Chị Asmara không cầm được nước mắt khi nói chuyện với phóng viên AFP ngày 23-4 - Ảnh: AFP
"Lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện là hôm thứ hai (19-4), trước khi anh ấy đi làm nhiệm vụ", người vợ trẻ Asmara nhớ lại. Chồng cô, anh Guntur Ari Prasetyo, là 1 trong số 53 người có mặt trên tàu ngầm KRI Nanggala.
Con tàu bị mất tín hiệu rạng sáng 21-4, sau khi được lệnh phóng ngư lôi diễn tập ngoài khơi đảo Bali.
Dù chỉ đi một tuần, anh Prasetyo vẫn dặn vợ những điều chỉ thường nghe từ những người sắp đi xa. "Anh ấy dặn tôi hãy cầu nguyện cho anh ấy được về nhà sớm, dặn con gái ở nhà phải nghe lời tôi và nhớ học hành chăm chỉ", chị Asmara kể với phóng viên AFP bằng giọng đứt quãng.
Đến thời điểm hiện tại, đã hơn 60 tiếng trôi qua kể từ lúc tàu KRI Nanggala mất tín hiệu. Bất chấp các nỗ lực tìm kiếm, Hải quân Indonesia vẫn chưa thể xác định được chính xác vị trí con tàu.
Người phát ngôn quân đội Indonesia Achmad Riad thừa nhận lượng oxy trên tàu có thể chỉ đủ dùng đến 3h sáng 24-4. "Chúng tôi chỉ còn bấy nhiêu thời gian từ bây giờ đến thời điểm đó. Mọi nỗ lực tìm kiếm đang được đẩy tối đa trong ngày 23-4. Hi vọng sẽ có điểm sáng nào đó", AFP trích lời ông Riad.
Asmara ôm bức ảnh của chồng, cầu mong phép mầu sẽ xảy ra và đưa anh cùng những người khác sống sót trở về - Ảnh: AFP
Các chuyên gia tàu ngầm lo ngại lượng oxy có thể cạn kiệt trước 3h sáng 24-4. Một trong những nguyên nhân là do có tới 53 người trên tàu, trong khi thiết kế chỉ là 34 người.
Malaysia, Singapore, Úc, Ấn Độ và Mỹ đã cử lực lượng lên đường hỗ trợ Indonesia tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Con tàu có thể sẽ được tìm thấy, nhưng cơ hội để những người bên trong sống sót và trở về đất liền ngày càng ít, theo AFP.
Ông Collin Koh, chuyên gia Singapore, nhận định tàu KRI Nanggala có khả năng đã bị hư hỏng. "Nếu đúng như vậy, sẽ có rất ít không gian và lượng oxy cho các thủy thủ. Vấn đề không chỉ là liệu có đủ oxy hay không, vấn đề còn là nồng độ CO2 bên trong con tàu bao nhiêu nữa. Điều đó có thể quyết định số phận của những người bên trong tàu ngầm".
Tàu ngầm KRI Nanggala được đóng tại Đức năm 1977 và gia nhập Hải quân Indonesia năm 1981. Tàu có lượng choán nước gần 1.400 tấn khi lặn và đã 17 lần thực hiện phóng ngư lôi, trong đó 2 lần phóng ngư lôi có đầu đạn nổ. Châm ngôn của tàu là "Vững vàng đến cùng", theo báo Kompas của Indonesia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận