09/06/2023 08:51 GMT+7

Thủy điện cạn nước, lưới điện thêm căng thẳng

2/3 thủy điện lớn nhất Việt Nam (thủy điện Sơn La và Lai Châu) đã xuống mực nước chết, lòng hồ cạn trơ đáy. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước và có thể duy trì phát điện. Nhiều thủy điện khác chạy máy cầm chừng.

Thủy điện cạn nước, lưới điện thêm căng thẳng - Ảnh 1.

Lòng hồ thủy điện Sơn La chảy qua thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên cạn trơ đáy - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Việc không thể huy động được nguồn điện từ các thủy điện đã ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống điện và cung cấp điện cho sinh hoạt của người dân, cũng như sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Vận hành dưới mực nước chết

Những ngày đầu tháng 6, phóng viên Tuổi Trẻ có mặt tại Nhà máy thủy điện Sơn La (thủy điện lớn nhất Việt Nam với công suất 2.400MW), ghi nhận từ đỉnh đập có thể thấy rõ mực nước hồ thủy điện này tụt xuống thấp hơn 30 - 40m so với vạch mực nước dâng bình thường cho phép (215m, tính từ mặt nước biển).

Ông Mai Đức Tiệp, quản đốc phân xưởng vận hành, Nhà máy thủy điện Sơn La, cho biết kể từ khi tổ máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2010, đây là lần đầu tiên mực nước hồ thủy điện Sơn La xuống mức thấp kỷ lục và nhà máy phải vận hành dưới mực nước chết (175m).

"Mấy hôm nắng nóng cao điểm, tất cả sáu tổ máy đều hoạt động. Những ngày gần đây, các tổ máy gần như dừng hoạt động, nếu chạy thì cũng rất hạn chế vì hồ đã ở mực nước chết", ông Tiệp nói.

Tại khu vực trung tâm vận hành của nhà máy, sáu kỹ sư căng mình túc trực, theo dõi hệ thống vận hành. Năm tổ máy ngừng hoạt động nhưng được kích hoạt ở trạng thái luôn sẵn sàng phát điện khi có yêu cầu.

"Trong điều kiện mực nước chết, cột nước tổ máy giảm, tuôc bin có nguy cơ rung, đảo tổ máy, nhiệt độ các tổ máy có nguy cơ tăng lên nên nhà máy phải bố trí tăng người đi kiểm tra thiết bị, tăng cường chu kỳ kiểm tra", ông Tiệp chia sẻ.

"Ở điều kiện bình thường, khoảng hai giờ các tổ máy được kiểm tra một lần, nhưng khi vận hành dưới mực nước chết thì một giờ hoặc 30 phút phải kiểm tra để đảm bảo không hỏng hóc, sẵn sàng đáp ứng điện lưới khi có yêu cầu", ông Tiệp nói thêm và thông tin ở phía hạ du nhà máy, đơn vị cũng tranh thủ nạo vét đất đá nhằm tăng thêm công suất phát điện.

Cách đập thủy điện Sơn La chừng 300km về phía thượng lưu, Nhà máy thủy điện Lai Châu (công suất 1.200MW, lớn thứ ba Việt Nam) gần như không hoạt động do đã xuống dưới mực nước chết 5m (hiện 265m).

Ông Khương Thế Anh, tổng giám đốc Công ty thủy điện Sơn La, cũng cho hay từ khi đưa vào vận hành đến nay, lần đầu tiên cả Nhà máy thủy điện Sơn La và Nhà máy thủy điện Lai Châu vận hành dưới mực nước chết.

Theo ông Anh, mùa mưa năm 2022 trên lưu vực sông kết thúc sớm nên lượng nước tích trữ trong các hồ bị suy giảm, đặc biệt năm tháng đầu năm 2023 lưu lượng nước về các hồ chứa Sơn La và Lai Châu chỉ bằng 51% so với cùng kỳ năm 2022.

Thêm nữa, 11 hồ chứa bên Trung Quốc cũng không tích được nước nên lượng nước về hồ Lai Châu, Sơn La suy giảm nghiêm trọng.

"Đây là lần đầu tiên thủy điện Sơn La và Lai Châu vận hành dưới mực nước chết. Các tổ máy thủy điện Sơn La và Lai Châu có công suất mỗi tổ là 400MW nhưng khi vận hành ở dưới mực nước chết chỉ đạt 200 - 250MW (bằng 50 - 60% công suất).

Đồng thời sau giai đoạn này phải dừng các tổ máy để kiểm tra, bảo dưỡng với mục tiêu cung cấp điện với khả năng có thể", ông Thế Anh nói.

Thủy điện cạn nước, lưới điện thêm căng thẳng - Ảnh 3.

Do hạn hán kéo dài, một số khu vực tại hạ lưu của Nhà máy thủy điện Sơn La đã cạn trơ đáy (ảnh chụp vào ngày 6-6) - Ảnh: N.KHÁNH

Thủy điện Hòa Bình cầm cự 12 - 13 ngày

Hiện Nhà máy thủy điện Hòa Bình là thủy điện duy nhất trên hệ thống thủy điện bậc thang sông Đà còn khả năng cung ứng điện.

Ông Phạm Văn Vương - giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình, cho biết những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua do thiếu hụt nguồn nên thủy điện thường huy động công suất ở mức cao, mực nước hồ xuống khá nhanh do hầu như không có nước về trên lưu vực sông Đà.

Thủy điện Sơn La thì đã xuống mực nước chết, không còn khả năng cung cấp nước bổ sung cho hồ Hòa Bình.

Lúc 17h chiều 8-6, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình chỉ còn 103,45m, giảm gần 6m so với cách đây hai tuần, trong khi lưu lượng nước về hồ chỉ khoảng 40m3/s.

Theo ông Vương, hiện nay tám tổ máy sẵn sàng vận hành nhưng nhà máy phải điều chỉnh theo giờ theo yêu cầu của hệ thống, có thời điểm tối đa 1.920MW, có thời điểm phát thấp.

Nếu cứ tiếp tục khai thác cao thì mực nước hồ sẽ tiếp tục xuống nhanh, cột áp phát điện sẽ không đủ định mức, ảnh hưởng đến khả năng phát công suất tối đa của nhà máy.

Ông Vương cho hay hiện nay lượng dự trữ công suất miền Bắc của các nhà máy thủy điện khác hầu như không còn, lượng nước về trên lưu vực sông Đà trong tháng 6 dự báo vẫn thấp, thủy điện Hòa Bình vừa phải đảm bảo dự trữ công suất, vừa phải đảm bảo dự trữ sản lượng cho thời gian tới.

Trước tình hình đó, chúng tôi phối hợp cùng với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, sẵn sàng vận hành với các kịch bản theo yêu cầu của hệ thống điện quốc gia", ông Vương nói và cho biết nếu vận hành liên tục tối đa thì khoảng 12 - 13 ngày hồ Hòa Bình sẽ xuống mực nước chết (80m).

Thủy điện cạn nước, lưới điện thêm căng thẳng - Ảnh 5.

Ông Vàng Văn Vượng, người dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La (thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên), bên chiếc thuyền mắc cạn giữa lòng hồ

Tiết kiệm điện là chỉ tiêu khen thưởng, kỷ luật cán bộ

Thủ tướng vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo với mục tiêu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng dưới 6%. Cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.

- Cơ quan công sở hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5% tổng lượng điện tiêu thụ. Đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hằng năm.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về vi phạm quy định tiết kiệm điện. Tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.

- Chiếu sáng công cộng, quảng cáo, trang trí ngoài trời phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ, ứng dụng công nghệ.

- Nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư tắt hoặc giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối.

- Đối với hộ gia đình, cần sử dụng thiết bị dán nhãn năng lượng, thực hành tiết kiệm điện thường xuyên. Khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.

- Cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ được yêu cầu xây dựng quy định nội bộ về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.

- Doanh nghiệp sản xuất được khuyến khích thỏa thuận tự nguyện thực hiện các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, lắp đặt điện mặt trời mái nhà và tư vấn thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm...

- Xây dựng chương trình huy động hệ thống phát điện dự phòng trong trường hợp xảy ra thiếu điện. Thực hiện giải pháp như sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải.

- Lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió vào hệ thống năng lượng nội bộ...

N.AN

Thủy điện chỉ đạt 23,7% công suất

Tin từ Bộ Công Thương, tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc là 5.000MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6-6 thì công suất khả dụng của thủy điện là 3.110MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt.

Thông tin nhanh từ Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp gửi bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, tính đến ngày 8-6 trên cả nước, lưu lượng nước về hồ tăng nhẹ so với ngày hôm trước nhưng vẫn thấp.

Mực nước các hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ thấp, một số hồ xấp xỉ, dưới mực nước chết; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ ở mực nước yêu cầu theo quy định của quy trình vận hành.

Trong đó, một số hồ ở mực nước chết như Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An. Một số thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không đảm bảo như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.

Bộ Công Thương cho biết đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có các giải pháp kỹ thuật, truyền thống, duy trì độ sẵn sàng các nhà máy/tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể.

Vận hành hệ thống điện hợp lý, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thủy điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt.

NGỌC AN

Lòng hồ trơ đáy, nứt nẻ

Lòng hồ cạn nước, trở thành nơi chăn thả gia súc - Ảnh: N.KHÁNH

Lòng hồ cạn nước, trở thành nơi chăn thả gia súc - Ảnh: N.KHÁNH

Ngược đập thủy điện Sơn La chừng 200km là thị xã Mường Lay (Điện Biên) - điểm cuối của hồ thủy điện Sơn La. Đây cũng là nơi hội tụ của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay, thế nhưng cả một khu vực lòng hồ rộng lớn đang trong tình trạng cạn trơ đáy.

Thuyền, nhà nổi, vó, bè của người dân nằm phơi nắng giữa lòng hồ. Những đàn trâu, bò đang gặm cỏ giữa lòng hồ thủy điện.

Ông Vàng Văn Vượng, người dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La (thị xã Mường Lay), cho biết những năm trước lòng hồ có rút nước nhưng vẫn còn chừng 1 - 2m nước, tuy nhiên năm nay thì cạn khô lịch sử, người dân có thể đi bộ qua sông. "Từ khoảng tháng 4, nước bắt đầu rút nhanh", ông Vượng cho biết.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định mùa lũ năm 2023 trên các sông suối ở Bắc Bộ ít có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm. Các đợt lũ chủ yếu tập trung trong các tháng 7 đến tháng 9-2023.

Tổng lượng dòng chảy từ tháng 6 đến tháng 8 đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 15 - 45% so với trung bình nhiều năm.

Thiếu điện: Hàng loạt câu hỏi dành cho EVNThiếu điện: Hàng loạt câu hỏi dành cho EVN

Chính phủ cần thành lập ngay đoàn thanh tra đặc biệt, với thành phần gồm các bộ Tài chính, Công Thương, Công an, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét nghiêm cẩn một số vấn đề liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên