Màn hình phát tin cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 16-11 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một nhà hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Mỹ và Trung Quốc đều có những kỳ vọng riêng khi đều biết họ có những khác biệt không thể "giải quyết" chỉ trong một cuộc họp.
Kêu gọi tôn trọng nhau
Sau những chào hỏi mang tính ngoại giao, hai bên nhanh chóng vào thẳng các vấn đề quan tâm. Chính quyền của ông Biden muốn thể hiện quan điểm "căng thẳng phải được kiểm soát" để tránh bộc phát thành xung đột.
Nói cách khác, Mỹ cho rằng cạnh tranh Mỹ - Trung là xu thế kéo dài, họ muốn Trung Quốc là "quốc gia có trách nhiệm" và tuân thủ luật chơi để việc cạnh tranh không chệch khỏi khuôn khổ quốc tế.
Vấn đề Đài Loan được coi là vấn đề nhạy cảm, quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung và là chủ đề tốn nhiều thời gian nhất. Ông Biden nhấn mạnh Mỹ ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc" nhưng "phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan". Rõ ràng Mỹ không ủng hộ các hành động cưỡng ép của Trung Quốc với Đài Loan thời gian qua.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc thuật lại lời ông Tập đã nói với ông Biden rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện các "biện pháp quyết định" nếu Đài Loan vượt "lằn ranh đỏ". Có thể thấy chính sách của cả hai bên về Đài Loan không có gì thay đổi. Cuộc họp chỉ là dịp để họ nhắc lại quan điểm nhất quán về việc này mà thôi.
Tổng thống Biden kế thừa mối quan hệ Mỹ - Trung không êm ả từ chính quyền tiền nhiệm, và luôn cảm thấy sức ép từ các nghị sĩ Cộng hòa phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. Thông cáo của Nhà Trắng cho biết ông Biden đã nêu quan ngại về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong.
Thẳng thắn
Ngoài ra, chính sách thương mại của Washington với Bắc Kinh cũng không thay đổi khi ông Biden nhấn mạnh "sự cần thiết phải bảo vệ người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ trước các hoạt động thương mại và kinh tế không công bằng" của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Tập muốn phía Mỹ ngừng "chính trị hóa" cũng như viện cớ "lợi ích an ninh quốc gia" để chèn ép các công ty Trung Quốc như việc các hãng Huawei, SMIC và Hikvision bị cấm đầu tư tại Mỹ. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khởi lên dưới thời ông Trump và chưa có dấu hiệu chấm dứt dưới thời ông Biden.
Trong khi đó, cách nói của ông Tập cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn kết thúc cuộc chiến này. Thỏa thuận hợp tác ban đầu giữa Mỹ và Trung Quốc về biến đổi khí hậu vẫn không che lấp được sự khác biệt ngày càng lớn đang định hình quan hệ Mỹ - Trung.
Điểm sáng lớn nhất của cuộc họp chính là việc cả hai bên đã thẳng thắn thể hiện quan điểm của họ. Điều này sẽ giúp thế giới tránh được những tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột. "Cạnh tranh" có thể là từ khóa cho quan hệ Trung - Mỹ trong vài thập niên tới, dù cho có thêm các cuộc họp thượng đỉnh nào khác nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận