tập là lại đưa bà xuống đây, mình cũng được tập luyện luôn.
Lớp học mở ra không chỉ dành cho người bệnh mà chúng tôi, những người đi chăm bệnh, cũng được "hưởng lây", các huấn luyện viên cũng rất nhiệt tình nữa", chị Hạnh cười nói.
Những tấm thảm trải ngay ngắn, những bệnh nhân chăm chú thực hiện từng động tác.
Thi thoảng huấn luyện viên lại xuống tận nơi chỉnh động tác chuẩn cho các cụ. "Hít vào, thở ra" - tiếng nói cùng tiếng nhạc thiền khiến không gian càng thêm thư thái.
Đến phần tập yoga cười, vừa khẽ nhảy lên bằng hai chân, vỗ tay và cười vang, ông Nguyễn Văn Năm (73 tuổi, quê tỉnh Thái Nguyên) hào hứng nói: "Từ ngày vào viện, có lẽ hôm nay tôi mới cười nhiều thế".
Ông Năm bị tái phát tai biến đã nhập viện điều trị được 4 ngày. Những ngày trước ông còn mệt nên chưa thể xuống lớp tập. Hôm nay, khi nhân viên phòng công tác xã hội lên phòng bệnh mời các cụ xuống tập, ông Năm rủ vợ xuống lớp học.
"Đây là lần đầu tiên tôi tập yoga và rất bất ngờ vì ở bệnh viện lại có một lớp học như vậy, tập xong thấy khoan khoái lắm. Vừa được tập thể dục, vừa được cười nữa, mà một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ nên từ nay đến khi ra viện, ngày nào tôi cũng sẽ xuống đây để tập", ông Năm cười nói.
Bà Minh (vợ ông Năm) ngồi cạnh chồng chia sẻ rằng tập xong thấy đầu óc thoải mái, khỏe khoắn hơn. "Khi nào về nhà, tôi sẽ rủ ông tập ở nhà để hai vợ chồng có thêm sức khỏe", bà Minh bộc bạch.
Người bệnh cũng cần vận động, thư giãn đầu óc
Đi vào hoạt động từ năm 2020, đến nay lớp học yoga đã hoạt động được bốn năm. Kể lại hành trình thành lập lớp học đặc biệt này, ông Phan Việt Sinh, phó giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, chia sẻ ý tưởng thành lập lớp học yoga xuất phát từ phòng công tác xã hội.
"Người cao tuổi nói chung và người bệnh cao tuổi nói riêng thì việc vận động đúng cách để duy trì các hoạt động chức năng là rất quan trọng.
Với điều kiện diện tích hạn chế và đối tượng là người cao tuổi nên chúng tôi nghĩ rằng tập yoga là một bộ môn thể thao thích hợp. Tập những bài tập yoga nhẹ nhàng giúp người bệnh vừa được thư giãn về mặt tinh thần, vừa được vận động để duy trì chức năng vận động và các giác quan", ông Sinh nói.
Vậy là một lớp học yoga nằm ngay sảnh bệnh viện ra đời. Những ngày đầu đi vào hoạt động, lớp học cũng gặp không ít khó khăn.
Theo ông Sinh, đặc thù của các bệnh nhân lão khoa thường điều trị trung bình 11-12 ngày, cùng với đó là tình trạng suy giảm nhiều chức năng cùng một lúc khiến người cao tuổi có xu thế ngại vận động.
"Lúc ấy, để vận động các cụ tham gia lớp học, nhân viên phòng công tác xã hội đã phải đi đến từng phòng bệnh giới thiệu về lớp học, tác dụng của việc tập luyện, mời các cụ xuống tham gia", ông Sinh chia sẻ.
Đã gắn bó với lớp học bốn năm, chị Vũ Thị Hoa (huấn luyện viên yoga) vẫn nhớ như in những ngày đầu đứng lớp. Chị Hoa kể lại ban đầu lớp học rất vắng, thậm chí có ngày chỉ có 1-2 bệnh nhân xuống tập.
"Lúc ấy, phòng công tác xã hội đi từng phòng bệnh để mời bệnh nhân xuống tập. Còn tôi cùng các tình nguyện viên cũng nghiên cứu bài tập sao cho phù hợp nhất với người bệnh.
Những động tác được tối giản, vừa sức với các cụ. Phải mất 4-5 tháng lớp học mới bắt đầu hoạt động trơn tru, các cụ biết đến lớp học và xuống tập nhiều hơn.
Ban đầu lớp học chỉ được tổ chức ba buổi một tuần. Giờ đây lớp học đã được tổ chức tất cả các buổi chiều trong tuần, mỗi lớp học có 12-15 người tham gia", chị Hoa nói.
Những tiếng cười của các cụ cũng chính là niềm vui, sự động viên khiến các huấn luyện viên vẫn tình nguyện gắn bó với lớp học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận