09/11/2019 13:33 GMT+7

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 3: Mùa không đặng cá

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Con đường vành đai biên giới dọc theo kinh Vĩnh Tế (tỉnh An Giang) cứ mỗi hừng đông và xế chiều là có cảnh chờ đợi. Thương lái khấp khởi khi từ xa, phía đồng nước lênh láng, xuất hiện những chiếc xuồng lưới cá linh xuôi về...

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 3: Mùa không đặng cá - Ảnh 1.

Cảnh đìu hiu của “chợ” cá linh ở đồng nước gần Châu Đốc, An Giang - Ảnh: PHÚC HẬU

“Một trong những nguyên nhân chính làm giảm lượng cá linh là do đập thủy điện. Gần VN có thác Khone (Lào) là nơi sinh sản của các loài thủy tộc phía nam sông Mekong. Nhưng chỗ đó giờ đã xây đập thủy điện, khiến nhiều loài cá bị mất môi trường sinh sản, mà cá linh là điển hình. Thượng nguồn cá không sinh sản được thì lấy gì cung cấp cho hạ nguồn.

PGS.TS NGUYỄN VĂN KIỂM (chuyên gia nghiên cứu cá nước ngọt)

Cảnh buồn bên mỏ cá

Nhưng năm nay thì hình ảnh, cảm giác quen thuộc của bao mùa nước nổi đó không còn nữa...

Xế chiều. Như thói quen, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải (45 tuổi) lại chở nhau trên chiếc xe cũ, khệ nệ thêm hai chiếc giỏ hai bên, chạy băng băng ra bờ kinh Vĩnh Tế.

Hơn 10 năm sống bằng nghề mua bán cá của ngư dân vùng biên giới, anh nói thời điểm mình trông đợi nhất là những tháng nước lên phủ lênh láng đồng. Đó là mùa cá linh. Mùa làm ăn của người giăng câu, giăng lưới lẫn làm nghề mua bán cá như vợ chồng anh.

Khi ánh mặt trời chếch xiên qua những cành điên điển, những chiếc xuồng lưới nhẹ xuyên qua các phên cỏ ven bờ.

Không có hồ hởi, không có réo gọi. Chuyến lưới của vợ chồng ngư dân Bùi Văn Khải (55 tuổi, ấp Phú Nhất, xã An Phú, Tịnh Biên) trở về nhẹ tênh. Nét mặt họ mệt mỏi pha lẫn thất vọng về một chuyến lưới không đặng cá.

"Có nhiêu cá linh đâu mà mua", ông Khải nói trống không vào sự chờ đợi của vợ chồng thương lái Hải. Vợ anh Hải cười ngọt nhạt như an ủi: "Thì có bao nhiêu mua bấy nhiêu, hổng lẽ để khô cân".

Lọc lựa kỹ lắm, ông Khải mới mót được nhúm cá linh được coi là đắt giá nhất trong số mớ cá tạp nhỏ xíu mùa nước nổi. Hình như cũng không còn đủ kiên nhẫn, cả người bán, người mua đều nản ra mặt.

Trải biết bao mùa nước kiệt, nước nổi, vùng biên giới đầu nguồn này luôn là túi chứa cá từ khi tổ tiên cựu dân ở đây đi mở đất. Mới đây thôi, chừng hai, ba chục năm về trước, những ngư dân ven kinh Vĩnh Tế từng trải cảnh kéo lưới cá linh "nặng đến chìm xuồng".

Ông Khải bất giác kể trong tiếc nuối. Xuồng lưới về tới bờ kinh thì thương lái cứ xúm vào mua. Chủ lưới mần đặng cá, cũng chẳng thèm quan tâm đến việc cân kéo hay giá cả.

Đó là thời gian người dân vùng biên giới giáp Campuchia nói họ đã sống trên "mỏ cá". Những mùa nước lên, người người chỉ lo không đủ sức mà "hốt" những mẻ cá linh về. Chuyện một ghe xuồng lưới mỗi ngày kiếm vài trăm ký cá linh là thường tình.

Nhưng rồi, cái hình ảnh sống trên "của trời cho" ấy cứ được phủ lên những gam màu buồn dần. Những chuyến lưới ráng, lưới thêm để phải về muộn cũng không làm cho khoang xuồng đầy hơn. Ông Khải nói nhiều mùa lưới cá linh thất bát, hàng xóm đã bỏ luồng cá để lên miền Đông làm thuê, để lại cho ông đồng nước rộng hơn.

Vợ chồng ông mua thêm lưới, mở rộng đánh bắt, nhưng kết quả cũng chẳng khá gì hơn. Dần dần, các con ông cũng bỏ lưới, rời quê để tìm kế sinh cơ.

"Xứ này trước đây sống bằng nghề mần con cá linh khi vô mùa nước. Năm nay nước lên ít, cá không về, người ta bỏ xứ đi kiếm sống hết chú à! Nhưng thiệt là tình hình này thì nước nhiều cũng chưa chắc có cá. Tui còn núm níu với tay lưới vì mình có tuổi rồi, không mần ăn xa được", ông Khải buồn hiu.

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 3: Mùa không đặng cá - Ảnh 3.

“Quà của lũ”, chợ cá linh đầu cầu Tha La, An Giang hồi chưa cạn kiệt năm 2005 - Ảnh: PHÚC HẬU

Nghề "bao lô" cũng gặp khó

Bận trước, nếu dân vùng đồng ngập được mùa cá linh lên đồng, thì dưới các dòng sông, ngư dân cũng bội thu khi đến tháng nước rút. Những ngư dân vùng đầu nguồn đều không sao quên cảm giác đợi chờ mùng 10 tháng 10 âm lịch, là ngày "thả cửa" cá linh sông. Với họ, mùa cá thật sự bắt đầu từ những ngày này.

Như mọi năm, khi tháng 10 kéo về cùng những luồng gió bấc se sắt, những cánh đồng nước rút lòi bờ, cá bắt đầu theo lạch nước về sông thì ngư dân Trần Văn Khai (Bảy Khai, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, An Giang) lại sửa soạn lưới cho mùa cá linh sông.

Tuy nhiên, những mùa "mần cá trúng bộn" đã kết thúc với lão ngư này nhiều năm rồi. Ông kể thiệt bụng ngày trước chỉ cần vác chài ra sông chài cá chơi chơi để sắp nhỏ ăn vui miệng mà cũng bộn cá.

"Chỉ cần tung một chài thì không quân ngũ nào ăn cho hết. Cá linh rìa, cá linh ống nhiều quá xá binh thiên... Còn giờ, có chài mỏi tay cũng chẳng được mấy con", lão ngư thở dài, nói thời mình hưởng bổng lộc của dòng sông, còn đời con cháu phải ăn cá nuôi, chứ cá thiên nhiên cạn kiệt mất rồi.

Người ta kể chuyện bận trước, khi con nước tự do từ thượng nguồn chảy về từ tháng 7 thì cá linh cũng theo đó tìm lên những cánh đồng ngập mà sinh trưởng.

"Giờ con nước bị giam hãm từng khúc đầu sông, giữa sông, luồng cá cũng không được thoải mái di cư, sinh sản nữa", ông Nguyễn Văn Tý (Tám Tí, xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang) nói chuyện thời sự.

Ông cho rằng con nước mong đợi của người dân đã bị "giam" ở thượng nguồn Mekong, bầy cá vì vậy mà không về được nhiều như trước.

Không chỉ những ngư dân "tài tử" với mẻ lưới sông trước nhà, thửa ruộng phía sau; với những người làm ăn lớn, bỏ tiền "bao lô" vùng nước biên giới để khai thác cá linh cũng thật sự khó khăn sau những năm tháng gắn bó thành công.

Chúng tôi trở lại làng khô - mắm Khánh An, hỏi xóm giềng mới biết nhiều chủ lô đã bỏ nghề, bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Xã Khánh An (huyện An Phú) một thời gian nổi tiếng là xứ sở những chủ lô cá.

Mùa nước lên, họ đấu thầu thuê mặt nước để bảo vệ. Đến mùa cá đồng rút xuống kênh rạch cũng là những ngày thu hoạch cá linh thật sự.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, người nhiều mùa gắn bó với nghề "bao lô" cá linh, nhớ: "Chủ lô chỉ việc giữ đừng cho người lạ vào vùng nước đánh bắt hủy diệt. Tới khi nước xuống, mình chỉ giăng lưới. Cá linh theo con nước vào lưới. Có mùa trúng, cá vào lưới không kịp chở về, phải xả bỏ...".

Đó là ký ức mà anh Tùng cũng như nhiều ngư dân khác gìn giữ như giai thoại, bởi họ biết chắc rằng nó sẽ không bao giờ lặp lại.

"Cái gì cũng có thời. Hết thời con cá thì mình cũng chấp nhận thay đổi thôi. Níu kéo mãi cũng chẳng được gì", anh Phi Vân, người cũng nhiều năm làm lô cá trên những đồng nước biên giới, thở dài.

Anh cho biết nhiều ngư dân từng có tiếng trong nghề cũng bỏ đồng, đi làm ăn xa xứ như anh. Người còn kiên trì bám sông thì chuyển qua nghề nuôi cá, cũng coi như bám víu nghề "bà cậu".

Còn với Thanh Tùng, anh chỉ nói là mình phải đi xa hơn để tìm nguồn cá, nhưng không còn cảnh "bứa đụt", hay xả bỏ vì cá linh vào lưới quá nhiều.

"Mình hi vọng từng mùa cá sẽ khác. Năm sau biết đâu lại được bà cậu đãi", anh nói như tự an ủi mình dù trong lòng biết là khó có tương lai đó...

Khi con cá linh đồng trở nên hiếm hoi, đắt đỏ thì người ta tìm nguồn cá linh khác - loại cá linh khởi nguồn từ "chuyện bá láp" chục năm trước...

Kỳ tới: Đi tìm nguồn cá linh khác

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 1: Những mùa cá linh khẳm xuồng Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 1: Những mùa cá linh khẳm xuồng

TTO - "Nước không chưn sao kêu nước đứng/Cá không thờ sao gọi cá linh". Loại cá từng một thời đầy khẳm ghe xuồng ngư dân châu thổ phương Nam nay cạn kiệt dần và có thể trở thành… ký ức đẹp của ngày xưa xa vắng. Có cách nào để hồi phục?

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên