Đang có nhiều bạn trẻ chi tiền triệu học... tiếng Việt. Mới nghe qua nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc: Sao kỳ lạ quá, tiếng Việt mà phải bỏ tiền đi học?
Những khóa học này đang được nhiều bạn trẻ tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức và duy trì hai, ba năm qua. Gần như khóa nào, số lượng đăng ký học cũng vượt quá giói hạn, trong đó phần lớn là những bạn trẻ ở độ tuổi 20, 30.
"Tiếng Việt - Hiểu sâu Viết sắc" được Thùy Dung tổ chức vào thứ tư và thứ sáu hằng tuần trên Google Meet. Một buổi dạy của Thùy Dung bắt đầu lúc 19h30, Dung chiếu mẩu tin tức chuyển ngữ, đăng trên một trang tin trong nước. Bài viết giới thiệu một loại hình nghệ thuật mới đang nổi lên ở nhiều quốc gia. Cả lớp, gồm 15 học viên, tập trung phân tích từ ngữ trong từng dòng, từng đoạn, dò xem chỗ nào dịch quá máy móc, chỗ nào ngữ pháp gặp vấn đề, chỗ nào ý tứ lủng củng, chỗ nào cần tinh gọn...
Xong phần "khởi động", Dung và các học viên bước vào bài học chính, xoay quanh chủ đề nguồn gốc cấu thành một số từ tiếng Việt. Dung giải thích trong tiếng Việt sẽ có nhiều từ mang theo "dấu ấn nghề nghiệp", tạo nên những lớp nghĩa mới. Chẳng hạn, "khuôn thước", "mực thước", "giềng mối", "kỷ cương"... là một vài từ được ghép từ các công cụ trong nghề ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hay "giặc đói", "giặc dốt", "giặc COVID-19"... là những từ chịu ảnh hưởng của ngành quân sự...
Nguyễn Thùy Dung (31 tuổi, quê Bến Tre), từng tốt nghiệp thủ khoa báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM). Dung hiện cũng là người đứng sau fanpage "Ngày Ngày Viết Chữ" thành lập năm 2016, thu hút hơn 200.000 lượt theo dõi. Đây là nơi đăng tải những bài viết giới thiệu những câu cú hay, những cách nói lạ mà quen, những cổ ngữ, từ Hán Việt trong văn thơ... Mỗi ngày một bài viết, tất cả đều nhận được hàng trăm lượt chia sẻ từ các bạn trẻ trên mạng xã hội.
Năm 2019, nhiều bạn chủ động nhắn tin cho Dung bày tỏ nguyện vọng được "đi xa hơn", không chỉ dừng lại ở việc đọc các bài viết trên "Ngày Ngày Viết Chữ" mà muốn ngồi trong lớp nghe Dung giảng những cái hay, cái đẹp của tiếng Việt và được dạy cách dùng từ, viết câu, viết đoạn.
Vậy là từ tháng 3-2019, Dung thành cô giáo tiếng Việt cho các bạn trẻ Việt. Gần như mỗi tháng, khóa "Tiếng Việt - Hiểu sâu Viết sắc" dành cho những bạn muốn biết tường tận nghĩa của từ Hán Việt lại bắt đầu. Mỗi khóa thường kéo dài 10 buổi, Dung thiết kế chương trình cân bằng giữa ngữ pháp, từ vựng và các bài tập thực hành. Học phí cho 2 khóa trên lần lượt là 5 triệu và 3 triệu đồng, dù vậy lúc nào cũng trong tình trạng "cháy hàng".
Trước đợt dịch, Dung dạy trực tiếp. 60% người theo học đang làm việc liên quan đến chữ nghĩa, còn lại là những bạn trẻ đăng ký chỉ vì đam mê, muốn hiểu thêm về tiếng nói của dân tộc. Một số bạn đã lặn lội từ Cần Thơ lên Sài Gòn hằng tuần để theo học.
Năm 2020, do dịch, các khóa học chuyển sang trực tuyến. Nhưng rồi đó lại là cơ hội để lớp"vượt biên" tiếp cận được những bạn trẻ hải ngoại. Đa phần là những người Việt đang sinh sống, học tập ở nước ngoài như Nhật, Mỹ... có mong muốn hiểu hơn tiếng Việt như một cách hướng về nguồn cội.
Dung nói từng dấu chân của mình nói riêng và "Ngày Ngày Viết Chữ" nói chung đều được tạo ra bởi cộng đồng, cụ thể là các bạn trẻ. "Ngày Ngày Viết Chữ" trước chỉ là một blog cá nhân, cũng vì được các bạn hưởng ứng và động viên nên mới "dời nhà" sang Facebook, lập thêm website.
Rồi cũng từ nhu cầu của các bạn, những khóa học tiếng Việt mới ra đời. "Đó là một minh chứng cho thấy vẫn có rất nhiều bạn trẻ nặng lòng với tiếng Việt" - Dung nói. "Nhiều bạn sau khi học xong đã gửi thư từ phương xa về cho mình, nói những lời cảm ơn vì đã giúp họ có thể viết được tiếng Việt tròn trịa và cảm nhận được tiếng nước ta vô cùng giàu đẹp mà bấy lâu nay các bạn không nhìn thấy"- Dung chia sẻ.
Lớp học của Thùy Dung không phải là trường hợp duy nhất ở TP.HCM. Một năm qua, Nguyễn Thúy Duy (25 tuổi), cựu sinh viên khoa văn học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), miệt mài tổ chức tổng cộng 3 khóa dạy tiếng Việt mang tên "À Ơi Tiếng Nước Tôi". Mỗi khóa Duy đều thu phí và dùng một phần góp vào một quỹ hỗ trợ các giáo viên mầm non chịu ảnh hưởng bởi COVID-19.
Lúc đầu Duy định mở lớp để dạy trước cho những mối quan hệ quen biết nhưng không ngờ bạn này rủ bạn kia, nên khóa nào cũng hết suất từ sớm. Học viên hầu hết trẻ tuổi, độ 9X, 8X... Có người theo nghề kinh doanh, kỹ sư hay nhiếp ảnh cũng đăng ký tham gia. Trong khóa 1, Duy chú trọng phân tích từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc câu, đoạn. Nhận thấy chương trình hơi hàn lâm, ở khóa 2, Duy thêm vào các buổi xem phim, đọc sách để các bạn học viên có thêm góc nhìn về tiếng Việt trong nhiều tình huống.
Giáo trình cũng được đơn giản hóa cho dễ hiểu thay vì thô cứng, nặng tính học thuật. Khóa 3 diễn ra đúng vào giai đoạn căng thẳng nhất của dịch COVID-19 tại TP.HCM, lớp học “di cư” lên online. Thấy nhiều học viên stress do đại dịch, Duy cho các học viên tập viết nhiều hơn, như một cách giãi bày tâm trạng. Qua từng con chữ, các học viên đã san sẻ nỗi niềm cho nhau, cân bằng cuộc sống. Tiếng Việt giờ đây như một liều thuốc chữa lành.
Thảo Phương (26 tuổi, quê Đắk Lắk), hiện làm trong mảng nhân sự cho một công ty ở TP.HCM, là người theo học khóa đầu tiên của "À Ơi Tiếng Nước Tôi". Phương kể lúc đồng nghiệp hay tin Phương bỏ chuyến du lịch với công ty vì không muốn mất buổi học tiếng Việt, ai cũng ngỡ ngàng. Có người còn chê Phương "tào lao". Phương nhớ lại hồi còn nhỏ, cô nàng cũng có niềm yêu thích văn chương, chữ nghĩa. Sau cột mốc bước vào cấp 3, niềm đam mê đó bị dập tắt bởi chương trình ngữ văn dường như nặng tính lý thuyết, khuôn mẫu, đã vậy thầy cô chấm điểm chín người mười ý.
Phương cần một con đường an toàn hơn để vào đại học, vì vậy chuyển hướng sang ôn khối A1 (toán, lý, tiếng Anh). Nhưng khi có thời gian lần giở những quyển sách văn học mà mình đã từng bỏ bê, đọc lại sao thấy hay quá! Rảnh rỗi Phương dự những cuộc hội thảo, tọa đàm về tiếng Việt. Khi niềm đam mê năm nào như được thổi bùng trở lại, Phương đăng ký ngay lớp học của Duy mà không một chút đắn đo.
Minh Thảo (26 tuổi, quê Bình Định) lại chia sẻ do một phần mải mê với các bài học, sách vở tiếng Anh mà không dành thời gian cho tiếng Việt, khi có dịp cần phải viết hay nói tiếng Việt, bạn diễn đạt hệt như tiếng Anh. Đôi lúc, bạn tự hỏi phải chăng mình đã trở thành một người nước ngoài viết tiếng Việt? Thảo ghi danh học lớp của Duy.
Từng ngày trôi qua, Thảo bất ngờ nhận ra tiếng Việt cũng được cấu tạo hết sức chặt chẽ, câu cú rõ ràng… Từng từ trong câu đều có công dụng riêng, không thể thiếu, cũng không thể lạm dụng. Thảo kể trước nay mình thường loạn xạ những từ "nhưng", "tuy nhiên", "vì", "do", "dù"…, sau khóa học mới biết cách đặt từ vào đúng ngữ cảnh.
Giờ Thảo thật sự cảm thấy có một sự thay đổi lớn từ bên trong từ lúc rành rẽ tiếng Việt hơn trước. Có khả năng diễn đạt được những ý tưởng, suy nghĩ, cảm xúc của mình một cách chính xác giúp cho cuộc sống của Thảo trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Trên mạng xã hội, Thảo siêng năng viết lách hơn, bắt sóng được nhiều tâm hồn đồng điệu, kết nối thêm nhiều mối quan hệ giá trị…
Nửa cuối tháng 3-2022, "À Ơi Tiếng Nước Tôi" của Duy đã đến khóa 4. Lần này khóa học theo hướng tạo cho người học không gian để sáng tạo nghệ thuật. Đó là bước nâng cao, không chỉ dừng lại ở chuyện thấu hiểu, trân trọng tiếng Việt mà còn dùng tiếng nước mình để làm thơ, viết văn…
Nói cách khác, người học biết cách thưởng thức nghệ thuật. Họ sẽ nhận thức được các giá trị nhân văn, bồi dưỡng tinh thần trong một thời buổi đầy biến động. "Mình cũng sẽ tăng cường các kết nối, mời thêm nhiều diễn giả tổ chức các buổi nói chuyện. "À Ơi Tiếng Nước Tôi" sẽ thành một nơi để các bạn có thể trải nghiệm tiếng Việt trên nhiều lĩnh vực và nhận ra vẻ đẹp của tiếng Việt trong dòng chảy cuộc sống ngày nay" - Duy tâm tình.
Lê Trọng Nghĩa (27 tuổi), cựu sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), hiện là kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại Nhật. Nghĩa đang điều hành trang fanpage "Tiếng Việt Giàu Đẹp" với gần 100.000 lượt theo dõi. "Tiếng Việt Giàu Đẹp" - thành lập năm 2012 - định hướng gần giống với "Ngày Ngày Viết Chữ", thường đăng tải những điểm thú vị về từ vựng, ngữ pháp của tiếng Việt.
Năm 2021, Nghĩa khi đó đã hoàn thành chương trình du học chuyên ngành công nghệ thông tin và ở lại Nhật làm việc, có ý tưởng sẽ tổ chức một sự kiện hằng năm để vinh danh tiếng Việt. "Tiếng Việt hay và đẹp như thế nhưng đến nay vẫn chưa có một ngày nào tôn vinh hẳn hoi. Giữa cuộc sống hiện đại tấp nập, người ta dùng tiếng Việt hằng ngày nhưng đôi khi không cảm nhận được hết giá trị của tiếng Việt.
Một ngày cho mọi người con đất Việt lắng lòng với tiếng mẹ đẻ sẽ vô cùng đáng quý" - nghĩ là làm, năm 2021, fanpage "Tiếng Việt Giàu Đẹp" đặt vấn đề nên có một "Ngày tôn vinh tiếng Việt". Trang đưa ra một số lựa chọn để cộng đồng mạng bình chọn, trong đó có các ngày 3-1 (ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du), rằm tháng giêng (Ngày thơ Việt Nam), ngày 21-2 (Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ được UNESCO công nhận) và ngày 8-9 (ngày thành lập Nha Bình dân học vụ, cơ quan đảm nhận nhiệm vụ xóa nạn mù chữ sau khi Việt Nam độc lập năm 1945). Cuối cùng kết quả bình chọn trên trang "Tiếng Việt Giàu Đẹp" lấy ngày 21-2.
Để chào mừng "Ngày tôn vinh tiếng Việt" lần đầu (2021), nhóm của Nghĩa tổ chức 2 cuộc thi viết ca ngợi tiếng Việt và "Tiếng Việt qua tranh vẽ". Năm 2022, "Tiếng Việt Giàu Đẹp" tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày 21-2, bao gồm đăng tải loạt truyện dài kỳ về tiếng Việt, tổ chức cuộc thi viết "Tiếng Việt muôn màu", thi hát "Tiếng Việt trong những lời ca".
Nhóm cũng tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến mang tên "Tiếng Việt trong tôi" với sự tham gia của PGS.TS Phạm Văn Tình - tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - và TS Nguyễn Thế Dương - giám đốc Trường Yêu tiếng Việt tại Úc.
Nghĩa chia sẻ dù là dân công nghệ nhưng bạn có niềm yêu thích rất lớn với tiếng Việt. Ra nước ngoài học tập và làm việc, Nghĩa càng nhớ thương tiếng mẹ: "Sống đủ lâu ở xứ người, bạn sẽ hiểu được cảm giác thèm nghe một câu tiếng Việt như thế nào. Và bạn cũng sẽ cảm nhận được một niềm vui sướng tột cùng khi đang xa quê lại nghe đâu đó vang lên tiếng nói của quê hương".
Tháng 2-2022, giáo sư vật lý Nguyễn Đông Hải, công tác tại Đại học Tennessee Wesleyan (Mỹ), là diễn giả cho một buổi chia sẻ trực tuyến do tổ chức phi lợi nhuận Teach For Vietnam tổ chức, được nhiều người trong lĩnh vực giáo dục hưởng ứng. Với chủ đề “Từ tiếng mẹ đẻ đến ngoại ngữ: Con đường học tập hiệu quả”, ông bày tỏ nỗi trăn trở của mình về xu hướng phụ huynh thích cho con học các thứ tiếng Anh, Mỹ, đầu tư tiền bạc, thời gian cho các khóa học đắt đỏ ngay từ những năm rất nhỏ.
Nhưng phần lớn họ lại có tâm lý “người Việt đương nhiên biết nói tiếng Việt”. Theo ông Hải, khi tiếng Việt còn chưa vững vàng, không nên vội vàng đầu tư cho tiếng Anh. Đó là giai đoạn đầu đời để các bạn nhỏ hình thành nên một gốc gác, một ngôn ngữ đầu tiên phải thật chắc chắn.
Giáo sư Hải chia sẻ bản thân dù giảng dạy, nghiên cứu trong đại học ở Mỹ - môi trường sử dụng tiếng Anh hằng ngày, ông rất trân trọng và dùng tiếng Việt rất kỹ lưỡng. Ông luôn chủ động tìm cách lý giải những thuật ngữ hay những cách diễn đạt trong khoa học bằng tiếng Việt.
Khi có bất cứ cơ hội nào có thể viết và nói tiếng Việt, ông đều tận dụng tối đa. Ông thường tổ chức những dự án dạy trực tuyến tiếng Anh chuyên ngành vật lý cho sinh viên, giáo viên ở Việt Nam. Trong mỗi buổi dạy, ông bắt buộc các học viên đều phải tư duy bằng cả hai ngôn ngữ.
“Muốn bay cao bay xa, hãy kết nối chặt chẽ với một điểm tựa nào đó của mình”, giáo sư Hải chia sẻ. Ông lý giải ở những nước đa văn hóa như Mỹ, họ hoàn toàn thoải mái khi nghe tiếng Anh được nói bằng nhiều chất giọng khác nhau. Khi nghe một tiếng Anh pha giọng của đất nước bạn, chẳng hạn giọng Việt Nam, thường họ sẽ không tỏ vẻ khó chịu, thay vào đó là nể phục.
Họ phục vì bạn đã cố gắng vượt ra khỏi vùng an toàn, đi làm ở nơi không nói tiếng mẹ đẻ của bạn. Họ sẽ càng nể bạn hơn nếu bạn có thể hòa nhập nhưng vẫn giữ được gốc gác, văn hóa của mình. “Vì vậy, nếu bạn vừa giỏi tiếng Anh, vừa giỏi tiếng Việt lại am hiểu về văn hóa Việt Nam sẽ dễ thành công hơn khi bước ra thế giới”, ông Hải nói.
Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc (32 tuổi) hiện công tác tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam. Tại Đài thiên văn Hòa Lạc (Hà Nội), anh đảm nhận công việc giới thiệu kiến thức thiên văn cơ bản cho khách tham quan, trải nghiệm. Tại Hội nghị Hán Nôm trẻ 2021 do Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức, Phạm Vũ Lộc có tham luận về chữ húy thời Tây Sơn.
Anh Lộc nói một trong những động lực thúc đẩy mình là tình yêu tiếng Việt. Năm 2015, một người bạn đã rủ rê anh xây dựng fanpage “Cùng Học Tiếng Việt”. Nhiều bạn đã nhắn tin gửi các thắc mắc về cho trang, mỗi câu hỏi như một thử thách mà anh phải trả lời một cách có trách nhiệm với tinh thần cầu thị và cẩn trọng.
Từ khi dành nhiều quan tâm hơn cho tiếng Việt, anh Lộc cho rằng mình nhạy cảm hơn với từng tiếng nói xung quanh. Đó không còn là âm thanh phát ra từ một cá nhân cụ thể nữa, mà với anh, đã trở thành một “tín hiệu quy ước” gần trăm triệu người cùng chia sẻ.
Nội dung & Ảnh
-
Trọng Nhân
Thiết kế
-
Vũ Hoàng - Bảo SuZu
Trình bày
-
Đình Khánh
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đang lập đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ, học tập và gìn giữ tiếng Việt.
Hiện có hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tiếng Việt đang đối mặt với nguy cơ bị mai một trong các thế hệ trẻ người Việt sinh sống và sinh ra ở nước ngoài.
Để gìn giữ và phát huy ngôn ngữ dân tộc, người Việt ở khắp thế giới đã và đang có những lớp dạy tiếng Việt cho con trẻ hay cho người nước ngoài.
Có một ngôi trường ở Úc có tên rất đáng yêu: Trường Yêu Tiếng Việt. Trường do tiến sĩ Nguyễn Thế Dương và chị Hoàng Thị Thu Thủy thành lập vào tháng 11-2016 tại thành phố Brisbane (Úc). Anh Dương cho biết trước đây mình từng làm việc ở Viện Ngôn ngữ học tại Hà Nội trước khi sang Úc làm nghiên cứu sinh chuyên ngành ngôn ngữ học và hiện định cư tại đây.
Anh Dương nhận thấy người Việt tại Úc nói riêng và người Việt ở nước ngoài nói chung có nhu cầu rất lớn trong việc giữ gìn tiếng Việt thông qua việc dạy con nói và hiểu tiếng Việt. Tháng 11-2016 tại Brisbane, một câu lạc bộ đọc sách mang tên Yêu Tiếng Việt ra đời, đây là tiền thân của Trường Yêu Tiếng Việt.
Anh Dương cho biết để dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài, rất cần có một bộ giáo trình phù hợp với năng lực tiếng Việt và cả tư duy của số học sinh này. Do đó từ năm 2017, anh Dương đã cùng với hai đồng nghiệp là tiến sĩ Phạm Thi Hương Quỳnh và thạc sĩ Trần Hương Thục biên soạn bộ giáo trình Tiếng Việt của em - bộ giáo trình được xem là đầu tiên dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai cho trẻ em. Bộ sách của nhóm tác giả mất 2 năm mới hoàn thành và đã được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành.
Các lớp tiếng Việt ban đầu tại Brisbane dạy trực tiếp với một nhóm nhỏ học sinh. Năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, các lớp được chuyển sang trực tuyến. Kể từ đó, Trường Yêu Tiếng Việt có thêm nhiều học sinh là con em người Việt sống ở nhiều quốc gia trên thế giới tham gia học trực tuyến. Việc dạy online đã mở ra một cơ hội mới cho người muốn học tiếng Việt lẫn tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn cho trường.
Lớp được chia theo trình độ, lớp cơ bản dành cho học sinh đã biết tiếng Việt và học sinh chưa biết nhiều tiếng Việt. Anh Dương cho biết với mỗi học sinh, anh đều động viên “Tiếng Việt đẹp và hay lắm, tiếng Việt rất thú vị” và mời các học sinh cùng khám phá tiếng Việt một cách vui tươi, hấp dẫn qua các trò chơi ngôn ngữ, các hình thức tương tác trong lớp như đọc bài, tự đọc bài luận, nhận xét bài của bạn, chơi trò chơi...
Trong một tiết học dạy các động từ “yêu, thích, ghét, muốn...”, khi anh Dương hỏi “Các con có yêu Việt Nam không?” thì các bạn lập tức giơ tay và tranh nhau nói. Một bạn có cha người Úc và mẹ người Việt nói tiếng Việt trả lời ngay: “Con yêu Việt Nam nhiều lắm lắm lắm lắm lắm”. Một bạn khác nói: “Con rất yêu Việt Nam”.
Anh Dương cho biết các bạn nhỏ này muốn nói thật nhiều nhưng không đủ vốn từ. Anh Dương “phiên dịch” giúp lời các bạn muốn nói là: “Con yêu Việt Nam lắm. Con muốn về Việt Nam lắm lắm để gặp ông bà, để được nói tiếng Việt. Thế mà COVID mấy năm qua làm con không thể về được. Nhưng con sắp được về rồi”.
Hiện Trường Yêu Tiếng Việt có khoảng 300 học sinh từ hơn 25 quốc gia trên thế giới, đa số ở Mỹ và Úc. Bên cạnh việc dạy tiếng Việt, trường đang đào tạo nhiều giáo viên với mục tiêu có thể tiếp nhận khoảng 1.000 học sinh vào cuối năm 2022.
Chị Nguyễn Thị Liên, giáo viên dạy tiếng Việt tại Kuala Lumpur (Malaysia), cho biết chị và đồng nghiệp tên Hương đang dạy tiếng Việt cho khoảng 30 học sinh, trong đó có những lớp chỉ 2-3 học sinh. Lớp học tiếng Việt được chia theo trình độ và độ tuổi. Mỗi đợt tuyển sinh có khi 10-15 bạn đăng ký nhưng không phải tất cả đều kiên trì theo lớp. Tuy nhiên, cho dù có lớp số học sinh chỉ còn 2 bạn thì các cô vẫn duy trì dạy.
Chị Liên trước đây là giáo viên dạy văn bậc trung học phổ thông ở Việt Nam trước khi theo chồng sang Malaysia sinh sống. Chị cho biết việc cho con học tiếng Việt khi sống ở nước ngoài không phải là ưu tiên trong kế hoạch đào tạo của cha mẹ. Đầu tiên là hòa nhập và học văn hóa như trẻ em bản xứ, rồi học tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Mã để hòa nhập cuộc sống, sau đó mới học tiếng Việt.
Chị Liên cho hay với học sinh biết nói tiếng Việt sẵn, sau khoảng 3 - 4 tháng các em có thể ghép vần và đọc chữ, sau khoảng 6 - 8 tháng có thể đọc viết trôi chảy. Mục tiêu học tiếng Việt của con em kiều bào có thể chỉ là để giao tiếp với ông bà và họ hàng, nhưng theo chị, tiếp cận với tiếng Việt là các em có cơ hội hơn để tiếp cận với văn hóa Việt, gần gũi hơn với quê hương, đất nước.
Chị Liên cũng chia sẻ, cùng với thời gian, quan điểm về việc cho con học tiếng Việt của các cha mẹ Việt ở nước ngoài có sự thay đổi. Ngày càng có nhiều bậc cha mẹ coi trọng việc học tiếng Việt như là một cách để giữ gìn gốc rễ, văn hóa Việt cho các con.
Lớp tiếng Việt ở Malaysia ra đời năm 2016 theo sáng kiến của bà Trần Thị Chang - hiện là chủ tịch Hội người Việt Nam tại Malaysia. Trở về Malaysia sau đó, bà liên hệ các bên để mở lớp dạy tiếng Việt đầu tiên tại Kuala Lumpur vào tháng 10-2016. Ban đầu các lớp học đều miễn phí. Từ tháng 8-2018, theo đề nghị của một số phụ huynh học sinh, các cô cân nhắc và quyết định thu một khoản học phí tượng trưng là 70 ringgit/tháng (380.000đ/ tháng) cho 4 buổi học, mỗi buổi 60 phút.
Số tiền này một mặt trang trải cho chi phí học tập của lớp, một mặt hỗ trợ việc đi lại và việc đầu tư thời gian, công sức giảng dạy của giáo viên. Tuy nhiên, với các gia đình khó khăn thì học sinh vẫn được miễn giảm học phí.
Đại sứ quán Việt Nam cũng hỗ trợ sáng kiến dạy học tiếng Việt của cộng đồng bằng cách cho mượn phòng để dạy học. Khi lớp chuyển sang học trực tuyến do đại dịch COVID-19, Đại sứ quán hỗ trợ các cô giáo tiền mua tài khoản Zoom Pro để các buổi học được tổ chức hiệu quả.
Theo anh nguyễn Thế Dương, đối với việc dạy tiếng việt ở nước ngoài thì đối tượng quan trọng là trẻ em gốc việt vì đây chính là những người cần gìn giữ tiếng việt nhất. Dạy tiếng việt cho các bé không phải chỉ đơn thuần là tiếng việt, mà hơn hết là nuôi dưỡng và khơi gợi những tình cảm, cảm xúc dành cho việt nam. Tiếng việt giúp các em gắn bó nhiều hơn với quê hương, đồng thời là hành trang quan trọng của các em trong các xã hội đa văn hóa và hội nhập.
Anh Dương cho biết không như người nước ngoài học tiếng việt, đa số học sinh gốc việt đều có sự kết nối mạnh mẽ với việt nam như có cha mẹ, ông bà là người việt và vẫn được tiếp xúc với tiếng việt hằng ngày, có thể nghe - hiểu dù có thể các em không nói, viết được. “Tình yêu việt nam và tiếng việt có sẵn trong mỗi người nên việc học dễ dàng hơn người nước ngoài khi bắt đầu”, anh Dương nói.
Nội dung
-
Hồng Vân
Thiết kế
-
Vũ Hoàng - Bảo SuZu
Trình bày
-
Đình Khánh
Chị Đỗ Thúy Hà bén duyên với việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài từ năm 1998. Khi đó, Trường đại học Chulalongkorn ở Bangkok (Thái Lan) cần người dạy tiếng Việt cho một số nghiên cứu sinh người Thái Lan các chuyên ngành lịch sử, văn học.
Mục tiêu dạy là để các nghiên cứu sinh này có thể đọc hiểu được cơ bản các văn bản các văn bản tiếng Việt và phát âm đúng được các địa danh, tên người trong một số văn bản lịch sử để đối chiếu với văn bản, sử ký của Thái Lan trong quá trình nghiên cứu.
Năm 1999, Trường Chulalongkorn có nhu cầu tuyển giáo viên dạy tiếng Việt thường xuyên ở bộ môn ngôn ngữ phương Đông thuộc khoa ngữ văn. Tiếng Việt lúc đầu được mở như một môn học lựa chọn cho sinh viên, nhưng từ năm 2014 thì mở thành chuyên ngành phụ (minor) cho sinh viên của trường.
Trong những giờ trên lớp, chị Hà thường có câu hỏi khảo sát lý do sinh viên chọn học tiếng Việt. Có sinh viên trả lời học cho bố mẹ vui, học để đến Tết biết viết thiệp tết, nói chúc mừng năm mới với ông bà. Một số sinh viên muốn học tiếng Việt để đi du lịch Việt Nam.
Theo chị Hà, trong ASEAN nhìn qua nhìn lại 10 nước, Việt Nam được các sinh viên đánh giá là một trong những nước có tiềm năng về phát triển, nhiều bạn hy vọng việc biết tiếng Việt sẽ giúp mình có thêm cơ hội làm việc cho các công ty Thái Lan ở Việt Nam hoặc cơ quan ngoại giao.
Người Thái Lan học tiếng Việt tương đối nhanh vì giữa hai ngôn ngữ có nhiều yếu tố thuận lợi và tương đồng. Sự tương đồng đầu tiên và quan trọng nhất là ở cấu trúc ngữ pháp. Ngoài ra, tiếng Thái có thanh điệu mặc dù không hoàn toàn giống như thanh điệu của tiếng Việt nhưng người học hiểu được yếu tố thanh điệu đã là sự khởi đầu tốt. Tiếng Việt sử dụng các ký tự a,b,c...,so với các ngôn ngữ châu Á khác là tương đối dễ viết, dễ bắt đầu.
Chị Hà kể: “Dạy tiếng Việt cho sinh viên có nhiều bất ngờ thú vị. Tôi hay cho sinh viên trình bày về các chủ đề mở, như bạn thích gì về Việt Nam, và phần trình bày của các bạn nhiều lần khiến tôi bất ngờ. Chẳng hạn nhờ sinh viên giới thiệu mà tôi mới biết đến một số bài hát thịnh hành trong giới trẻ ở Việt Nam”.
Sau nhiều năm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, chị Hà cho biết chị vẫn trăn trở một điều là có rất ít sinh viên học tiếng Việt xong có thể dùng tiếng Việt trong công việc. Dù biết thêm tiếng Việt thì có lợi thế khi xin việc nhưng thực tế các bạn chẳng có mấy cơ hội dùng.
p Có sinh viên rất giỏi, khi tốt nghiệp làm trợ lý tổng giám đốc vì công ty sắp hoạt động ở Việt Nam, nhưng bạn chỉ dùng tiếng Việt được trong vài dịp khi có đoàn Việt Nam sang. Ngay cả với cơ hội đó, bạn kể: Cô ạ, em cũng chỉ nói “Vâng, xin mời đi ăn cơm” hoặc “Chào các anh các chị”, còn vào cuộc họp tất cả đều nói tiếng Anh - chị Hà cho biết. “Thật sự tôi thấy rất tiếc cho các bạn, nhiều sinh viên học rất giỏi, viết bài luận sắc bén, câu từ rất hay nhưng học xong ra trường lại không dùng đến tiếng Việt” - chị Hà chia sẻ thêm.Ở châu Á, Hàn Quốc là điển hình về việc đã biến ngôn ngữ và văn hóa quốc gia mình thành một thứ “quyền lực mềm”, từ đó thu hút nhiều người trẻ ham thích học tiếng Hàn vì yêu thích âm nhạc, điện ảnh và thần tượng các nghệ sĩ Hàn Quốc. Theo chị Hà, Chính phủ Việt Nam cần tính đến chiến lược phổ biến ngôn ngữ ra thế giới như những gì Hàn Quốc đã và đang làm.
“Chiến lược phổ biến tiếng Việt ở nước ngoài của Việt Nam chủ yếu là hướng đến con em Việt kiều sống ở nước ngoài, nhưng yêu tiếng Việt hoặc yêu Việt Nam thì không nhất thiết chỉ giới hạn trong số những người có cội nguồn Việt”, chị Hà nhận định. Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi một số Việt kiều ở Thái Lan học tiếng Việt để bố mẹ vui lòng mà không thực sự ham thích thì kết quả cũng không bằng những người học tiếng Việt vì tình yêu thực sự.
“Để hội nhập ra ngoài, dĩ nhiên dựa vào Việt kiều là yếu tố quan trọng nhưng mình cũng cần tìm những đối tác, những người bạn nước ngoài thực sự yêu quý Việt Nam. Khi Việt Nam có những bạn mới, như những người ham thích nghiên cứu một khía cạnh nào đó về Việt Nam, họ sẽ là người quảng bá hình ảnh của Việt Nam tại các hội thảo, diễn đàn quốc tế hiệu quả nhất”, chị Hà bày tỏ.
Theo chị Hà, để quảng bá Việt Nam bằng văn hóa, âm nhạc, điện ảnh thì cần có sự đầu tư lớn, hệ thống và lâu dài. Trước mắt, Việt Nam có thể đầu tư một kênh dạy tiếng Việt dài hạn có phụ đề tiếng Anh, mời người nước ngoài nói được tiếng Việt chuẩn trong các đoạn hội thoại tiếng Việt để tạo động lực cho những người nước ngoài khác thấy “cũng là người nước ngoài mà họ nói tiếng Việt được tốt như vậy”.
Trong số các sinh viên của chị Hà, có người học tiếng Việt vì yêu Việt Nam. Có một sinh viên học tiếng Việt vì là phật tử của Làng Mai và muốn học tiếng Việt để khi đến làng có thể trò chuyện cùng các quý thầy cô.
Có bạn đặc biệt thích tìm hiểu lịch sử: lịch sử Phật giáo, lịch sử Việt Nam, đọc hiểu sâu và nhớ rất tốt. Có một sinh viên chuyên ngành tiếng Trung nhưng yêu tiếng Việt. Bạn rất thích đọc sách về lịch sử Việt Nam, đọc cả Nhật ký trong tù. Một số bạn sau khi ra trường một thời gian còn nhắn tin hỏi "Cô ơi em nhớ lớp lắm, cô có bài nào dịch không thì cho em dịch".
Nội dung
-
Hồng Vân
Thiết kế
-
Vũ Hoàng - Bảo SuZu
Trình bày
-
Đình Khánh
Năm cuối đại học ở Úc, tôi đăng ký một khóa học tiếng Việt để bổ sung cho chuyên ngành đang theo học và cũng muốn hiểu thêm về Việt Nam. Tôi rất quan tâm Việt Nam, quan tâm chính trị và lịch sử đất nước này, đó là sự khởi đầu của tôi với tiếng Việt.
Từ năm 1990, tôi làm việc ở Bộ Ngoại giao, nghiên cứu khu vực Indochina (bán đảo Đông Dương) nên công việc của tôi có liên quan Việt Nam. Do yêu cầu công việc, tôi phải học tiếng Việt chăm chỉ trong thời gian tròn một năm. Đó là vào năm 1992, khi tôi 25 tuổi.
Tôi bắt đầu học tiếng Việt trong bối cảnh Internet không phổ biến và không có các loại tài liệu phong phú như bây giờ. Tôi ngồi trong phòng với một cái headphone và băng cassette. Tôi phải nghe băng hàng giờ (khoảng 6 - 8 tiếng) và tập nói tiếng Việt, luyện tập các cấu trúc, ghi nhớ từ mới.
Chỉ đến khi hoàn thành bài, chúng tôi sẽ chuyển sang bài mới. Khi đó học rất căng thẳng nhưng nhiệt huyết của tuổi trẻ giúp tôi vượt qua các khó khăn trong việc học một ngôn ngữ mới. Sau một thời gian tôi có thể nói và hiểu được tiếng Việt và càng có thêm động lực.
Tôi học tiếng Việt ở thành phố Melbourne, nơi có cộng đồng lớn người Việt sinh sống. Tôi đi nhà hàng Việt, đi chợ Việt để thực hành ngoại ngữ. Năm 1992, chúng tôi có chuyến đi thực tế ở Việt Nam trong 2 tuần. Chuyến đi giúp tôi hiểu hơn về con người và văn hóa Việt Nam, từ đó thêm say mê tìm hiểu về đất nước này.
Tôi đến Việt Nam công tác năm 1993 - 1995. Suốt thời gian đó tôi học và cố gắng sử dụng tiếng Việt mỗi ngày trong công việc và cuộc sống, trò chuyện với bạn bè. Sau đó tôi làm việc ở New York, Geneva, Sri Lanka rồi trở về quê hương... nhưng có gì đó trong tôi thôi thúc tôi giữ tiếng Việt của mình. Tôi cố gắng nói tiếng Việt bất cứ khi nào có thể.
Chẳng hạn khi làm việc ở Liên Hiệp Quốc tại New York và tại Geneva (Thụy Sĩ), tôi làm quen với các đồng nghiệp Việt Nam. Tôi đến chào hỏi và giới thiệu mình bằng tiếng Việt, kể về khoảng thời gian tôi ở Việt Nam. Việc này giúp tôi ngay lập tức tạo sự kết nối với họ.
Trong nhiệm kỳ đại sứ tại Việt Nam hiện tại, tôi vẫn cố gắng sử dụng tiếng Việt mỗi ngày. Tôi thấy mình may mắn khi có thể nói tiếng Việt trôi chảy. Tôi thực hành tiếng Việt thường xuyên bằng cách trò chuyện với các nhân viên ở văn phòng, ở nhà, với người lái xe và khi làm việc với các lãnh đạo người Việt. Tôi luôn bắt đầu câu chuyện với tiếng Việt và điều này rất quan trọng với tôi.
Tôi thấy người Việt Nam rất nồng hậu khi chia sẻ về ngôn ngữ. Một trong những lý do tôi có nhiều cơ hội nói tiếng Việt là vì người Việt luôn động viên khen ngợi và sẵn sàng trao đổi lại bằng tiếng Việt. Ngoài ra tôi thấy niềm vui trong ánh mắt người Việt khi tôi nói chuyện bằng ngôn ngữ của họ. Điều này thật xúc động.
Phần lớn người nước ngoài học tiếng Việt vì thực sự họ quan tâm Việt Nam. Tiếng Việt là một ngôn ngữ khó nhưng tôi cho rằng những người muốn đầu tư, học tập hay làm việc với Việt Nam đều có chung suy nghĩ là cuộc sống của họ sẽ tốt hơn nhiều nếu họ có thể nói một ít tiếng Việt. Đó là một nhu cầu tự nhiên.
Để khuyến khích người nước ngoài học tiếng Việt, tôi nghĩ các công ty hay tổ chức có thể hỗ trợ học phí, cung cấp thông tin về nơi dạy và các khóa học tiếng Việt cho người nước ngoài mới đến. Tôi hy vọng sẽ có nhiều người nước ngoài nói tiếng Việt hơn trong tương lai.
Bà ROBYN MUDIE
Đại sứ Úc tại Việt Nam
Đề án ngày tôn vinh tiếng việt là một trong bốn biện pháp đột phá của Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu của đề án ngày tôn vinh tiếng Việt là tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng việt trong cộng đồng người việt nam ở nước ngoài nhằm khuyến khích kiều bào học tập, giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc; ghi nhận, động viên các cá nhân, tổ chức, hội đoàn có đóng góp tích cực trong việc giữ gìn và lan tỏa tiếng việt trong cộng đồng người việt nam ở nước ngoài; tạo động lực, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng việt, huy động nguồn lực kiều bào giữ gìn tiếng việt trong cộng đồng.
Năm 2021, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo đề án ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Hầu hết các ý kiến thống nhất lấy ngày 8-9 hằng năm làm ngày tôn vinh tiếng việt. ngày 8-9 là ngày Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa phát động phong trào “Bình dân học vụ”, cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ III hội nhà báo Việt Nam: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Bộ Ngoại giao đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước để hoàn thiện đề án trong thời gian sớm nhất, cụ thể là trong năm 2022.
Cho đến nay Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài như: đề án hỗ trợ dạy và học tiếng việt cho người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2004 - 2008 với sản phẩm là hai bộ sách Tiếng Việt Vui và Quê Việt, đề án tăng cường dạy tiếng việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 2016, đề án nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 2017, cuộc thi biên soạn sách giáo khoa dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài năm 2021...
Tổ chức các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho hơn 700 giáo viên kiều bào, góp phần thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt phát triển mạnh ở các nước châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ...
Ông ĐINH HOÀNG LINH
Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ
Ngoại giao
Nội dung
-
Hồng Vân
Thiết kế
-
Vũ Hoàng - Bảo SuZu
Trình bày
-
Đình Khánh
-
Đọc lại
Yêu Tiếng Việt
-
Đọc tiếp
Tôn Vinh Tiếng Việt
-
Đọc lại
Tôn Vinh Tiếng Việt
-
Đọc tiếp
Dạy Tiếng Việt
-
Đọc lại
Dạy Tiếng Việt
-
Đọc tiếp
Học Tiếng Việt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận