Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Ảnh: LƯ THẾ NHÃ
Tình cảm đó có được khi ông Liêm là nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu, thực nghiệm thành công, tạo nên sự chuyển biến lớn về canh tác, nhân giống cây trồng, hoa kiểng mang lại việc làm, thu nhập khá cho nhà nông.
Nhiều nhà nông xem đài PT-TH Cần Thơ, Vĩnh Long... còn thường xuyên gặp ông qua chương trình "Nhịp cầu nhà nông" của các đài. Ông Phạm Anh Linh, phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, quả quyết cả huyện tự hào về TS Liêm.
Về quê làm cuộc "cách mạng"... ghép cây
Tốt nghiệp ngành nông học Trường ĐH Cần Thơ, ông được ở lại nhà trường làm giảng viên nhưng lòng ông luôn đau đáu về quê hương Chợ Lách của mình. Nơi đó, đa số người nông dân chân lấm tay bùn mà vẫn nghèo bởi lối canh tác lạc hậu khiến năng suất thấp, khi may mắn trúng mùa thì rớt giá. Nhìn cảnh ấy, ông quyết định rời trường ĐH về quê giúp nhà nông.
Đất nông nghiệp ở Chợ Lách những năm 1980 phần lớn là đất ruộng trồng lúa, vườn tạp khiến người dân không đủ sống. Nhận công tác ở huyện, ông đề xuất lãnh đạo huyện phát triển kinh tế vườn, nâng cao đời sống người dân bằng cách tự mình viết đề án phát triển kinh tế vườn và chịu trách nhiệm thực hiện. Từ đó nông dân biết lên bờ (liếp), lập vườn thế nào cho đất tốt, không bị phèn và ngập nước, trồng cây gì thích hợp với thổ nhưỡng.
Chợ Lách lúc bấy giờ còn nổi tiếng với nghề ghép (tháp) cây. Kỹ thuật này có ưu điểm hơn cây trồng bằng hạt là rút ngắn thời gian cây cho trái và đảm bảo đúng giống. Tuy nhiên, nhân cây giống bằng ghép vào thân cây trồng dưới đất thì tỉ lệ ghép dính không cao, nhân giống không được nhiều.
Qua những gì đã học, ông biết nhiều nơi đã áp dụng phương pháp ghép xương, ghép cành để có thể nhân giống nhanh, tỉ lệ ghép dính trên 90%. Ông sang Thái Lan, đến Hà Nội học được phương pháp ghép này và về tập huấn cho nông dân.
"Việc đi lại tập huấn cho nông dân rất vất vả vì đường nông thôn là đường đất, cầu khỉ, rồi phải lụy đò sang sông hoặc di chuyền bằng xuồng, ghe theo đường sông, rạch là chủ yếu" - ông Liêm nhớ về những ngày khó khăn bủa vây.
Công nghệ ghép xương đã mở ra cuộc cách mạng mới trong nhân giống cây trái ngon, hoa kiểng đẹp cho nông dân Chợ Lách. Phương pháp này tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho nhiều nông dân qua các khâu như ươm giống, bứng cây, vô bầu, ghép, chăm sóc cây sau ghép...
Nhiều người có "bàn tay vàng" ghép cây đã khá lên với nghề, gia đình có 100 - 200m2 vẫn có thể sống khá với nghề nhân cây giống, hoa kiểng. Kỹ thuật ghép xương, ghép cành đã giúp nông dân Chợ Lách hằng năm sản xuất trên 30 triệu cây giống, trên 10 triệu hoa kiểng các loại bán đi mọi miền đất nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Malaysia, một số nước ở Trung Đông...
Chuyển giới tính cho hoa
Nông dân Chợ Lách còn ví TS Liêm là "đấng tạo hóa", là "bà mụ" của cây chôm chôm. Sở dĩ ông được "phong" danh hiệu này là vào năm 1999, các vườn chôm chôm ở Chợ Lách ra toàn hoa cái rồi rụng hết, không đậu trái. Nhiều nhà vườn chặt bỏ cây chôm chôm vì cho đây là một chứng bệnh lạ, do biến đổi khí hậu, không cứu được.
Lúc đó ông Liêm nghĩ đến việc phải cứu các vườn chôm chôm quê nhà. "Với khoa học, tôm, cá mái có thể tạo thành rặt đực được, với cây ăn trái, biến bông cái thành đực để thụ phấn cho nhau cũng là điều có thể" - ông Liêm trăn trở.
Ông mang ý tưởng mới lạ này về lại Trường ĐH Cần Thơ rồi cùng các nhà khoa học ở đây nghiên cứu tạo hoa đực cho cây chôm chôm. Tạo được chế phẩm, ông khăn gói đến các vườn chôm chôm xin chủ vườn cho mình thực nghiệm thuốc tạo hoa đực và đã cứu nguy cho 1.400ha cây đang chực chờ bị đốn bỏ.
"Những ngày ấy, ông Liêm rất chịu khó khi thử nghiệm phun thuốc Ramale - tên chế phẩm, ông ghi giấy treo lên từng cành với ghi chú cẩn thận về thời gian phun thuốc, nồng độ. Sau đó ông Liêm hằng ngày đến kiểm tra từng nụ hoa.
Khi thấy trên bông có hoa đực, cây đậu trái, ông Liêm mừng hớn hở vì các vườn chôm chôm ở Chợ Lách được cứu đậu trái oằn sai, từ thành công này, nhiều nhà vườn ở đây trồng và phát triển thêm nhiều giống mới: chôm chôm đường, chôm chôm rong riêng của Thái Lan" - ông Trần Minh Triệu (ấp Phú Đức B, xã Phú Phụng) nhớ lại.
Lấy kỹ thuật giải luôn bài toán thị trường
Cây trái được mùa không có nghĩa nhà nông khá lên ngay vì vướng quy luật hàng hóa dồi dào dẫn đến giá rẻ. Không để nhà vườn cứ chạy theo giá cả trồng rồi chặt, ông Liêm lại đến nhiều vườn cây học hỏi cách xử lý ra hoa nghịch vụ trên chôm chôm, sầu riêng bằng cách tạo khô hạn và sau đó đưa nước vào cho cây ra hoa.
Với phương pháp siết nước này, chôm chôm, sầu riêng, cây có múi có thể rải vụ cho trái quanh năm hoặc "canh me" cho trái vào thời gian được giá. Phương pháp siết nước này còn khắc phục được sầu riêng monthong trái chín bị sượng bằng cách xử lý ra hoa đồng loạt, cho trái chín trong mùa nắng, loại bỏ lá non trong thời gian nuôi trái, trái già ủ chín một lượt...
Với cây nhãn tiêu da bò, trước đây nông dân xử lý cho cây ra hoa bằng cách tạo khấc ở gốc, siết dây kẽm bắt cây ra hoa, lâu năm không còn chỗ khấc da nữa. Ông Liêm tìm ngay ra cách sử dụng thuốc kích thích ra hoa, kết hợp siết nước tạo khô hạn, sau đó cho nước vào, cây nhãn da bò ra hoa theo ý muốn nhà vườn.
TS Liêm còn chia sẻ hiện đang ấp ủ việc nghiên cứu tạo cây lai từ cây cho trái ngon bản quyền của nước ngoài. Việc lai tạo không dùng phương pháp trong phòng thí nghiệm phiền phức mất nhiều thời gian, mà bằng cách cụ thể hơn: mua trái ngon lấy hạt ươm trồng 2-3 năm, xử lý cây cho trái. Sau đó chọn cây lai cho trái ngon, ghép vào cây lớn đồng loại để tạo ra cây mới, nhân giống cung ứng cho nhà vườn.
Học không phải để tìm ghế này chức nọ
Năm 1995 ông Liêm đi học thạc sĩ rồi "làm một lèo" lên tiến sĩ. Được UBND tỉnh Bến Tre ngỏ ý mời về tỉnh công tác nhưng ông vui vẻ ở lại theo yêu cầu phát triển kinh tế vườn của huyện, nơi mà ông đã ở vị trí trưởng Phòng NN&PTNT đến 4 nhiệm kỳ.
Ông Liêm tâm sự đi học lên cao không phải để có ghế này chức nọ mà chỉ để trang bị thêm kiến thức cho công việc. Không dừng lại những gì đã có được, kinh tế vườn phải ổn định và phát triển, ông đến Thái Lan, Malaysia nghiên cứu kinh tế vườn ở hai quốc gia này và sau đó tổ chức cho nông dân của huyện đi tham quan học hỏi, mua giống mới, trái ngon về nhân giống ở quê hương mình.
Biến đổi khí hậu là thách thức mới
Tiến sĩ Liêm (thứ tư từ trái qua) cùng nông dân huyện Chợ Lách tham quan nông nghiệp ở Malaysia - Ảnh: NVCC
Gắn bó với nhà nông trong thời gian dài đủ để ông Liêm cảm nhận việc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới trên cây trồng khiến việc phát triển kinh tế ở vườn cây ăn trái ngày càng khó, đòi hỏi phải có kiến thức mới, cần nghiên cứu tìm ra giải pháp tốt giúp nhà nông.
Kinh tế vườn ở Chợ Lách tuy đã chuyển lên rõ rệt nhưng thiên nhiên không chiều lòng người nông dân ở đây. Ở xứ sở quanh năm nước ngọt, thuận lợi cho nhiều giống cây trái ngon những năm gần đây đã bị xâm nhập mặn sâu. Năm 2020, nước mặn phủ khắp huyện, sầu riêng không sống nổi, chôm chôm, măng cụt cháy lá, mất sức. Nhiều nhà vườn phải bỏ tiền ra mua nước ngọt tưới, chi phí để cứu cây rất nhiều.
Với tình hình ấy, ông Liêm là người đã hướng dẫn nhà vườn trữ ngọt bằng nhiều giải pháp như đắp đập ngăn mặn, đào ao, trữ nước ngọt trong túi chứa... Bản thân ông còn xoay qua nghiên cứu và theo dõi thủy triều, thông báo cho nhà nông.
Theo ông Liêm, để giữ vững chiếc nôi của cây lành trái ngọt, Chợ Lách xứng đáng là nơi sản xuất cây giống, hoa kiểng mang tầm quốc gia, cần được đầu tư hệ thống cống ngăn mặn, hồ chứa nước ngọt 250ha ở cồn Phú Đa và trục dẫn nước ngọt từ xã Phú Phụng về tới Hưng Khánh Trung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận