Đội tàu gia đình của ông Lành - Ảnh: TRẦN MAI
Tôi là ngư dân, đâu liên quan gì đến chính trị hay khủng bố mà khép tôi vào. Nói thiệt, dưới biển cỡ nào tôi cũng không ngán, nhưng lên bờ thấy mình thua thiệt đủ đường.
Ông Bùi Ngọc Lành
Một ngày cuối tháng 9, tôi ghé làng biển Gành Cả (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) để thăm ngư dân Bùi Ngọc Lành (57 tuổi), xem cuộc sống của ông bây giờ thế nào sau cú đâm đoạt mạng của tàu Trung Quốc số hiệu 46106, khiến tàu cá QNg 90289 mãi mãi nằm lại đáy biển Hoàng Sa hơn một năm về trước.
Vợ ông Lành chỉ tay về phía cảng Sa Kỳ nói: "Ổng ở ngoải, đang coi lại ngư cụ, chuẩn bị đi biển".
Người đàn ông nhớ biển
Buổi chiều, nắng trải từng vạt dài nơi bến cảng Sa Kỳ, nền biển lấp lánh như ánh châu sa. Những chiếc thuyền neo nơi bến cảng cứ nhấp nhô theo sóng. Ông Lành đang ngồi trong cabin tàu xem lại định vị, vị trí ngồi thoải mái nhất trong cuộc đời ông. "Tôi đóng xong tàu này vào tháng 3, đi khơi được bảy chuyến rồi", ông nói.
Trời tối dần, những chiếc tàu đánh bắt gần bờ nối nhau lao ra biển, ông Lành từng xin làm ngư dân trên đội tàu này sau thời điểm con tàu QNg 90289 của ông bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
"Có những ngày tôi lang thang mãi, xuống cảng nhìn tàu chạy ra chạy vào. Tôi nhớ biển quá chừng, thế là xin đi bạn cho đỡ nhớ. Anh em đưa mấy đồng thì đưa", ông Lành nói.
Ý chí biển khơi của ông Lành rền khắp Hoàng Sa, tất cả những ngư dân đi lặn ở vùng biển này đều tường tận sự gan lì của ông. Ông thích ngồi vào vị trí lái tàu, dọc ngang biển Hoàng Sa mà chỉ huy đánh bắt.
Mấy chục năm làm thuyền trưởng, ông như chiếc mỏ neo giữ vững tinh thần của hàng chục con tàu trong tổ đội trước thiên tai và nhân tai. Bất kỳ tàu nào gặp chuyện, ông đều bỏ phiên biển hướng mũi tàu lao đến ứng cứu.
Cuộc đời ông không đếm hết bao nhiêu lần bỏ đánh cá để hỗ trợ anh em. Giữa biển Hoàng Sa, ông là một người hùng của ngư dân. Vì vậy đi bạn trên tàu đánh bắt gần bờ là nỗi đau quá lớn với ông Lành.
Những đêm làm ngư dân gần bờ, mùi biển cũng mặn nhưng lòng ông Lành nhạt thếch. Một người bản lĩnh như ông, sao có thể mọt phận áo cơm như vậy? Ông tự hỏi mình rồi gom hết của cải gia đình để "đánh cược" với Hoàng Sa.
"Cái ngày tôi nhận được tiền hỗ trợ tai nạn biển của Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh được 500 triệu đồng, tôi đề đạt luôn nguyện vọng vay tiền đóng tàu mới, một ngân hàng chấp thuận cho tôi vay 800 triệu đồng nữa.
Với số tiền ấy đủ đóng một con tàu công suất nhỏ. Nhưng với tôi tàu phải lớn, máy phải mạnh mới đủ sức đối chọi với bao hiểm họa rình rập ở Hoàng Sa" - ông Lành nói.
Thế là ông gom hết sổ đỏ của sáu người trong gia đình đi thế chấp, vay thêm 2,4 tỉ đồng, đóng con tàu 800 mã lực, dài 25m, bọc thép toàn mạn tàu. Ngày con tàu hạ thủy đến nay, ông Lành đã 8 tháng bám Hoàng Sa, đuổi theo từng đợt cá dưới đáy đại dương.
Ngồi ở vị trí lái tàu, ông Lành thấy thoải mái nhất vì được chỉ huy toàn đội đánh bắt - Ảnh: TRẦN MAI
Xin cấp lại số hiệu tàu đã bị đâm chìm
Với những người xem biển là nguồn sống, bám giữ vùng lãnh hải nước nhà là mệnh lệnh của tiền hiền để lại. Đóng tàu mới xong, ông Lành xin cấp lại số tàu cũ, vẫn là QNg 90289.
Tôi hỏi "tại sao", ông bảo: "Vì tôi vẫn nhớ con tàu cũ, nó là một người bạn. Phiên biển nào tôi cũng ghé tọa độ đó thăm nó. Ba lần tôi lặn xuống xem, thấy tàu nằm yên chỗ cũ. Số hiệu vẫn còn thấy rõ, rêu chưa bám kín".
Tàu mới, là tài sản cuối cùng của sáu gia đình mang ra đánh cược, với "biên chế" cứng trên tàu là năm cha con ông và một người em rể. Sau biến cố tàu chìm, những người trong gia đình ông lại thêm quyết tâm. Ông Lành chỉ tay về phía năm "người lính" của mình, đọc tên từng người. Trong số đó có hai con rể, một em rể của ông và hai con ruột.
Rồi ông nói: "Đây là đội tàu gia đình...". Ông Lành cho rằng sau biến cố tàu chìm, các con ông cũng như gia đình ông trở nên yêu biển hơn, đoàn kết hơn và cẩn thận hơn dù sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn trên con đường phía trước.
Trời tối mịt, nước sóng sánh dưới ánh đèn pha, các con của ông Lành tranh thủ lo chu toàn mọi thứ để ngày mai trở lại vùng biển Hoàng Sa. Anh Thuận, con ông Lành, tâm tình: "Ba tôi yêu biển lắm. Từ sau biến cố, có lẽ ông lo lắng nhiều hơn.
Bây giờ ngoài cầm lái, ông còn chỉ dạy lại cho anh em tôi từng điểm đảo Hoàng Sa, mùa nào thì đánh bắt ở đâu. Anh em tôi đã học được nhiều kinh nghiệm của ba".
"Cuộc chiến" trên bờ với công ty bảo hiểm
Cái số ông Lành quả thật lênh đênh, "cuộc chiến" biển khơi khắc nghiệt ông đã kiên định vượt qua nhưng "cuộc chiến" trên bờ đôi lúc khiến ông kiệt lòng, mất hết niềm tin. Con tàu QNg 90289 (tàu cũ) bị đâm chìm, vậy mà phía bảo hiểm kiên quyết không chịu đền bù, dù ông Lành đã mua bảo hiểm toàn thân tàu trị giá 1,5 tỉ đồng.
Tổng công ty bảo hiểm Bảo Minh cho rằng kết quả giám định nguyên nhân cho thấy tàu cá của ông bị tàu Trung Quốc đâm trực diện vào phía sau lái tàu làm tàu cá bị bể lái hoàn toàn, kết cấu khung sườn bị phá vỡ, nước tràn vào gây chìm.
Sự cố tổn thất này xảy ra do hành động cố ý đâm chìm của tàu Trung Quốc. Vì vậy theo điều khoản loại trừ 5.4.4, Bảo Minh không chịu trách nhiệm bồi thường dựa theo điều khoản 5.4.4 (có nội dung "Bảo Minh không chịu trách nhiệm bồi thường mọi hư hỏng, mất mát, tổn thất do hành động phá hoại hoặc khủng bố có tính chất chính trị").
"Tôi là ngư dân, đâu liên quan gì đến chính trị hay khủng bố mà khép tôi vào. Nói thiệt, dưới biển cỡ nào tôi cũng không ngán, nhưng lên bờ thấy mình thua thiệt đủ đường", ông Lành chua chát.
Vậy đấy, giữa ngổn ngang sóng trào để ra Hoàng Sa bám biển không phải là câu chuyện giản đơn đối với ông Lành. Ông đã kiên trì để vượt qua biên độ của mỏi mệt và trắng tay. Biển khơi sẽ tiếp tục là cuộc chiến mưu sinh của ông và con cháu ông. Còn cuộc chiến trên bờ với công ty bảo hiểm, ông vẫn đang chờ công lý...
Mệt mỏi vì vụ kiện
Những thủ tục pháp lý khiến ông Lành mệt mỏi. Chữ nghĩa không phải sở trường của ông, nhưng ông vẫn muốn đòi lại công bằng cho mình. Ở Gành Cả, còn nhiều thuyền trưởng mất tàu lâm cảnh nợ nần đang ngóng theo vụ kiện của ông.
Dù luật sư của ông Lành đã làm thủ tục khởi kiện từ tháng 12-2017, sau hai lần hòa giải, phía Bảo Minh vẫn không đồng ý bồi thường. "Hiện đang chờ tòa lên lịch, đưa vụ kiện ra xét xử" - luật sư của ông Lành cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận