07/09/2023 08:20 GMT+7

Tiền điện tăng cao: Phải thỏa thuận với khách hàng ngày ghi chỉ số điện

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trả lời Tuổi Trẻ xung quanh những phàn nàn của khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tăng cao sau khi ngành điện thay đổi ngày chốt chỉ số.

Với công tơ đo xa, nhân viên điện lực có thể lấy được chỉ số điện qua hệ thống giám sát thay vì đi lấy số thủ công như trước - Ảnh: Q.ĐỊNH

Với công tơ đo xa, nhân viên điện lực có thể lấy được chỉ số điện qua hệ thống giám sát thay vì đi lấy số thủ công như trước - Ảnh: Q.ĐỊNH

Ông Bùi Quốc Hoan - phó trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - cho rằng do gộp hai hóa đơn nên khách hàng cảm nhận số tiền đóng nhiều lên. 

Trong khi tiền điện được tính theo số ngày dùng thực tế, định mức trong từng bậc thang cũng tăng lên tương ứng với số ngày trong kỳ hóa đơn.

"Tôi khẳng định đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho khách hàng", ông Hoan nói. Tuy nhiên, với việc khách hàng phản ứng cách làm của ngành điện TP.HCM, ông Hoan cho hay EVN sẽ điều chỉnh những cách làm chưa phù hợp, còn bất cập để khi điều chỉnh ngày chốt chỉ số công tơ đo xa tại các địa phương khác sẽ đảm bảo thuận lợi cho khách hàng trong thanh toán. 

"EVN cũng sẽ chấn chỉnh để trong quá trình triển khai thay đổi ngày ghi chỉ số, các đơn vị phải có thông báo, thỏa thuận với khách hàng đầy đủ", ông Hoan nói.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng ngành điện phải nghĩ đến lợi ích của khách hàng chứ không chỉ của ngành điện. 

Theo ông Thịnh, nếu muốn dời ngày ghi tiền điện vào ngày cuối tháng để thuận tiện cho mình, ngành điện phải có cách làm hợp lý hơn, như chia thành hai kỳ tính. Chẳng hạn tới ngày 12 là xong tháng trước, từ ngày 13 đến 30 của tháng đó là kỳ thu tiền điện thứ hai.

"Thà ngành điện chịu thiệt một chút còn hơn là cố tình kéo dài chu kỳ ghi điện lên 45 - 50 ngày để thu mức tiền cao hơn một lần là không thể chấp nhận được. 

Nếu EVN đã muốn chuyển đổi cách ghi điện, điều đầu tiên phải nghĩ đến là làm sao cho người dân được lợi, còn EVN chịu thiệt một chút cũng không sao. Không thể đằng này để người dân chịu thiệt còn được cho mình", ông Thịnh nói.

Phản ánh đến Tuổi Trẻ, rất nhiều người dân cho biết tiền điện tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ, không ít gia đình có số tiền điện tăng 2-3 lần, do ngành điện cộng dồn số ngày sử dụng điện thay vì tính trong một tháng như trước. 

Theo giải thích của Điện lực TP.HCM, người dân không bị thiệt hại do tiền điện được tính theo số ngày dùng thực tế, định mức trong từng bậc thang sẽ tăng lên tương ứng.

Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng việc thay đổi cách ghi chỉ số điện khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt trong bối cảnh kinh tế khó khăn là chưa nghĩ đến quyền lợi người dân, làm đảo lộn các kế hoạch chi tiêu của nhiều khách hàng nhất là những người có thu nhập thấp.

Tiền điện tăng đột biến, vì sao?Tiền điện tăng đột biến, vì sao?

Sau kỳ nghỉ lễ 2-9, nhiều người dân bất ngờ phát hiện hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, không ít gia đình có hóa đơn tiền điện tăng gấp 2-3 lần so với các tháng trước đó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên