Riêng tại TP.HCM, có khoảng 400.000 hộ dân có hóa đơn tăng cao trong tháng 8 do ngành điện đã thay đổi ngày ghi chỉ số, khiến số ngày dùng điện vượt mức 30 ngày/kỳ tính hóa đơn, có những nơi tăng lên 40 - 52 ngày/kỳ.
Trong khi người dân bức xúc bởi tiền điện tăng cao, ngành điện khẳng định khách hàng không chịu thiệt do định mức theo bậc thang cho khách hàng cũng tăng lên tương ứng số ngày dùng điện được tính tăng lên.
Giật mình vì tiền điện tăng 2-3 lần
Thông thường, gia đình bà Nguyễn Thị Trúc Lâm (TP Thủ Đức) chỉ dùng khoảng 350.000 - 600.000 đồng tiền điện mỗi tháng, nhưng trong tháng 8 vừa qua, tiền điện nhảy vọt lên hơn 1 triệu đồng. Do nhà neo người lại ít dùng các thiết bị điện nên khi thấy tiền điện tăng cao, bà Lâm vào tra lại từng hóa đơn mới phát hiện số ngày ghi điện cho tháng 8 đã tăng lên đến 42 ngày thay vì 30 ngày như trước.
"Tôi không hiểu vì sao điện lực lại tăng ngày ghi điện lên khiến chi phí chi tiêu hằng tháng cũng đội lên trong thời buổi kinh tế khó khăn, ai cũng phải thắt lưng buộc bụng", bà Lâm nói.
Gia đình ông Trần Thanh Tâm (TP Thủ Đức) cũng vừa nhận được hóa đơn tiền điện nửa cuối tháng 7 và tháng 8 với số tiền 3,6 triệu đồng, trong khi trước đây chỉ chừng 1,5 triệu đồng/tháng. Theo ông Tâm, kỳ ghi tiền điện của nhà ông thường rơi vào giữa tháng, nhưng từ giữa tháng 7, ngành điện nhắn tin sẽ dời ngày ghi điện sang cuối tháng. Tuy nhiên, khi nhận hóa đơn, ngành điện lại cộng dồn luôn cả tháng 8 khiến hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt.
"Ghi điện ngày nào cũng được, cuối tháng cũng không vấn đề gì, nhưng sao không ghi chỉ riêng tháng 7 mà cố tình cộng luôn cả tháng 8 khiến hóa đơn tiền điện nhà tôi tăng gấp bội, lấy của khách hàng một cục tiền thay vì chia ra", ông Tâm nói.
Nhiều cư dân tại Vinhomes Central Park (Bình Thạnh) cũng đồng loạt phản ảnh hóa đơn tiền điện tăng gấp 2-3 lần so với các tháng trước dù "dùng vẫn bình thường như tháng trước". Trong đó, các hóa đơn mà ngành điện phát hành cho cư dân tại chung cư này có số ngày tính tiền điện tăng lên 52 ngày, nhưng có các hóa đơn tiền điện lại tăng gấp ba so với các tháng trước.
Bà Nguyễn Thanh Phương (quận Bình Thạnh) cho biết bà có đến ba hóa đơn tiền điện, khi số ngày tiêu thụ điện tăng và số tiền đóng của bà cũng đội lên cả chục triệu đồng khiến bà chật vật hơn khi phát sinh tiền điện ngoài dự trù. "Cộng dồn một tháng thì dễ hơn cho ngành điện nhưng lại khó cho người dân, biết bao nhiêu khoản phải cân đối mà bỗng nhiên phải đóng cả núi tiền điện phát sinh", bà Phương nói.
Khách hàng đã được báo trước!
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Nhàn, phó giám đốc Công ty Điện lực Gia Định, cho biết tại khu Vinhomes Central Park, lịch ghi điện cũ là ngày 10 hằng tháng nhưng điện lực chuyển sang ghi điện vào cuối tháng kể từ tháng 8. Do đó, thay vì số ngày ghi điện là 31 ngày nếu ghi từ 11-7 đến 10-8 nhưng nay chuyển sang 52 ngày vì ngày ghi điện kéo dài đến 31-8.
Theo ông Nhàn, riêng khu vực này có tổng cộng 11.270 khách hàng chuyển đổi ngày ghi điện, sau khi ngành điện có thông báo gửi ban quản lý, ban quản trị và khách hàng về việc thay đổi này. Trong khi đó, theo ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, trong kỳ ghi điện vừa qua, toàn TP có 400.000 khách hàng bị thay đổi thời gian ghi điện, chuyển từ các ngày giữa tháng sang cuối tháng.
Theo ông Kiên, do việc ghi điện trước đây được thực hiện bằng phương thức thủ công, không thể ghi hóa đơn điện vào cùng một ngày. Tuy nhiên, sau khi lắp đặt công tơ ghi chỉ số từ xa, ngành điện chuyển đổi sang ghi điện ngày cuối của mỗi tháng để thuận tiện hơn cho chu kỳ kế toán và dễ nhớ cho khách hàng. Và trước khi thực hiện việc thay đổi chu kỳ, theo ông Kiên, ngành điện đã thông báo cho khách hàng qua các kênh tương tác của ngành điện.
"Đến nay, toàn TP đã có khoảng 60% khách hàng chuyển chu kỳ ghi điện vào cuối tháng và ngành điện tiếp tục thực hiện lộ trình để tiến tới 100% khách hàng được ghi chỉ số điện vào cuối tháng", ông Kiên cho biết. Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng cho biết từ tháng 8, đơn vị này cũng đã thay đổi kỳ ghi chỉ số điện sang cuối tháng và đã gửi thông báo đến khách hàng cũng như các địa phương trước khi triển khai.
Việc thay đổi này sẽ áp dụng từng địa bàn, đảm bảo tới năm 2025 sẽ có 100% khách hàng chuyển kỳ chốt chỉ số vào ngày cuối tháng. Tuy nhiên, EVNSPC không thay đổi số ngày ghi hóa đơn quá lớn mà sẽ dịch chuyển từ từ, tháng sau sẽ có số ngày cao hơn tháng trước vài ngày để không tác động quá lớn đến tài chính của khách hàng, nhất là với những gia đình không có điều kiện.
"Trước khi áp dụng, chúng tôi đã thông tin với khách hàng. Nếu khách hàng đồng ý, chúng tôi chuyển luôn về cuối tháng. Nếu khách hàng không đồng ý, ngành điện sẽ chuyển từ từ, miễn sao đạt được lộ trình mà không tác động quá lớn với khách hàng", vị này nói.
Không có chuyện khách hàng chịu thiệt?
Trao đổi với chúng tôi liên quan đến băn khoăn của khách hàng rằng sẽ chịu thiệt nếu bị cộng dồn nhiều ngày bởi ngành điện tính tiền điện theo bậc thang lũy tiến, ông Bùi Trung Kiên khẳng định khi số ngày dùng điện tăng lên, định mức theo bậc thang cho khách hàng cũng tăng lên tương ứng theo từng ngày.
"Không có chuyện ngành điện vẫn dùng định mức cũ khiến khách hàng bị cộng dồn tiền điện cao hơn, thay vì trước đây mỗi tháng 30 ngày, bây giờ khách hàng dùng 40 - 50 ngày, định mức theo từng bậc thang cũng sẽ tăng lên tùy theo số ngày", ông Kiên nói và cho biết không thể chia ra hai kỳ ghi tiền điện trong tháng 7 như đề xuất của một số người dân do vướng quy định của Bộ Tài chính về việc phát hành hóa đơn.
Do vậy, ngành điện không thể chia ra 13 kỳ phát hành hóa đơn mà vẫn giữ 12 kỳ/năm. Ông Kiên cũng bác các ý kiến cho rằng ngành điện chọn cách cộng dồn kỳ ghi hóa đơn để số tiền thu một lần từ khách hàng nhiều hơn do những khó khăn về tài chính. "Khách hàng dùng điện bao nhiêu, tính tiền bấy nhiêu nên không thể nói việc thay đổi kỳ ghi số điện để bù vào chi phí được", ông Kiên nói.
Với phản ảnh của nhiều khách hàng rằng số ngày ghi chỉ số tăng chưa đến gấp hai lần nhưng hóa đơn tiền điện lại cao đến gấp ba, thậm chí có những người dân không thay đổi kỳ ghi chỉ số nhưng tiền điện vẫn tăng, ông Kiên nói thời tiết từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8 ở TP.HCM nắng nóng, nhiều gia đình có trẻ nhỏ dùng các thiết bị điện nhiều hơn khiến tiêu thụ điện của người dân cũng cao hơn.
Ông Phan Thanh Nhàn cũng cho biết trong tháng thay đổi kỳ ghi chỉ số, định mức sinh hoạt sẽ tính thêm tương ứng với số ngày thay đổi theo đúng quy định. Ví dụ, với kỳ ghi hóa đơn tiền điện 31 ngày, định mức cho bậc 1 theo quy định là 50kWh, còn với kỳ ghi tăng lên 52 ngày, định mức bậc 1 sẽ là 84kWh do số ngày ghi tăng lên, đơn giá không thay đổi. Với các bậc thang còn lại, định mức cũng sẽ tăng lên tương ứng.
Cũng theo ông Nhàn, nếu khách hàng dùng nhiều điện, lên đến bậc thang 6, số tiền điện phải trả theo số ngày ghi điện cũ (31 ngày) sẽ hơn 1,3 triệu đồng đã bao gồm VAT. Còn với kỳ 52 ngày, số tiền tăng lên hơn 1,7 triệu đồng, chênh lệch 699.867 đồng bởi các định mức đã được nâng lên.
Sẽ tiến tới ghi chỉ số điện cùng một ngày
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn này đang cung cấp các dịch vụ điện cho trên 99,65% hộ dân trên cả nước. Lượng thông tin cần xử lý trong kỳ ghi chỉ số dùng điện là rất lớn do có khoảng 30 triệu hóa đơn tiền điện được phát hành mỗi tháng.
Trước đây, khi hạ tầng công nghệ đo đếm điện năng chưa đáp ứng và chưa ứng dụng chuyển đổi số, việc thống nhất lịch ghi chỉ số dùng điện trong cùng một ngày cho số lượng rất lớn khách hàng sử dụng điện là không thể làm được. Do đó, ngành điện phải phân bổ lịch ghi chỉ số trong nhiều ngày của tháng, tùy theo phân loại khách hàng và từng khu vực.
Cùng với việc chuyển đổi số, thời gian qua EVN đã xây dựng lộ trình từng bước thống nhất lịch ghi chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng vào ngày cuối cùng của tháng. Việc triển khai này sẽ được thực hiện có lộ trình theo từng nhóm khách hàng, từng khu vực và hạ tầng kỹ thuật cũng như phù hợp với thực tế khai thác công tơ điện tử có đo xa cho các khách hàng.
3 cách tra cứu hóa đơn để biết kỳ ghi chỉ số
Theo ông Bùi Trung Kiên, để thuận tiện tra cứu hóa đơn tiền điện, người dân có thể truy cập các kênh sau để kiểm tra chỉ số, số ngày trong kỳ hóa đơn, mức tiêu thụ điện.
Thứ nhất, khách hàng có thể đăng nhập trang web của công ty theo đường dẫn http://cskh.evnhcmc.vn, rồi đăng nhập vào tài khoản để tra cứu. Thứ hai, có thể tải ứng dụng EVNHCMC CSKH trên điện thoại, đăng ký và tra cứu chỉ số và hóa đơn phát sinh. Ngoài ra, có thể vào Zalo, tìm kiếm "EVNHCMC" để theo dõi trang, sau đó tra cứu các chỉ số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận