Nhân Ngày Quốc tế Yoga (21-6), Tuổi Trẻ Online có cuộc trò chuyện với huấn luyện viên yoga Nguyễn Thái Thuận (TP.HCM).
Nguyễn Thái Thuận cho biết đã làm quen, thực hành yoga và các phương pháp quan sát hơi thở từ năm 2011. Anh tốt nghiệp khóa huấn luyện giáo viên yoga cổ điển (Sivananda - TTC 200 giờ), tốt nghiệp khóa huấn luyện giáo viên yoga nhẹ nhàng (yoga dành cho người lớn tuổi/người hạn chế vận động). Sau đó, Thuận học và tốt nghiệp khóa huấn luyện giáo viên yoga cổ điển nâng cao (Sivananda - ATTC 500 giờ).
Anh cũng thực hành phương pháp chữa lành bằng chuông xoay (Himalayan singing bowl), thực hành Anma Therapy (phương pháp massage trị liệu cổ truyền Nhật Bản). Nguyễn Thái Thuận nói cơ duyên đến yoga của mình:
- Tôi đến với yoga từ khoảng năm 2011, khi công ty nơi mình làm việc có tạo điều kiện cho các nhân viên tập luyện thể dục thể thao. Sau hơn 10 năm thực hành cá nhân, tôi thấy có rất nhiều điều tích cực mang lại cho cơ thể lẫn tâm trí khi thực hành bộ môn này.
Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình luyện tập tôi thường xuyên có những câu hỏi "tại sao", đó là lý do đã quyết định tham gia khóa đào tạo giáo viên yoga vào năm 2021 (200 giờ huấn luyện). Và hiện nay tôi đã hoàn thành khóa đào tạo giáo viên yoga nâng cao (500 giờ huấn luyện).
* Những thay đổi của anh sau khi đến với yoga?
- Tôi thực sự hiểu và kết nối được với cơ thể sinh học của bản thân, biết được đâu là điểm mạnh và những vấn đề cần được cải thiện để tự bản thân có được bài tập yoga cũng như cường độ tập phù hợp với cơ thể. Từ đó tôi cảm thấy cơ thể mình khỏe mạnh và dẻo dai hơn rất nhiều. Trên hết, tôi luôn cảm giác thư thái, bình an sau mỗi buổi tập.
Khi đã trở thành HLV yoga, tôi ý thức nhiều hơn trong việc nghiên cứu thông tin để đảm bảo truyền đạt đúng và đủ kiến thức cho học viên của mình. Từ đòi hỏi đó, tôi tích lũy được thêm về kiến thức dinh dưỡng và cả thực hành lối sống lành mạnh.
* Nói về yoga, ai cũng hiểu đây là bộ môn giúp rèn luyện thân, tâm, trí, nhưng không phải ai cũng biết về hết các trường phái của yoga. Hiện có những trường phái chính nào?
- Thật ra, chúng ta nên nhìn nhận yoga là một phương pháp thực hành, một ngành khoa học toàn diện về đời sống hơn là một bộ môn thể dục thông thường, một hệ thống hoàn chỉnh về kỷ luật bản thân, giúp cân bằng, hòa hợp, thanh tẩy và làm mạnh khỏe thân thể, tâm trí.
Hiện nay có khá nhiều trường phái yoga đang được giảng dạy khắp nơi trên thế giới, tùy vào từng đặc điểm thể chất, mục đích tập luyện phù hợp với các đối tượng khác nhau:
- Hatha yoga là loại hình cơ bản và phổ biến nhất của yoga cho người bắt đầu tập và tiếp cận yoga, nhằm lấy lại sự cân bằng cho thân thể thông qua các động tác căng, giãn, luyện thở, kỹ thuật thư giãn và thiền.
- Ashtanga yoga (hay còn được biết đến với cái tên Power Yoga) là một loại hình yoga có cường độ tập mạnh, tốc độ nhanh với một chuỗi động tác được tập theo trình tự sắp đặt đã được định sẵn.
- Vinyasa yoga là một chuỗi tư thế yoga giúp người tập kết nối giữa cơ thể với tâm trí, mang lại sự dẻo dai cho cơ thể và sức mạnh cho tâm trí…
Ngoài ra, phải kể tới những trường phái hiện đại được phát triển thời gian gần đây, thu hút nhiều đối tượng tập luyện như Anurasa yoga, Yin yoga, Kundalini yoga…
* Anh có lời khuyên nào cho người tập yoga nói riêng và những người hướng đến các giá trị tinh thần, sức khỏe thời hiện đại này, nhất là khi cuộc sống bận rộn, công nghệ đang kéo họ đi nhanh, đi xa?
- Với cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người quá bận rộn không còn giữ được thói quen tập luyện hằng ngày. Để giữ được một tâm trí quân bình, mình tin rằng bản thân mỗi chúng ta phải có một cơ thể khỏe mạnh trước đã.
Do đó, tôi rất mong các bạn, đặc biệt là người trẻ hãy lựa chọn một môn thể dục thể thao phù hợp (không nhất thiết chỉ là yoga). Chúng ta tập luyện với sự nghiêm túc, đều đặn, tập luyện với sự thoải mái và yêu thích. Cần dành cho việc rèn luyện sức khỏe là một sự ưu tiên.
Với những bạn đang thực hành yoga, mong mọi người hiểu rõ cơ thể của mình để có những bài tập phù hợp, phải thấy mình vững chãi thoải mái trong từng tư thế, tránh so sánh mình với người khác trong việc phải đạt được một tư thế nào đó, vì rõ ràng yoga là hành trình của mỗi người, không phải là đích đến.
* "Mỗi người khi đã quen dần với việc luyện tập yoga, thứ họ cần chính là sự tĩnh lặng và cảm nhận từ sâu bên trong cơ thể. Điều quan trọng được mọi người chú tâm đến chính là không gian, âm thanh, sự thoải mái.
(Huấn luyện viên Lanh Châu, Citigym)
* "Yoga là bộ môn kết hợp hài hòa 3 yếu tố thân-tâm-trí. Điều thân thông qua hơi thở vốn dĩ là một hoạt động sử dụng hầu hết các giác quan - giúp người tập phát triển khả năng tập trung từ khứu giác đến xúc giác, từ thể xác đến tâm trí.
Yến Nguyễn (huấn luyện viên yoga tại TodayFitness Center)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận