01/04/2016 16:12 GMT+7

Thủy điện gây mất phù sa đang giết chết ĐBSCL

CHÍ QUỐC - HOÀNG TRÍ DŨNG
CHÍ QUỐC - HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Tiến sĩ  Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ nêu ý kiến như vậy tại buổi tọa đàm sáng 1-4 về vấn đề hạn mặn đang diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL.

Lúa hè thu sớm ở tỉnh Hậu Giang bị chết do thiếu nước - Ảnh: Chí Quốc
Lúa hè thu sớm ở tỉnh Hậu Giang bị chết do thiếu nước - Ảnh: Chí Quốc

Hạn - mặn đang diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL, sáng 1-4, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ đã tổ chức tọa đàm với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý điểm lại thực trạng và tìm lối ra cho vấn đề này.

Hết hạn - mặn sẽ tới ngập lụt?

TS Dương Văn Ni, Đại học Cần Thơ cho biết xâm nhập mặn diễn ra dựa vào ba điều kiện: nước từ thượng nguồn đổ về ít, nước từ biển dâng cao và sự sụt lún của ĐBSCL.

Tuy nhiên vấn đề thiếu nước ngọt ở thượng nguồn vẫn còn có cơ hội bổ sung từ mưa, vấn đề nước biển dâng không phải là câu chuyện một sớm một chiều, còn vấn đề sụt lún do thiếu phù sa bồi cho ĐBSCL mới thật sự nguy hiểm vì nó mất đi là mất vĩnh viễn, không có cơ may phục hồi.

“Nơi mặn nhiều có thể nuôi tôm, nơi ngọt nhiều thì trồng lúa nhưng không có phù sa thì chết chắc. Tôi chưa thấy kinh nghiệm nào của người dân ĐBSCL trong vấn đề xói lở, sụt lún thì làm gì để ứng phó. Các đập thủy điện đang giết chết ĐBSCL là từ phù sa chứ không phải nguồn nước. Nếu bàn chỉ mỗi nước không thôi là không đủ”, ông Ni nói.

Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập từ Đại học Cần Thơ), cũng cảnh báo trong vòng một thế kỷ nữa, ĐBSCL sẽ thành một “tấm dẻ rách” vì tình trạng thiếu phù sa.

Ông Thiện lý giải ĐBSCL chỉ có 6.000 tuổi, còn rất trẻ, được kiến tạo bằng bùn. Cụ thể, bờ biển giáp biên giới Campuchia nhưng quá trình 6.000 năm đã bù đắp được 250km như ĐBSCL hiện nay, vì vậy nếu lượng phù sa giảm đi do các đập thủy điện gây ra thì cán cân phù sa sẽ không thắng được năng lượng biển không ngừng tác động vào ĐBSCL.

Với cách nhìn “cái gì xây lên thì lâu chứ phá vỡ thì rất nhanh”, ông Thiện cho rằng vấn đề thiếu phù sa là vấn đề rất lớn, đe dọa đến sự tồn tại của ĐBSCL trên bản đồ.

PGS TS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ) cho biết hiện tượng El Nino đang giảm dần, có thể đến cuối tháng 6 thì hết và sau đó lại chuyển sang hiện tượng  La nina gây mưa lũ.

Về vấn đề hạn - mặn, ông Tuấn cho rằng trong lịch sử không phải không có những năm thiếu hụt lượng nước như năm nay nhưng vì sao trước đây mặn xâm nhập nhiều nhất chỉ khoảng 60km nhưng năm nay lại khoảng 90km?

Ông Tuấn lý giải trước đây ĐBSCL có hai vùng trũng lớn nhất là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên trữ nước mùa mưa và khi mùa khô thì nước này sẽ chảy về hạ lưu để đẩy mặn.

Tuy nhiên hiện nay khi phát triển lúa ba vụ, các tỉnh làm đê bao, điều này làm giảm không gian trữ nước ở hai khu vực trên, hiện không còn đủ nước để điều tiết.

Ông Tuấn đề nghị ngoài yếu tố bên ngoài cần xem xét lại yếu tố bên trong từ việc làm giảm thoát nước tự nhiên như đã nêu.

Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ngày một nghiêm trọng ở ĐBSCL  khiến người dân thêm khốn đốn. Trong ảnh: Nước ngọt cạn kiệt tại một kênh nội đồng ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) - Ảnh: Chí Quốc
Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ngày một nghiêm trọng ở ĐBSCL khiến người dân thêm khốn đốn. Trong ảnh: Nước ngọt cạn kiệt tại một kênh nội đồng ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) - Ảnh: Chí Quốc

Lại “nóng”chuyện giảm diện tích lúa?

Câu chuyện giảm diện tích lúa để chuyển sang các hình thức canh tác khác tiếp tục “nóng” tại buổi tọa đàm.

Theo ông Tuấn, hiện 70% lượng nước ngọt ở ĐBSCL được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (công nghiệp chiếm 22 - 25%, còn lại khoảng 7% cho sinh hoạt), trong 70% nước cho nông nghiệp này thì 80% trong số đó dùng cho cây lúa.

“Giảm diện tích lúa thì sẽ dư nước bổ sung cho sinh hoạt. Thay vì làm lúa liên tục thì có thể làm mô hình lúa - tôm ở vùng nước lợ, nước mặn thì nuôi tôm sú… Phải làm cho người dân hiểu rằng nước ở ĐBSCL không phải là vô hạn nữa. Đánh giá bây giờ không phải ở chỗ tạo ra bao nhiêu tấn lúa/ha nữa mà là mỗi mét khối nước tạo ra bao nhiêu tiền”, ông Tuấn nói.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cũng cho rằng cách hay nhất trong ứng phó vẫn là né hạn, mặn vì việc này đã được dự đoán trước từ năm ngoái khi mưa kết thúc sớm. Tuy nhiên nếu phải chuyển đổi diện tích lúa thì theo mô hình nào, ông Thiện đề xuất chia thành ba vùng ở ĐBSCL.

Cụ thể: vùng mặn hẳn thì phát triển bền vững nhất vẫn là trồng rừng, rừng có thể che chở cho tôm và chống lại tăng nhiệt độ cũng như điều kiện biến đổi khí hậu, nhưng có nhược điểm là cần diện tích lớn.

Còn vùng sáu tháng ngọt sáu tháng mặn thì làm tôm - lúa. Hình thức canh tác này có cái lợi là lúa sau khi thu hoạch sẽ trở thành thứ cung cấp dinh dưỡng cho tôm, và tôm phát triển cũng cung cấp dinh dưỡng cho lúa, thêm vào đó làm lúa - tôm thì ít sử dụng thuốc trừ sâu ở lúa.

Còn vùng ngọt hoàn toàn thì trồng lúa. Ông Thiện đề xuất để làm được việc này thì người dân cần Nhà nước trong công tác quy hoạch sử dụng đất, bởi nếu không thì người dân tự phát làm, điều đó lại vi phạm.  

CHÍ QUỐC - HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên