Hàng tỉ USD từ bán vốn doanh nghiệp Nhà nước nên được đầu tư vào cơ sở hạ tầng - Ảnh: THU HOÀI
Theo Nghị quyết 26 năm 2016, Quốc hội đã đề ra mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước phải đạt tối thiểu 250.000 tỉ đồng cho đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, trong đó năm 2017 là 60.000 tỉ đồng và năm 2018 là 65.000 tỉ đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng số tiền thu được từ đợt thoái vốn khỏi Sabeco ngày 18-12 đã đạt gần 110.000 tỉ đồng, vượt xa chỉ tiêu.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho rằng số tiền đó cần đầu tư vào bệnh viện, trường học, dự án cầu đường quan trọng.
Theo ông Tiến, nguyên tắc sử dụng vốn cũng được nêu rất cụ thể trong Nghị quyết 26 và việc phân bổ vốn phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước...
Mỗi năm, số vốn phân bổ cho các dự án nào, bao nhiêu cũng được Quốc hội, Chính phủ xem xét và phê duyệt rất chặt chẽ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, thì cho rằng nên đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam.
Việc niêm yết cổ phiếu của Sabeco trên sàn chứng khoán rồi mới thoái vốn đã giúp cho việc thoái 53% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này đạt hiệu quả rất cao. Đây là kinh nghiệm quý để áp dụng cho những doanh nghiệp khác trong thời gian tới.
Ông Hải nói rằng ông cũng không lo mất thương hiệu vì một nhà đầu tư đã bỏ ra 5 tỉ USD để nắm quyền chi phối Sabeco, chắc chắn không thể hủy hoại thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp này vì nếu thay đổi và đưa thương hiệu bia Thái vào, chắc gì đã thành công.
"Vấn đề là sử dụng tiền thoái vốn như thế nào cho hiệu quả, việc thu được 110.000 tỉ đồng từ bán vốn Sabeco có thể giúp giảm bội chi ngân sách hay để trả nợ. Theo tôi, nên sử dụng nguồn tiền này cho các dự án đầu tư như cao tốc Bắc - Nam sẽ hiệu quả cao hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng tiền thu được từ "bán bia, bán sữa" đó phải được chi cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, ông Cung cũng nhấn mạnh phải "làm hẹp" hơn khái niệm này ở cơ sở hạ tầng, với các dự án quan trọng để có sức lan tỏa, tạo ra giá trị thúc đẩy phát triển.
"Muốn hỗ trợ doanh nghiệp phải tập trung xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, hạn chế rào cản, chứ không phải đưa tiền một cách bao cấp", ông Cung nói.
Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại 64 doanh nghiệp với tổng số thu là 65.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) dự kiến năm 2018 con số này sẽ là 100.000 tỉ đồng.
Ông Tiến cho rằng số tiền bán Sabeco và các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được dùng vào đầu tư công và thêm hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp sau cổ phần hóa như xử lý lao động dôi dư..
Một số người cho rằng trong bối cảnh nợ công đang "đụng trần", ngân sách vẫn còn thâm hụt, số tiền trên có thể được trích để chi trả nợ công và chi thường xuyên...
Theo bạn, với hàng tỉ USD thu được từ thoái vốn, Nhà nước nên sử dụng như thế nào, đầu tư vào đâu để có hiệu quả?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận