13/11/2018 08:57 GMT+7

'Tiền bẩn' đường dây đánh bạc 10 ngàn tỉ đi đâu?

THÂN HOÀNG - DIỆP THANH
THÂN HOÀNG - DIỆP THANH

TTO - Để hợp thức hóa hàng ngàn tỉ do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đã đầu tư vào dự án BOT, bất động sản…

Tiền bẩn đường dây đánh bạc 10 ngàn tỉ đi đâu? - Ảnh 1.

Hơn 90 bị cáo trong vụ án có mặt tại phiên tòa sáng 12-11 - Ảnh: NAM TRẦN

Trong ngày xét xử đầu tiên (12-11) vụ đánh bạc online ngàn tỉ, đại diện Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã công bố được 70 trang trong tổng số 235 trang cáo trạng vụ án đánh bạc ngàn tỉ.

Những chiêu rửa tiền

Theo đó, cáo trạng quy kết ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50) là những người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc đấu tranh với loại tội phạm nhưng lại dung túng cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời ngăn cản có hiệu quả đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý.

Để hợp thức hóa hàng ngàn tỉ do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đã dùng nhiều cách rửa tiền khác nhau. 

Để đủ điều kiện về năng lực tài chính tham gia dự thầu dự án đường cao tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, năm 2015, bị cáo Dương đã họp HĐQT và thống nhất ra nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 36 tỉ lên 500 tỉ đồng, trong đó Dương cam kết góp 85,5% vốn điều lệ. 

Năm 2016, Dương tiếp tục chủ trì hai cuộc họp hội đồng cổ đông để nâng vốn điều lệ Công ty UDIC từ 500 tỉ lên hơn 925 tỉ đồng.

Trong đó, cơ quan chức năng xác định sau khi có tiền thu lời bất chính do vận hành game bài Rikvip giai đoạn 1, Dương đã 2 lần sử dụng tổng số tiền 54 tỉ đồng để quay vòng, nâng khống vốn cam kết góp vào Công ty UDIC theo điều lệ hơn 893 tỉ đồng.

Nếu chỉ căn cứ vào sổ sách kế toán của Công ty UDIC thì tới thời điểm 12-4-2016, bị cáo này đã có số tài sản trị giá hơn 893 tỉ đồng. 

Tuy nhiên thực tế không phải như vậy mà do Dương đã sử dụng số tiền có được từ tổ chức đánh bạc để hoàn trả vào số tiền đã khai khống trước đó. 

Tiền bẩn đường dây đánh bạc 10 ngàn tỉ đi đâu? - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Văn Dương - Ảnh: NAM TRẦN

Cụ thể, Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà chuyển tiền góp vốn vào Công ty UDIC rồi mượn tên người khác mở doanh nghiệp và ký hợp đồng khống rút tiền ra, quay vòng nâng khống giá trị vốn góp vào Công ty UDIC.

Đến khi được ăn chia nguồn tiền do phạm tội mà có, Dương tiếp tục chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà và nhân viên cấp dưới đứng danh nghĩa công ty, cá nhân, đối tác chuyển trả Công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền do tổ chức đánh bạc mà có thành tiền sạch.

Cơ quan chức năng xác định có đủ căn cứ quy kết Nguyễn Văn Dương phạm tội rửa tiền với số tiền hơn 329 tỉ đồng nộp vào Công ty UDIC để chuyển vào Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. 

Trong đó, Nguyễn Văn Dương nộp 5 lần số tiền hơn 23 tỉ đồng, còn lại hơn 306 tỉ đồng được lấy trong tổng số tiền hơn 474 tỉ đồng do anh ta chỉ đạo nhân viên dưới quyền đem nộp tiền mặt vào Công ty UDIC dưới danh nghĩa hoàn tạm ứng cho Dương, các công ty, cá nhân ký hợp đồng khác trả lại tiền vì thanh lý hợp đồng.

Số tiền bị cáo Phan Sào Nam thu lời bất chính được xác định hơn 1.475 tỉ đồng. Nam chuyển số tiền này lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư các dự án, mua bất động sản để hợp thức hóa số tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có. 

Trong đó, bị cáo đưa cho Phan Thu Hương (dì ruột) hơn 236 tỉ đồng để gửi tiết kiệm và kinh doanh mua nhà. Ngoài ra, Nam còn chuyển tiền vào 4 công ty khác để góp vốn, đầu tư và "hô biến" tiền phi pháp thành tiền sạch.

Tiền bẩn đường dây đánh bạc 10 ngàn tỉ đi đâu? - Ảnh 3.

Một số cách rửa tiền của các bị cáo trong vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ - Đồ họa: T.ĐẠT

Không phải xét xử lưu động

Thay vì xử trong phòng xử của tòa, TAND tỉnh Phú Thọ đã dựng rạp để xử ngoài sân tòa nên nhiều bạn đọc đặt câu hỏi đây có phải là xử lưu động hay không.

Theo trung tướng Trần Văn Độ - nguyên phó chánh án TAND tối cao, việc xử ngoài sân tòa chỉ là giải pháp vì số lượng bị cáo đông, người tham gia tố tụng, luật sư cũng đông dẫn đến phòng xử án không đủ để chứa hết mấy trăm người nên tòa đã dựng rạp để chuyển phòng xử ra sân.

Đây không phải là xử án lưu động, việc xử án lưu động là xử tại nơi xảy ra vụ án, nơi xảy ra hành vi phạm tội, còn địa điểm tại TAND tỉnh Phú Thọ không phải là nơi diễn ra hành vi tội phạm.

Ông Phan Văn Vĩnh không đồng ý, tòa có được công khai bản án? Ông Phan Văn Vĩnh không đồng ý, tòa có được công khai bản án?

TTO - Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh đã không đồng ý cho tòa công khai bản án vụ "bảo kê" đánh bạc mà ông đang bị xử. Liệu tòa có quyền công khai bản án này sau khi xử xong?

THÂN HOÀNG - DIỆP THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên