10/11/2019 14:35 GMT+7

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 4: Tìm nguồn cá linh khác

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Khi cá linh trở nên quý hiếm, đắt đỏ thì không ít người giật mình tìm lại câu chuyện mười năm trước, lúc những người bắt tay vào nghiên cứu cho cá linh sinh sản. Họ từng bị không ít lời ra tiếng vào, coi đó là chuyện bá láp.

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 4: Tìm nguồn cá linh khác - Ảnh 1.

Tiêm thuốc kích dục cho sinh sản cá linh - Ảnh: NÔNG TIÊN SINH

Mai này, những mùa cá linh vắng bóng trên tràng giang, thì ít ra người ta vẫn có thể thưởng thức hương vị châu thổ phương Nam bằng loại cá được tạo ra từ bàn tay con người...

Mười năm bị xếp xó

Tới giờ, nhiều người vẫn không giấu được ngạc nhiên khi nghe nhắc đến chuyện cho cá linh sinh sản. Có người còn khẳng định đó là "tin giả". Vì một thời cá linh đổ đống, rẻ bèo, ai lại đi làm "chuyện bá láp" như vậy.

Đến khi cá linh trở nên hiếm hoi, xuất hiện nhiều loại cá non giống cá linh được bán giá cao, người ta lại nghi ngờ... "cá linh giả", chứ ít ai tin rằng có một nguồn cá linh khác được chủ động sinh ra. Thậm chí, ngay những người trực tiếp tham gia vào nhóm nghiên cứu thời đó còn ngạc nhiên: "Các anh vẫn còn nhớ để hỏi à?".

Chúng tôi tìm đến khoa thủy sản Đại học Cần Thơ hi vọng tìm gặp cha đẻ của công trình cho sinh sản giống cá linh, một công trình ít nhiều bị chìm trong lãng quên từ khi được công bố 10 năm trước. Đến nơi thì mới hay PGS.TS Nguyễn Văn Kiểm đã chuyển công tác, nghỉ hưu từ nhiều năm.

Từ những mối quan hệ cũ, rồi cũng tìm được ông tại căn nhà nép trong con đường nhỏ ở Cần Thơ. Trước khi vào chuyện, TS Kiểm hỏi ngược lại: "Ai nhắc anh nhớ chuyện này?". Ông không tin rằng khơi khơi lại có người nhớ và tìm ông bởi một công trình mà bản thân ông cũng ít khi nhớ đến.

Ông nói rằng khi cá linh đã bắt đầu sinh sôi theo ý con người thì ông đã bàn giao lại kết quả nghiên cứu cho các cán bộ tại Trung tâm Giống thủy sản An Giang để phát triển. Còn ông tiếp tục giảng dạy, ít khi nhắc chuyện cũ. Nhưng năm nay, khi những mùa nước nổi cạn kiệt, cá linh quá khan hiếm và đắt đỏ, nhiều người lại nuối tiếc: "Phải chi nuôi được cá linh thì hay biết mấy". Không mấy người biết rằng mơ ước ấy đã được cụ thể hóa từ nhiều năm trước.

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, chia sẻ: Thời điểm mười năm trước, đơn vị đã sở hữu nhiều quy trình sản xuất giống thủy sản như cá ba sa, cá rô phi, tôm càng xanh... Khi ấy cũng có doanh nghiệp gợi ý đặt hàng sản xuất cá linh thương phẩm cung ứng quanh năm để họ sản xuất cá hộp với quy mô công nghiệp.

Một đơn hàng quá khó, bởi cá linh chỉ bắt đầu có từ khi con nước quây mùng 5 tháng 5 đến hết tháng 10 (âm lịch). Đến hết đợt thì cá linh không còn nữa. Nếu sản xuất được cá linh trái mùa sẽ tạo giá trị thương phẩm rất cao. Lúc đó, lãnh đạo An Giang đồng ý chủ trương cho nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống cá vốn chưa phải là quý hiếm trong thời gian đó. Mục tiêu chủ động nguồn cá giống cho sau này.

Được "ra đề", họ đã tìm đến PGS.TS Nguyễn Văn Kiểm, chuyên gia đầu ngành về giống cá nước ngọt, để nhờ trợ giúp. TS Kiểm nhớ lại khi được đặt vấn đề, ông hơi ngạc nhiên nhưng cũng tâm đắc với "đề bài" mà tỉnh An Giang đưa ra.

Ông Kiểm nói cá linh không khó để cho sinh sản. Vấn đề gặp phải là cá sống trong môi trường nước chảy, đòi hỏi ngưỡng oxy cao, hệ số chuyển hóa thức ăn cao, năng suất nuôi lại thấp... Nếu nuôi thương phẩm trong thời điểm đó không cho hiệu quả kinh tế như các đối tượng cá nước ngọt khác. 

Nhưng ông nhận lời nghiên cứu là bởi cá linh quá đặc trưng cho vùng Mekong. Về lâu dài, làm chủ được nguồn giống của loài cá này sẽ rất quan trọng trong tình hình diễn biến thất thường của nguồn nước.

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 4: Tìm nguồn cá linh khác - Ảnh 3.

Đặc sản cá linh ngày càng quý hiếm ngay trong mùa lũ ở đầu nguồn An Giang - Ảnh: QUANG MINH NGỌC

Đánh thức "công trình của tương lai"

Thạc sĩ Tăng Hoàng Vinh, phó giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang, nhớ lại lúc bắt tay vào nghiên cứu, điều đầu tiên là phải tìm được nguồn giống cá linh cha mẹ. Thời điểm qua mùa, để tìm được cá linh đủ cho nghiên cứu là chuyện không dễ. Lúc này, các cán bộ ở trại giống cho hay trong các ao nuôi cá tra thỉnh thoảng vẫn thấy cá linh. Qua mùa, chúng không rút về sông mà "nán lại" ăn ké thức ăn của cá nuôi.

Thế là cuộc săn lùng cá linh được triển khai. Các ao cá nuôi tại trại giống Trung tâm Giống thủy sản An Giang được kéo lưới tìm cá linh. Kết quả đã tìm đủ số cá linh cần thiết phục vụ nghiên cứu. TS Nguyễn Văn Kiểm nhớ lại tuy nguồn cá bắt từ An Giang nhưng cho sinh sản lại được thực hiện ở Ô Môn (Cần Thơ), vì nơi đây đủ cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Việc cho sinh sản cá linh cũng được tiến hành theo quy trình giống như cho sinh sản các loài cá khác.

Cá linh bắt lên được cho vào các bể composite, cung cấp đủ oxy trong 12 giờ để cá ổn định, sau đó mới tiến hành can thiệp cho đẻ trứng. Thế nhưng, mẻ cá đầu tiên không thành công. Cá linh không đẻ trứng như trông đợi. Đến mẻ cá thứ hai cũng không thành công. Ông Kiểm nói cũng có ý kiến nghi ngờ đặc tính sinh sản của cá linh. Nhưng ông tin quy trình của mình và các cộng sự là đúng. Vậy thì lỗi do đâu?

Ông tiếp tục cho dưỡng số cá linh cha mẹ thật kỹ lưỡng vì cá linh yếu, dễ chết, dễ chịu tác động do môi trường sống. Một thời gian sau, cá khỏe hơn mới bắt tay vào quy trình cho sinh sản. Lần này thì nhóm nghiên cứu thành công.

Ông Vinh kể các thành viên trong nhóm nhiều đêm thức trắng để canh cá. "Khi mẻ cá đầu tiên chịu đẻ, chúng tôi mừng như trúng số", ông Vinh nhớ lại. Trứng cá được đưa qua bể ấp, 10-14 giờ sau nở cá con, còn gọi cá bột. Thời gian từ cá bột lớn lên thành cá đạt kích cỡ 2-3 gram/con để khai thác thương phẩm phải mất thêm 35-40 ngày. Ông Vinh nhớ lại lứa cá đầu tiên được đưa ra đúng rằm tháng 7, thời gian cá linh non tự nhiên đang ngập tràn các cánh đồng. Vì vậy mà ít ai quan tâm đến nguồn cá linh có "khai sinh" khác lạ này.

Ngay cả khi việc cho cá linh sinh sản nhân tạo thành công, công trình nghiên cứu của nhóm ông Nguyễn Văn Kiểm cũng chưa được nhìn nhận đúng tầm quan trọng của nó. Người không hiểu cho đó là "chuyện bá láp" vì cá linh có thiếu chi đâu mà phải nuôi. Người hiểu chuyện thì cho rằng đó là kết quả nghiên cứu cho tương lai xa vời.

Ông Kiểm nhớ lại khi việc cho cá linh sinh sản được kết quả tốt, ông đã dặn học trò sản xuất cá nên "né" mùa cá linh, vì lúc đó cá ngoài tự nhiên rất nhiều, cá nuôi bán ra sẽ không được giá. Thế nhưng, 10 năm sau kể từ ngày ấy, cá linh dần ít đi theo mùa nước và trở nên quý hiếm. Không ai nghĩ rằng so với thời điểm ấy, giá cá linh ngay tại đồng giờ đã tăng lên gấp hơn... 10 lần, thậm chí cao hơn nữa.

Đến lúc này thì người ta mới giật mình nhớ lại từng có công trình nghiên cứu thành công cho sinh sản cá linh nhân tạo. Doanh nghiệp lại ngỏ ý đặt hàng sản xuất cá linh trái mùa với sản lượng lớn...

_____________________

Đón xem kỳ cuối: Cá linh về phố

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 3: Mùa không đặng cá Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 3: Mùa không đặng cá

TTO - Con đường vành đai biên giới dọc theo kinh Vĩnh Tế (tỉnh An Giang) cứ mỗi hừng đông và xế chiều là có cảnh chờ đợi. Thương lái khấp khởi khi từ xa, phía đồng nước lênh láng, xuất hiện những chiếc xuồng lưới cá linh xuôi về...


TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên