Tiêm vắc xin COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: HÒA HÙNG
“Những ngày đầu khi Việt Nam triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, ít ai nghĩ sau hơn một năm, nước ta lại có tốc độ phủ vắc xin nhanh đến vậy”, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - nhận xét.
Ông Phu cho biết hiện cả nước đã tiêm hơn 192.677.332 liều vắc xin. Trong đó, người lớn trên 18 tuổi đạt 100% mũi 1; 97,9% mũi 2 và 33, 4% mũi 3. Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đạt 98,6% mũi 1; 93,1% mũi 2; 33,4% mũi 3. Bộ Y tế hiện triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Theo ông Phu, nước ta tiêm vắc xin COVID-19 chậm hơn một số nước, vì chưa sản xuất được vắc xin, cũng như thời kỳ đầu dịch chưa bùng phát. Nhưng hiện đã nằm trong tốp đầu các nước đạt tỉ lệ cao.
“Chúng ta đã đạt thành tựu lớn về tiêm vắc xin phòng COVID-19. Nhờ đó, đã chuyển từ “cấm đoán đi lại” sang “thích ứng an toàn, kiểm soát được rủi ro”, vừa kiểm soát dịch có hiệu quả vừa phát triển được kinh tế”, ông Phu nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, để có tỉ lệ tiêm vắc xin cao như hiện nay, Chính phủ, Bộ Y tế và VNVC đã tích cực tìm nguồn cung, đặt mua hàng chục triệu liều vắc xin COVID-19, đưa về nước, triển khai tiêm miễn phí cho người dân.
Hơn một năm về trước, đại dịch COVID-19 trở nên phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới, số ca mắc tại Việt Nam tăng lên khiến người dân rất lo lắng. Khi đó, được tiêm sớm vắc xin phòng COVID-19 là ước mơ của mỗi người Việt Nam, đặc biệt là người già, có bệnh mãn tính.
Cuối tháng 2-2021, giữa lúc nhiều quốc gia trên thế giới vẫn trong cuộc đua giành quyền mua vắc xin, lô vắc xin COVID-19 đầu tiên về đến sân bay Tân Sơn Nhất, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia châu Á đầu tiên tiếp cận loại vắc xin này.
Ngày 8-3-2021, Bộ Y tế đã kịp thời triển khai chiến dịch tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu, là cán bộ chống dịch, nhân viên y tế ở các điểm nóng dịch bệnh như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Hải Dương và Bệnh nhiệt đới trung ương.
Liên tiếp nhiều tháng sau, các chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành trên toàn quốc được đẩy mạnh. Sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ và Bộ Y tế cùng các đơn vị y tế cả nước đã giúp hàng chục triệu mũi tiêm an toàn được thực hiện cho người dân, nhất là người cao tuổi, mắc bệnh nền... đưa Việt Nam sớm trở về trạng thái bình thường mới.
“Sau đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM và bùng dịch ở miền Bắc, nhờ chính sách phủ vắc xin của Chính phủ mà có thể nói là đã giúp giảm tỉ lệ tử vong xuống rất nhiều”, BS CK1 Dương Anh Tuấn - khoa cấp cứu hồi sức chống độc, Bệnh viện Phổi Hải Phòng - nhận xét.
Để duy trì thành quả chống dịch, ThS.BS Nguyễn Đình Huấn - giảng viên bộ môn nhi Trường ĐH Tân Tạo, công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - nhấn mạnh: “Dù được tiêm vắc xin đầy đủ, người dân vẫn không nên chủ quan, phải tuân thủ 5K và làm theo các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế”.
Theo thông báo của Bộ Y tế, đến hết tháng 2 đã tiếp nhận khoảng 213,7 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, gồm 7 loại: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Abdala, Sinopharm, Spunik V và Sputnik Light. Theo Bộ Y tế là đến từ các nguồn: ngân sách nhà nước mua hơn 106 triệu liều, viện trợ và tài trợ các nguồn trên 107,3 triệu.
Việt Nam đã được coi là “đi sau, về trước” trong tiêm chủng COVID-19, đạt tỉ lệ bao phủ tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên 75% dân số vượt thời gian mục tiêu tới 6 tháng và hiện đang chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
L.ANH
Theo ông Pascal Soriot - giám đốc điều hành Tập đoàn AstraZeneca, với thỏa thuận ngày 2-11-2021, Việt Nam có thể đặt mua loại ứng cử viên vắc xin mới đang được nghiên cứu là AZD2816 trong năm 2022.
“Việt Nam đã mua 20.000 liều AZD7442 - hỗn hợp hai loại kháng thể đơn dòng có tác dụng kéo dài, đã được tối ưu hóa để giúp phòng ngừa COVID-19 lên đến 12 tháng, có khả năng phòng ngừa lẫn điều trị COVID-19”, ông Pascal Soriot nói.
LÊ KIÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận